Bên dòng kênh mới hồi sinh

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân-

Một tin vui đầy ý nghĩa với đông đảo người dân TP Hồ Chí Minh là Dự án "Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm" vừa được khánh thành, chào mừng 40 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Một đoạn kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau khi được cải tạo.
Một đoạn kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau khi được cải tạo.

Không chỉ cải tạo bộ mặt đô thị, dự án quan trọng này còn giúp hơn 6,3 triệu người nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó hơn 1,2 triệu người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án thông qua các công trình hạ tầng tiện ích.

Sau ngày giải phóng miền nam, do điều kiện kinh tế khó khăn, số lượng người nhập cư vào TP Hồ Chí Minh tăng cao cho nên không ít người dân đã chọn con kênh Tân Hóa - Lò Gốm làm nơi cư ngụ. Nhiều xí nghiệp, cơ sở sản xuất cũng góp phần làm dòng kênh xanh khi xưa trở thành dòng nước đen với hàng nghìn căn nhà tạm bợ, nhếch nhác. Mười năm trước, với quyết tâm cải tạo bộ mặt đô thị, góp phần thay đổi cuộc sống người dân ven kênh Tân Hóa - Lò Gốm, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp đô thị TP (HUUI) nhằm cải thiện các công trình dân sinh và hạ tầng xã hội trên địa bàn thông qua nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, trong đó có Dự án "Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm".

Giám đốc HUUI Lê Thanh Liêm nhớ lại quãng thời gian giải phóng mặt bằng, tái định cư (phức tạp và kéo dài nhất) đối với hơn 12 nghìn hộ dân, trong đó có hộ bị ảnh hưởng một phần và có hộ phải giải tỏa toàn bộ. Vì nhận thấy môi trường quá ô nhiễm, hoàn cảnh cư ngụ ẩm thấp, chật chội nên không có hộ dân nào mà HUUI phải dùng biện pháp cưỡng chế. Hơn 458 căn chung cư và nền đất được bố trí cho bà con cùng với việc 969 hộ nhận tiền để tự lo nơi ở mới, đã là một thành công trong công tác vận động tuyên truyền. Không chỉ thế, các hộ dân bị ảnh hưởng một phần nhà cửa, kiến trúc còn đóng góp bằng giá trị đất của bà con bị thu hồi với tổng giá trị hơn 552 tỷ đồng... Thế rồi chỉ trong vài năm, hàng loạt cây cầu (tổng số 12 cầu) như cầu Bông, cầu Hậu Giang, cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu... được thi công đã tạo mỹ quan và giải quyết ùn tắc giao thông kịp thời.

Ðể có đường kết nối dự án, HUUI còn xây hơn 11,8 nghìn m đường giao thông kết nối các tuyến đường huyết mạch phía tây thành phố; tạo bốn khu cảnh quan cho người dân vui chơi giải trí với tổng diện tích hơn 14 nghìn m vuông; xây lắp gần tám nghìn mét cống bao thu gom nước thải, kiểm soát tình trạng ngập nước cục bộ; nạo vét 300 nghìn m khối bùn, khơi thông dòng chảy 7 km, tạo sự thông thoáng cho môi trường, mang lại bầu không khí trong lành dọc toàn bộ tuyến kênh...

Ông Lai Thanh Hùng (nhà ở hẻm 295 Tân Hòa Ðông, phường Bình Trị Ðông, quận Bình Tân) chia sẻ: "Gia đình tôi từ miền bắc vào sinh sống với nghề bán trái cây dạo. Từ khi dự án được triển khai đến nay, con hẻm nơi tôi ở được nâng cao, có lắp cống thoát nước, tráng bê-tông sạch sẽ. Các con tôi được theo học ở trường tiểu học gần nhà, nghe nói cũng do dự án có kết dư nên xây thêm bệnh viện, trường học. Tôi rất vui vì mình được sống giữa một thành phố nghĩa tình, văn minh như là quê hương thứ hai". Chị Hoàng Thị Thanh Hoa (371/10 Hậu Giang, phường 11, quận 6) rất phấn khởi, cho biết: "Trước đây con kênh này hôi thối lắm, đi ngang phải bịt mũi vì nước đen đặc, đầy rác rưởi. Sau khi nạo vét thi công, làm đường dọc kênh, tôi và bà con thường hay ra chân cầu Hậu Giang tập thể dục, hít thở không khí trong lành vào những buổi sớm. Ngày xưa nhiều hộ phải bán nhà đi nơi khác vì chịu đựng không nổi ô nhiễm nhưng bây giờ đường thông, hè thoáng, sông nước sạch sẽ, ai cũng mừng; giá đất lại lên cao gấp hai, ba lần".

Có mặt và cùng chung vui với nhân dân TP Hồ Chí Minh để ghi nhận sự thay da đổi thịt bên dòng nước trong xanh với những hàng cây đang từng ngày vươn lên cùng sự phát triển của thành phố, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đi dọc một đoạn kênh (khu vực quận 6) để chứng kiến sự hồi sinh của kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Một dòng kênh "chết" năm nào nay hồi sinh với những đoạn nước trong xanh có ghe thuyền qua lại; đoạn lại có bờ kè phẳng phiu, đoạn có cầu bắc qua kênh, có giếng tách dòng, cống bao; đoạn thì xây dựng cống hộp và đường trên cống hộp... Những công trình nêu trên kéo theo việc nâng cấp đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở ở 96 khu dân cư thu nhập thấp. Có 6.305.589 người được hưởng lợi từ dự án, trong đó có 1.281.055 người được hưởng lợi trực tiếp thông qua các dịch vụ hạ tầng tiện ích như bệnh viện mới, trường học mới, mở rộng hẻm, chỉnh trang nhà ở.

Có mặt tại lễ khánh thành, chị Huỳnh Thị Thu Hương chia sẻ: "Tôi cư ngụ trong ngôi nhà 24 m vuông với sáu nhân khẩu (số 29/24/44 đường số 8, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân). Trước đây nền nhà tôi bị ngập 1,4 mét khi trời mưa. Khi dự án hoàn thành, nhà tôi không còn ngập, dự án còn xét cho tôi vay (từ Quỹ CEP của Liên đoàn Lao động thành phố ký kết với HUUI cho hơn 28 nghìn lượt hộ dân vay tiền sửa nhà, cải thiện cuộc sống) thêm 15 triệu đồng để làm thêm một gác gỗ. Ổn định chỗ ở, gia đình tôi mừng lắm!".

Chia sẻ với "người đồng cảnh ngộ", chị Tô Hán Anh (206/90/23 Hàn Hải Nguyên, phường 9, quận 11) rướm nước mắt: "Chồng tôi bị tai biến nằm liệt, dự án triển khai đã xét cho tôi vay năm triệu đồng (Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố ký kết với HUUI cho hơn 14 nghìn lượt chị em vay tiềnbuôn bán nhỏ) mở quán bán cơm chiên, thu nhập đã ổn định. Từ đó tôi lo cho ba đứa con học đại học, nay hai đứa đã có việc làm rồi...".

Theo Giám đốc HUUI Lê Thanh Liêm, dự án đã tạo quỹ gần 350 tỷ đồng (có sự hỗ tọư của nhiều tổ chức, nhiều quỹ, ngân hàng...) để hỗ trợ người dân vay vốn làm ăn, sửa chữa nhà ở, sử dụng nước sạch. Bên cạnh đó là trả lại mạng lưới đường thủy và kênh thoát nước thông thoáng, môi trường văn minh hiện đại. Dự án được Ngân hàng Thế giới tài trợ gần 129 triệu USD để cải thiện tình trạng ô nhiễm và giải quyết ngập lụt cho lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm với diện tích gần 19 km2, trả lại cho nhân dân TP Hồ Chí Minh một cuộc sống ý nghĩa hơn, tích cực hơn và đầy nhân văn!

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vui mừng nhận thấy, sau 10 năm, dự án hoàn thành đã tạo được bước chuyển biến lớn, làm thay đổi diện mạo các quận nghèo vùng ven trước đây, nay trở thành nơi có cảnh quan kiến trúc theo hướng hiện đại, thông thoáng và sạch đẹp; môi trường sống của người dân được tốt hơn, giá trị các ngôi nhà, đất của bà con được tăng thêm, điều kiện kinh tế hàng nghìn hộ gia đình được cải thiện rõ rệt...

Chủ tịch nước đã trồng cây lưu niệm ở nơi dự án đi qua (tại Công viên Phạm Văn Chí, phường 10, quận 6) và trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng HUUI. Cùng có mặt trong dịp này, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cũng bày tỏ niềm vui và sự hạnh phúc rất lớn. Khi được hỏi về cảm nghĩ của mình, các đồng chí chỉ cười mà không bình luận nhiều. Riêng Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Văn Thưởng chia sẻ: "Các nhà báo hãy hỏi nhân dân. Niềm vui của bà con chính là câu trả lời, là "thước đo hài lòng" đối với Ðảng bộ, chính quyền thành phố".