Góc nhìn

Chuẩn bị cho một trạng thái bình thường mới

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ "phát lệnh" mở "mặt trận thứ hai" để chặn đà suy giảm và khôi phục tốc độ phát triển kinh tế, các địa phương ở vị trí "đầu tàu" đã có ngay kế hoạch đặt mục tiêu đưa hoạt động kinh tế trở lại bình thường, dựa theo các kịch bản phục hồi kinh tế chung của cả nước. Cùng thời điểm, các gói hỗ trợ doanh nghiệp (DN) về tín dụng, tài khóa cũng được các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thúc đẩy triển khai để hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy trước tác động của dịch Covid-19.

Những nỗ lực trên cho thấy Việt Nam đang khởi động lại guồng máy kinh tế, đi vào khôi phục sản xuất, kinh doanh theo hướng tăng dần và trở về quy mô như cũ. Tuy nhiên, cấu trúc kinh tế của thời kỳ sau khi hết dịch Covid-19 sẽ chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là có sự thích nghi với một môi trường đã có sự biến đổi sâu sắc vì tác động của dịch bệnh. Theo đó, có những mô hình kinh doanh truyền thống buộc phải thay đổi để tồn tại với cách sản xuất và tiêu dùng mới. Ðồng thời xuất hiện những phương thức kinh doanh mới, phương pháp làm việc mới, đòi hỏi DN phải tái cấu trúc toàn diện. Trong khó khăn chung của mọi mặt kinh tế - xã hội, các DN, doanh nhân vẫn bám trụ với tinh thần của những người lính trong cuộc chiến chống suy thoái, duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Chính sự lựa chọn bắt buộc của DN trong thời dịch bệnh đã hình thành nền tảng cho một sự khởi đầu mới ở không ít ngành nghề nói chung và ở DN nói riêng. Ðó là câu chuyện một số DN tiên phong tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến với hình thức bỏ phiếu từ xa để chủ động các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chi trả cổ tức, thay vì chờ không biết đến khi nào đủ điều kiện an toàn để đại hội cổ đông diễn ra theo phương thức truyền thống. Hay sự kiện đưa vào sử dụng nền tảng chẩn đoán bệnh từ xa dành cho hệ thống y tế tổ chức cùng lúc ở nhiều đầu cầu. Hệ thống này không chỉ nhằm giảm quá tải và bảo đảm an toàn cho các cơ sở khám, chữa bệnh thời Covid-19 mà còn có tác dụng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế và mở ra cơ hội phát triển công nghệ số trong nhiều lĩnh vực khác một cách nhanh hơn so với trước đây. Bên cạnh đó còn rất nhiều sự sáng tạo không ngừng về sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu tiêu dùng mới, được thị trường đón nhận và đánh giá cao.

Mặc dù chưa đủ dữ liệu để đánh giá hết những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới, song đến thời điểm hiện nay đã có thể khẳng định dịch bệnh này sẽ làm kinh tế toàn cầu biến đổi theo một cách chưa từng có. Vì vậy, DN cần chuẩn bị tâm thế và nền tảng cho việc vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế sau khủng hoảng do dịch bệnh.