Cô Tô, nơi cán bộ “thử sóng”

Là huyện đảo tiếp giáp đường phân định vịnh Bắc Bộ, nhưng Cô Tô (Quảng Ninh) đã hoàn thành tất cả các tiêu chí nông thôn mới; ngành du lịch phát triển vượt bậc. Thành quả đó thấm đẫm mồ hôi ngư dân trên đảo, nhưng cũng mang đậm dấu ấn của những cán bộ trong đất liền hằng ngày “cưỡi sóng” ra công tác tại đảo.

Một góc Cô Tô (Quảng Ninh) hôm nay.
Một góc Cô Tô (Quảng Ninh) hôm nay.

Nhiều tiềm năng đang được khai thác

Buổi sáng, từng đoàn thuyền nối nhau rời vịnh Cái Rồng hướng ra Cô Tô, chở theo đủ thứ từ dụng cụ sinh hoạt đến vật liệu xây dựng. Tám tháng đầu năm nay, Cô Tô đón hơn 130 nghìn lượt khách, cao hơn hai lần dân số của đảo. Doanh thu từ du lịch trong những tháng đầu năm nay xấp xỉ 200 tỷ đồng.

Trong chuyến thăm Cô Tô, chúng tôi cùng du khách thắp hương tưởng niệm Bác Hồ, ôn lại lời dặn dò của Người với nhân dân khi ra thăm đảo tháng 5-1961. Ngày đó, sau khi thăm nhiều thôn xóm, thăm bộ đội và một số cơ sở sản xuất, Bác khen nhân dân trên đảo đã đồng tâm hiệp lực khắc phục khó khăn, thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm và căn dặn bà con tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh nghề cá, giúp đỡ bộ đội bảo vệ hải đảo. Ngày nay, Cô Tô đã trở thành hòn đảo tiền tiêu, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với mong đợi của Bác Hồ. Bình quân thu nhập đầu người của đảo đạt 40 triệu đồng năm 2015.

Đồng chí Hoàng Bá Nam, tân Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh đảo. Xe chạy qua những khu rừng rậm rạp, những bãi biển nguyên sơ, đâu đâu cũng thấy một mầu xanh. Những vòm cát trắng cũng được trồng phi lao làm rừng phòng hộ. Xe điện chở khách du lịch là phương tiện giao thông chủ yếu, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Nhiều ngôi nhà mới hai, ba tầng đang mọc lên, minh chứng sự gắn bó lâu dài với vùng biển đảo này.

Kể từ khi đảo có điện lưới quốc gia, có nước ngọt dự trữ và tự chủ được lương thực, thực phẩm, người dân trên đảo đã vay hơn 130 tỷ đồng để đầu tư cho nghề cá và du lịch. Bí thư Huyện ủy Hoàng Bá Nam nói, tiềm năng của Cô Tô rất lớn, quanh đảo có hàng chục bãi tắm tự nhiên, rừng nguyên sinh phong phú các chủng loại thực vật, cảnh quan tuyệt đẹp và một số vịnh nước sâu. Đảo còn nhiều tiềm năng để khai thác và “tăng tốc”, trong đó, những người dân đảo đôn hậu, chất phác và hiếu khách là điều kiện cơ bản để phát triển bền vững. Huyện đang đề nghị mở rộng đường xuyên đảo lên hai làn xe, nâng cấp cảng tàu du lịch, đầu tư hạ tầng thương mại để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Đảo nhỏ, thử thách lớn

Qua câu chuyện với bà con làm ăn sinh sống trên đảo, tôi càng thêm hiểu, để có hòn đảo đẹp trù phú như hiện nay, nhiều thế hệ cán bộ, bộ đội và người dân phải hy sinh hạnh phúc riêng tư. Cô Tô đã đón nhiều cán bộ trẻ từ các cơ quan tỉnh và họ xem đây như một lần “thử sóng”, không phải ai cũng thành công. Ở nơi cái nắng cũng mặn hơi muối, thường xuyên nghe gió bão thét gào, con người phải sống hết mình với cái tâm, làm việc hết tầm thì mới đứng vững. Một cán bộ đã nhiều năm tiếp xúc với dân biển “bật mí”: Làm cán bộ lãnh đạo ở đảo, nói nhiều quá không ai nghe, nói ít cũng không được. Tốt nhất là vừa làm vừa nói, làm thật tốt mới dễ nói. Đảo chỉ có vài nghìn dân. Người dân Cô Tô coi cán bộ huyện như người nhà, vì họ ít khi ở trụ sở, ngày nào cũng xuống với dân, trò chuyện với dân. Buổi trưa cán bộ huyện ăn cơm tập thể, buổi chiều về sinh hoạt cùng các khu dân cư. Mười năm trở lại đây, có ba cán bộ Tỉnh đoàn Quảng Ninh được điều động ra làm Bí thư Huyện ủy. Một người không qua được “sóng”, trượt Ban chấp hành tại Đại hội Đảng bộ huyện. Người thứ hai là Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Đức Thành, được điều ra làm Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Cô Tô. Sau năm năm lăn lộn cùng bà con trên đảo, anh để lại nhiều dấu ấn tốt, cùng Huyện ủy đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh. Nhiệm kỳ này đến lượt anh Hoàng Bá Nam, Bí thư Tỉnh đoàn ra “thử sóng”. Anh Nam tự tin giới thiệu đội ngũ cán bộ huyện nhiều kinh nghiệm, gần 30 cán bộ chủ chốt có trình độ thạc sĩ, mọi cán bộ trên đảo đều coi việc công như việc nhà.

Anh Mai Tuấn Phượng, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Cô Tô giới thiệu: Huyện có ba đơn vị cấp xã, hầu hết là cư dân nơi khác đến, mỗi người mỗi nghề nhưng đã ra đảo là gắn bó lâu dài, vì cuộc sống thoải mái, dễ chịu. Anh Phượng ra đảo cách đây 24 năm. Ngày ấy, Cô Tô còn hoang sơ lắm. Gia đình anh vẫn ở cảng Cái Rồng. Suốt mấy chục năm anh cứ vượt sóng đi đi về về như thế, khi nào vợ nhớ quá thì đi tàu ra thăm chồng. Còn sáu năm nữa mới đến tuổi về hưu, anh bộc bạch, lúc đó vẫn định cư trên đảo, gắn bó với đảo, với dân ngần ấy năm rồi, xa nhớ lắm.

Huyện đảo là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế theo Đề án của Tỉnh ủy Quảng Ninh. Vừa qua, huyện đã hợp nhất một số đơn vị, phòng, ban. Một số Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo như Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện; Phó Chủ tịch HĐND huyện kiêm Trưởng ban Tuyên giáo; Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện kiêm Trưởng ban Dân vận,... Nhân sự các thôn bố trí theo hướng bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, các chi ủy viên làm phó thôn và trưởng ban công tác mặt trận. Bước đầu, huyện đã giảm bộ máy quản lý ở cấp huyện, cấp xã và cấp thôn, giảm nhân lực ở các cơ quan sự nghiệp, tiết kiệm chi phí hội họp và cơ sở vật chất. Đảm đương cả hai cương vị Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Hoàng Bá Nam phát biểu thẳng thắn trước hội nghị cán bộ huyện: “Việc kiêm nhiệm dễ dẫn đến chuyên quyền, độc đoán, nên cần có cơ chế giám sát tốt của cấp ủy, của người dân với cán bộ. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thực hiện đúng quy chế tập trung dân chủ khi làm việc”.

Trở về đất liền, con tàu chồm lên sóng cấp ba, khiến một số khách e ngại. Bác lái tàu cao tốc quay lại trấn an: “Sóng thế này đã là gì đâu. Sóng bạc đầu mới sợ”. Nói là sợ, nhưng bác cười rất tươi: Người Cô Tô đã quen với sóng, với gió, chỉ sợ người đất liền không sống hết mình thôi.