Mở lại đường bay quốc tế

Thúc đẩy giao thương, đầu tư

NDO -

Việc Chính phủ cho phép từng bước mở lại đường bay quốc tế được các chuyên gia đánh giá là động thái quan trọng nhằm gỡ khó cho ngành hàng không nói riêng và góp phần tạo tăng trưởng cho nền kinh tế nói chung. Song, việc mở cửa này vẫn cần thận trọng và gắn với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Từng bước mở lại các chuyến bay quốc tế.
Từng bước mở lại các chuyến bay quốc tế.

Gỡ khó cho hàng không, tạo động lực tăng trưởng kinh tế 

Trong bối cảnh dịch bệnh trong nước và tại một số quốc gia đang được kiểm soát tốt, bầu trời giữa Việt Nam và các nước từng bước được kết nối trở lại, hãng hàng không Vietjet đã khẩn trương mở lại mạng bay quốc tế đến Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) từ ngày 29-9 tới. Theo Vietjet, tần suất khai thác của các đường bay này gồm: TP Hồ Chí Minh - Tokyo (Narita, Nhật Bản một chuyến vào thứ ba hằng tuần; TP Hồ Chí Minh - Seoul (Incheon, Hàn Quốc) một chuyến vào thứ tư hằng tuần, Hà Nội - Đài Bắc (Đào Viên, Đài Loan, Trung Quốc) một chuyến vào thứ năm hằng tuần.

Cùng với Vietjet, các hãng hàng không khác như Vietnam Airlines, Bamboo… cũng liên tục công bố kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế với các biện pháp phòng dịch thận trọng. 

Nhận định về quyết định từng bước mở cửa đường bay trở lại của Chính phủ, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thương mại và Công nghiệp (Bộ Công thương) nhận định, dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam. Việt Nam và nhiều nước phải ban bố lệnh phong tỏa khi dịch bệnh bùng phát, dẫn đến nhiều hãng hàng không phải ngừng bay. Trong các lĩnh vực, hàng không là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều hãng hàng không bị lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

“Trong bối cảnh như vậy, việc Chính phủ quyết định từng bước mở lại đường bay quốc tế với một số nước là động thái được đánh giá là tích cực và không thể không thực hiện. Bởi hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn và nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô không đạt được. Nên việc mở cửa các đường bay quốc tế bước đầu sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho ngành hàng không, giúp họ bước đầu khôi phục lại một phần hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng doanh thu”, ông Lê Quốc Phương nêu rõ.

Ngoài ra, những quốc gia đầu tiên được Việt Nam quyết định mở cửa đường bay là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia đều là những nước láng giềng, có quan hệ giao thương lớn với Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế với Việt Nam. Đơn cử, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ ba; Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai và một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất… Cho nên, việc mở lại đường bay với các quốc gia này sẽ giúp thúc đẩy giao thương giữa hai bên.

Đây cũng là những nước bước đầu kiểm soát tốt việc chống dịch. Việc mở cửa cũng giúp thuận lợi cho việc đi lại giữa các chuyên gia, sinh viên, người lao động, thúc đẩy các dự án đầu tư tại Việt Nam được triển khai mạnh mẽ hơn.

Ông Lê Quốc Phương nhấn mạnh: “Không thể kỳ vọng việc từng bước mở lại đường bay quốc tế sẽ giúp kinh tế bật tăng trở lại được ngay, bởi ngay cả các nước bạn cũng đang rất thận trọng trong các quyết định đi lại, du lịch hay giao thương trực tiếp… Song hy vọng động thái này sẽ giúp cải thiện các chỉ tiêu như xuất khẩu, đầu tư, du lịch… so với giai đoạn đầu năm”.

Đồng ý kiến, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia ngành bán lẻ cho biết, việc từng bước mở đường bay quốc tế đến Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ mở ra hướng giao lưu du lịch, từ đó tăng phát triển thương mại. Bởi các cửa hàng miễn thuế tại khu vực sân bay sẽ hoạt động trở lại; du lịch cũng giúp tăng xuất khẩu tại chỗ.

Chưa kể, hàng không phát triển sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực khác như thương mại, đầu tư, logistics… Hàng không không chỉ vận chuyển người mà còn vận chuyển hàng hóa, tạo luồng giao thương. Các ngành vận tải khác như đường sắt, đường bộ cũng buộc phát triển theo bởi hàng không được đánh giá là phương tiện vận chuyển an toàn nhất, nhưng hiện nay giá vé rất rẻ. Cho nên đường sắt, đường bộ cũng phải nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá vé để giành được khách. Người có lợi cuối cùng chính là người tiêu dùng.

“Đối với ngành thương mại, đây là cơ hội cho các cửa hàng bán lẻ, siêu thị… thu hút khách du lịch, tăng doanh thu. Do đó, cần chuẩn bị nguồn hàng tốt, nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách. Đây cũng là cơ hội quảng bá hàng hóa, xúc tiến thương mại, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển”, ông Vũ Vinh Phú chỉ rõ.

Thực tế, hiện một số nước trên thế giới cũng đã bắt đầu mở lại các đường bay thương mại. Trong điều kiện kinh tế Việt Nam, nghiên cứu mở lại đường bay rất cần, nhất là quốc gia có quan hệ kinh tế với nhiều thị trường nhưng đang bị tác động của dịch Covid-19 đến tình hình phát triển xuất nhập khẩu, đầu tư. Việt Nam mở lại đường bay thương mại quốc tế là việc tất yếu để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. 

Cần thận trọng

Mở cửa đường bay quốc tế là cần thiết, song phải hết sức thận trọng, bởi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất khó lường. Các chuyên gia đều cho rằng, điều quan trọng nhất khi mở lại các đường bay quốc tế là phải bảo đảm an toàn phòng dịch. 

“Việc Chính phủ quyết định từng bước mở lại các đường bay quốc tế là việc cấp thiết với nền kinh tế và quyết định này cho thấy Chính phủ đã có phương án cho việc có thể dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại. Song yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn phải nhắc lại là cần quan hệ chặt chẽ với các nước bạn để có sự trao đổi về vấn đề kiểm dịch, phòng dịch, tránh để sự cố đáng tiếc xảy ra”, ông Lê Quốc Phương nhấn mạnh.

Ngoài các biện pháp phòng dịch bắt buộc đối với hành khách trên các chuyến bay, các hãng hàng không đều cho biết, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình khai thác đường bay quốc tế phải bảo đảm tiêu chí hàng đầu là an toàn sức khỏe của hành khách, tổ bay và cộng đồng, tiếp tục tuân thủ chặt chẽ quy định phòng, chống dịch của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đặc biệt, phi hành đoàn và hành khách bay quốc tế sẽ được đo thân nhiệt trước khi lên máy bay và đeo khẩu trang trong suốt hành trình bay, riêng tổ bay sẽ được trang bị thêm bộ đồ bảo hộ y tế toàn thân. Máy bay sau khi hạ cánh tại Việt Nam cũng phun khử trùng tàu bay và cách ly tổ bay để tăng cường hiệu quả phòng, chống dịch… Nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành và cơ quan chức năng đang hướng tới mục tiêu nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn trong cuối năm nay.