Ðắk Nông quan tâm phát triển kinh tế vùng đồng bào M’Nông

Trong những ngày cuối năm Canh Tý 2020, chúng tôi có dịp trở lại vùng biên giới huyện Tuy Ðức, tỉnh Ðắk Nông, chứng kiến sự đổi thay rõ nét cuộc sống đồng bào dân tộc M’Nông. Những năm qua, Ðảng, Nhà nước có nhiều chương trình, dự án đầu tư vào khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có đồng bào vùng biên giới nơi đây, nhờ đó đời sống của người dân từng bước được cải thiện.

Học sinh M’Nông ở bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Ðức, trên đường đến trường.
Học sinh M’Nông ở bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Ðức, trên đường đến trường.

Khởi sắc vùng biên

Xã vùng biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Ðức, nằm uốn lượn trên sườn đồi bát úp là các dãy nhà xây kiên cố, với hạ tầng về điện, đường giao thông, trạm y tế, cơ sở giáo dục, nhà văn hóa cộng đồng… được đầu tư xây dựng khang trang đến tận bon làng.

Trong không gian nhà văn hóa cộng đồng khang trang của bon Bu Prăng 1, đồng chí Ðiểu Toi, Bí thư chi bộ, một cán bộ cốt cán và là người có uy tín vui mừng cho biết, cuộc sống của người DTTS Quảng Trực hôm nay đổi thay rất nhiều, không còn cảnh du canh du cư, phát rừng làm rẫy, thiếu đói quanh năm. Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở kiên cố, cấp đất sản xuất cho người dân, xây dựng hạ tầng giao thông thuận lợi, điện lưới quốc gia về tận bon, các cháu được học tập trong ngôi trường đầy đủ cơ sở vật chất, được chăm sóc sức khỏe với cơ sở y tế nhiều máy móc hiện đại… Người dân rất tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất, tạo phong trào thi đua sản xuất giỏi để làm giàu chính đáng với hàng chục hộ có thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Nhiều năm qua không còn tình trạng đồng bào nghe theo lời xúi giục của các thế lực thù địch vượt biên trái phép, mà ngược lại đồng bào nơi đây thường xuyên cung cấp thông tin, phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng chân trên địa bàn ngăn chặn, bắt giữ nhiều đối tượng xâm nhập trái phép, góp phần giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới.

Anh Ðiểu Drây, một điển hình được nhiều người khen ham học hỏi, sáng tạo trong lao động sản xuất, nuôi dạy các con học hành thành đạt, tích cực tham gia công tác xã hội cho biết, trước đây do cuộc sống khó khăn không được học hành đến nơi đến chốn, thiếu kiến thức cho nên làm việc gì cũng khó, bản thân anh từng bị thất bại trong sản xuất, kinh doanh khiến cuộc sống lâm vào túng quẫn. Thấu hiểu được điều này, anh quyết tâm cho các con ăn học đến nơi đến chốn, hiện một người con đã tốt nghiệp lớp 12 đang thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân và con út đang theo học tại Trường Sĩ quan Lục quân 2, với nguyện vọng sau khi ra trường về công tác tại Quảng Trực, góp phần làm khởi sắc quê hương nơi vùng biên. Với mình, mặc dù đã ngoài 40 tuổi, anh Ðiểu Drây tiếp tục đăng ký học hết lớp 12, rồi sau đó đăng ký học và tốt nghiệp Trường trung cấp Nông Lâm nghiệp. Với vốn kiến thức được đào tạo, anh áp dụng vào sản xuất hơn 6 ha đất trồng cà-phê, lúa nước và mắc ca mỗi năm cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Nói về lý do ham học tập, anh Ðiểu Drây cho biết, nhận thấy đất đai rất nhiều nhưng với lối canh tác truyền thống, trồng cây gì năng suất đều thấp, cuộc sống lúc nào cũng khó khăn; từ đó xác định chỉ có kiến thức và khoa học kỹ thuật mới có thể thay đổi cuộc sống. Anh dành thời gian, công sức đi học, với mục tiêu trước hết phục vụ gia đình, sau đó giúp đỡ đồng bào cùng phát triển. Anh cho biết, tổng mức thu nhập của gia đình anh chỉ ở mức trung bình, ở địa phương còn có rất nhiều hộ có thu nhập cao hơn, thậm chí hơn 200 triệu đồng mỗi năm...

Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ðoàn Hồng Quân cho biết, Quảng Trực là địa phương có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Cam-pu-chia. Tỷ lệ người DTTS tại chỗ chiếm hơn 30%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50%, hằng năm phải nhận trợ cấp, nhiều hộ dân thiếu đói quanh năm, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên; phong tục tập quán còn lạc hậu... Những năm gần đây, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đầu tư bằng nhiều chương trình, dự án, sự hỗ trợ của địa phương, bên cạnh đó là nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS cho nên cuộc sống từng bước thay đổi, nhất là đối với đồng bào DTTS tại hai bon biên giới Bu Prăng 1 và Bu Prăng 2. Bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà-phê, lúa nước, mắc ca với hàng chục mô hình kinh tế cho thu nhập từ 150 đến hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS tại chỗ giảm từ 47,9% đầu năm 2020 xuống còn 41,74% vào cuối năm; đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao và đang dần ngang bằng với người dân trong toàn xã…

Thế trận lòng dân vững chắc

Thời gian qua, cùng với các cấp chính quyền địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng các đồn đóng chân trên địa bàn xã Quảng Trực đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, biện pháp, tăng cường lực lượng bám nắm địa bàn, cùng nhân dân tăng gia sản xuất, qua đó tạo niềm tin yêu của nhân dân. Chính quyền các cấp, các ngành xác định người dân là "mốc giới sống" trên tuyến biên giới, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, vật chất của người dân là góp phần tạo thêm nền tảng vững chắc để đường biên, mốc giới quốc gia mãi được trường tồn. Từ các chương trình cụ thể như: Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương; nâng bước chân em tới trường; con nuôi biên phòng; Tết bánh chưng xanh; cán bộ biên phòng phụ trách nhóm hộ gia đình với tinh thần, trách nhiệm cao xắn tay cùng cán bộ, người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, hướng dẫn đồng bào biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó bảo đảm ổn định chính trị, an ninh biên giới vùng đồng bào DTTS. Ðồng chí Trần Anh Tuấn, Ðồn trưởng Biên phòng Ðắk Dang cho biết, lực lượng Bộ đội Biên phòng cử cán bộ, đảng viên, tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con; thông qua sinh hoạt chi bộ, lao động sản xuất để lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế biên giới… Từ đó, người dân rất tin tưởng, an tâm định cư, thi đua lao động, sản xuất, tham gia giữ vững đường biên, mốc giới của Tổ quốc.

Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực Ðoàn Hồng Quân cho biết thêm, đời sống của đồng bào DTTS tại chỗ vùng biên, nhất là hai bon trên tuyến biên giới Bu Prăng 1 và Bu Prăng 2 đang từng bước thay đổi mạnh mẽ. Ðây là địa bàn chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Ðắk Nông nói riêng và cả nước nói chung. Mặt khác, trên tuyến biên giới có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, giao thông đi lại còn khó khăn, mức độ lưu thông hàng hóa còn nhiều hạn chế, trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào còn thấp, tình hình an ninh biên giới còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Vì vậy, trong thời gian tới, Ðảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng cơ sở, hỗ trợ vốn vay sản xuất, cây con giống, khoa học kỹ thuật… để đồng bào có điều kiện phát triển toàn diện; nâng cao đời sống tinh thần, vật chất; phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, từng bước xây dựng địa bàn chiến lược biên giới "lòng dân" vững chắc.

Nhấn mạnh việc xác định đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là đầu tư phát triển bền vững, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tuy Ðức Nguyễn Văn Hiệp cho biết thêm, Tuy Ðức đã có nhiều chính sách thiết thực đối với vùng đồng bào DTTS, trong đó có hai bon Bu Prăng 1 và Bu Prăng 2 trên tuyến biên giới. Ðịa phương sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên tối đa các nguồn vốn của Trung ương và địa phương cho đầu tư phát triển khu vực biên giới. Sẽ tiến hành rà soát cấp đất sản xuất bổ sung cho đồng bào, khảo sát mở thêm các tuyến đường kết nối với trung tâm. Huyện sẽ tập trung hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh tế; khuyến khích thành lập các mô hình hợp tác xã; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào khâu thu mua, chế biến nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Chính quyền địa phương quyết tâm huy động các nguồn lực để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; thiết chế văn hóa; khuyến khích, hỗ trợ để người đồng bào DTTS tại chỗ phát huy nội lực, vươn lên làm chủ cuộc sống, góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; gìn giữ, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong xu thế hội nhập và phát triển.