Dân đất Cảng

NDO -

NDĐT- Đã khá lâu, dễ có đến năm năm, tôi mới có dịp từ TP Hồ Chí Minh bay ra Hải Phòng. Và như tôi mong muốn, một chuyến đi cứ như không mục đích, rất ngẫu hứng, la cà, vui đâu chầu đấy, gặp những người bạn mới cũ, rồi đi tìm và dừng lại ở một nơi có điểm nhấn, tìm một gương mặt mà tôi ấn tượng nhất, rồi khi về lại mảnh đất phương nam tôi lại ngồi thao thiết với đề tài mình tâm đắc này mà viết lại những gì mình thu lượm, gặt hái sau chuyến đi đó.

Dân đất Cảng

Nhà báo Hà Linh Quân, đồng nghiệp cũ ở Báo Lao Động, là người đã rất nhiệt tình và chu đáo giúp tôi phác thảo bức tranh mới về Hải Phòng hôm nay. Anh lấy xe máy chở tôi đi một vòng, giới thiệu từng nét mới của thành phố với những thông tin ngồn ngộn của một nhà báo, một công dân thứ thiệt của đất cảng. Là một người kỹ tính, anh chỉ đến những nơi chính hiệu của dân Hải Phòng, gặp những người sành điệu và hiểu rõ đất cảng, ăn ở quán có món gì đó để nhớ, và chỉ nói những câu chuyện mà bạn bè thật sự tâm đắc.

Cuối cùng, anh chở tôi đến gần chợ Sắt đặc trưng của Hải Phòng. Thấy tôi ngơ ngác vì khung cảnh nơi đây khác xưa khá nhiều, anh bảo: “Ông thấy khác vì nơi đây bây giờ đã hiện diện một cây cầu, do một doanh nhân xây tặng”.

Và trước khi kết thúc chuyến đi, tôi đã tìm đến ông Tạ Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường, người vừa bỏ tiền túi xây tặng người dân Hải Phòng cây cầu Tam Bạc mới nối khu trung tâm thành phố từ chợ Sắt sang phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng.

Con đường từ trung tâm thành phố đến công ty của ông Tạ Quyết Thắng đầy những chiếc cần cẩu và hàng núi container, trông như vườn thú nuôi hươu cao cổ. Ông Thắng ra tiếp chúng tôi, vẻ mặt bận rộn với chiếc điện thoại không ngừng reo chuông.

Ông bảo: Hồi xưa người ta gọi ông là Thắng “rau" bởi ông từng là một Chủ nhiệm Hợp tác xã rau ở huyện An Dương, chuyên xuất khẩu rau xanh sang Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Rồi ông trở thành Trưởng phòng Nông nghiệp trẻ nhất thời ấy của Hải Phòng.

Tranh thủ lúc chờ ông Thắng đi pha trà, anh bạn nhà báo đồng hành với tôi bảo: “Sau khi Luật doanh nghiệp ra đời, ông Thắng đã “từ quan" để mở công ty riêng, trở thành một trong sáu doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của thành phố Hải Phòng. Công ty Sơn Trường gặt hái thành công trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, nhất là đầu tư sản xuất cọc bê-tông và trở thành một nhà thầu có tiếng thi công các cảng biển từ bắc vào nam.

Tôi thấy trên tường phòng làm việc của ông có một câu giống lời tâm tình hơn là slogan: “Lặng lẽ khẳng định chất lượng”. Một số bằng khen, vài bức tượng, đồ vật mạ vàng óng ánh tương phản một cách khó nói với hai chiếc điện thoại gần như cùi bắp của ông. Trong phòng làm việc của ông có nhiều thứ để ngắm, nhưng tôi thích tấm hình chụp cả gia đình ông treo trong góc phòng. Bốn thành viên, mỗi người một gương mặt sáng, tự tin, mỗi người có một đam mê và một công việc riêng bên cạnh nhiệm vụ ghé vai chung tay vun đắp sự nghiệp chung của gia đình. Con trai con gái ông đứa nói tiếng Anh như gió, đứa nói tiếng Trung như người Hoa. Và cả nhà việc ai nấy làm, có vẻ không muốn dựa dẫm vào uy danh của bố lắm. Cái chất người Hải Phòng là ăn sóng nói gió, là trực tính, nói đi đôi với làm, cái chất lính là quyết đoán, có lẽ trong người đàn ông U70 này có cả.

Dân đất Cảng ảnh 1

Ông Tạ Quyết Thắng (trái) tại phòng làm việc.

Cái chất riêng đó vừa đưa anh đến một quyết định xôn xao dư luận: Tặng hẳn một cây cầu bền vững trăm tỷ cho người dân thành phố. Chuyện là từ một buổi tiếp xúc đầu năm, lãnh đạo quận Hồng Bàng có gợi ý Công ty Sơn Trường nên nhận thầu thi công cây cầu Tam Bạc mới với tổng vốn đầu tư khoảng 80 tỷ đồng. Nhưng đó là chỉ cây cầu cảng dành cho xe máy, xe thô sơ và người đi bộ? Sao không xây cầu cho cả xe ô tô đi qua? Lý do chỉ là thiếu kinh phí? Ông Thắng quyết định không tham gia thầu thi công mà tự bỏ tiền túi xây tặng luôn cây cầu cho thành phố.

Tôi hỏi:

- Sao ông không vừa nhận thi công với số tiền quận Hồng Bàng đầu tư là 80 tỷ đồng, vừa bỏ thêm tiền nâng cấp cầu thành cầu lớn hơn dự án?

Ông lại nhỏ nhẹ:

- Vậy thì nói làm gì, tôi muốn tự mình đầu tư để được xây cái cầu theo ý mình, tức là thi công theo cái cách của mình. Thực tình là tôi muốn thử nghiệm cách thi công mà tôi mới học hỏi từ nước ngoài, vừa nhanh hơn vừa có chi phí ít hơn là mức dự án đề ra.

Và ông đã hoàn thành cây câu Tam Bạc đúng là nhanh hơn, rẻ hơn với mức kỷ lục. Còn tôi thì lại thích cái điều mà ông không thích nói đến.

Đó là điều mà anh đồng nghiệp ma xó Hải Phòng của tôi tiết lộ: Công ty Sơn Trường không có bất cứ một đòi hỏi, điều kiện nào với thành phố khi nhận xây cầu hiến tặng cho nhân dân. Thậm chí khi có lãnh đạo thành phố gợi ý, doanh nghiệp có muốn đặt tên Sơn Trường hay Quyết Thắng cho cây cầu thì ông Thắng nói: "Tên cầu nên để nhân dân, cụ thể là Hội đồng nhân dân quận Hồng Bàng đặt theo đúng thẩm quyền”.

Giờ tôi mới nhận ra anh Hà Linh Quân cho tôi đi xe máy là để giúp tôi thấy được ngóc ngách của thành phố Cảng, để thấy sự đổi thay trên từng góc phố, từ nơi giải tỏa đền bù mà diễn ra yên ả, từ nơi đổi đất lấy công trình, nơi giải phóng mặt bằng cho phố thị mọc lên, đến nơi trả lại diện tích không gian công viên cho người dân hít thở không khí trong lành, nơi một di tích nhà tù thời Pháp thuộc cũng thành một điểm du lịch. Cầu vượt qua sông Tam Bạc rộng 21m, trong đó lòng đường 9m, vỉa hè hai bên 6m, sau này sẽ quy hoạch hai bờ sông thành phố đi bộ. Công đầu là do sự quyết đoán đầy tâm huyết của các cấp lãnh đạo, nhưng không thể không nói đến sự đồng tình ủng hộ của người dân đất Cảng.