Vươn ra biển lớn

Trong năm 2018 những cái tên như Vingroup, Viettel, FPT, Vietjet Air, TH Truemilk, Vietcombank... là những doanh nghiệp “đình đám” với những hợp đồng và hoạt động nổi bật cho thấy sự bứt phá, khả năng cạnh tranh vươn ra thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trang trại bò sữa cao sản của Tập đoàn TH tại Liên bang Nga.
Trang trại bò sữa cao sản của Tập đoàn TH tại Liên bang Nga.

Những cơ hội mở ra

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên VBF 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiêu biểu, cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam có thể ươm mầm những DN lớn tầm cỡ, có khả năng cạnh tranh và là đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế.

Mặc dù môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc, song năm 2018 thị trường vẫn tiếp tục đón nhận hơn 130 nghìn DN đăng ký thành lập. Đó cũng là kết quả của sức lan tỏa và tạo cảm hứng của những DN thành công, trong đó không ít DN không còn chơi trên sân nhà nữa mà đã giong buồm ra đại dương, đang khẳng định vị thế và năng lực cạnh tranh quốc tế của DN Việt.

Năm 2018 đánh dấu sự chuyển đổi bước ngoặt của Tập đoàn Vingroup sang các mảng kinh doanh mới là lĩnh vực công nghệ và công nghiệp với dự án sản xuất ô-tô, xe máy điện VinFast, dự án sản xuất điện thoại và các thiết bị điện tử thông minh Vsmart, thành lập hàng loạt các công ty nghiên cứu sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, nguyên vật liệu thế hệ mới... Thương hiệu ô-tô Việt Nam VinFast chính thức trình làng hai mẫu xe đầu tiên tại triển lãm quốc tế Paris Motor Show 2018 khẳng định Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ ngành công nghiệp chế tạo ô-tô thế giới. Hay trang trại bò sữa cao sản đầu tiên của Tập đoàn TH trong khuôn khổ Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao và một số dự án về thực phẩm với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD tại Liên bang Nga được khánh thành đầu năm nay không chỉ góp phần bù đắp sự thiếu hụt sữa tại Nga mà còn hướng tới các sản phẩm chất lượng cao không biến đổi gien, theo hướng sạch, hữu cơ, không những trong nước mà còn đến các thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh các hiệp định thương mại đang mở rộng cánh cửa của hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20, các DN trong nước có cơ hội được kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước cả cấp trung ương và địa phương, cải cách DN nhà nước, hệ thống tài chính, xử lý nợ xấu, quản lý nợ công... nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN mà nếu thực hiện tốt sẽ giúp giảm được tối thiểu 10% chi phí cho DN. Ngoài ra, Chính phủ cũng cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách hệ thống thuế theo hướng đơn giản, minh bạch, hiệu quả trên tinh thần giảm tối đa gánh nặng tài chính cho DN.

Nhấn mạnh quyết tâm này của Chính phủ, tại diễn đàn đối thoại với các DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ, ngành và địa phương ưu tiên đưa các quan tâm của DN vào trong các chương trình nghị sự của mình, phải đưa vấn đề của DN lên trang đầu trong sổ tay điều hành của lãnh đạo.

Sự nỗ lực phải từ các bên

Điểm lại một năm qua, Chính phủ đã quyết tâm đổi mới toàn diện nền kinh tế theo hướng kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục theo đuổi chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững gắn với quyết liệt thực hiện các đột phá lớn, đẩy mạnh hơn nữa đổi mới và nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển đồng bộ các loại thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, thị trường bất động sản... Đẩy nhanh hơn tiến độ cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, khu vực, ngành hàng sản xuất gắn với chú trọng thị trường đầu ra, phát triển đồng bộ cả thị trường nội địa và nước ngoài, nghiên cứu các giải pháp ứng phó chủ động, giảm tác động tiêu cực của tình hình thương mại thế giới.

 Vươn ra biển lớn ảnh 1

Cánh đồng lúa mạch, lúa mì để chế biến thức ăn giàu dinh dưỡng cho bò sữa.

Chính phủ cũng quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế gắn với xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho DN và người dân.

Tuy nhiên, theo những đánh giá chung tại Diễn đàn vừa qua, sự nỗ lực đến từ một phía là chưa đủ. Cần có sự chủ động, tham gia tích cực của chính cộng đồng DN trong các hành động, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trong đầu tư, kinh doanh của mình.

Có thể nói, sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới ở Việt Nam như Samsung, Intel, Canon, Fujitsu, Toyota, Honda, Nike, Vinacapital và hàng nghìn DN FDI khác là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, để nắm bắt cơ hội và hợp tác thành công cần thúc đẩy sự nỗ lực và hợp tác của cả ba bên. Trước hết là nỗ lực của chính các DN Việt Nam. Tất cả DN đều có những lợi thế so sánh và nếu nhận diện đúng và biết phát huy lợi thế đó, DN đã thành công một nửa. Muốn vươn ra biển lớn, bản thân DN cần xóa bỏ tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ và thay vào đó, cần chủ động nắm bắt các cơ hội và xu hướng lớn đang mở ra, học hỏi và sáng tạo không ngừng để trưởng thành và thành công hơn nữa.

Đồng thời, Chính phủ mong muốn nhiều tập đoàn quốc tế, DN FDI cởi mở hơn trong chính sách cung ứng, tạo cơ hội nhiều hơn và hỗ trợ cho các DN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đặt niềm tin nhiều hơn vào năng lực của các DN Việt.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy vai trò kiến tạo phát triển và đồng hành của Chính phủ. Theo đó, ưu tiên vào những vấn đề trọng tâm như giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội và nền tảng kinh tế vĩ mô; tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư cơ sở hạ tầng.