Chinh phục địa tầng ở Thâm Thiu

Cuối thu, núi rừng đông bắc hầm hập nóng, trời rin rít gió. Người địa chất coi thời gian này là “mùa thu hoạch”, thuận lợi cho thăm dò vỉa quặng. Tôi đã theo dọc lộ trình hơn năm trăm cây số cùng những cán bộ Liên đoàn Địa chất Đông Bắc chinh phục các viền sơn tản ngợp sương mây ở Bắc Mê. Nơi đây - một huyện vùng cao của Hà Giang, được họ khai phá, hoàn thành sứ mệnh “thăm dò mỏ sắt Suối Thâu - Thâm Thiu”.

Cán bộ địa chất mở đường, vượt rừng tới Thâm Thiu.
Cán bộ địa chất mở đường, vượt rừng tới Thâm Thiu.

Đoàn gồm năm người, quần áo, giầy, mũ bảo hộ phủ từ đầu tới chân, chống vắt. Ba-lô nêm đầy bánh ngọt, nước uống. “Nhớ bám đoàn, cẩn thận rắn xanh” - ông Nguyễn Thế Tứ, nguyên Phó Liên đoàn trưởng cảnh báo. Chuyến đi lần này của đoàn nhằm kiểm tra việc thi công khoan thăm dò, lấy mẫu quặng phân tích của ba tổ máy khoan chốt trên điểm mỏ.

Lên núi. Dốc và dốc. Non xanh heo hút, càng đi chỉ thấy mênh mông. Vừa đi vừa phát lá, muỗi đơm từng đàn phả vầm vập vào mặt. Cái hùng vĩ, hoang dại khiến con người choáng ngợp, sự hoang dại đến nỗi dân bản xứ chưa kịp đặt tên cho dãy núi này, chỉ biết nó thuộc địa bàn xã Giáp Trung. Chừng mươi cây số, rừng sâu lác đác thung lũng, chìm dưới đó vài ba nóc nhà sàn của người Dao, Cao Lan. Hoa dại tím rịm bò ngoằn ngoèo quanh mép đèo. Những dải đường mòn lốc nhốc chặt khít hai bàn chân hiện ra, lẩn khuất - lối xuống bản Bà Lá. “Qua Nà Poòng nữa mới tới Thâm Thiu”, tiến sĩ Trần Văn Thụ - chỉ đạo thi công đề án hắng giọng. Vị tiến sĩ này leo núi dẻo đến mức tôi nghĩ anh sống từ nhỏ ở đây, nhưng, đôi chân ấy đã từng dạo trên nhiều con phố nước Nga hồi thập kỷ tám mươi- thời anh học nghiên cứu sinh. Đầu cắt như cái vung, cặp kính cận, vai lỉnh kỉnh tư trang, tiến sĩ vừa “đạp mây” vừa tấu chuyện hài, cái nhọc nhằn của cuộc hành trình nhờ thế vãn đi.

Thi thoảng đoàn vượt qua khe đá. Những khe đá không bao giờ có thể hình thành đường. Tôi mới hay, trước khi tới được rông núi Thâm Thiu trên “đường chính” mà dân bản tìm ra này, người địa chất đã phải mất hàng tháng ròng để cải tạo lại nó “dễ dàng” như bây giờ. Vượt qua từng vòm rừng tối thui, địa đàng dần đong vài kẽ nắng, nhợt nhạt. Nóng và lạnh. Hai cảm giác ấy thay nhau xâm chiếm thân thể.

Trưa đứng bóng. Đoàn dừng chân bên bờ suối lổn nhổn đá hộc. Bữa ăn nửa buổi chỉ mất năm phút. “May không gặp mưa, nước dâng cao là không qua được suối, sẽ ngủ lại chờ rút” - ông Tứ nói. “Để tìm ra điểm mỏ ở đây, công tác điều tra phải thực hiện thế nào?” - tôi hỏi. “Đánh giá tìm kiếm trên bản đồ 1/5000, đến 1/2000, cứ thu hẹp dần rồi khoanh vùng. Mỏ này được Đoàn Địa chất 31 cũ đánh giá từ cuối thập kỷ 70, rồi phải khoan thăm dò, lập báo cáo trữ lượng mới có thể khai thác. Đã có chủ đầu tư cho toàn bộ khu mỏ là Công ty cổ phần An Khang”.

Chúng tôi đã qua Nà Poòng và ở độ cao khoảng sáu trăm mét. Mười mấy cây số đường rừng bỏ lại sau lưng, trước mặt là Thâm Thiu. Từng nương ruộng bậc thang tiếp nối chộn rộn bên lưng đèo, nhấp nhóa sương. Mưa hay mù không thể phân biệt cứ hùn hụt đi rồi đến. Thi thoảng mới gặp một tán cổ thụ u mấu già nua, bất động. Rừng quang dần nhưng trời còn xầm xì. Gian thinh ngầy ngụa trong những khối màu lám nhám xám, tựa sữa pha.

Cuối chiều. Năm bóng người ngả bóng cạnh căn chòi của lỗ khoan 29. Mây hùm hụp trên đầu, gió đùn hơi nước thổi miên man, cổ họng ai cũng khô rát như rang mà người vương lạnh. Từ trong lều bạt xanh thẫm, Tổ trưởng Nguyễn Văn Đồng thò người ra vẫy vẫy, mồm ngoắc tận mang tai, thèm lắm cái sự sung sướng được người miền xuôi lên thăm. “Thanh niên Hà Nội leo núi bất khuất nhỉ!?” - anh Đồng nhấm nháy tôi. “Em cũng từ miền núi ra mà. Chả bù bác Tứ, ở tuổi bác hiếm ai “cống hiến” được thế” - tôi cười. Năm nay, “bố Tứ”, dân Liên đoàn Địa chất Đông Bắc gọi ông thân mật thế, ngoại lục tuần rồi, gần bốn mươi năm lăn lộn trong ngành địa chất, gì chứ, cái khoản vượt núi băng rừng “bố Tứ” mần ngon ơ, không thua gì cánh trẻ.

Thuốc lào đến nước chè - hai thứ ấy qua cổ họng “người âm phủ” đều vang sòng sọc. “Tổ đang khoan đến mét thứ 39, đến mét thứ 85 thì xong, sẽ lấy mẫu quặng để phân tích, đánh giá. Khi khoan gặp khó khăn do cấu trúc địa chất hang hốc các-tơ, cát chảy quá nhiều. Nhưng đã khắc phục kịp, không bị vỡ thành” - anh Đồng nói. “Mỗi mét khoan hơn 10 triệu đồng, nếu đang ở độ sâu vài chục mét mà bị hỏng, phải khoan lại lỗ mới, mất cả đống tiền. Chỉ cần hỏng một điểm nối coi như hỏng cả, cứ tính số mét ra thành tiền” - tiến sĩ Thụ cho biết.

Chúng tôi ra bãi mỏ, nơi có ba công nhân đang lúi húi khoan. Khuôn mặt họ bết đất, lưỡng quyền nhô cao, nhưng ánh mắt rất nhanh. Từng mét không khí ướt đẫm mùi dầu và khói. Máy nén inh ang khiến mặt đất như động cựa. “Cả khối máy này được vác qua con đường các anh vừa đi đấy” - Tổ trưởng Đồng hắng giọng. Thấy tôi ngạc nhiên, anh giải thích, phải tháo ra từng bộ phận, vừa thuê dân trong vùng vừa tự túc khiêng lên, mất khoảng 20 ngày.

Thêm hai tuần trà thuốc, đoàn rời lỗ khoan 39. Lúc này, mặt trời đã lịm nắng. Núi và rừng nhòa vào nhau thành một khối vĩ sơn đen thẫm, chạy tút hút. Chúng tôi đang tới lán tập thể của tổ địa chất giáp xóm Phiêng Tùng - nơi non thiêng sâu thẳm nhất của đề án Thâm Thiu. Tôi đã vài lần ngủ trong rừng, nhưng hôm đó, lần đầu tôi được chứng kiến những câu chuyện thật khó tin.

Chuyện tôi sắp kể, người địa chất gặp thường xuyên. Sở dĩ, họ ít ở nhờ nhà dân, phải dựng lán trên núi, vì tập tục bà con dưới bản lắm cái lạ, phạm vào thì nguy. Thực ra, trước kia “lính âm phủ” tá túc trong dân rồi và cũng phạm rồi, nên sợ. Chỉ hiềm nỗi, giờ họ ngủ trong rừng, vẫn khó tránh khỏi cái sự phạm này. Đầu tiên là ở Tổ khoan 39. Chiều đó, hồi tháng 4, anh em đang khai thông nhát cuốc đầu tiên, mở mặt bằng lỗ khoan, đùng đùng có vị người Dao, đầu chít khăn đen, vác dao quắm xông tới: “Đúng rồi. Tối qua tôi mơ thấy hai con trâu húc nhau. Các anh phải đền tôi thôi”. Hỏi ra, mới hay, các nhà địa chất của ta cuốc vào mộ người thân ông ấy. Thực thì làm sao biết mộ hay không, chỉ thấy chỗ đó có hai viên đá hộc nằm phơi trên mặt bằng. Dùng dằng, cuối cùng anh em phải bỏ ra 300 nghìn đồng để ông người Dao mời thầy cúng trừ tà. “Những khoản lẻ ấy biết cho vào nguồn chi nào, mình phải dốc túi để yên chuyện. Cả việc vỡ thành lỗ khoan nữa, mình cũng bỏ tiền mà đền thôi. Vậy mới sinh chuyện, có anh địa chất cả năm đi làm, Tết về chẳng thấy lương đâu, vợ mới nghi, khổ lắm” - anh Nguyễn Văn Chiến (Tổ Trắc địa) tâm sự.

Trở lại chuyện “mộ đá phơi”. Từ đó, dân địa chất hễ mở lỗ khoan là nhìn ngó xăm xoi như tăm mìn, xem có viên đá nào chung quanh không. Rồi thì vẫn khó tránh. Và, rồi thì công trình cũng hoàn thành. Chỉ có điều, mỏ Thâm Thiu như nằm vào “cánh rừng thiêng” khiến họ khốn đốn nhiều. Trong bữa cơm đậm đu đủ rừng, anh Trương Đình Võ, Tổ trưởng Lỗ khoan 24 ngậm ngùi: “Mình đang khoan đến mét thứ 46 thì vỡ, trước đó đã khoan hai lỗ rồi cũng hỏng, không hiểu tại sao, mọi quy trình kỹ thuật đều thực hiện đúng. Cả tổ có năm anh em phải làm mà không được hưởng đồng tiền công nào”.

Gần 2 giờ sáng. Mưa rơi lộp độp dày dần. Cái lạnh lùa vào căn lều thông thống, không cửa. Anh Chiến gọt thêm trái bưởi, hái từ chiều đi rừng về. Chuyện vẫn rôm. Trầm ngâm mãi, giờ Tiến sĩ Thụ mới lên tiếng: “Mình kể về đề án mỏ cho nghe. Khổ! Trước đánh giá là mỏ sắt, hàm lượng 30-50%, nhưng giờ gọi là mỏ lưu huỳnh, mỏ đồng, mỏ antimon cũng được. Nó là hỗn hợp cậu ạ. Công ty An Khang là chủ đầu tư chuyên về thép nên họ cần sắt, giờ là hỗn hợp nên mình chưa dám nhận vốn đầu tư tiếp của họ. Phải khoan thăm dò xong đã, vì công nghệ của mình chưa thể tuyển (tách lọc) thu hồi kim loại”. “Vậy phải giải quyết thế nào?” - tôi hỏi. “Mình lấy mẫu phân tích. Sau đó đưa cho chủ đầu tư để họ nghiên cứu công nghệ, có thể nhập công nghệ từ nước ngoài. Toàn bộ mỏ có tám thân quặng nhưng chỉ thăm dò ba thân thôi, các thân còn lại thì khảo sát chi tiết. Chả biết “rừng thiêng” gì, cứ khoa học mà nói, đây là mỏ nhiệt dịch, nghĩa là dung dịch quặng đi sâu, tản mác vào các khe đất, độ dày không liên tục, khó khai thác. Khi khoan cũng dễ gây hỏng thành lỗ. Nếu là mỏ trầm tích biến chất, quy mô quặng lớn, tập trung diện rộng, sẽ dễ khai thác, cho quặng tốt”. ...Chiều hôm sau. Thêm hơn chục cây số đường rừng, thăm hai tổ khoan nữa, nỗi buồn và sự khó khăn của họ vẫn vậy. Kể mãi, ngày rộng tháng dài, dằng dặc không thể cạn.