Dịch vụ - Thị trường

Thị trường viễn thông trước những thách thức mới

Trong năm 2017, dù thị trường tiếp tục trạng thái bão hòa, nhưng kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp (DN) viễn thông trong nước vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định, thậm chí có DN tăng trưởng lợi nhuận hơn 20%. Bước sang năm 2018, trước những cơ hội mới đang đến từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), các DN viễn thông càng có thêm điều kiện để phát triển và bứt phá mạnh mẽ. Tuy nhiên, đi cùng với đó cũng là những thách thức không nhỏ, đòi hỏi DN cần liên tục đổi mới, sáng tạo mới có thể bắt kịp được những thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong thời đại mới.

Kỹ sư VNPT Bắc Ninh kiểm tra và nâng cấp hệ thống tổng đài.
Kỹ sư VNPT Bắc Ninh kiểm tra và nâng cấp hệ thống tổng đài.

Tăng trưởng mọi mặt

Tính đến cuối năm 2017, tổng số thuê bao điện thoại cả nước ước tính đạt khoảng 127 triệu, giảm 2,1% so cùng kỳ năm 2016. Lý do giảm số thuê bao một phần vì các nhà mạng thực hiện thu hồi sim "rác" theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ðiều này cũng cho thấy thị trường viễn thông vẫn đang tiếp tục trạng thái bão hòa. Tuy nhiên, dù gặp nhiều khó khăn trong phát triển thuê bao mới, nhưng kết quả kinh doanh của các DN viễn thông vẫn duy trì mức tăng trưởng cao. Trong đó, dẫn đầu là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) với tổng doanh thu 250.800 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4% so với năm 2016; tổng lợi nhuận đạt gần 44 nghìn tỷ đồng, tăng 12%. Dù có tổng doanh thu thấp hơn (gần 145 nghìn tỷ đồng), nhưng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) lại có mức tăng trưởng lợi nhuận "khủng" lên đến 21%, đạt 5.010 tỷ đồng. Một ông lớn khác là Tổng công ty MobiFone cũng đạt lợi nhuận trước thuế gần 5.600 tỷ đồng.

Không chỉ có kết quả kinh doanh tốt, năm 2017 còn là năm mà hạ tầng mạng lưới của các nhà mạng không ngừng được phát triển và mở rộng. Riêng VNPT đã hoàn thành phát sóng thêm khoảng 20 nghìn trạm di động 2G, 3G và 4G trên toàn quốc, nâng tổng số trạm lên xấp xỉ 75 nghìn. Nhà mạng này cũng đã đưa vào khai thác thêm nhiều tuyến cáp biển băng thông rộng, nâng tổng băng thông in-tơ-nét quốc tế tăng hơn 83% so với năm 2016. Viettel cũng chỉ mất sáu tháng để hoàn thiện mạng lưới mới phủ sóng rộng khắp toàn quốc, tới cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với hơn 36 nghìn trạm phát sóng 4G được lắp đặt, giúp phần lớn người dân đều có cơ hội tiếp cận gần hơn với công nghệ mới này. Một điểm nổi bật khác là lĩnh vực công nghiệp - công nghệ thông tin cũng đang trở thành những mảng kinh doanh mũi nhọn của các nhà mạng. Cụ thể, ở mảng nghiên cứu sản xuất, Viettel đạt doanh thu 12.500 tỷ đồng. Các thiết bị mạng lõi do Viettel sản xuất đã được đưa vào mạng lưới tại Việt Nam và cả thị trường quốc tế. VNPT cũng đã trở thành đối tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin với 52 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong năm 2017, Tập đoàn này đã tiếp cận, giới thiệu, triển khai mô hình xây dựng thành phố thông minh tại 17 tỉnh, thành phố. Bộ giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT đã được triển khai và hiện diện ở 61 địa phương, trong đó năm địa phương đã triển khai đến tất cả các xã, phường; 14 UBND tỉnh, thành phố và Bộ Xây dựng đã được kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản với trục liên thông quốc gia.

Nhiều thách thức mới

Bên cạnh những cơ hội, năm 2018 cũng tiếp tục tạo ra nhiều thách thức cho các DN viễn thông Việt Nam trong mục tiêu giữ vững thị phần, bảo đảm mục tiêu doanh thu và phát triển bền vững. Trước hết, theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường viễn thông vẫn sẽ tiếp tục trạng thái bão hòa. Việc cạnh tranh giữa các nhà mạng để phát triển thuê bao và tăng thị phần sẽ ngày càng khốc liệt. Ðể giữ chân khách hàng cũ và phát triển được thuê bao mới, nhà mạng phải nâng cao chất lượng dịch vụ và chủ động đổi mới phương thức kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Một thách thức lớn khác chính là việc thực hiện kế hoạch triển khai dịch vụ chuyển mạng nhưng giữ nguyên số thuê bao của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ðây là dịch vụ của nhà mạng cho phép thuê bao đang ở mạng này nếu thấy mạng khác có nhiều dịch vụ hấp dẫn hơn, hoặc chất lượng dịch vụ, vùng phủ sóng tốt hơn có thể chuyển sang sử dụng thuê bao mạng mới mà vẫn giữ nguyên số điện thoại của mình. Chính sách chuyển mạng giữ số được cho là sẽ tạo ra một thị trường viễn thông cạnh tranh mạnh mẽ giữa các DN. Chất lượng dịch vụ sẽ tăng, các sản phẩm giá trị gia tăng sẽ phong phú và sáng tạo nhằm thu hút người dùng, trong khi đó giá cước dịch vụ sẽ giảm. Ðiều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà mạng sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn, và khi đó, thách thức mà mỗi nhà mạng phải đối mặt nhằm giữ thị phần của mình sẽ là phải liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp, chú trọng công tác chăm sóc khách hàng, xây dựng các gói cước hợp lý phù hợp từng đối tượng khách hàng,…

Cuối cùng chính là những thách thức đến từ cuộc CMCN 4.0. Thực tế, bản chất của CMCN 4.0 là những đột phá chưa từng có trong nền tảng công nghệ liên quan kết nối in-tơ-nét như điện toán đám mây, in-tơ-nét vạn vật (IoT), trí thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn,... Do đó, chính những nhà mạng trong nước, vốn là các doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ in-tơ-nét và công nghệ sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên và chắc chắn cũng nhiều nhất khi làn sóng công nghệ mới tràn vào Việt Nam. Tuy nhiên, với sức lan tỏa của CMCN 4.0 như hiện nay, sự phát triển của công nghệ sẽ ngày càng nhanh và mạnh mẽ với những thay đổi nhanh chóng. Vì thế, các DN viễn thông cần phải luôn chủ động, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ thì mới có thể bắt kịp và khai thác hiệu quả các cơ hội to lớn mà cuộc cách mạng này mang lại.