Sử dụng kết quả đánh giá lại quy mô GDP từ năm 2021

Từ năm 2021, Việt Nam sử dụng kết quả đánh giá lại quy mô GDP để xây dựng các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025. Phóng viên (PV) Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) NGUYỄN THỊ HƯƠNG (trong ảnh) để làm rõ hơn vấn đề này.

Sử dụng kết quả đánh giá lại quy mô GDP từ năm 2021

PV: Thưa đồng chí, việc sử dụng kết quả đánh giá lại quy mô GDP để xây dựng các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch 2021 - 2025 sẽ tác động thế nào đến các chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Năm 2018, TCTK thực hiện đánh giá lại GDP nhằm mục đích phản ánh sát thực và đầy đủ hơn bức tranh kinh tế của đất nước, từ đó có cơ sở tốt hơn cho việc đề xuất, xây dựng các chính sách, kế hoạch, chiến lược… theo đúng mục tiêu, định hướng phát triển. Do vậy, kết quả đánh giá lại quy mô GDP đã được Chính phủ sử dụng để xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch 2021 - 2025. Kết quả đánh giá lại cho thấy, bình quân giai đoạn 2010 - 2017 quy mô GDP tăng thêm 25,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP tăng lên không đáng kể (từ 0,13% đến 0,48%) nên không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP theo kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

PV: Sự thay đổi này cho thấy khả năng mở rộng dư địa cho thu ngân sách, thuế cũng như chi tiêu và vay của Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng, điều đó có thể dẫn đến khả năng Việt Nam sẽ chủ động gia tăng nợ công. Ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Việc đánh giá lại quy mô GDP dẫn tới thay đổi các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan như tỷ lệ thu, chi ngân sách nhà nước/GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài/GDP… Kết quả đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2017 đã làm tỷ lệ tổng thu thuế so với GDP bình quân trong giai đoạn giảm từ 18,9% xuống 15%, là mức tương đương với các nước trong khu vực. Ðây là chỉ tiêu so sánh tài chính vĩ mô phản ánh sát với thực tiễn của Việt Nam, đồng thời đánh giá mức độ hợp lý của các sắc thuế giai đoạn vừa qua đã không tận thu, bảo đảm nuôi dưỡng nguồn thu, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, thu ngân sách được thực hiện theo các quy định và hướng dẫn trong các văn bản, pháp luật hiện hành do Quốc hội hoặc Chính phủ phê duyệt. Việc xem xét, đánh giá lại quy mô GDP giúp các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh có thông tin đầy đủ và xác thực nhất để ra các quyết định chính xác, phù hợp; đồng thời khai thác, huy động tối đa các nguồn lực cho sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Quyết định về tăng chi tiêu hoặc gia tăng nợ công của Chính phủ do người dân, Quốc hội quyết định dựa trên điều kiện thực tế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bối cảnh quốc tế theo các quy trình, quy định rõ ràng, minh bạch. TCTK cho rằng, mọi quyết định liên quan đến ngân sách, nợ công sẽ được các cơ quan chức năng xem xét, cân nhắc thận trọng, thấu đáo vì sự phát triển bền vững của đất nước.

PV: Việc đánh giá lại GDP cũng tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Ðồng chí có thể phân tích kỹ hơn về sự tác động này?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng phản ánh kết quả hoạt động của nền kinh tế và là cơ sở để tính toán nhiều chỉ tiêu vĩ mô khác. Khi đánh giá lại, quy mô GDP thay đổi dẫn tới sự thay đổi về GDP bình quân đầu người và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Ðiều đó ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô định hướng trong Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã được xây dựng trên số liệu GDP đánh giá lại. Trong đó, thay đổi chủ yếu đối với chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, các chỉ tiêu khác thay đổi không đáng kể so với định hướng phát triển kinh tế trong Nghị quyết Ðại hội XII. Cụ thể, Nghị quyết của Ðại hội XIII đặt chỉ tiêu: Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 đến 7%/năm. Ðến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 đến 5.000 USD… Như vậy, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người tăng gần 1,4 lần so với mức 3.500 USD/người của năm 2020 theo số GDP đánh giá lại. Nếu theo quy mô GDP cũ, GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.780 USD, đến năm 2025 GDP bình quân đầu người tăng 1,4 lần, sẽ đạt gần 4.000 USD. Mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt khoảng 5.000 USD vào năm 2025 được xác định trên cơ sở quy mô GDP đánh giá lại phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam những năm qua, đồng thời so sánh với các nước có điều kiện tương đồng và xu hướng phát triển khu vực, thế giới. Ðịnh hướng về tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 được Nghị quyết Ðại hội XIII đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5 đến 7%/năm, không thay đổi so với mục tiêu tăng trưởng của giai đoạn trước.

PV: Nhưng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5 đến 7%/năm sẽ là thách thức rất lớn. Tốc độ tăng trưởng này so với quy mô GDP đã công bố có khác gì so với quy mô GDP đánh giá lại?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Như đã phân tích ở trên, Nghị quyết Ðại hội XIII định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng dựa vào quy mô GDP đánh giá lại; trong đó đặt ra tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 đến 7% là không thay đổi so với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của giai đoạn trước. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,5 đến 7% trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là một thách thức lớn đối với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam vì các lý do chủ yếu: Năm 2021 là năm khởi đầu của giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều khó khăn, thách thức do các hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam và toàn cầu đang tiếp tục chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Mặc dù là một trong số ít các nước trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương nhưng mức suy giảm đột ngột của tăng trưởng kinh tế năm 2020 không chỉ làm chậm nhịp và đà tăng của những năm tiếp theo mà còn làm thay đổi cấu trúc kinh tế, suy giảm một số ngành dịch vụ có lợi thế, đang được đầu tư, khai thác mạnh mẽ như: du lịch, hàng không, dịch vụ khách sạn, nhà hàng… Hơn nữa, Việt Nam đang trong giai đoạn tích lũy để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng trưởng dựa trên chất lượng và bền vững. Việc này cần nhiều nguồn lực và mở rộng các thị trường mục tiêu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái như hiện nay, quá trình tích lũy sẽ bị ảnh hưởng, từ đó có thể kéo dài thời gian thực hiện mục tiêu. Nội lực Việt Nam chưa mạnh, ngoại lực bị kìm hãm sẽ là một trong những thách thức lớn đối với việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025.

PV: Năm 2013, TCTK đã thực hiện đánh giá lại GDP ở một số ngành. Kết quả đánh giá lại GDP sau đó được ứng dụng thế nào để xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và có tác dụng gì?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Năm 2013, TCTK đã thực hiện đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2009 - 2011, nhưng do hạn chế về nguồn lực nên chỉ tập trung vào việc đánh giá lại hoạt động ngân hàng và dịch vụ nhà tự có, tự ở. Kết quả đánh giá lại đã tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô giai đoạn này, làm mức tăng tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người khoảng 9%. Số liệu đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn này đã được sử dụng để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 với mục tiêu GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt mức cao nhất là 3.500 USD, tăng khoảng 2,6 lần so với mức 1.332 USD/người của năm 2010. Nếu dựa theo quy mô GDP chưa đánh giá lại, GDP bình quân đầu người năm 2020 ước tối đa đạt khoảng 2.780 USD. Như vậy, GDP bình quân đầu người năm 2020 theo quy mô GDP đánh giá lại so với quy mô GDP cũ tăng khoảng 26%.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.