Chuyện ghi ở Xẻo Quao A

NDO -

NDĐT - Miệt Thứ, tên gọi chung chỉ vùng đất thuộc các huyện An Biên, An Minh và U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang). Vùng này, kênh rạch chằng chịt, tên địa danh thuộc hàng "độc", phổ biến là "Xẻo" và "Thứ". Dưới đây là câu chuyện ghi vội trong một chuyến về Thứ Tám Rưởi, thuộc ấp Xẻo Quao A, xã Nam Thái A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.

Rừng đước vùng Miệt Thứ.
Rừng đước vùng Miệt Thứ.

Từ Thứ Ba, trung tâm hành chính huyện đi Thứ Tám Rưởi khoảng 20 km, nhưng mất hơn một giờ xe máy. Đường nông thôn lát xi măng rộng 1,2 m, còn 3 km đất gồ ghề, cầu vỉ bằng đước gập ghềnh.

Chủ tịch UBND xã Nam Thái A, Phan Duy Thanh, 30 tuổi, là Chủ tịch xã trẻ nhất vùng đi cùng, cho biết: "Đoạn này nằm ngoài Đê Quốc Phòng nên chưa có kế hoạch làm. Đây là khu vực nằm trong tuyến rừng phòng hộ ven biển Nhà nước giao khoán cho dân quản lý và khai thác theo cách làm bảy-ba, bảy trồng rừng, ba nuôi trồng thủy sản".

Chủ tịch Thanh bảo, chủ trương giao khoán đất rừng cho dân quản lý, làm bảy-ba hay lắm. Ban Quản lý rừng không còn sợ mất rừng, chính quyền nhẹ phần an ninh trật tự liên quan đến phá rừng. Nhiều chương trình dân sinh được triển khai, cuộc sống người dân khá hơn, hộ nghèo giảm, bộ mặt nông thôn từ đó thay đổi rất nhiều.

Ghé nhà ông Trương Văn Nhàn (còn gọi Hai Nhàn, Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản số 1, ấp Xẻo Quao A), gặp anh Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng An Biên-An Minh đi vận động người dân trồng rừng. Anh Linh cho hay, ông Hai đang bực bội. Từ sáng, ông bám miết ngoài đám đước, với mấy cái vuông nuôi thủy sản. Có lúc, ông nhảy ùm xuống nước lấy tay mò vớt lên đống vỏ sò, đưa lên mũi ngửi, rồi giải thích, sò chết do nước. Trách việc thi công cống Xẻo Quao chậm, nước tắt. Rồi tặc lưỡi tiếc, toi mấy chục triệu tiền sò giống vừa thả.

Chuyện ghi ở Xẻo Quao A ảnh 1

Mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng phòng hộ của ông Hai Nhàn.

Được biết, Nhà nước đang đầu tư xây dựng một số cống, đập ngăn mặn ở Xẻo Quao, Xẻo Đôi, Xẻo Bà Lý, Thứ Tư, Thứ Bảy... Do nhiều nguyên nhân nên các công trình chậm tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất của dân. Người dân bức xúc nhưng cảm thông vì lợi ích lâu dài, các cống, đập hoàn thành sẽ bảo đảm sản xuất mặn, ngọt cho cả vùng Miệt Thứ. Như cảng Xẻo Nhàu hoàn thành tàu bè ra vào nườm nượp. Xẻo Nhàu - Thứ Mười Một phát triển sầm uất, trở thành trung tâm nghề cá của cả vùng Miệt Thứ.

Anh Linh cho biết, tuyến rừng phòng hộ ven biển An Biên-An Minh dài hơn 61 km từ Mũi Rảnh xã Tây Yên (huyện An Biên) đến rạch Tiểu Dừa xã Vân Khánh Tây (huyện An Minh), với diện tích 4.092 ha, trải dài qua 10 xã. Rừng gồm có hai đai: chính và phụ. Đai rừng phụ, chủ yếu là cây đước có diện tích gần 3.000 ha, đã giao khoán cho 866 hộ dân. Trước đây, việc giữ gìn tấm lá chắn lắm gian nan, người dân chặt cây đốt than, nuôi thủy sản. Nay giao khoán cho dân, quy định hộ đủ diện tích rừng mới được tác động đến diện tích còn lại, được tỉa thưa rừng, nên mọi người tích cực bảo vệ và trồng rừng.

Chuyện ghi ở Xẻo Quao A ảnh 2

Anh Thanh, anh Linh và ông Út Khoe bàn chuyện quản lý rừng và phát triển kinh tế dưới tán rừng phòng hộ.

Bước vào nhà ông Hai cười chào mọi người. Ngồi xuống bộ ván ngựa, ực ly trà đá đầy, ông Hai càu nhàu nói: "Có cái cống thi công mấy năm không xong, không nuôi trồng gì được". Sinh ra ở miệt biển, ông Hai Nhàn gắn cuộc đời với cây đước, bãi bồi. Huê lợi của hơn 6 ha rừng đước chưa giúp ông làm giàu, nhưng cho ông no ấm, con cái đề huề tất cả đã thành gia lập thất. Ông Hai là người kỳ cựu, rất có uy tín ở ấp Xẻo Quao A này. Ông là một trong số ít người được Ban Quản lý rừng cho tỉa thưa cây đước bán hưởng trọn gần 50 triệu đồng. Phần 30% diện tích rừng được tác động, ông Hai thả cua, tôm, sò... lãi mỗi năm hơn trăm triệu đồng. "Tuy làm không hiệu quả bằng những hộ có nhiều tiền, vì không đủ vốn, nhưng thu nhập khá hơn trước, có dư chút đỉnh", ông Hai bộc bạch.

Chuyện ghi ở Xẻo Quao A ảnh 3

Mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng phòng hộ của ông Út Khoe.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hai như quên đi nỗi buồn sò chết, quên đi cái cống thi công ì ạch, ông say sưa nói: "Thời gian trước, dân xứ này "làm chơi, ăn thiệt". Cứ canh con nước tốt mở cống đưa vào vuông, vài tháng sau đặt lú, xổ tôm bán ăn xài khỏe re". Nắm bắt thời cơ, các "đại gia nông dân" như Hai Dồi, Út Khoe, Sáu Sang... thuê hàng trăm ha mặt biển, đầu tư tiền của hình thành nên những bãi sò huyết, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Miệt biển vui như hội trong những đợt thu hoạch sò. Cũng từ đó, vùng biển An Biên, An Minh trở thành "vương quốc" sò huyết của Kiên Giang.

Chúng tôi cùng đến nhà ông Nguyễn Văn Khoe, còn gọi là Út Khoe, một "đại gia nông dân" vùng này. Tuổi gần 70, nhưng thân hình rắn rỏi, trai tráng không bằng. Còn khoản lao động, kinh nghiệm nuôi trồng, thanh niên còn thua xa. Ngồi nhâm nhi cốc bia Sài Gòn với cá nâu nấu chua, kho lạc ngay trước hàng ba lúc nước rong, nhìn bọn cá thòi lòi chạy giởn, nghe lào xào lá đước, thật thú. Ông bảo: "Mùa mưa bão có lúc cũng ớn, nhưng sống cả đời rồi còn lạ gì chuyện gió mưa". Ông đã mua đất xây biệt thự ở Rạch Giá nhưng vẫn thích sống ở đây. Cái mặn rích của gió hòa nước biển đã quen với da thịt. Hơn nữa, công việc chính của ông là rừng đước, bãi bồi, là cua, sò, tôm.

Có nguồn kinh tế vững vàng từ thời "làm chơi ăn thiệt", khi có chủ trương bảy-ba, ông Út đầu tư mạnh tay vào 12 ha rừng: trồng đước, nạo vét ao nuôi, thả giống thủy sản chất lượng. Năm nào ông Út cũng thu nhập cả tỷ đồng, trong đó lợi nhuận hơn nữa. Ông nói: "Nhờ đôi bàn tay mà nên sự nghiệp, nhưng nếu không có công cụ: đất rừng, bãi bồi, mặt nước biển, không có chủ trương tốt thì khó thành công. Điều mà những nông dân nhận giao khoán đất rừng mong muốn, nhà nước cấp một loại giấy cho diện tích rừng được giao khoán mà theo quy định của pháp luật được thế chấp vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất. Bởi, đất rừng cũng chính là tài sản của nông dân, một loại tài sản có giá trị lớn".

Về! Về! Anh bạn đồng nghiệp hối. Nhìn ra bãi, nước lên. Lũ thòi lòi mất tâm. Nắng tắt, mây xám xịt, gió ào ào. Chúng tôi từ giã, không kịp bắt tay. Sợ cơn mưa đột ngột, 3 km đường đất chặn cả lối về. Tiếc, câu chuyện với những nông dân miền biển Miệt Thứ và kết bia còn cù. Cũng tại Xẻo Quao còn thiếu một con đường.