Ðổi mới cơ chế để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, năng lượng, khai khoáng, giao thông vận tải, cung ứng xăng dầu, lương thực… vừa bảo đảm nền tảng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và các ngành kinh tế, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và xuất khẩu.

Khách đi tàu của Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN NGỌ
Khách đi tàu của Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN NGỌ

Chưa tương xứng tiềm lực

Trong các thời điểm đất nước gặp khó khăn do các biến động từ môi trường quốc tế, thiên tai, dịch bệnh..., DNNN luôn là công cụ mạnh để Ðảng, Nhà nước điều tiết, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội trong nước. Cụ thể, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu năm 2020, các DNNN đã thực hiện nhiệm vụ giải cứu đồng bào từ các vùng dịch trên thế giới; cung cấp hóa chất, vật tư, thiết bị phòng, chống dịch; thực hiện miễn, giảm các loại phí, giá dịch vụ, sản phẩm để ổn định thị trường, hỗ trợ đời sống người dân và các hoạt động của các DN thuộc thành phần kinh tế. Ðồng thời đi đầu thực hiện công tác an sinh xã hội theo chủ trương của Ðảng, Nhà nước và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh.

Về tình hình tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - con, Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2016 - 2018, hầu hết các DN kinh doanh có lãi, hoàn thành kế hoạch các chỉ tiêu giám sát do chủ sở hữu giao. Ðánh giá về vai trò của DNNN, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Giai đoạn 2010 - 2018, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN ở các chỉ số như hiệu suất sử dụng lao động, thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ DN thua lỗ luôn đạt mức tốt nhất so với hai khu vực còn lại là DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2018, hiệu suất sử dụng lao động của DNNN đạt 20,1 lần, cao hơn so với mức 15,1 lần của bình quân DN; thu nhập bình quân người lao động đạt 150,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ thua lỗ của khu vực DNNN giảm về mức 17,7%, thấp nhất trong khu vực DN.

Tuy nhiên, về cơ bản, các DNNN chưa phát huy được vai trò nòng cốt trong khu vực kinh tế nhà nước. Một số DN và dự án do DNNN đầu tư chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém, làm ăn thua lỗ, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, gây bức xúc cho dư luận, điển hình là 12 dự án thua lỗ của ngành công thương. DNNN chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực mở đường, hướng dẫn, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. Theo TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiệu quả của DNNN chưa tương xứng nguồn lực nắm giữ, đóng góp của khu vực DN này vào thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm dần từ 15,67% năm 2015 xuống còn khoảng 10,64% năm 2019. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của DNNN còn thấp, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh. Nói cách khác, DNNN cần sử dụng nhiều vốn hơn để tạo ra được giá trị sản phẩm đầu ra.

Cần tự chủ trong kinh doanh

Theo các chuyên gia kinh tế, tiêu chí xác định DNNN trong hệ thống pháp luật nước ta không có sự xuyên suốt, liên tục. Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua tháng 6-2020 đã làm rõ khái niệm: DNNN bao gồm các DN do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có biểu quyết. Như vậy, nhiều DN đã thực hiện cổ phần hóa và chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần trở lại là DNNN từ ngày 1-1-2021, thời điểm Luật Doanh nghiệp có hiệu lực. Ngoài Luật Doanh nghiệp còn có tám luật quy định về chủ thể DNNN, gồm Luật Ngân sách nhà nước, Luật Ðấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN... Bên cạnh đó, trong quá trình hình thành và phát triển DNNN, cơ quan nhà nước đại diện quyền chủ sở hữu nhà nước tại DN cũng liên tục thay đổi. Những điều chỉnh này không chỉ tác động đến cách thức quản lý của chính các DN mà còn tác động đến cách thức quản lý của cơ quan chức năng đối với DNNN so với các thành phần kinh tế khác.

Trăn trở lớn nhất của đội ngũ lãnh đạo DNNN hiện nay là không được thật sự tự chủ trong kinh doanh. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN quy định trước khi biểu quyết tất cả những nội dung thuộc thẩm quyền Hội đồng quản trị (HÐQT), người đại diện phần vốn nhà nước tại DN (người đại diện) phải xin ý kiến chủ sở hữu, sau đó triệu tập HÐQT họp để biểu quyết, thông qua nghị quyết làm cơ sở cho cơ quan điều hành triển khai thực hiện. Thời gian chờ chủ sở hữu trả lời thường không cố định, có thể là một hoặc hai tháng. Trước đây là DN 100% vốn nhà nước, việc chờ cơ quan chủ quản có ý kiến chỉ đạo là đương nhiên nhưng từ năm 2015, Vinatex trở thành công ty cổ phần với 48% vốn điều lệ thuộc về cổ đông ngoài nhà nước cho nên quy trình này sẽ làm khó cho tập đoàn. Ông Trường kiến nghị, để DNNN phát triển bền vững, cần đổi mới cơ chế, chính sách với trọng tâm là đổi mới cơ chế quản lý người đại diện. Mục tiêu hoạt động và cơ chế đầu tư cũng đang là nút thắt lớn đối với sự phát triển của khu vực DNNN.

Ðại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) chia sẻ: DNNN phải thực hiện các nhiệm vụ công ích do Nhà nước giao và bị ràng buộc hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định cho nên khó mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới có nhiều tiềm năng. Nếu mục tiêu hoạt động là mang lại lợi nhuận thì DNNN phải được hoàn toàn chủ động trong kinh doanh, được kinh doanh những ngành, nghề pháp luật không cấm, miễn là bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước giao. Hơn nữa, cơ chế hiện hành đòi hỏi tất cả các dự án đầu tư, kinh doanh của DNNN phải thành công và có lãi khiến DN không dám kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và đổi mới sáng tạo vì gặp rủi ro, thua lỗ sẽ bị đánh giá là làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước.

Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo: Ðể đạt hiệu quả cải cách khu vực DNNN, cần để cho các DN này hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Cụ thể là giao cho DN quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm với hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính mình với yêu cầu đặt hiệu quả tài chính lên hàng đầu, nâng cao chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận.

Ðến nay, cả nước còn gần 500 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, gồm sáu tập đoàn kinh tế; 74 tổng công ty và nhóm công ty mẹ - công ty con; số còn lại là các công ty độc lập thuộc các bộ, UBND cấp tỉnh. Những năm qua, DNNN đã đảm trách vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.