"Cõng" trường lên núi

Một điểm trường mới khang trang thay thế cho lớp học vách nứa đơn sơ mà hơn mười năm nay đều phải dựng lại mỗi khi mùa mưa bão đến. Điểm trường như một ánh sáng núi rừng biên giới xa xôi hẻo lánh của Tổ quốc mà nhóm Tình nguyện Niềm tin cùng các nhà hảo tâm đã dành tặng cho các em học sinh tại bản Nậm Vì, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên trước thềm năm học mới.

Các em học sinh trong lớp học mới tại điểm trường Nậm Vì, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên).
Các em học sinh trong lớp học mới tại điểm trường Nậm Vì, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên).

Hành trang xây trường

Hai năm trước đây, con đường đi đến điểm trường ở bản Nậm Vì thật chông chênh, vất vả. Vượt hơn một nghìn km từ Hà Nội trên những con đường quanh co khúc khuỷu, đường núi hiểm trở, chúng tôi mới thấm được sự gian truân của những đứa trẻ nơi đây khi đi tìm cái chữ. Cả bản Nậm Vì có hơn 80 hộ dân, phần lớn là người Mông sống chủ yếu dựa vào làm nương rẫy, tuy nhiên bản lại ở trên cao, xa sông suối nên các hộ dân thường xuyên rơi vào cảnh đói ăn mùa giáp hạt.

Điểm trường Nậm Vì trước kia được dựng bằng tre, nứa. Cứ hết kỳ nghỉ hè, các thầy cô giáo của Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải lại lấy tre nứa, bạt gia cố lại lớp học. Có năm mùa mưa bão, thầy trò vừa chạy ra khỏi lớp học thì trường sập. Là một trong những người đầu tiên khảo sát để xây dựng điểm trường mới, bạn Hoàng Hoa Trung, phó nhóm Tình nguyện Niềm tin cho biết: "Điều kiện phòng học ở đây còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. Trường học được chia thành ba gian tuềnh toàng, xiêu vẹo. Có gian còn bị thủng lỗ chỗ, các em học sinh có thể thò đầu từ bên ngoài vào để xem bên trong các thầy cô dạy chữ. Còn bàn ghế thì được chế từ những thân gỗ gồ ghề, cái cao cái thấp".

Chính vì mong muốn có một điểm trường khang trang, kiên cố, không lo tốc mái mỗi khi mùa mưa bão đến, các thành viên trong nhóm Tình nguyện Niềm tin trong nhiều năm qua đã biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể để các em học sinh rẻo cao có được một trường học đúng nghĩa. Nhớ lại những tháng ngày lặn lội sang Bát Tràng để kiếm những chiếc bát hoa, bình gốm đem bán lấy tiền gây quỹ xây trường, bạn Nguyễn Thùy Linh, thành viên của nhóm chia sẻ: "Đó là những ngày Hà Nội nắng như đổ lửa, các bạn sinh viên chúng tôi cùng nhau đạp xe sang đó. Thời gian đầu, đi mười nhà thì chín nhà từ chối nói chuyện. Sau khi đến gặp được 30, 40 hộ thì chúng tôi đã may mắn nhận được sự giúp đỡ của bốn hộ gia đình. Họ đã tặng chúng tôi rất nhiều đồ gốm, có đồ còn mới, có đồ bị chút lỗi nhưng đều sử dụng được". Vậy là sau hơn một năm kiên trì đi nhặt từng chiếc bát gốm, lọ hoa ở Bát Tràng, đi bán bảo hiểm xe máy, bán áo phông ở các hội chợ, nhóm Tình nguyện Niềm tin đã vận động được gần 400 triệu đồng, trong đó có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để cùng chung tay vào thực hiện kế hoạch xây trường theo đúng kế hoạch.

Trường đẹp cho em

Với sự cố gắng miệt mài của nhóm Tình nguyện Niềm tin, vừa qua, điểm trường kiên cố, khang trang với trị giá hơn 380 triệu đồng tại bản Nậm Vì, xã Chung Chải đã được khánh thành. Điểm trường đã đi vào hoạt động sau hơn một tháng thi công với ba phòng học tiêu chuẩn rộng gần 100 m 2, khu vệ sinh, bể nước, được xây dựng bằng phương pháp gạch không nung, thân thiện với môi trường, phù hợp với khí hậu vùng núi cao. Bên cạnh đó, các em học sinh càng thêm háo hức, thích thú hơn với khu vui chơi với xích đu, hệ thống trò chơi vận động bằng lốp chôn, sân bóng đá, bóng rổ, cầu lông, giàn hoa... Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải Phạm Văn Khiêm, mừng rỡ chia sẻ: "Nhìn ánh mắt nụ cười của con trẻ có thể thấy được các em vui mừng đến nhường nào. Chúng tôi và các bậc phụ huynh đều cảm thấy yên tâm hơn khi học sinh có một môi trường học tập chất lượng và thân thiện".

Trong số gần 50 học sinh được học trong điểm trường mới, chúng tôi xúc động nhất khi gặp em Thái với biệt danh "cậu bé hái măng". Hoàn cảnh gia đình Thái gặp nhiều khó khăn, mới bảy tuổi mà em đã nhiều lần bỏ học đi lang thang khắp bản, vào rừng nhặt măng để ăn và chăm sóc em. Trước khi xây điểm trường mới, lần nào gặp Thái chúng tôi đều tặng em hộp mầu, sách vở mới và căn dặn: "Thái phải đi học nhé, sắp có trường đẹp, bàn ghế đẹp, nước sạch và khu vui chơi nữa. Ngày khánh thành trường, chúng tôi cũng háo hức như lũ trẻ lần đầu vào lớp. Gặp Thái, chúng tôi hỏi: "Em Thái chịu đi học rồi đó à?". Cậu bé cười ngượng nghịu, gật đầu rồi nói với giọng lơ lớ: "Em đi học rồi nè!".

Tiếng ve kêu, hoa phượng nở đỏ rực một góc trời, những trang sách, cuốn vở của một năm học đã khép lại. Nhưng từ bây giờ, cuộc sống của các em học sinh tại bản Nậm Vì sẽ dần bước sang một trang mới tại điểm trường mới khang trang, đầy đủ hơn.