Ký ức Sài Gòn trong lòng Thành phố mang tên Bác

Anh hùng tình báo Tư Cang: Chuyện bao lần thoát hiểm trong gang tấc

NDO -

NDĐT - Là người từng hoạt động tình báo tại Sài Gòn trong thời kỳ trước năm 1975, Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang) kể lại chuyện những lần thoát hiểm khỏi tay giặc khi chiến đấu trong lòng thành phố, và những thời khắc Tháng Tư lịch sử của 40 năm trước.

Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang).
Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang).

“Mình còn sống được là nhờ đồng đội”

Nhắc tới đồng đội, giọng nói của Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) luôn nghẹn ngào: “Không có những đồng đội trung kiên, tôi đã chết không biết bao lần”. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe những lần thoát hiểm nhờ đồng đội.

Ông là người nhiều năm phụ trách cụm tình báo H.63, cụm tình báo phục vụ hoạt động của điệp viên Phạm Xuân Ẩn (tức Hai Trung). Sau khi quân Mỹ ồ ạt đổ bộ vào chiến trường miền Nam, năm 1966, ông Tư Cang phải trực tiếp vào hoạt động tại thành để đưa những chỉ đạo từ cấp trên đến với mạng lưới tình báo. Thời gian hoạt động cách mạng ấy chính là giai đoạn đi cùng với những năm tháng ác liệt nhất trên chiến trường miền nam.

Thời điểm Tết Mậu Thân 1968, trung đội trưởng Tư Lâm được cử xuống hỗ trợ ông Tư Cang. Trong một chuyến đi xuống Hóc Môn, anh Tư Lâm bị bắt. Cô giao liên thông báo cho ông Tư Cang rồi khuyên lãnh đạo nên di chuyển. “Tôi ngồi suy nghĩ, buồn quá và nói với người giao liên: Thôi em cứ di chuyển đi, để giữ đường dây đã thiết lập rồi, còn anh tin thằng Tư Lâm không bao giờ dẫn giặc về bắt thủ trưởng đâu. Đi hoạt động từ năm 1962 tới giờ, anh biết tính nết. Nó thà chịu chết chứ không khai đâu”. Thực tế đã chứng minh lời ông nói đúng. Nhưng người đồng đội ấy cũng mãi mãi không trở về. Sa vào tay giặc, anh chịu án đầy ra nhà tù Phú Quốc, rồi tham gia đấu tranh trong tù, bị giặc đánh chết, bỏ xác xuống biển. Ngày ra đảo, ông chỉ còn cơ hội thắp hương cho người đồng chí đã vĩnh viễn yên nghỉ dưới biển xanh.

Trong một chuyến đi khác, đoàn công tác bị lộ, một cán bộ người xã Phú Hòa Đông đã nhảy lên miệng hầm bắn địch, thu hút chú ý giúp mọi người mang tài liệu chạy thoát. Anh bị bắt, giặc tống giam vào ngục, tới năm 1973 mới được trao trả cho quân ta. Hòa bình lập lại, người cựu chiến binh trở về, tham gia công tác địa phương, nhưng cũng sớm qua đời bởi những di chứng từ đòn tra tấn dã man của địch trong tù để lại.

Khi hoạt động tình báo, có lúc, ông Tư Cang từng phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm, tính mạng tưởng chừng “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng nhờ khả năng ứng phó tài tình, cùng sự hỗ trợ của đồng đội, ông đã vượt qua. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tối mùng 1 Tết, các chiến sĩ biệt động thành tấn công vào Dinh Độc lập, nhưng bị địch đẩy lui. Anh em phải trốn vào phòng ngự trong tòa nhà đang xây dở tại đường Nguyễn Du và đường Thủ Khoa Huân tại chợ Bến Thành, bị quân Đại Hàn và quân Mỹ dồn sức tấn công. Lúc đó, ông Tư Cang đang ở trong nhà điệp viên Nguyễn Thị Mỹ Nhung (tức Tám Thảo), một thành viên của cụm tình báo H.63, tại trung tâm thành phố. Trong thời khắc nguy nan, thấy đồng đội của mình bị vây hãm, súng gần hết đạn, ông đã quyết định bắn chi viện và đánh lạc hướng kẻ thù, nhằm tạo thời cơ cho đồng đội rút lui.

Với tài thiện xạ, hai phát đạn của ông đã tiêu diệt ngay hai chỉ huy của quân địch, khiến bọn giặc rối loạn một lúc. Nhân lúc đó, anh em biệt động tìm cách thoát đi. Giặc xem hướng đạn, phát hiện vị trí súng nổ nên kéo tới lục soát nhà cô Tám Thảo. Ông Tư Cang đứng núp sau mấy tấm mành vải của gia đình, súng sẵn trong tay. Nhưng với sự nhanh trí của đồng đội, ông đã thoát khỏi sự phát hiện của giặc chỉ trong gang tấc.

Ông cũng nhớ ơn những người dân từng cưu mang trong thời gian hoạt động tình báo đầy khó khăn giữa lòng Sài Gòn, như gia đình của cô Tám Thảo. Đây là gia đình tư sản giàu có ở Thành phố nhưng cũng là cơ sở cách mạng của ta. Ông tâm niệm, công tác tình báo là công tác dân vận, nếu dân vận không giỏi, sẽ khó sống được trong môi trường đầy gian nguy thuở nào.

Nước mắt ngày giải phóng

Đại tá Nguyễn Văn Tàu cho biết, khi tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, ông được phân công làm Chính ủy Lữ đoàn đặc công - biệt động (Lữ đoàn 316), thành lập tháng 3-1974. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Lữ đoàn 316 được giao nhiệm vụ dẫn đường cho các đặc quân tiến vào các mục tiêu được phân công như sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc lập, Sở Cảnh sát…, đánh chiếm những cây cầu trọng yếu chung quanh Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho Lữ đoàn 203 xe tăng thuộc Quân đoàn 2 tiến nhanh vào Dinh Độc lập. Trận đánh tiêu biểu của Lữ đoàn 316 là trận đánh chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc. Diễn ra từ ngày 28 đến 30-4-1975, trận chiến rất ác liệt, khi 200 chiến sĩ của ta chiến đấu với hơn 2.000 quân địch. Cuối cùng, quân ta đã thắng lợi, chiếm giữ và bảo vệ an toàn cây cầu huyết mạch, mở thông cánh cửa phía đông đón đại quân tiến vào Dinh Độc Lập. Trận chiến đó cũng khiến 52 chiến sĩ hy sinh ngay tại cửa ngõ Sài Gòn.

Sáng 30-4-1975, ông Tư Cang có mặt tại Sở Chỉ huy Lữ đoàn 316 đóng tại sân đình ấp Thới Tứ, xã Thới Tứ, huyện Hóc Môn, nắm tình hình để báo cho Bộ chỉ huy chiến dịch. Ông cùng một đồng chí pháo binh của Quân đoàn 3 đến gặp và bàn chuyện đánh chiếm từng đường phố trong Sài Gòn, nhất là các vị trí cao ốc để đặt pháo bảo đảm hỗ trợ đắc lực cho bộ binh. Đang thảo luận chưa dứt, bỗng đồng chí cán bộ tuyên huấn của Lữ đoàn thông báo: Giặc đầu hàng rồi. Nhiều người dân cũng chạy tới quanh bộ đội reo lên: “Tụi nó đầu hàng rồi, Đài Sài Gòn nói vang lên rồi đó”.

Nhớ lại những khoảnh khắc ấy, ông tâm sự: “Tôi cảm thấy sung sướng, tự hào vì mình được sinh ra vào thời điểm vinh quang của dân tộc”. Từ người thanh niên 17 tuổi cầm cây tầm vông vạt nhọn cùng với dân làng Long Phước giành chính quyền tại thị xã Bà Rịa năm 1945, sau 30 năm tham gia kháng chiến, ông có mặt trong hàng ngũ những người đầu tiên tiến vào sào huyệt cuối cùng của quân thù. “Ngồi trên xe vẫy chào đồng bào ngày giải phóng, nước mắt tôi lưng tròng vì cảm động”, ông chia sẻ.

Cha, con và gần 30 năm xa cách

Anh hùng tình báo Tư Cang: Chuyện bao lần thoát hiểm trong gang tấc ảnh 1

Đại tá Nguyễn Văn Tàu và vợ, bà Trần Ngọc Ảnh (Ảnh tư liệu chụp lại).

Năm 1946, khi mới 18 tuổi, ông lập gia đình với cô gái Trần Ngọc Ảnh. Một thời gian sau, vợ có mang, giặc lại vào làng tàn phá, ông phải lên đường vào chiến khu. Con gái ông chào đời năm 1947 nhưng người cha cũng không biết mặt con. Trước khi từ giã, ông Tư Cang bảo vợ lên Sài Gòn học đánh máy, lấy tiền nuôi con rồi chờ đợi ở đó, còn mình đi hoạt động Cách mạng. “Tôi đi vô trong rừng luôn, liên tục cho tới ngày tập kết cũng không gặp bà ấy. Sau này, tôi trở thành người phụ trách mạng lưới tình báo rất quan trọng nên cũng không có cơ hội gặp mặt người vợ thân yêu, dù hai người cùng sống ở mảnh đất Sài Gòn đô hội”, ông nói.

Thời điểm trở lại hoạt động trong thành phố Sài Gòn, giữ vị trí cụm trưởng cụm tình báo H.63, để bảo vệ an toàn cho lưới điệp báo, người lãnh đạo phải chấp nhận hy sinh tình cảm gia đình. Cũng có đôi lần, hai vợ chồng gặp nhau ở Sở Thú (Thảo Cầm viên) nhưng không thể trò chuyện công khai. Trong ngày vui lớn của đất nước, ông cũng có niềm vui nhỏ khi được gặp mặt vợ con vào đêm khuya của Ngày Chiến thắng, sau khi đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trong phút giây gặp mặt, cả nhà đều xúc động rơi nước mắt. Ngày thoát ly, vợ mới mang bầu mấy tháng, nay toàn thắng trở về, con gái đã 28 tuổi, còn có cả cháu ngoại ba tuổi.

Anh hùng tình báo Tư Cang: Chuyện bao lần thoát hiểm trong gang tấc ảnh 2

Ở tuổi 87, ông vẫn đi xe máy, tham gia hoạt động xã hội.

Trải qua những năm tháng chiến đấu anh dũng, mang trên người ba vết thương, người chiến sĩ tình báo năm nào, nay đã 87 tuổi, vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Vào ngày 27-4 hằng năm, ông và những cựu binh của Lữ đoàn 316 vẫn tới cầu Rạch Chiếc, thả hoa xuống sông để tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống trước Ngày Chiến thắng. Lịch làm việc của ông vẫn dày đặc, với những chuyến đi, trao quà cho những đồng đội cũ và gia đình còn gặp khó khăn. Nhưng nhiều nhất, vẫn là những cuộc trò chyện với thế hệ trẻ ở nhiều địa phương để “truyền lửa” về cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc.

* Đại tá Nguyễn Văn Tàu (tức Trần Văn Quang, Tư Cang) sinh năm 1928 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945, từng giữ vị trí cụm trưởng Cụm tình báo H.63 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với những điệp viên nổi danh như Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo, Hoàng Nam Sơn… Cụm H.63 đã được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1971. Ông đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Nhì, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2006...