Chợ phiên Đồng Văn tuần áp Tết

Mờ sáng. Chúng tôi vây quanh chiếc bàn, nhâm nhi ly cà-phê trong khuôn viên thương mại trước dãy nhà cổ kề chân núi Đồn Cao, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Khác mấy ngày trước, đâu đâu cũng nhộn nhịp bước chân người, những ánh đèn soi lối, những tiếng nói cười lao xao, tiếng guốc ngựa, guốc trâu, xe kéo lọc cọc đổ về mạn Đồng Tâm sau lưng thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang...

Các mặt hàng được bày bán tại chợ Tết Đồng Văn.
Các mặt hàng được bày bán tại chợ Tết Đồng Văn.

Gã xe ôm Giàng Nhí Dinh người Mông ngồi cùng, thao thao: Sáng nay là chợ phiên Đồng Văn, tuần áp Tết. Chúng mày phải xuống chợ mà uống rượu, ăn thắng cố, mua hàng về Hà Nội. Bản làng ta, huyện Đồng Văn của ta ai ai cũng thích chợ phiên. Đông lắm. Vui lắm!...

Nghe vậy, cả nhóm phượt đổi lịch để xuống chợ. Gã xe ôm được đà, lời như thả bùa: Chẳng hiểu trời đất sinh ra chợ phiên Đồng Văn tự năm nảo năm nao, chỉ nhớ khi ta rõ mặt trăng treo trên đỉnh núi đá cũng là khi biết theo bố mẹ xuống chợ ăn kẹo vừng, bánh đa. Chợ chỉ họp vào sáng chủ nhật mỗi tuần. Phiên sau thường đông hơn phiên trước. Xưa chỉ đồng bào xuống chợ. Nay thì cả Tây lẫn ta len nhau xuống! Gã láy đi láy lại từ xuống, vì Đồng Văn là trung tâm vùng lõi trũng của cao nguyên đá. Biết vậy, tôi vẫn vặn vẹo: Sao lại là xuống? Gã chọi lại ngay: Chợ lọt thỏm dưới thung. Người dân Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, Giáy... chúng tao đều sống chết với đá núi hiểm trở, mưu sinh; xuống chợ là cởi lòng cởi dạ, là bỏ lại tất cả nhọc nhằn vất vả trên nương trên đá. Gùi hàng sau lưng. Tay xách, nách mang, ô xòe che sương che gió dắt díu nhau hướng về một phía, theo lối mòn thân lươn, thân chạch, quanh quanh, cheo leo, vòng vèo trên triền núi đá để xuống chợ phiên! Lời gã gợi tôi chạnh nhớ suốt độ đường từ thành phố Hà Giang lên đây với muôn vàn khúc cua quanh co, quanh co, chênh chao trên cả tầng mây ngỡ mình như bay. Những bản làng, những nếp nhà tường xây cũng đá, rào quây cũng đá loi thoi, lô mô trong sương giăng, mây ủm. Những sắc hoa mận phau phau, sắc đào thấm đẫm thế chỗ cho miên man hương sắc bạc hà, tam giác mạch, báo hiệu mùa xuân rạng rỡ đang về. Chợ phiên Đồng Văn ngày áp Tết đang hút khách, hút hàng tứ phương. Trời đất thuận hòa, mùa màng khá giả, hàng hóa ùn ùn đổ về. Phiên này, phiên nữa là Tết! Gã thôi thúc: Xuống đi. Chúng mày xuống đi. Chợ đã họp rồi!

Chúng tôi theo ngả tắt chính diện trục đường lớn của thị trấn để xuống chợ. Những cây đào bên lề cây nào cây nấy đã bật nụ, bung hoa đầy vẻ quyến rũ. Ngỏ ý muốn có cành đào, chị bán xôi ngũ sắc nở nụ cười roi rói: Trên này không bán hoa đào như dưới xuôi đâu. Đào là của chung. Không ai được chặt cây, đốn cành. Không ai bán hoa đào ngày Tết! Thì ra thế. Đổi lại, cho dù chợ ngoài trời là chính, dân dã, hoang sơ nhưng rực rỡ sắc mầu chẳng hoa nào sánh nổi. Vẫn nét muôn năm mua bán, đổi trao của chợ; muôn vẻ của hàng tạp hóa, của hoa quả; lợn, gà, trâu, bò, dê, chim, cá, mật ong, rượu, ẩm thực... Tựa như 22 dân tộc của tỉnh Hà Giang đều hội tụ ở chợ Đồng Văn địa đầu cực bắc của Tổ quốc. Sắc phục đa dạng, đa màu đến kỳ lạ. Thiếu nữ người Mông trắng vận váy thâm xếp nếp giản dị nhưng phần cổ áo, tay áo và thắt lưng lại trang trí rất bắt mắt bằng vải lanh trắng, lanh đỏ khâu ghép lại trên nền vải đen với hoa văn hình sên ốc. Thiếu nữ Mông hoa, Mông đen thì trưng diện trọn bộ trang phục, váy xếp nếp hai bên, áo cánh sẻ ngực, yếm lửng, thắt lưng vải mầu, khăn quấn đầu. Thiếu nữ Dao Đỏ thì khăn vấn mầu chàm, khăn phủ đầu mầu đỏ. Hai đầu khăn vấn phơi phô họa tiết, hoa văn thêu vắt bằng chỉ mầu cùng những chuỗi hạt cườm xen dải tua đỏ rực, khiến cho khuôn mặt hào hởi, tươi tắn hẳn lên. Trang phục của họ hệt như một công trình nghệ thuật: Đầu khăn vấn, khăn phủ; thân áo con, áo dài tứ thân mầu tối, nẹp cổ áo liền với nẹp ngực, họa tiết rực rỡ; dây lưng vải đỏ, xà cạp bó chặt bắp chân, đồ trang sức bằng bạc trắng xủng xẻng, loang loáng. Đến với chợ hệt như đi hội hè. Thanh nữ dân tộc Tày thì áo cánh trắng mặc trong, áo dài năm thân vận ngoài, váy dài lưng chân, khăn đội đầu, thắt lưng vải đũi, thanh lịch và duyên dáng... Vào các sạp, trang phục đặc sắc của hầu hết các dân tộc cho mọi độ tuổi, cùng hàng hóa thổ cẩm tự làm ra như ga trải giường, trải bàn, địu, khăn, mũ, ví, túi xách, túi đeo, vỏ đệm ghế... bày bán la liệt, rực rỡ, muôn mầu muôn vẻ thành điểm hút khách nhất. Vợ chồng ông bà Tây đến từ thủ đô Rô-ma (I-ta-li-a) thay nhau chớp lấy chớp để hình ảnh mế già người Mông xăm xắn ở sạp hàng, ních đầy gùi quần áo mới với nhiều cỡ khác nhau. Tôi hỏi giùm họ: Sao mế mua nhiều áo quần đến vậy? Mế bảo: Tết đến rồi. Phải có quần áo đẹp cho con, cho cháu chớ. Chúng nó bây giờ chỉ thích mặc đẹp thôi. Mà già như ta cũng muốn đẹp nữa là! Mế cười hồn hậu. Vợ chồng người Tây hoan hỉ, chan chan nỗi niềm sẻ chia.

Chợ phiên Đồng Văn tuần áp Tết ảnh 1

Người dân chọn mua trâu, bò tại phiên chợ.

Nhích theo dòng người, tôi tìm đến khu bán súc vật ở rìa chợ, sát với thửa ruộng lúa nước. Lạ lẫm khi thấy những con lợn choai choai, lông xù đen sẫm, đôi tai sấn sẹo dòng chạc cùi cụi theo chủ vào chợ. Lợn ở đây chỉ nặng vài ba chục cân, dáng thon, chắc nịch là sản vật hút khách. Trâu bò thì ê hề. Cả những chú bê non mới hơn tháng tuổi cũng theo mẹ để chủ đưa đi bán. Tôi hỏi: Bê nhỏ thế sao đã bán? Ờ. Cần tiền. Tết đến rồi! Lại hỏi: Nhỡ không bán được thì sao? Ờ. Phiên sau lại bán! Nhà xa không? Ờ. Đi từ nửa đêm mới kịp! Tự dưng tôi cay cay nơi khóe mắt!... Trở vào, định bụng ăn tô thắng cố. Nhưng chỉ có một gênh nên đã kín cả chỗ ngồi. Gênh thắng cố được đặt trên chiếc bếp lò khủng đắp bằng đất, chít trát kín bưng, chỉ một cửa duy nhất đủ để nhập củi, thúc lửa nên liên tục sôi, hơi nghi ngút gây thèm, để nhớ cho thực khách...

Hẳn là nông nghiệp Đồng Văn thắng lớn nên gạo, thóc, rau, măng, củ, quả; nấm hương, mộc nhĩ, thảo quả, lê, tam giác mạch, dược liệu cũng ê hề. Mật ong núi thấm đẫm sắc hương bạc hà, tam giác mạch chứa trong chai, trong can. Cà chua, bắp cải, su hào thuộc hàng rau sạch của vùng chuyên canh thị trấn, luôn bộn khách nội chợ. Nông sản chắt ra từ núi đá, sương rừng như đỗ, đậu, lạc, vừng, hạt dẻ gai đựng trong bao tải, trong thúng, trong mủng... cân đo bằng ống bơ bò; nói sao bán vậy không bớt, không thêm; lời thật, lời thà như đếm, như đong!... Người bán, người mua vui vẻ. Đi xem, đi chơi đủ mọi lớp người ai ai cũng hồ hởi. Gặp nhau vồn vã, nhớ nhung nghẹn ngào. Ánh mắt bắc cầu đo ý ngỏ tình... Nét chợ hoang sơ nhưng nết người chân thật, nghĩa tình bền sâu. Không tham lam, trộm cắp; không chìa tay xin; không đanh đá như chợ nọ chợ kia.

Ghé vào bàn rượu cốt để biết vị cay thơm nồng đậm của rượu ngô xứ núi. Bàn rượu dài như bàn hội nghị thôn. Ghế ván gỗ vây quanh. Rượu chứa trong ca trong can đặt bừa phứa trên bàn. Rút ví định mua một ly nhỏ thì vị khách lớn tuổi níu tôi ngồi xuống, lời buông theo: Không phải trả tiền. Uống đi, uống với tao vài bát. Không say thì không về! Tôi né người vì biết cái tạng của mình. Lão nhấc chiếc gùi đầy ắp hàng đặt xuống chân, kéo tôi sát lại: Uống đi! Uống với tao! Tay đón bát rượu, nhưng đôi mắt tôi cứ săm soi vào chiếc gùi hàng hóa. Lão chuyển giọng phô lấy phô để: Vợ tao nó lo Tết đấy. Mới được một gùi, tao phải uống để lấy sức gùi về. Gùi nữa vợ tao đang kiếm tiếp. Uống đi. Không say thì không về! Lão móc trong gùi lấy ra hộp bánh dẻo nhãn Tam giác mạch định bóc, nhưng tôi ngăn lại. Giọng khơi khơi: Bánh của Đồng Văn đấy. Tam giác mạch đấy. Ngon lắm! Được thể, tôi bắt ngay sang chuyện Tết của người Mông. Lão nói giọng tỉnh khô: Tết bây giờ vui lắm, to lắm. Các dân tộc ăn chung một Tết rồi; văn nghệ, múa hát thâu đêm. Tín ngưỡng nội tộc dòng họ của người Mông chúng tao vẫn đem vào Tết Cả. Giao thừa thầy mo vẫn giúp chúng tao hát bài mời tổ tiên về hẩm hưởng, phù hộ sức khỏe, thịnh vượng cho con cháu. Đêm giao thừa, dân tao vẫn theo lệ ngóng nghe, đoán định tiết trời; vẫn xuống suối lấy nước về cầu may, mong năm mới an lành...

Tết sắp đến rồi. Chợ tan. Chúng mày lên xã Thái Phìn Tùng ăn Tết, vui Tết với dân bản cùng chúng tao đi!