Xu thế đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp

Tại Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp diễn ra mới đây, hình ảnh các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến trở thành tâm điểm chú ý của phần lớn các diễn đàn. Khoa học công nghệ luôn được coi là giải pháp then chốt tạo đột phá về năng suất, chất lượng hàng nông sản và năng suất, hiệu quả lao động trong nông nghiệp.

Hệ thống quản lý chế biến sữa hiện đại, khép kín của Tập đoàn TH Truemilk. Ảnh | Dương Mai
Hệ thống quản lý chế biến sữa hiện đại, khép kín của Tập đoàn TH Truemilk. Ảnh | Dương Mai

Hiệu ứng từ các doanh nghiệp lớn

Theo đánh giá của các tổ chức liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài nước, thời gian vừa qua hoạt động khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Đó là việc xuất hiện những sản phẩm chất lượng cao cùng với nó là những thương hiệu đã bước ra khỏi biên giới Việt Nam, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng trong nước và cả uy tín cho nền nông nghiệp nước nhà.

Tập đoàn Lộc trời là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo từ nghiên cứu, ứng dụng đến chuyển giao và phối hợp với nông dân sản xuất. Hiện nay, mỗi năm tập đoàn sản xuất được 45 nghìn tấn lúa giống cung cấp cho sản xuất. Năm 2015, tại cuộc thi gạo quốc tế với 25 loại gạo ngon từ các công ty lúa gạo quốc tế, sản phẩm gạo “Hạt ngọc trời - Thiên Long” từ giống AGPPS103 của Lộc trời đã thắng giải “TOP 3” gạo ngon nhất thế giới. Thành công của Lộc trời đã mở ra cách tiếp cận mới, hình thành cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tạo hình ảnh mới đối với sản phẩm lúa gạo của Việt Nam.

Hay Tập đoàn TH Truemilk chỉ trong vòng chưa đầy chục năm trở lại đây đã trở thành thương hiệu quen thuộc của người tiêu dùng trong cả nước. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm sữa tươi, tập đoàn này liên tục đưa các ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển đa dạng các dòng sản phẩm của mình. Mới đây là các sản phẩm kem từ sữa tươi, rồi các thức uống từ thảo dược liên tục được Tập đoàn này đưa ra thị trường.

Song cốt lõi của sự phát triển bền vững của TH Truemilk là định vị ngay từ khi đầu tư vào nông nghiệp, là doanh nghiệp hàng đầu về ngành công nghiệp chế biến sữa với một hệ thống quản lý cao cấp, dây chuyền khép kín, đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tất cả hệ thống chuồng trại chăn nuôi bò sữa tại các đơn vị này được đầu tư xây dựng theo công nghệ hiện đại, điển hình như hệ thống cào phân tự động; hệ thống máng uống nước tự động, hệ thống quạt làm mát trong các chuồng; các cột nằm nghỉ cho đàn bò được trang bị hệ thống chổi gãi ngứa tự động và lót bằng đệm cao-su bảo đảm chân móng của bò luôn sạch sẽ không bị nhiễm bệnh... Chính vì vậy, các sản phẩm sữa của TH Truemilk không chỉ chinh phục được thị trường trong nước vốn trước đây chỉ có một vài doanh nghiệp độc quyền mà còn hướng tới xuất khẩu được ra nhiều thị trường quốc tế.

Xu thế đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp ảnh 1

Khoa học công nghệ là giải pháp then chốt nâng cao năng suất, chất lượng.

Câu chuyện thành công của TH Truemilk cũng đã khơi gợi cảm hứng và tạo làn sóng đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho nhiều doanh nghiệp “tên tuổi” khác. Như Tập đoàn Vingroup năm 2016 đã đầu tư hệ thống nhà kính VinEco Tam Đảo với diện tích 4,5 ha sử dụng công nghệ rau sạch của Israel. Nhờ hệ thống nhà kính trồng rau mầm bằng phương pháp thủy canh, VinEco không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu rau sạch trong nước mà còn hướng tới mang thương hiệu nông sản sạch Việt gia nhập thị trường quốc tế. Hiện tập đoàn đã và đang mở rộng diện tích gieo trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh Hà Nam, Quảng Ninh, Thừa Thiên -Huế.

Một đại gia khác nữa chuyên về lĩnh vực đầu tư tài chính là ông chủ của Công ty chứng khoán SSI đã đầu tư vào nông nghiệp sau khi các đối tác Nhật Bản cho biết họ rất cần công ty Việt Nam sản xuất những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cung cấp cho thị trường Nhật và Tập đoàn Pan đầu tư vào nông nghiệp và thực phẩm ra đời.

Có thể nói, hệ thống chính sách về khoa học công nghệ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gắn kết và phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh: chuyển giao đổi mới công nghệ; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp,... đã bước đầu khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, mặc dù số lượng còn rất khiêm tốn với con số khoảng 1% doanh nghiệp.


Nông nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng những rào cản chính để thu hút các doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp, nhất là các dự án đầu tư sử dụng khoa học công nghệ chủ yếu là những khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất và chính sách dồn điền đổi thửa vì đầu tư vào nông nghiệp thường phải ở quy mô lớn. Mức hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn đầu tư cũng như chưa bảo vệ được doanh nghiệp nông nghiệp trong cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD, mức hỗ trợ nông nghiệp ở nước ta hiện nay chỉ chiếm khoảng 7% chủ yếu qua hệ thống khuyến nông và cắt giảm một số loại phí trong khi đó, ở một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc mức hỗ trợ có thể lên tới 55-60%.

Ngay tại Thái-lan, một trong những đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp của ta, từ hỗ trợ nông nghiệp cũng khá là phổ biến. Chính phủ Thái-lan hỗ trợ các doanh nghiệp bán hàng hóa tại các địa điểm du lịch vốn luôn đông khách của họ. Chính phủ trợ giá cho các công ty du lịch với mức giá hấp dẫn nhất để thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Song bù lại các chương trình tour thiết kế dày đặc các điểm đến bắt buộc (nếu không đến phải chịu tiền phạt) để họ giới thiệu và bán các sản vật địa phương mà phần lớn khó có du khách nào không bỏ hầu bao ra sau rất nhiều lần “kiên nhẫn” giới thiệu của các doanh nghiệp và nông dân Thái-lan. Và đây gần như là một chuỗi công nghệ làm du lịch của Thái-lan.

Nhìn lại thị trường của ta, sự hỗ trợ của ngành khoa học công nghệ đối với các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn khá hạn chế. Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước có trọng tâm là đổi mới công nghệ các doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp vừa rồi, Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra một bản báo cáo không có nhiều giải pháp mới mẻ, hữu hiệu để thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp.

Theo ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, để tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư vốn và công nghệ để phát triển sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ cần xây dựng quy hoạch mang tính bền vững, ổn định và hiệu quả. Ưu tiên cho những ngành, sản phẩm mũi nhọn của nông nghiệp từ khâu quy hoạch cho đến chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư, xúc tiến thương mại vì các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đòi hỏi số vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên rất cần sự bảo đảm ổn định và bền vững của quy hoạch, đồng thời khâu giám sát việc thực hiện đầu tư theo quy hoạch cũng cần quy định chặt chẽ tránh chồng chéo gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Chính phủ cũng cần nghiên cứu thay đổi cách làm xúc tiến thương mại của cơ quan quản lý nhà nước, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao để khuyến khích nâng cao tỷ lệ đầu tư để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, có giá trị gia tăng. Trong đó, trọng tâm là các doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất chế phẩm sinh học, chế biến nông sản, tăng sức hấp dẫn cũng như bảo vệ được doanh nghiệp nông nghiệp trước sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài.

Đối với các doanh nghiệp nông nghiệp cần chủ động tiếp cận đánh giá nhu cầu thị trường, nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất, lành mạnh hóa tình hình tài chính và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả để tăng cường khả năng tiếp cận vốn vay tại các tổ chức tín dụng. Rồi cần đẩy mạnh sự “hỗ trợ” của ứng dụng khoa học công nghệ trong thời đại internet vạn vật. Điều này thì hơn ai hết chính doanh nghiệp mới là người quyết định cuối cùng sự thành bại của chính mình.