Cao nguyên mùa mận chín

Tháng 6, “cao nguyên trắng” Bắc Hà (Lào Cai) bạt ngàn mầu mận chín tím rịm. Ngoài chợ, trong nhà, trên nương cao, dưới lũng thấp..., người Mông, Tày, Nùng, Dao Đỏ… tràn đầy niềm vui vì mận Tam Hoa (được mệnh danh là “vua” các loại mận vùng Tây Bắc) được mùa, được giá…

Vườn mận Tam Hoa trồng theo quy trình VietGAP ở Bắc Hà.
Vườn mận Tam Hoa trồng theo quy trình VietGAP ở Bắc Hà.

“Vua” mận vùng Tây Bắc

Tháng 6 hè về, khắp thị trấn Bắc Hà ngồn ngộn những lù-cở (loại gùi đeo lưng của người Mông) mận Tam Hoa xuống chợ. Chợ đặt ngay ngã ba, trung tâm thị trấn, giao thương thuận lợi, người mua kẻ bán rộn rã như vào hội. Người bán là đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Nùng…, người mua là du khách bốn phương đến tham quan, du lịch và thương lái với những chiếc xe tải phủ bạt lừng lững vào chợ cân hàng. Những ngày cao điểm, hàng chục tấn mận Tam Hoa nức tiếng đã lên xe theo thương lái tỏa đi khắp các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh; thậm chí còn lên máy bay vào tận thành phố Hồ Chí Minh, sánh vai với các loại hoa trái miệt vườn Nam Bộ. Ai đã ăn mận Tam Hoa chính hiệu vùng đất “cao nguyên trắng” Bắc Hà hẳn không quên quả mận to như cái chén tống uống nước, da căng láng, ánh mầu đỏ tím bắt mắt, cắn trái mận thấy giòn tan, vị ngọt thanh thoáng lại dôn dốt chua nhẹ “hớp hồn” người thưởng thức, nhất là phụ nữ. Mận Tam Hoa trồng trên đất Bắc Hà có thể ăn no mà không ngán, mát lịm và an toàn. Ngay giữa chợ đông vui, chúng tôi chứng kiến một nữ du khách người Pháp mê đắm, xuýt xoa khi ăn những trái mận tròn căng, được suy tôn là “vua” mận vùng Tây Bắc.

Cũng đúng thôi, mận Tam Hoa có mặt ở đất Bắc Hà bốn mùa mây bay sương phủ, ở độ cao 900 đến 1.000 m so với mực nước biển, từ những năm 70 của thế kỷ trước. Thời “hoàng kim” là cuối những năm 1990, với diện tích lên đến 2.100 ha, sản lượng đạt hơn 15 nghìn tấn quả. Ngày ấy, cả tỉnh còn lấy sản xuất lương thực (lúa, ngô) là chính, nhiều nơi canh cánh nỗi lo đói “tháng ba ngày tám” thì người dân Bắc Hà đã không phải lo cái ăn cái mặc, mà lo sắm hàng tiêu dùng thời thượng khi ấy. Những đoàn ngựa thồ, xe ô-tô lặc lè mận Tam Hoa vượt cầu treo Bảo Nhai bắc qua sông Chảy đưa mận ra thị xã Lào Cai, ra ga Phố Lu để theo tàu hỏa chạy bằng than đốt hơi nước chảy về xuôi, rồi giường, tủ mô-đéc, vải vóc, xe đạp Thống Nhất, đài quay băng lại chảy ngược vào Bắc Hà. Thời ấy, người và đất Bắc Hà như nở hoa, phơi phới…

Mặt trời lên ngang lưng núi Cô Tiên, buông những chùm nắng sớm. Đi dưới tán những cây mận cổ thụ, có tuổi đời hàng chục năm, gốc to sần sùi, bộ rễ cắm sâu vào lòng đất, “lão nông” Sùng Cồ Si, người dân tộc Nùng, ở xã Na Hối, một trong những người đầu tiên đưa cây mận Tam Hoa về cắm rễ trên đất Bắc Hà bồi hồi nhớ lại: “Năm 1982, tôi phải bán lợn, gà lấy tiền và vận dụng hết mối quan hệ, tài “ngoại giao” của một cán bộ xã, mới mua được mấy cây mận giống từ trại giống cây trồng của tỉnh đặt ở Bắc Hà đem về trồng trong vườn nhà. Như bén duyên mới, cây mận Tam Hoa lớn nhanh như thổi, phát tán xanh tốt và năm thứ 3 đã cho thu hoạch; năm thứ 5, giá trị một cây mận đã ngang tạ rưỡi ngô hạt, bằng cả một vạt nương rộng”. Phân hóa học thời đó rất hiếm và đắt đỏ, ông Si chỉ dùng phân chuồng từ nuôi lợn, ngựa, trâu và rơm rạ ủ mục bón lót, bón thúc nuôi cây.

Nhờ thế, vườn mận Tam Hoa nhà ông nức tiếng sai quả, quả to và giòn, ngọt nhất vùng. Cho đến tận bây giờ, ở Bắc Hà vẫn chưa có ai vượt qua kỷ lục thu gần sáu tạ quả một cây mận như “lão nông” Sùng Cồ Si. “Ngày ấy, những năm 90 của thế kỷ trước, có vụ bán mận tôi cầm trong tay 38 triệu đồng, số tiền lớn có thể mua được hai, ba suất đất ở ngoài thị trấn Bắc Hà nhưng tôi chỉ mua sắm vật dụng sinh hoạt như giường, tủ, đài, xe đạp…, còn thì “bỏ ống bương” cất kỹ trong hòm đựng thóc thôi”- ông Si hồi tưởng về một thời trai trẻ cùng với cây mận Tam Hoa lên ngôi vua ở vùng cao nguyên trắng thơ mộng và hùng vĩ…

Giữ gìn sắc trắng cao nguyên

“Vì sao lại gọi là mận Tam Hoa?” - tôi hỏi ông Vũ Tiến Miện, nguyên là một trưởng phòng sản xuất của huyện Bắc Hà những năm 1980, năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn “đắm đuối” với cây mận xứ này. Trong vườn mận nhà ông vẫn còn đó cây “mận tổ” nguyên chủng, đầu dòng tỏa bóng sum suê và quả sai trĩu chịt, chín tím một vùng đồi, ở thôn Na Quang, thị trấn Bắc Hà. Thì ra, cái tên Tam Hoa bắt nguồn từ đặc điểm cây mận Tam Hoa ra rất nhiều hoa, mọc thành chùm bám trắng cành cây, từ gốc đến ngọn tựa như hoa cà-phê vùng Tây Nguyên, nhưng mỗi chùm có ba cái hoa, nên khi đậu quả thường rất sai. “Người Bắc Hà ghi công ông Vũ Đức Lợi, kỹ sư nông nghiệp, nguyên Giám đốc quốc doanh rau quả Bắc Hà, là người đưa cây mận Tam Hoa về với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Dù ông Lợi đã chuyển về xuôi hàng chục năm, đến bây giờ người vùng này vẫn nhắc về ông như một ân nhân, một người bạn, người thân trong gia đình” - ông Miện bồi hồi. Một lần ra vùng Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh) tham quan, ông Lợi ngạc nhiên thấy có giống mận lạ, quả mầu hồng tím, ăn rất ngọt nhưng nhỏ quả và nhũn, khó vận chuyển đi xa. Máu “nghề” và tấm lòng tận tụy, “đồng cam cộng khổ” với đồng bào vùng cao còn nhiều gian khó đã thúc giục ông “ngửa tay” xin bạn hơn chục cành cây giống nâng niu, gói ghém đưa về quê mới vùng núi cao Bắc Hà. Kỹ sư Lợi đem ghép mắt giống mận Tam Hoa Hoành Bồ vào gốc cây mận chua bản địa Bắc Hà.

Làm ngày, thức đêm để chăm bón, trông coi từng cây mận như trông đàn con nhỏ, cuối cùng chúng đã “ăn da bén thịt” hình thành nên giống mận Tam Hoa - Bắc Hà nức tiếng: Cây khỏe, sinh trưởng nhanh, chống chịu tốt sương lạnh, mây mù và nắng cháy, chịu được khô hạn; quả to, mẫu mã đẹp và rất sai; ăn giòn, ngọt thanh, mát lịm. Thời hoàng kim, cây mận Tam Hoa đã làm đổi đời bao người nông dân “một nắng hai sương” ăn, ngủ cùng mận; làm thay da đổi thịt, phồn thịnh cái huyện nghèo “đá nhiều hơn đất”, “ trăm núi cao, nghìn khe sâu” ở vùng núi phía đông của tỉnh. Chẳng thế mà đã từng có câu “Khi vào nhớ dốc Trung Đô/ Khi ra nhớ mận Tam Hoa Bắc Hà”...

Cao nguyên mùa mận chín ảnh 1

Mận T am Hoa được bày bán tại chợ Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Thế nhưng, không ngờ rằng, cây mận “tụt dốc”, từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu. Ấy là do “người người, nhà nhà trồng mận”: thấy lợi, dân thành phố và từ nơi khác đổ vào Bắc Hà mua đất, phát rừng trồng mận. Thiếu quy hoạch và nhất là “nhà nhà ươm cây, người người làm giống”, người ta chiết cả những cành la, cành gốc, sâu bệnh đem ghép “chạy sô” vào cả những gốc đào thóc, mận dại, không ai kiểm soát nổi, dẫn đến mận Tam Hoa bị thoái hóa, quả bé lại chua lòm, chát xít. Người tiêu dùng quay lưng, thương lái hết mặn mà, bán mận rẻ như cho mà không có người mua, cho nên người trồng bỏ mặc hàng trăm héc-ta mận hoang hóa, cằn cỗi và chết dần. Những người như ông Si, ông Miện xót đau trong lòng mà đành bất lực, nhìn thương hiệu mận Tam Hoa Bắc Hà mai một, tựa xuống dốc không phanh. “Là thế hệ đi sau, nhìn những vườn mận còi cọc, bị bỏ hoang, cỏ dại lút đầu, chúng tôi tiếc lắm, nên quyết tâm hồi sinh lại “tiếng thơm” và giá trị kinh tế của “vua” mận Tam Hoa, nhưng cũng phải kiên trì và gian nan, vất vả lắm, nhà báo ạ”, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà Nguyễn Tiến Hồng lên tiếng. Hành trình “phục sinh” cho “vua” mận bắt đầu với dự án cải tạo, phục tráng giống mận Tam Hoa do Trung tâm giống nông - lâm nghiệp Lào Cai thực hiện. Anh Hồng cho hay, giải pháp cơ bản là đốn bỏ những cây mận già, thoái hóa; xóa sổ diện tích mận trồng bằng giống lai tạp, không thuần; áp dụng quy trình chăm sóc theo đúng kỹ thuật khuyến nông, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, Trại nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà thực hiện dự án khôi phục 109 cây mận thuần chủng đầu dòng tại khu chuyên canh của trại để giữ nguồn gien, bảo tồn giống mận Tam Hoa quý. Bên vườn mận giống gốc, kỹ sư người Tày bản địa Lương Quang Thạch, đã có gần 15 năm gắn bó với vùng cao, “sống chết” cùng mận Tam Hoa, say sưa nói về những cây mận đầu dòng mà anh thuộc từng địa danh, đặc tính của nó như những đứa con yêu. Đó là những cây mận đầu dòng, thuần chủng có gốc vững, tán xòe, lá bầu xanh thẫm, quả to 30 đến 40 gam/quả, mầu đỏ tím, căng láng; ăn giòn, vị ngọt mát. “Một thời ồ ạt chạy theo diện tích, sản lượng, buông lỏng khâu giống, dẫn đến “sứt mẻ” thương hiệu mận Tam Hoa, người trồng mận khốn đốn. Đã thấm cái giá phải trả, chúng tôi coi giống tốt như cái then cài để giữ gìn thương hiệu mận Tam Hoa trên vùng cao nguyên trắng hùng vĩ và thơ mộng”, anh Thạch bộc bạch.

Bên cạnh giữ vườn giống chuẩn, Trại nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà còn giúp bà con địa phương phục tráng thành công 230 cây mận gốc, thuần chủng, cho năng suất cao, chất lượng hàng đầu. Càng mừng hơn, chính quyền địa phương đang hướng bà con người Mông, Tày, Nùng... liên kết sản xuất theo mô hình “câu lạc bộ”, “liên gia”, “nhóm hộ” trồng mận. Ở ngoại ô thị trấn Bắc Hà, 18 hộ gia đình người Tày đã liên kết với nhau phát triển mô hình trồng mận Tam Hoa kết hợp du lịch nông nghiệp. Mọi người làm vườn sinh thái, trồng mận theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa bán sản phẩm quả tươi đóng túi dán nhãn xuất xứ, vừa bán vé cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm vườn mận.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà Nguyễn Quốc Huy hào hứng nói về hơn 500 ha mận Tam Hoa hiện có, với sản lượng khoảng 2.300 tấn, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu chất lượng từ năm 2015 - giấy “thông hành” để quả mận Tam Hoa vùng cao nguyên đi xa, vươn cao tới thị trường rộng mở. “Chủ trương của Bắc Hà là chú trọng chất lượng, duy trì vườn mận hiện có và phục tráng cải tạo những vườn mận kém chất lượng, hướng đến nâng chất lượng sản phẩm cao hơn; đưa giá trị thương phẩm của trái mận Bắc Hà lấy lại vị thế đầu bảng trên thị trường”, Chủ tịch Nguyễn Quốc Huy khẳng định. Tôi tin quyết tâm của chính quyền và người dân vùng cao nguyên trắng, bởi hướng đi mới lấy mận Tam Hoa làm cây trồng đặc hữu để khai thác ưu thế thiên nhiên vượt trội ở đây và trên nền tảng đó, làm bệ phóng cho du lịch Bắc Hà cất cánh, như trong Tuần văn hóa - du lịch Bắc Hà 2018 vừa diễn ra vào đầu hè này, đã dập dìu người, xe đổ về thung lũng “Pạc Kha - Bắc Hà” xem màn đua ngựa không yên độc đáo, đầy tinh thần thượng võ của những chàng trai người Mông, nếm trái mận Tam Hoa đậm đà hương vị và hòa cùng điệu xòe Tà Chải cất lên từ tâm hồn bay bổng và tấm lòng “nghĩa nặng tình sâu” của người và đất Bắc Hà thân thương.