Cầu treo bị “treo” đến bao giờ?

NDO -

NDĐT - Cầu treo dân sinh bắc qua sông Krông Bông nối từ thôn 1 với thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đác Lắc có chiều dài 120m, tổng mức đầu tư gần sáu tỷ đồng, thuộc Dự án quy hoạch sắp xếp ổn định dân di cư ngoài kế hoạch, được khởi công từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành năm 2013. Thế nhưng, đến cuối năm 2013 các đơn vị mới xây dựng xong hai mố cầu và do thiếu kinh phí nên cầu bị “treo” cho đến nay, gây rất nhiều khó khăn, nguy hiểm cho người dân ở đây khi hằng ngày phải đi lại trên cây cầu tạm bợ.

Cầu treo dây võng bắc qua sông Krông Bông dẫn vào thôn Noh Prông mới xây dựng xong hai mố cầu nhưng do thiếu kinh phí nên bị “treo” cho đến nay.
Cầu treo dây võng bắc qua sông Krông Bông dẫn vào thôn Noh Prông mới xây dựng xong hai mố cầu nhưng do thiếu kinh phí nên bị “treo” cho đến nay.

Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Y Liệu Niê cho biết: Thôn Noh Prông có 100% dân số là đồng bào dân tộc H’Mông di cư từ các tỉnh miền núi phía bắc vào sinh sống nhiều năm nay. Cả thôn hiện có gần 500 hộ, với trên 2.500 khẩu.

Kể từ khi di cư vào sinh sống ở thôn Noh Prông, để qua lại với khu vực trung tâm xã người dân thôn Noh Prông phải vượt qua sông Krông Bông rộng hàng chục mét, nhưng do chưa có cầu, thời gian đầu người dân chặt cây rừng về tự đóng bè, thuyền tạm để chở người, hàng hóa, nông sản qua lại. Tuy nhiên, do dòng sông rộng, vào mùa mưa nước chảy siết nên đã xảy ra một số vụ trôi bè, đắm thuyền làm chết người nên người dân đã dựng một cây cầu tạm để qua lại.

Đến năm 2012, thực hiện Dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do, thôn Noh Prông được UBND huyện đầu tư xây dựng đường giao thông nội vùng và cầu treo dây võng bắc qua sông Krông Bông cùng điểm trường kiên cố cho học sinh. Đến thời điểm hiện nay, các hạng mục của dự án như đường giao thông nội vùng, hệ thống điện, bốn phòng học kiên cố… đã hoàn thành, riêng dự án cầu treo dây võng mắc qua sông Krông Bông chỉ mới xây dựng xong hai mố cầu ở hai bên bờ sông vào năm 2013 và bị “treo” cho đến nay.

Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Y Liệu Niê cho biết: Dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do thôn Noh Prông do UBND huyện Krông Bông làm chủ đầu tư, vì vậy khi thấy cầu treo bắt qua sông Krông Bông dẫn vào thôn Noh Prông bị “treo” nhiều năm nay, UBND xã đã nhiều lần phản ảnh với huyện nhưng được huyện thông báo là do thiếu kinh phí. Vì vậy từ đó đến nay cầu vẫn bị “treo”, khiến cho việc đi lại của người dân trong thôn cũng như các thầy, cô giáo gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Lâu nay việc đi lại của người dân nơi đây phụ thuộc hoàn toàn vào hai cây cầu tạm bợ, đặc biệt vào mùa mưa lũ nước sông dâng cao khiến thôn Noh Prông bị cô lập hoàn toàn.

Cầu treo bị “treo” đến bao giờ? ảnh 1

Người dân địa phương bức xúc vì cầu treo thôn Noh Prông bị “treo” nhiều năm nay, trong khi việc đi lại của họ gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Hoàng Văn Sình, một người dân thôn Noh Prông chia sẻ: “Chúng tôi vào đây sinh sống đã 20 năm nay và chịu biết bao cực khổ. Khi biết huyện thực hiện Dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do thôn Noh Prông, trong đó có hạng mục xây dựng cây treo dây võng bắc qua sông Krông Bông nối thôn Noh Prông với trung tâm xã, người dân trong thôn ai cũng mừng. Thế nhưng, công trình chỉ xây dựng được hai mố cầu rồi bỏ dở cho đến nay khiến việc đi lại của người dân chúng tôi hết sức khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Người dân chúng tôi thiết tha đề nghị các cấp, các ngành bổ sung kinh phí để xây dựng hoàn thành cây cầu này, tạo điều kiện giao thông thuận lợi, giúp người dân phát triển kinh tế, xã hội, ổn định cuộc sống”.

Còn ông Hoàng Văn Bằng, Trưởng thôn Noh Prông cho biết: “Do cây cầu treo xây dựng dở dang, giao thông cách trở nên đời sống của người dân trong thôn còn gặp nhiều khó khăn. Toàn thôn hiện còn 74 hộ nghèo và 69 hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, do phải đi lại trên cây cầu tạm bợ nên thời gian qua đã xảy ra một số vụ tai nạn người dân rơi xuống cầu bị nước cuốn trôi tử vong. Để giúp người dân trong thôn đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống thì giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là huyện, xã cần đầu tư xây dựng hoàn thành cây cầu treo này. Tuy nhiên, trong thời gian qua người dân trong thôn đã nhiều lần phản ánh với chính quyền xã, huyện nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay cây cầu vẫn bị treo?”.

Hàng ngày đi lại trên cây cầu gỗ tạm bợ bắc qua sông Krông Bông dẫn vào thôn Noh Prông không chỉ là nỗi sợ hãi của người dân địa phương mà còn là nỗi ám ảnh của các thầy, cô giáo Trường tiểu học Cẩm Phong ở xã Hòa Phong vào giảng dạy tại phân hiệu thôn Noh Prông.

Cầu treo bị “treo” đến bao giờ? ảnh 2

Cây cầu tạm bợ bắc qua sông Krông Bông dẫn vào thôn Noh Prông cheo leo hết sức nguy hiểm.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Thế, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cẩm Phong cho biết: Trong năm học 2015 - 2016, tại phân hiệu thôn Noh Prông có 357 học sinh, hầu hết là dân tộc H’Mông. Hàng ngày, có 14 giáo viên ở trường chính vào giảng dạy ở phân hiệu thôn Noh Prông, nhưng do phân hiệu ở xa, giao thông đi lại chủ yếu là đường đất, hết sức khó khăn, đặc biệt do cầu treo dân sinh bắc qua sông Krông Bông xây dựng chưa xong nên các giáo viên phải qua lại trên cây cầu tạm bợ cheo leo hết sức nguy hiểm. Trong những tháng mùa mưa, đường giao thông vừa lầy lội, cầu trơn trượt nên giáo viên chạy xe máy đến bên này sông là gửi xe ở nhà dân rồi đi bè qua sông và lội bộ thêm gần 10 km nữa mới đến phân hiệu. Còn những lúc mưa lớn, nước sông dâng cao ngập cầu, giáo viên không qua sông được phải cho học sinh nghỉ học, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục của phân hiệu.

Người dân và các thầy cô giáo ở thôn Noh Prông ngày đêm trông mong các cấp, các ngành chức năng huyện Krông Bông và tỉnh Đác Lắc sớm đầu tư xây dựng hoàn thành cây cầu treo này, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và việc mang con chữ đến với con em họ cũng thuận lợi hơn.