Thời cơ mới cho tái cơ cấu ngành lúa gạo (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Tạo đà tăng trưởng

Đề án "Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030" được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá mới cho ngành hàng này, nhất là trong điều kiện nền sản xuất trong nước đã có nhiều đổi mới, cộng thêm bối cảnh quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu. Chính vì vậy, thời gian tới, cần thực hiện nhất quán và hiệu quả các nhóm giải pháp căn cốt để tận dụng được thời cơ phát triển và tăng trưởng.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: HẢI ANH
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: HẢI ANH

Nâng tầm sản xuất

Mục tiêu tổng quát của Đề án "Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030" là đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, làm nòng cốt cho bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng; xuất khẩu gạo chất lượng cao và giá trị cao… Trao đổi về giải pháp thực hiện các nội dung này, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Để ngành lúa gạo phát triển bền vững, yêu cầu quan trọng là phải nâng tầm khâu sản xuất trên cơ sở lấy tiêu chí về giá trị, chất lượng là hàng đầu, thay vì các tiêu chí về số lượng như trước đây. Theo đó, cần đổi mới mạnh mẽ hình thức sản xuất, phương thức sản xuất, cách thức đầu tư và đa dạng sản phẩm... Cụ thể, hình thức sản xuất có thể kết hợp lúa - du lịch - sinh thái; phương thức sản xuất là áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP… Toàn bộ quá trình sản xuất này phải được ứng dụng công nghệ nhằm truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin sản phẩm. Và sau cùng là đa dạng hóa sản phẩm chế biến như: dầu gạo, bánh gạo, bột gạo, các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng từ gạo, mỹ phẩm từ gạo..., nhất là từ các loại gạo hạt mầu hay gạo thảo dược với hàm lượng vi chất cũng như các loại Omega cao. Muốn vậy, chúng ta phải đầu tư xứng đáng cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống, nhất là các giống chất lượng tạo dựng nên thương hiệu, đáp ứng các tiêu chuẩn Việt Nam về gạo trắng, gạo thơm, gạo đồ và đáp ứng nhu cầu thị trường các khu vực khác nhau. Nhóm giải pháp này đang được các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long quyết liệt thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, trong đó có việc đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản. Tỉnh cũng chủ động phối hợp Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đánh giá lại đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng kế hoạch đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch vùng chuyên canh, cải thiện cơ cấu giống lúa, tiếp tục áp dụng cơ giới hóa, tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường các sản phẩm chế biến tinh, chế biến sâu; đổi mới công tác hỗ trợ tiếp thị, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho hạt gạo.

Tại Sóc Trăng, một trong những giải pháp được lựa chọn là đẩy mạnh triển khai dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT). Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Trần Tấn Phương chia sẻ: "Dự án đã giúp sản xuất lúa giảm chi phí 350 đồng/kg lúa tươi so với trước. Thời gian tới, dự án tiếp tục mở rộng hợp tác liên kết, cánh đồng mẫu, cánh đồng lớn có quy mô vài chục đến 100 ha và cùng doanh nghiệp chế biến tham gia chuỗi sản xuất lúa gạo với các tiêu chuẩn chất lượng cao, được quản lý nghiêm ngặt ngay từ khâu sản xuất, ứng dụng kỹ thuật và ghi nhật ký đồng ruộng. Từ đó thay đổi tập quán sản xuất của nông dân từ truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật". Điều này cũng đã từng bước được hiện thực hóa ở nhiều địa phương khi số hộ nông dân chuyển sang các phương thức sản xuất mới ngày càng nhiều hơn. Nông dân Đinh Thành Nam, ở xã Hòa An, huyện Chợ Mới (An Giang) chia sẻ: Gia đình tôi đầu tư 90 ha đất trồng lúa, nhờ học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật, bón phân hợp lý nên năng suất lúa cao, khi thu hoạch trừ chi phí, mỗi năm thu lợi hơn hai tỷ đồng. Nếu có thêm vốn, tôi sẽ trang bị hai máy gặt đập liên hợp vừa gặt lúa nhà vừa gặt thuê trong huyện, đầu tư thêm hai lò sấy công suất 80 tấn/ngày để sấy lúa nhà và sấy thuê với giá sấy thuê 100.000 đồng/tấn. Kế hoạch và cũng là mơ ước ấy của người nông dân chính là cơ sở vững chắc cho niềm tin nâng tầm nền sản xuất lúa gạo trong thời gian tới.

Hoàn thiện thể chế, chính sách

Ngoài các yếu tố liên quan đổi mới sản xuất, hình thành liên kết, chuỗi giá trị…, để phát triển ổn định và bền vững ngành lúa gạo, cần thiết phải hoàn thiện thể chế và các chính sách liên quan. Như nhận định của Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng: Các mục tiêu tái cơ cấu ngành lúa gạo sẽ khó thực hiện được nếu không sớm hoàn thiện các nội dung về thể chế, chính sách. Cụ thể, đó là các chính sách tích tụ ruộng đất, chính sách tín dụng, hỗ trợ liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, chính sách bảo hiểm nông nghiệp… Trong đó, chính sách tín dụng đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định, bởi khi tham gia vào sản xuất lớn, doanh nghiệp rất cần tiền để thuê đất, mua sắm máy móc công nghệ hiện đại, đầu tư xây dựng kho chứa, nhà xưởng, đầu tư các công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu… Chính vì vậy, chính sách tín dụng cần thông thoáng, tạo thuận lợi về thủ tục, điều kiện để doanh nghiệp dễ tiếp cận; kéo dài thời hạn vay để doanh nghiệp có điều kiện liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân và dự trữ lúa, gạo với sự tham gia hỗ trợ của ngành ngân hàng trong cho vay theo chuỗi giá trị. Các vấn đề liên kết trong sản xuất - tiêu thụ cũng cần được thể chế hóa bằng văn bản pháp luật bởi hiện nay, chính sách mới chỉ dừng lại ở mức khuyến khích, chưa có chế tài với các yêu cầu, điều kiện ràng buộc cụ thể. Chính vì vậy, tình trạng "bẻ kèo" hợp đồng tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp hay ngược lại đều chưa có cách thức xử lý. Những điều này đã làm cho câu chuyện liên kết luôn ở thế bấp bênh suốt thời gian qua.

Việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế điều hành xuất khẩu gạo và quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân phù hợp diễn biến tình hình thị trường, tạo thuận lợi cho thương nhân tham gia xuất khẩu gạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu cũng đang là yêu cầu cấp bách. Từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, thay thế cho Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, có nhiều điểm mới thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý của Chính phủ, của Bộ Công thương về kinh doanh xuất khẩu gạo như: loại bỏ quy định về địa bàn đầu tư xây dựng, quy mô kho chứa, cơ sở xay xát chế biến thóc, gạo; khuyến khích thương nhân đầu tư sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng gạo có chất lượng, giá trị cao; thương nhân có thể thuê kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh… Đây là những bước tiến mới về thể chế theo hướng mở, tạo thuận lợi cho thương nhân khi gia nhập thị trường xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), thì các cơ quan chức năng cần rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách để ứng phó linh hoạt, phù hợp những biến động thường xuyên từ thị trường xuất khẩu gạo. Ngoài ra, sớm nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo hướng tôn trọng cơ chế thị trường, phát huy vai trò tập hợp, hỗ trợ thương nhân và hợp tác, liên kết vững chắc, hiệu quả các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo.

--------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 27-4-2021.

Theo Đề án "Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030", đến năm 2025, lượng gạo xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn/năm; trong đó tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt hơn 20%, đến năm 2030 con số này là hơn 40%. Đề án đã đưa ra nhóm giải pháp quan trọng là: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến lúa gạo, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị lúa gạo, trong đó ưu tiên tháo gỡ các nút thắt về tích tụ đất đai, liên kết sản xuất - tiêu thụ, ứng dụng khoa học - công nghệ; minh bạch thông tin về thị trường lúa gạo, xuất khẩu gạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo kinh doanh theo cơ chế thị trường…