Đất lửa nở hoa

Thiên nhiên khắc nghiệt, cùng với sự tàn phá khủng khiếp của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã khiến vùng đất Bình Sơn chịu nhiều đau thương, mất mát, trở thành "đất lửa" của tỉnh Quảng Ngãi. Hôm nay, hơn nửa thế kỷ đi qua sau khói bom, vết thương chiến tranh được hàn gắn, Bình Sơn đã hồi sinh, như "cây xương rồng miền trung" vững vàng vươn lên trên miền cát trắng, đón sóng vươn khơi trước Biển Đông hùng vĩ.

Điều hành sản xuất tại trung tâm Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Điều hành sản xuất tại trung tâm Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Vùng “đất lửa” năm xưa

Khi nói đến Quảng Ngãi, không thể không nhớ về chiến thắng Vạn Tường, một trong những mốc son lịch sử ghi dấu tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm với khát khao độc lập, tự do của người dân ở mảnh đất này. Trận đánh Vạn Tường diễn ra ngày 18-8-1965 - trận đánh vang dội diệt Mỹ quy mô lớn đầu tiên của quân và dân miền nam. Trong suốt một ngày đêm chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, quân và dân Quảng Ngãi đã phối hợp nhịp nhàng với Trung đoàn 1, Đại đội 31 địa phương và lực lượng dân quân du kích các khu đông ven biển huyện Bình Sơn, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân lớn mang tên “Ánh sáng sao” của Mỹ. Quân ta tiêu diệt 919 lính Mỹ; bắn cháy 22 xe tăng, xe bọc thép; bắn rơi 13 máy bay và phá hủy hoàn toàn nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại của địch. Đây là trận đánh phủ đầu giáng đòn chí tử vào lính thủy đánh bộ Mỹ - một binh chủng được xem là thiện chiến, tối tân của quân đội Mỹ lúc bấy giờ. Chiến thắng Vạn Tường khẳng định quân và dân ta có khả năng đánh bại hoàn toàn giặc Mỹ xâm lăng. Ngày nay, lịch sử Đảng bộ huyện Bình Sơn đã ghi lại nhiều chiến công hiển hách của người dân nơi đây góp phần vào chiến thắng chung của tỉnh Quảng Ngãi và của cả dân tộc trong các cuộc đấu tranh giành độc lập tự do. Người Bình Sơn đã đi vào lịch sử của dân tộc bằng tinh thần quật khởi và yêu cuộc sống hòa bình.

Vùng “đất lửa” Bình Sơn được thiên nhiên ban tặng vịnh Dung Quất, người dân địa phương thường gọi là Vũng Quýt, biển quanh năm hiền hòa, được bao bọc bởi dãy núi Nam Châm và mũi Co Co với hình vòng cung chắn gió, thuận lợi cho ngư trường khai thác. Tuy nhiên, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này cách đây 20 năm vẫn còn xơ xác, bởi hậu quả chiến tranh chưa khắc phục xong. Cái nghèo, cái khó vẫn đeo bám cuộc sống của người dân nơi này, cái ăn, cái mặc không đủ no, đủ ấm. Không ít con em của vùng “đất lửa” khó khăn trong việc đến trường, học chữ để thay đổi cuộc sống. Họ theo gia đình lênh đênh trên những con thuyền thúng đơn sơ, loanh quanh trong vịnh Dung Quất phẳng lặng. Mảnh đất Bình Sơn có thể vẫn sẽ còn nghèo khó, vịnh Dung Quất có thể sẽ vẫn mãi lặng sóng, đồi Nam Châm vẫn sẽ mãi lặng thầm trước vùng biển giàu tiềm năng, nếu không có "mốc son lịch sử thứ hai" diễn ra trên mảnh đất này. Đó là mốc son đánh dấu bản lĩnh, trí tuệ, lòng quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và một thế hệ công dân thứ hai sau chiến tranh; khẳng định tầm vóc Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập. Đó là sự hiện diện của Khu kinh tế Dung Quất (KKTDQ) - Quảng Ngãi gắn sân bay Chu Lai và Khu kinh tế mở Chu Lai - Quảng Nam rất năng động, tỏa sáng, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội không những ở địa phương mà cả khu vực miền trung - Tây Nguyên.

Hoa trên cát

KKTDQ hiện đã quy hoạch hơn 45 nghìn ha, nằm trên vùng đất cát ven biển của chín xã khu đông của huyện Bình Sơn. Khu đô thị Vạn Tường được quy hoạch phát triển hiện đại nằm ngay vùng “đất lửa” năm xưa, cảnh quan gắn với vịnh nước sâu Dung Quất. Sau hơn 15 năm hình thành, KKTDQ đang tạo bước đột phá, thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước. Ngày nay, có dịp về thăm Dung Quất, chúng ta sẽ thấy hoa đang nở trên vùng đất cát, với những công trình, nhà máy đồ sộ, hiện đại hoạt động thường xuyên, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước. Với đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm là công nghiệp nặng và lọc hóa dầu, KKTDQ được kỳ vọng là bước đột phá mới cho khu vực miền trung. Phó Trưởng Ban quản lý KKTDQ Lê Văn Dũng cho biết: Với sự chuyển động nhanh của KKTDQ, bước đầu đã xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm vùng đất cát nghèo khó năm xưa sớm đơm hoa, kết trái. Đó là một khu kinh tế năng động, tỏa sáng, đến nay đã thu hút 121 dự án, tổng vốn đầu tư 10,4 tỷ đô-la Mỹ. Năm 2014, giá trị sản lượng công nghiệp của khu kinh tế này đạt gần 124.000 tỷ đồng; hàng hóa qua cảng nước sâu Dung Quất đạt hơn 14 triệu tấn; thu ngân sách trên địa bàn khu kinh tế đạt 24.500 tỷ đồng. Sự phát triển, tăng trưởng vượt bậc của KKTDQ đã đưa tỉnh Quảng Ngãi từ một tỉnh thuần nông trở thành địa phương nằm trong tốp thu ngân sách dẫn đầu cả nước.

Trong đó, Nhà máy lọc dầu Dung Quất xây dựng ngay trên vùng cát trắng, gắn với vịnh Việt Thanh - nơi đặt nền móng hình thành trung tâm lọc hóa dầu đầu tiên của cả nước. Chúng tôi thăm nhà máy trong một buổi sáng cuối tháng 8 này, gặp hàng nghìn công nhân, kỹ sư trẻ đang hối hả vào ca sản xuất. Đứng ở trung tâm nhà máy, dễ dàng nhìn thấy bức tượng bán thân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được đặt trang trọng, uy nghiêm tại vườn hoa, cây xanh. Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong thời gian giữ trọng trách đứng đầu Chính phủ, đã thuyết phục Bộ Chính trị và sự thống nhất trong Chính phủ để đưa Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam về xây dựng tại KKTDQ, thuộc huyện Bình Sơn. Vào thời điểm bấy giờ, tuy đã được quy hoạch trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung, nhưng Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp so với nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực. Dải đất chạy quanh vịnh Dung Quất, nơi đặt Nhà máy lọc dầu lại nằm trong vùng khốn khó nhất đồng bằng - ven biển Quảng Ngãi. Thiên nhiên khắc nghiệt cộng với sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh đã khiến nơi này trở thành vùng “đất lửa”. Cả một vùng mênh mông cát trắng, đó đây lác đác mấy khóm gai quýt dại, quắt queo chịu đựng dưới ánh nắng gay gắt mùa hè.

Quả như thế, Nhà máy lọc dầu Dung Quất “như cây xương rồng miền trung” mọc trên cát với niềm mong đợi của người Quảng Ngãi, của người miền trung, của đồng bào cả nước, đã nở ra những bông hoa cháy đỏ, những bông hoa cộng sinh, chắt lọc từ khổ sở và nhọc nhằn, từ niềm tin và ý chí. Từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức cho ra mẻ sản phẩm đầu tiên tháng 2-2009 đến nay đã vận hành chế biến được hơn 33 triệu tấn dầu thô, cung ứng cho thị trường hơn 31 triệu tấn sản phẩm xăng dầu, đạt tổng doanh thu hơn 619 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách Nhà nước hơn 100 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, Nhà máy đang hoạt động hết công suất, đáp ứng hơn 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước, đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước.

Từ hiệu quả của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đã tận dụng cơ hội thu hút các dự án hóa dầu, hình thành trung tâm lọc hóa dầu đầu tiên của cả nước. Các Nhà máy nhựa Polypropylen, Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, trạm cung ứng pha trộn xăng dầu đã được các doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt cho tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương lân cận.

Mảnh đất Bình Sơn hôm nay đã mang một một bộ mặt mới với nhiều trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ trung tâm… Nhiều con đường nhựa phẳng lỳ thuận lợi cho việc đi lại và thông thương hàng hóa. Cuộc sống của bà con được nâng cao đáng kể. Nhiều con em của người dân Bình Sơn giờ là kỹ sư, công nhân của Nhà máy Lọc dầu và các nhà máy trong KKTDQ. Và Bình Sơn, bằng hào khí của quá khứ và hiện tại, đã thêm một lần nữa đi vào lịch sử xây dựng đất nước. Bằng hào khí đó, vùng “đất lửa” Vạn Tường năm xưa nay đã nở hoa vững bước đi lên, như những cột lửa của Nhà máy lọc dầu Dung Quất vươn mình vút cao giữa trời xanh và trước Biển Đông hùng vĩ!

Đất lửa nở hoa ảnh 1

Kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty Doosan Vina (Khu kinh tế Dung Quất)