Bên dòng Đa Nhim

Dòng Đa Nhim huyền thoại khởi nguồn từ cao nguyên Lâm Viên. Phù sa phía thượng nguồn hằng ngày tưới tắm cho xứ rau nổi tiếng Đơn Dương, Lâm Đồng. Chiều yên ả, chợt tiếng vó ngựa gõ giòn trên những lối xưa ra đồng. Đó là thanh âm khát khao từ nhiều năm trước của người dân Đơn Dương, mang theo kỳ tích trên hành trình trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên tại Tây Nguyên.

 Mùa vàng ở Đơn Dương (ảnh nhỏ).
Mùa vàng ở Đơn Dương (ảnh nhỏ).

Chiều Đơn Dương nắng lạnh ngọt lành, dường như có mùi hương hoa cải thoảng bay trong gió. Những thiếu nữ Churu tuổi cập kê lúng liếng về đồng. Mấy ai có được cái thú, khi mỗi buổi chiều ngồi vắt vẻo bên thành xe ngựa, nhìn ngắm ruộng đồng xanh mướt và bình yên, tiếng vó ngựa gõ nhịp trên đường làng, tiếng lục lạc len trong gió... Đang điều khiển chuyến xe ngựa ra đồng chở hàng, bóng chiều nghiêng đổ, lão xà ích Nguyễn Quốc Xuân, người đã trải qua hơn 40 năm gắn bó với nghề ngựa vận chuyển ở xã Lạc Lâm, Đơn Dương, thổ lộ: Từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết đường làng, đường nhánh ra đồng đã được trải bê-tông. Ô-tô đã ra tận chân ruộng và tiếng vó ngựa chở hàng đã vang trên đường.

Theo đồng bào dân tộc thiểu số bản địa cắt nghĩa, Đa Nhim là nước mắt. Nước mắt của sơn nữ trong mối tình huyền thoại xứ cao nguyên LangBiang, được truyền tụng từ bao đời nay, quanh bếp lửa hồng của người Churu, Cơ Ho. Giờ đây, dòng lệ huyền sử ấy vẫn chảy cạn lòng qua hai mùa mưa nắng, phủ tràn đôi bờ bắc - nam huyện nông thôn mới Đơn Dương. Đứng trên đỉnh núi cao, quốc lộ 27 uốn lượn, chạy dọc theo dòng Đa Nhim xanh mát, những vườn rau xanh mướt, sắc màu của vườn cà chua mùa trĩu quả, những mái nhà kính dập dờn như sóng biển… Có lẽ, tất cả phù sa nơi con sông ấy đã dành trọn vẹn cho Đơn Dương. Ở xứ này, rau là đặc sản, rau đã nuôi sống cư dân từ hàng chục năm trước. Giờ và còn mãi về sau, có lẽ đặc sản rau công nghệ cao Đơn Dương sẽ mang về sự sung túc cho hơn 90 nghìn cư dân phía phù sa Đa Nhim đắp bồi.

VÙNG quê thuần nông đang vươn mình, trở thành “đô thị” bên dòng Đa Nhim. Nơi ấy, chất chứa biết bao câu chuyện của các dân tộc anh em Churu, Cơ Ho, Ê Đê, Tày, Kinh... chung sức, đồng lòng xây dựng Đơn Dương trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên. Tôi ngồi trên chuyến xe ngựa chở hàng nông sản của anh Nguyễn Tiến Hồng Quân (thôn 2, xã Lạc Lâm). “Đơn Dương giờ đã khác xưa nhiều rồi. Đời sống bà con đã được nâng lên đáng kể từ ngày xây dựng nông thôn mới...” - anh Quân thổ lộ. Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, mạng lưới giao thông liên xã tại Đơn Dương được trải nhựa toàn bộ, đường liên xóm, đường nội đồng được cứng hóa hơn 71%; ô-tô, xe ngựa vận chuyển nông sản đã vào đến chân ruộng, điều mà cách đây 5 năm còn là giấc mơ với nhà nông nơi đây.

Trong nhà kính hiện đại vừa mới đầu tư, ông Bùi Ngọc Cung (xã Lạc Lâm, Đơn Dương) đang chăm chút vườn ớt ngọt của gia đình. Ông nói: “Đầu năm 2016, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhà mình vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm, vui lắm!”. Mấy mươi năm gắn bó với vùng quê thuần nông này, cũng chừng ấy năm, ông Cung được nếm trải những thăng trầm ở xứ rau Đơn Dương. Hái một quả ớt ngọt chín mọng đãi khách, ông bộc bạch: “Trước đây người dân Đơn Dương làm nông nghiệp dãi dầu lắm. Đất đai mỡ màu là vậy, nhưng sản xuất chỉ đủ ăn. Giờ thì khác rồi, nông nghiệp công nghệ cao, chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nơi đây”.

Trên đường về, Bí thư Đảng ủy xã Ka Đô Nguyễn Khánh Chỉnh cho biết: Ka Đô có chín thôn, trong đó có năm thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Trước khi được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2010, Ka Đô chỉ đạt tám trong số 19 tiêu chí, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng sau 5 năm, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 50 triệu đồng, gấp 2,9 lần so năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,2%… Người dân đóng góp xây dựng khu chợ hơn 10 tỷ đồng, lớn nhất huyện.

Chủ vườn ươm Tùng Khương nổi tiếng tại Đơn Dương, ông Trương Văn Tùng, góp chuyện: “Mình rất tự hào khi Đơn Dương trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên tại Tây Nguyên. Kết quả của sự kiến thiết mới này đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho đời sống, sinh hoạt của người dân”. Nông dân huyện Đơn Dương tự tin đưa sản phẩm nông nghiệp của mình hòa vào thị trường khu vực và quốc tế.

Lần nào cũng thế, nếu có dịp về Ka Đô, tôi đều ghé thăm già làng Tou Prong Dzung. Trong căn nhà khang trang vừa mới xây, được đồng bào ví là “biệt thự” giữa buôn làng, già Dzung đang vui vầy cùng con cháu. Già hào hứng kể với chúng tôi về những đổi thay của buôn làng, về tư duy mới trong canh tác nông nghiệp, về gìn giữ và phát triển văn hóa Churu... “Ka Đô đã khác xưa nhiều lắm, nhà cửa khang trang hơn rất nhiều. Riêng vùng đồng bào dân tộc còn được hỗ trợ làm nhà kính, nhà lưới, giúp bà con sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống” - Già Tou Prong Dzung thổ lộ.

Và khi mặt trời gác núi, ngọn lửa thiêng hừng hực cháy giữa buôn làng. Tạm gác lại mọi lo toan ngày thường, những người con của núi rừng Nam Tây Nguyên, không phân biệt Kinh, Thượng cùng hòa vào vòng xoang đoàn kết. Khi âm thanh của chiêng ba, tiếng trống Sơgơn, Păhgơnăng và rơkel vang lên, mọi người bắt đầu hòa nhịp Tamya. Đó là một cách để những người con buôn làng thể hiện tình cảm với nhau, với khách và với Yàng, đã ban cho họ những mùa vụ tốt tươi. Nhịp điệu kinh tế và văn hóa cứ quyện hòa. Bình minh lên, họ lại cùng nhau ra đồng, cùng vui ngày mới trên những ruộng rau xanh non, đã làm nên thương hiệu vựa rau nổi tiếng cả nước.

ĐỨNG trên cây cầu giấc mơ đã thành hiện thực của bà con các thôn Lạc Viên A, Lạc Viên B, Diom A, được linh mục quản xứ và nhân dân thiết kế, xây dựng, nối nhịp đôi bờ sông Đa Nhim, anh Phạm Xuân Thế (thôn Lạc Viên, xã Lạc Xuân), vui ra mặt: “Quả thực, đây là cây cầu trong mơ... Giờ đây, trẻ em được tung tăng đến trường, nông dân thăm vườn, thăm lúa, nông sản được lưu thông thuận tiện, khoảng cách ra trung tâm huyện ngắn hơn 10 cây số”. Chầm chậm đi qua những nhịp cầu của cung bậc cảm xúc, chúng tôi trở về UBND huyện Đơn Dương, mang theo những kỳ tích trên hành trình đổi thay tưởng chừng như không thể, từ những buôn làng ở xã Próh, Ka Đơn, Tu Tra... “Khi xây dựng quy hoạch nông thôn mới, chúng tôi chú trọng việc phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để người dân được hưởng lợi cao nhất” - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương Đinh Ngọc Hùng, cho biết. Nhờ vậy, việc xây dựng kết cấu hạ tầng được nhân dân hưởng ứng và đã góp hàng chục nghìn mét đất, hơn 80 tỷ đồng để xây dựng 100 km đường giao thông, 40 km kênh mương, 64 km đường điện, các công trình thủy lợi, chợ nông thôn...

Bên dòng Đa Nhim ảnh 1

Một góc huyện Đơn Dương (Lâm Đồng).

Diện mạo của Đơn Dương hôm nay, với những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự hiện đại chạy dọc các con đường được trải nhựa. Đó là thành quả của sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và chính quyền huyện Đơn Dương trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đây là những con số được đưa ra tại lễ đón nhận danh hiệu huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới vừa qua: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm gần đây đạt 15%, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới đạt hơn 4.300 tỷ đồng. Hiện 76% số trường học tại Đơn Dương có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 170 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,3%...

Bên dòng Đa Nhim ảnh 2

Sản xuất hoa công nghệ cao ở Đơn Dương.

Nói về bí quyết để xây dựng Đơn Dương trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của khu vực Tây Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Đinh Ngọc Hùng cho hay: Chính là ý Đảng hợp lòng dân. Phải phát huy được sức mạnh đoàn kết trong toàn huyện. Xây dựng nông thôn mới, người đầu tiên được hưởng thụ là dân, cần làm cho dân thấy họ là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, khi đó mọi người đều ủng hộ. Huyện đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn hai, với chủ đề “giữ vững và nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới. Chắc chắn, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao...”.

Thời mưa nắng dãi dầu đã phai nhòa trong ký ức. Không còn là một xứ rau, lúa nước tảo tần của nhiều năm trước. Giờ đây, bên dòng Đa Nhim vẫn miệt mài chảy cạn lòng qua hai mùa mưa nắng, người dân Đơn Dương, Lâm Đồng được hòa mình vào không khí “đô thị” mới trên cao nguyên Lâm Viên.