37 năm, mẹ đợi con về

NDO -

NDĐT- 17 tuổi, cái tuổi ăn, tuổi lớn, “da còn trắng, má còn úc, trông thơ ngây quá” nhưng liệt sĩ Ngô Trí Khoa đã phải nếm trải chông gai, bom đạn nơi chiến trường ác liệt. Anh hy sinh khi đã cận kề ngày thống nhất, tuổi đời còn rất trẻ, trên chiến trường Thừa Thiên Huế. Suốt 37 năm, gia đình mòn mỏi đi tìm kiếm mộ phần liệt sĩ. Ngày anh trở về, còn nguyên vẹn kỷ vật chiếc tay áo đựng biến của mẹ.

Một bức thư chiến trường của liệt sĩ Ngô Trí Khoa.
Một bức thư chiến trường của liệt sĩ Ngô Trí Khoa.

Những dòng thư chiến trận

37 năm, mẹ đợi con về ảnh 1

Liệt sĩ Ngô Trí Khoa (ngoài cùng bên phải) trong ngày nhập ngũ năm 1969 (Ảnh gia đình cung cấp).

Không hiểu sao, cứ mỗi dịp đến ngày 27-7, tôi lại nghĩ nhiều về chị Ngô Thúy Hằng ở Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN), người suốt nhiều năm qua không mệt mỏi trên hành trình tư vấn, tìm kiếm, trả lại tên cho hàng nghìn mộ phần liệt sĩ trên khắp cả nước.

Trong số nhiều nhân vật, kỷ vật chiến trường sưu tầm, tôi thấy chị cứ xao xuyến, không kìm được xúc động mỗi khi nói về câu chuyện trở về của liệt sĩ Ngô Trí Khoa.

Chị Hằng tâm sự: “Hôm đó tôi nhận được một cuộc điện thoại của thân nhân nói về trường hợp anh trai của mình - liệt sĩ Ngô Trí Khoa. Về công việc, tôi tư vấn anh cần làm từ giấy báo tử đến tìm hồ sơ gốc và tìm đồng đội. Tôi chỉ bất ngờ là chú này là lính Trung đoàn 271 nhưng gần đến ngày giải phóng chú lại hy sinh tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hỏi các cựu chiến binh, tôi mới biết thêm là có hai Trung đoàn 271. Trung đoàn 271 của chú Võ Minh tác giả cuốn Có một thời như thế là Trung đoàn 271 của miền Đông Nam bộ, còn Trung đoàn này là 271B chiến đấu vùng quân khu 4”.

Chị Hằng cho tôi xem năm lá thư của liệt sĩ Ngô Trí Khoa gửi về cho gia đình. Những nét chữ đen nhánh trên nền giấy pơ-luya đã ố vàng, xưa cũ. Chị bảo “Tôi đọc một lúc năm lá thư, nước mắt cứ trào ra và nghẹn đắng. Thấy thương vô cùng người thanh niên xứ Nghệ mang theo hoài bão và hình bóng người con gái ra chiến trận ấy”.

Bức thư có đoạn: “Chú ơi! Cháu là thằng trẻ nhất tiểu đội, cũng yếu gần nhất. Một đứa mà ra đi bộ đội da còn trắng, má còn úc, trông thơ ngây quá. Tuổi đời chỉ có 16,5 tuổi, tuổi ăn, chơi. Vậy mà tấm thân cháu đã phải tôi luyện trong gian khổ…”. Trong gian khổ đã có lần anh phát khóc vì “Đi hành quân từ ngày này qua ngày khác, chân thì bỏng, máu nhầy nhụa, đường gập gềnh hiểm hóc, có lúc muốn nằm sóng xoài giữa đường, lúc lại muốn khỏe lại cho hả dạ. Đêm hôm lại báo động, đèn không được bật, chạy bổ (ngã) khắp ao, khắp đìa như người mù…”.

Có lần anh viết thư khi đang làm nhiệm vụ trinh sát quân địch “Trước mắt cháu là đồn địch. Có nơi chỉ cách quân địch 100-200 m. Chỉ 5-7 người đảm nhiệm một chốt nên căng thẳng lắm, mỗi đêm chỉ được ngủ vài ba tiếng, nước uống mỗi ngày được một bình tông”. “Nhưng chú ạ ! thép có tôi mới cứng… dù có khó khăn gian khổ đến mấy cháu cũng quyết vượt qua. Ví không có cảnh đông tàn, thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”. Không ai nghĩ những dòng chữ ấy lại được một chàng trai chỉ mới hơn 16 tuổi viết nên. Lòng yêu nước, căm thù giặc, đã hình thành nên nghị lực của người lính Cụ Hồ.

Người lính trẻ ấy đã ra đi khi mà trong tim còn mang nhiều dự định nhưng chưa thành: “Chú Yên ạ, nhất định sau hòa bình thống nhất cháu sẽ ra thăm chú và xem Thủ đô Hà Nội… Chú sẽ đưa cháu đi tham quan các thắng cảnh ở đó chú nhé. Và khi đó ta làm một bình tông xi-rô cho kềnh bụng chú nhé …!”. Đó là lá thư sau cùng anh gửi về quê nhà. Anh hy sinh vào tháng 1-1975 khi đất nước chuẩn bị thống nhất.

Bữa ăn biến ngày ra trận

37 năm, mẹ đợi con về ảnh 2

Chiếc túi áo đựng biến và bài thơ do liệt sĩ Khoa viết về mẹ.

37 năm là ngần ấy thời gian anh Ngô Trí Hà, người em trai và gia đình đi tìm mộ phần liệt sĩ Khoa. Sự gặp gỡ tình cờ với chị Ngô Thúy Hằng và nhiều thông tin ăn khớp, sau một năm sao lục hồ sơ, kết nối thông tin, đi tìm đồng đội cùng đơn vị và đồng đội năm xưa cùng tiểu đội với liệt sĩ Khoa, cuối cùng, họ đã tìm ra được vị trí chôn cất liệt sĩ Ngô Trí Khoa ở Xuân Lộc, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế.

Liên hệ với anh Ngô Trí Hà, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171, Vùng 2 (Quân chủng Hải quân) chúng tôi được anh chia sẻ rằng: Ngày 30-7- 2012, khi khai quật phần mộ, năm anh em trong gia đình đã phát hiện ra chiếc túi đựng gạo mà ở miền vùng đất Yên Thành, Nghệ An quê anh còn gọi là chiếc bao “tượng”. Ngô Trí Châu là em trai thứ sáu của anh Khoa sờ đến đầu tiên và sau đó, năm người em xúm lại sờ nhẹ, phủi cát bụi đi và lộ rõ đường may của mẹ, đường may quá quen thuộc với năm anh em đi trong ngày hôm đó nên ai cũng cảm động và khóc. Sau vài phút xúc động, anh Hà lấy lại bình tĩnh và gọi điện thoại về cho mẹ, một lúc suy nghĩ mẹ đã kể lại câu chuyện về sự ra đời của chiếc bao đựng biến.

Chuyện là: Trước mấy ngày lên đường nhập ngũ, mẹ có rang biến (món ăn như cốm, còn gọi là nổ nếp) cho anh và 4 người bạn của anh Khoa ăn một bữa tình cảm trước lúc lên đường. Sau bữa ăn biến đó, mẹ vẫn còn để lại cho anh một ít. Nghĩ không biết lấy cái gì đựng để anh mang theo lên đường. Mẹ nhìn thấy cái ống tay áo của chiếc áo nâu cũ bạc đã rách treo trên cánh cửa ra vào, thế là mẹ lấy dao cắt một đoạn và may lại một đầu, đầu kia mẹ may khuông nhỏ để luồn dây tạo thành miệng của túi. Rồi mẹ đổ biến vào trong đó cho anh mang lên đường tòng quân. Sau này, lần lượt các anh vào bộ đội mẹ đều may cho các túi đựng như vậy

Theo lời kể của các đồng đội, ngày anh Khoa vào chiến trường và suốt quá trình quân ngũ, cái bao đó anh đã dùng nó làm cái bao gối nhỏ và luôn gối lên đầu để cảm giác như được mẹ sưởi ấm, che chở, yêu thương. Những vần thơ anh viết hiện vẫn được nhiều đồng đội của liệt sĩ Ngô Trí Khoa còn thuộc: “Ống tay áo thần kỳ của mẹ/ Là cái bao đựng biến lúc tòng quân/ Theo con đi khắp Trường Sơn đánh Mỹ/ Miền Nam ơi! Chiến trường vẫy gọi/ Niềm tin mẹ già vững bước con đi”.

Tôi dừng lại rất lâu trước tấm chân dung liệt sĩ Ngô Trí Khoa trên đài tưởng niệm liệt sĩ trực tuyến (http://www.lietsivietnam.org). Người lính trẻ vẫn ấp ủ giấc mơ một lần ra Hà Nội để nhìn thấy nhà cao tầng, xe điện. Ước mơ ấy dẫu không thành nhưng hôm nay anh đã trở thành biểu tượng sống của gia đình, hậu phương.

Trên đài tưởng niệm, anh Ngô Trí Hà (email: ngotriha171@gmail.com) đã ghi cảm tưởng về người anh trai liệt sĩ của mình: “Kính chào anh Ngô Trí Khoa. Hôm nay ngày 14-5 âm lịch, năm Ất Mùi, em kính cẩn dâng hoa, thắp hương kính viếng anh, cầu cho anh siêu thoát. Khí phách chiến đấu ngoài mặt trận của anh vẫn như in trong trái tim em, càng phấn đấu, học hành càng thêm hiểu anh, hiểu những giá trị cao cả mà những người lính đã cống hiến trọn đời cho Tổ Quốc. Em nguyện phấn đấu trở thành người lính trung với nước, với Đảng, hiếu với dân…”.