Chuyện ở vùng lòng hồ thủy điện Sơn La

Những ngày cuối tháng 5, khi cơn lũ tiểu mãn đang về bổ sung lượng nước mới, hồ thủy điện Sơn La lộ ra một vẻ đẹp riêng. Ở vùng đất bán ngập ấy, người dân tranh thủ sản xuất, đánh bắt cá, cuộc sống như bận rộn hơn. Sau hơn 10 năm thực hiện công tác di dân tái định cư (TĐC) và sáu năm lòng hồ bắt đầu tích nước, cuộc sống của người dân dường như mới tạm ổn định. Khai thác tiềm năng lòng hồ, ổn định cuộc sống bền vững cho người dân là câu chuyện còn dài và không dễ dàng…

Một góc khu tái định cư Phiêng Lanh - trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai mới.
Một góc khu tái định cư Phiêng Lanh - trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai mới.

Tiềm năng lòng hồ

Tôi mới được tham gia đoàn công tác của Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông - Nam Á, một tổ chức phi chính phủ thực hiện nghiên cứu lòng hồ thủy điện Sơn La. Dẫn đầu đoàn là ông Lù Que, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Cả chuyến đi, nhớ mãi câu nói của ông, rằng: “Lần này ta đi là để xem lòng hồ và lòng dân…!”.

Trước chuyến đi này, tôi được cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sơn La khảo sát, đánh giá tiềm năng lòng hồ. Đi trên hồ thủy điện vào mùa nước nổi, rồi lại đi vào mùa nước cạn, cái cảm giác ấy thật thú vị. Từ đập thủy điện Sơn La ngược về phía thượng nguồn đập thủy điện Lai Châu, hồ có chiều dài 175 km, nơi rộng có chỗ tới 5 km. Đây là một trong những hồ thủy điện rộng lớn, với diện tích 224 km2, dung tích hồ chứa 9,26 tỷ m3 nước. Vào mùa nước nổi vẻ đẹp của hồ thủy điện Sơn La được ví như vịnh Hạ Long thứ hai. Đẹp nhất có lẽ phải kể đến khu vực cầu Pá Uôn, ở trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ, với những dãy núi đá xen vào nhau như bức tường thành, những hòn đảo nhấp nhô soi bóng xuống mặt hồ xanh biếc, vẽ nên một bức tranh thiên nhiên đầy quyến rũ. Giữa lòng hồ, nơi tiếp giáp ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, người dân vẫn gọi là Huổi Sói, những ngọn núi đá vôi cao sừng sững mở ra một vùng nước non hùng vĩ, đẹp đến lạ lùng. Để làm nên vẻ đẹp ấy, dưới lòng hồ này hàng chục nghìn hộ dân của ba tỉnh đã thực hiện một cuộc di dời đầy hy sinh gian khó, vì dòng điện của Tổ quốc.

Nói tới tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La, ngoài mục tiêu tích nước phát điện, góp phần chống lũ, điều tiết nước cho vùng hạ du, thì hiện nay đang mở ra những điều kiện mới để phát triển du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, phát triển giao thông vận tải thủy… Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La và Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra mục tiêu phát triển du lịch lòng hồ gắn với phát triển kinh tế, nuôi trồng đánh bắt thủy sản, phát triển giao thông vận tải thủy. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang hoàn thiện chính sách đề án quy hoạch, phát triển du lịch, phục dựng các lễ hội, giá trị bản sắc văn hóa dân tộc,… Tại huyện Quỳnh Nhai, thời gian qua đã phục dựng lễ hội gội đầu, đua thuyền truyền thống, xây dựng đền thờ Nàng Han, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư hàng chục tỷ đồng phát triển du lịch, mở ra triển vọng mới trên hồ thủy điện Sơn La.

Từ khi hình thành lòng hồ, người dân ở đây có thêm nghề đánh bắt cá. Khoảng hai đến ba năm đầu mới tích nước, cá ở đây nhiều vô kể, có hộ dân dùng vó bè một đêm thu vài ba tạ cá, tôm. Bến thuyền Chiềng Ơn ngày ngày thu mua, trao đổi hàng chục tấn cá, tôm đưa về xuôi tiêu thụ. Nay lượng cá, tôm đã giảm, đánh bắt tự nhiên không dễ, bà con đang chuyển dần sang nuôi cá lồng và những nghề gắn với thế mạnh lòng hồ. Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP, nguồn sinh thủy ở đây rất phù hợp nuôi cá lồng, cá tầm, nếu khai thác tốt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đi trên hồ thủy điện vào những ngày này, hàng nghìn lồng cá, vó bè, phương tiện đánh bắt cá thường xuyên hoạt động cho thấy sức sống sôi động, mạnh mẽ ở nơi đây.

Lòng dân

Chúng tôi dành phần lớn thời gian chuyến đi này để tiếp xúc, thăm hỏi đời sống sản xuất của người dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Một điểm chung là gặp bà con, ai cũng đều phấn khởi, tay bắt mặt mừng. Phần vì ông Lù Que là người quê gốc ở đây, gặp bà con như gặp người thân trong nhà. Nhưng có lẽ sự chia sẻ chuyện làm ăn, giãi bày tâm tư tình cảm đã làm cho câu chuyện giữa chúng tôi với bà con trở nên gần gũi.

Đêm hôm ấy, ở thị xã Mường Lay, những người bạn cũ gặp nhau, cùng ôn kỷ niệm cũ, nhắc chuyện ngày di dân, đến khuya chưa dứt. Ông Khoàng Văn Phanh, người bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lai Châu là chỗ thân tình với ông Lù Que tâm sự những điều gan ruột. Ông bảo: Nếu lòng dân không thuận, thì làm gì có chuyện xây dựng thủy điện Sơn La về sớm hai năm. Nhân dân trước sau vẫn một lòng theo Đảng. Đường lối chính sách của Đảng bao giờ cũng đúng, nhưng tại sao khi đi vào cụ thể, giải quyết vấn đề ở cơ sở thì có việc lại chưa được lòng dân?

Chuyện ở vùng lòng hồ thủy điện Sơn La ảnh 1

* Ông Lù Que (thứ hai, từ phải sang), Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam với bà con điểm tái định cư bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay (Lai Châu).

Tìm hiểu chúng tôi được biết, công tác quy hoạch, xác định các yếu tố ban đầu để xây dựng khu TĐC thị xã Mường Lay còn bất cập, chưa phù hợp với lối sống của đồng bào. Thế nên, có người đặt câu hỏi: Lai Châu đất rộng người thưa, sao không bố trí giãn dân? Gần 1.000 hộ dân sản xuất nông nghiệp ở thị xã Mường Lay vốn sống dựa vào đất bây giờ lại thiếu đất sản xuất, không dễ chuyển đổi ngành nghề. Người nông dân sống giữa phố đông chật chội, không có nguồn thu, khó khăn đang hiển hiện. Theo ông Chu Văn Toàn, ở bản Co Đớ, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Mường Lay thì đất chật đến nỗi nghĩa trang phải đặt trên sườn núi, sáng dậy mở cửa ra cả thị xã này đều nhìn thấy nghĩa trang. Đất sản xuất phần lớn bạc màu, lẫn sỏi đá, chia thành năm ba mảnh, người dân gọi là “nương có bờ”. Ban quản lý dự án giao không nhận thì không thanh toán được tiền bù chênh, nhận rồi không trồng được cây gì. Để có đất sản xuất cho dân, người ta đổ đất lẫn đá sỏi xuống ven hồ làm ruộng. Cái “sáng kiến” này tiêu tốn hàng chục tỷ đồng, bây giờ thành bãi bỏ hoang! Tôi hỏi ông Phanh có hiến kế gì, ông bảo: “Có lẽ, phải sắp xếp lại dân cư lần nữa, dù tốn kém thì vẫn phải làm, làm để sửa cái sai. Mà lần này làm thì phải hỏi dân, thảo luận cho kỹ trước khi làm”.

Dọc theo lòng hồ, tàu neo vào điểm TĐC bản Hé, xã Pác Ma - Pha Khinh, thuộc huyện Quỳnh Nhai. Trưởng bản Hé Điêu Chính Hưng cho biết: bản có 35 hộ, 162 nhân khẩu, diện tích cả bản 924 ha, nhưng chủ yếu núi đá, đất dốc, chỉ có 24 ha nương và 6,2 ha ruộng bán ngập. Đời sống tạm đủ ăn, nhưng việc tích lũy, làm giàu thì chưa dám nghĩ tới. Trở lại câu chuyện cách đây 10 năm, khi đó bản Hé có 86 hộ dân, qua tuyên truyền vận động một nửa số hộ đồng ý di chuyển ra khỏi huyện, nay đời sống số hộ này đều khấm khá, tốt hơn nơi ở cũ; một nửa ở lại thì dịch chuyển lên cao, thành điểm TĐC bản Hé hiện nay. Trả lời câu hỏi sao không đi mà ở, Trưởng bản Hé phân trần: “Nếu lúc ấy nghĩ được như bây giờ thì nói làm gì…!”. Điểm TĐC bản Hé bây giờ sau lưng là núi, trước mặt là hồ, bước ra khỏi sàn là dốc, cái cảm giác chênh vênh giống như chính cuộc sống của bà con ở đây.

May mắn trong chuyến đi này, bên những câu chuyện chưa vui, chúng tôi được thăm hai mô hình làm ăn hiệu quả của bà con di dân TĐC. Đó là mô hình trồng rừng gắn với chăn nuôi của Hợp tác xã (HTX) Mường Giôn. Bí thư Đảng ủy xã Mường Giôn Lò Minh Phiêng, đồng thời là chủ nhiệm HTX trồng rừng. HTX có 19 thành viên, tự bỏ vốn 3,3 tỷ đồng trồng ban đầu hơn 600 ha rừng. Hiện nay HTX có 980 ha rừng cho thu hoạch, trị giá hàng chục tỷ đồng. Nếu Nhà nước có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người dân trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc thì không những no đủ mà còn có khả năng làm giàu trong tầm tay.

Mô hình nuôi cá lồng kết hợp với nuôi vịt trời trên vùng hồ của gia đình anh Lò Văn Khặn, ở bản Co Trạm, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai lại là câu chuyện về ý chí vươn lên không chịu đói nghèo. Từ hai bàn tay trắng, dựa vào thế mạnh lòng hồ để làm giàu, gia đình anh hiện nay có 23 lồng cá và 1.300 con vịt trời, trừ chi phí thu nhập mỗi năm lên tới 300 đến 400 triệu đồng. Từ cách làm của anh Khặn, hiện nay cả xã Chiềng Bằng đã phát triển 468 lồng cá, mang lại nguồn lợi không nhỏ.

Câu chuyện trên lòng hồ thủy điện Sơn La hôm nay là thế, mảng sáng, mảng tối vẫn còn đan xen. Chúng tôi được biết, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu vừa tiến hành tổng kết công tác di dân giai đoạn I. Kết quả lớn nhất là đã di chuyển an toàn, kịp tiến độ toàn bộ các hộ dân ra khỏi vùng ngập. Trong hơn 10 năm qua các tỉnh đã vận dụng cơ chế chính sách, tập trung ổn định đời sống sản xuất cho đồng bào. Đến nay cuộc sống của người dân ở phần lớn các khu, điểm TĐC đều đã ổn định, đang hình thành những mô hình sản xuất mới. Nhiều nơi thực hiện được mục tiêu của Chính phủ đề ra: “Nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ”. Nhưng những việc chưa làm được, khó khăn vướng mắc vẫn còn nhiều, rất cần một quyết định tổng thể, mang tầm chiến lược nhằm ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng di dân thủy điện Sơn La.

Trước khi Chính phủ phê duyệt đề án cho giai đoạn II, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tổ chức rà soát, nghiên cứu một cách cẩn trọng, khoa học, phù hợp với thực tiễn. Nhất là cần tổ chức tham vấn ý kiến các nhà khoa học, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân về cách thức đầu tư, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tìm ra “chìa khóa” thật sự bảo đảm cuộc sống bền vững, lâu dài cho người dân.