Lai Châu thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp

Năm 2020, tỉnh Lai Châu có tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt 5,08%. Trong đó, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 220 nghìn tấn, xây dựng được nhiều nhãn hiệu gạo như: tẻ râu (Phong Thổ), séng cù (Than Uyên), khẩu ký, nếp tan co giàng (Tân Uyên).

Người dân xã Tà Mít, huyện Tân Uyên (Lai Châu) nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng - Bản Chát. Ảnh: NGỌC SÁNH
Người dân xã Tà Mít, huyện Tân Uyên (Lai Châu) nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng - Bản Chát. Ảnh: NGỌC SÁNH

Tỉnh hiện có 10 trang trại chăn nuôi, 13 trang trại tổng hợp có hoạt động chăn nuôi, bảy hợp tác xã (HTX) hoạt động chăn nuôi, có 117 HTX nông nghiệp, 91 tổ hợp tác, 33 trang trại. Các HTX, trang trại, tổ hợp tác giải quyết việc làm cho 2.500 lao động với thu nhập từ 42 đến 60 triệu đồng/người/năm; một số HTX nông nghiệp, trang trại phát triển theo hướng gắn với vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như: vùng chè, cây ăn quả, rau sạch, nuôi cá lồng, cá nước lạnh... Nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, bước đầu hình thành liên kết "bốn nhà", nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích và thu nhập cho người nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 16,49%.

Nhằm đạt kết quả hơn nữa trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo chuyển biến mạnh về tư duy, nhận thức, tập quán sản xuất của người dân trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh chú trọng ưu tiên các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các chính sách giúp người dân cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, như chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ giảm nghèo; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của người dân. Duy trì hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung như lúa, chè, quế, sơn tra, mắc-ca, cây ăn quả ôn đới… tại các huyện: Tân Uyên, Tam Ðường, thành phố Lai Châu; khai thác tiềm năng mặt nước trên hồ thủy điện để phát triển nuôi cá lồng tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè; phát huy thế mạnh về cây có giá trị kinh tế cao như quế, sơn tra, mắc-ca trồng ở các huyện: Than Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Ðường.

* Những năm gần đây, với nhiều nỗ lực cùng các cơ chế, chính sách thiết thực, thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình đã có những bước chuyển rõ nét. Ðến nay, toàn tỉnh có năm khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, gồm: Tam Ðiệp I, Khánh Phú, Gián Khẩu, Phúc Sơn, Khánh Cư; và đã thành lập được 17 cụm công nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 130 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng và có 75 dự án FDI đang hoạt động, với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Nhiều dự án sản xuất ổn định, mở rộng quy mô đầu tư như nhà máy lắp ráp ô-tô của Công ty ô-tô Thành Công, nhà máy sản xuất camera modul và linh kiện điện tử của Công ty TNHH Mcnex Vina, nhà máy kính nổi CFG Ninh Bình của Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp Hạ Long..., đóng góp lớn vào số thu ngân sách của tỉnh.

Ðể công tác thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả cao trong thời gian tới, tỉnh chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, nhất là trong định hướng, thu hút và dẫn dắt các nguồn lực đầu tư phát triển của khu vực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm, tạo nền tảng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cũng tập trung rà soát, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính gắn với tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục thuộc lĩnh vực đầu tư; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp xu thế mới, có khả năng cạnh tranh với những cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước, nhất là thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực mạnh gắn với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá nhằm cải thiện và nâng thứ hạng về chỉ số PCI của tỉnh. Ðổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút các dự án quy mô lớn, nộp ngân sách cao và có sức lan tỏa, hiệu quả trong hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sức bật trong tăng trưởng kinh tế. Chuyển hình thức mời gọi đầu tư từ "tỉnh có" sang "nhà đầu tư cần"; duy trì và phát triển có chiều sâu các mối quan hệ quốc tế đã thiết lập và mở rộng quan hệ đối ngoại với một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nước châu Âu.