Doanh nhân Tô Như Toàn:

Tự sửa mình mỗi ngày

Phòng làm việc của Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn Phú - Invest Tô Như Toàn (ảnh bên) toát lên sự giản dị. Có lẽ, điểm gây ấn tượng là bức phù điêu nhỏ nơi góc phòng và dòng chữ tạc bằng đồng “Người tu sĩ cần: Lấy tâm làm cha, lấy trí tuệ làm mẹ, lấy cộng đồng làm quyến thuộc” của Thượng tọa Thích Huệ Đăng. Vì thế mà như lẽ đương nhiên, cuộc trò chuyện của tôi với anh không chỉ xoay quanh chuyện kinh doanh, mà cả chuyện đạo, chuyện đời.

Tự sửa mình mỗi ngày

Mối duyên với nghề

Làm nghề kiến trúc, rồi dấn thân vào kinh doanh, đó có phải là cái duyên với anh?

Với tôi, đó là mối duyên lành! Thi đại học, tôi đỗ hai trường: Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Kiến trúc, nhưng tôi chọn học kiến trúc vì gần nhà, ngày đó nghèo, chỉ có một cái xe đạp cọc cạch, đi học xa sẽ vất vả. Tốt nghiệp xong, tôi đi vẽ thuê thiết kế nhưng thời điểm đó nghề thiết kế chưa được coi trọng, bị “quỵt” ý tưởng nhiều nên chán, chuyển sang nhận thầu xây lắp nhà dân. Có ít tiền tôi lập công ty xây lắp nho nhỏ, năm 2003 thì xuống Quảng Ninh tìm cơ hội, vì Quảng Ninh hồi đó bắt đầu phát triển đô thị. Tôi bắt đầu làm thầu xây lắp cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà Quảng Ninh, tuần nào cũng chạy “con” Kia từ Hà Nội xuống Quảng Ninh hai lần.

Thế rồi cũng vì duyên mà tôi làm đại diện chi nhánh tại Hà Nội của Công ty, bắt đầu triển khai đi làm dự án. Tôi muốn đầu tư vào khu đô thị Mỗ Lao của tỉnh Hà Tây lúc đó. Nhưng khu đô thị này có tới vài chục doanh nghiệp muốn đầu tư vào, tôi thấy mình không có cơ hội. Cũng may hồi sinh viên tôi hay đi vẽ thuê cho viện thiết kế của Sở Xây dựng Hà Tây, được các anh quý và được giới thiệu ở Văn Phú có 30 ha vị trí sát mặt đường 6 rất đẹp, nên quyết định đầu tư. Nhưng lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Tây lúc đó nói rằng nếu làm mặt đường rồi thì phía trong ai làm, phải làm cả mặt phía trong nữa mới đồng bộ. Tôi về bàn với lãnh đạo công ty nhà Quảng Ninh, được chấp thuận, thế là tôi nhận 100 ha. Đứng trước 100 ha đất, tôi ngợp và lo. Có ai làm dự án đầu tay đã làm cả một dự án lớn thế? May mắn là lúc đó phía sau có sự trợ giúp của công ty nhà Quảng Ninh và nhiều anh em bạn bè cùng học ở trường kiến trúc kéo về làm cùng tôi, tất cả tuổi còn trẻ, nhiệt huyết lắm.

Dự án đầu tay lại là dự án lớn, chắc hẳn có nhiều điều làm anh nhớ?

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác vui sướng rất khó tả khi đổ xe cát đầu tiên. Rồi san nền, đặt cống, làm cột điện..., mỗi một mốc công việc hoàn thành là một lần vui sướng. Cảm giác giống như người mẹ mỗi lần đi siêu âm lại thấy hình hài đứa con của mình đang lớn dần. May mắn với tôi là thời điểm giải phóng mặt bằng thì bất động sản trầm lắng, nhưng khi bắt đầu khởi công san lấp thì bất động sản phía tây bùng nổ, và tôi thu được những thành quả đầu tiên. Sau khi làm dự án Khu đô thị Văn Phú, tôi rút được nhiều kinh nghiệm, trong việc quy hoạch đô thị.

Tôi đã đến khu đô thị Văn Phú - khu đô thị lớn đầu tiên của tỉnh Hà Tây, cảm nhận đầu tiên là nó được thiết kế rất hiện đại, cơ sở hạ tầng đồng bộ, đô thị hóa, thay đổi lối sống của một vùng nông thôn. Trong đó, diện tích xây dựng của khu đô thị chiếm tỷ lệ thấp, cây xanh nhiều, tôi cảm nhận được cái tâm của chủ đầu tư, không cố gắng lấp đầy diện tích, tối đa hóa lợi nhuận.

Tôi nghĩ rằng, đó không chỉ là quan điểm của tôi, mà các chủ khác khi triển khai dự án cũng mong muốn làm như thế. Tôi học kiến trúc bài bản nên cố gắng làm theo những gì mình được học. Ngay từ bản vẽ thiết kế, vẽ đẹp và vẽ hiệu quả là hai câu chuyện khác nhau. Tôi cố gắng vừa vẽ đẹp vừa hiệu quả. Có lẽ vì thế mà các sản phẩm của chúng tôi dễ dàng được khách hàng đón nhận hơn.

Tự sửa mình mỗi ngày ảnh 1

Một góc khu đô thị Văn Phú.

Làm doanh nghiệp phải biết hy sinh

Một chủ doanh nghiệp lớn, bận rộn như anh mà có thời điểm, anh bỏ cả mấy tháng, tắt hết điện thoại vào nhập thất tu tập trong chùa Thanh Quang của thượng tọa Thích Huệ Đăng. Cơ duyên nào mà anh đến với đạo Phật?

Thuở bé, hay vào chùa để mua tương mua cà, lớn lên học đại học, tôi biết nhiều về đạo Phật qua những buổi vẽ ghi trong các chùa, tìm hiểu kiến trúc chùa dân gian... Nhưng thời đó chưa hiểu rõ Phật tại tâm thế nào, tu tập thế nào cho phù hợp? Sau khi kinh doanh bất động sản tôi có tìm hiểu nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, tình cờ được giới thiệu gặp thầy Thích Huệ Đăng đang nhân giống sâm ngọc linh ở chùa Thanh Quang, (Đà Lạt). Tôi lên đường vào gặp thầy mà băn khoăn không hiểu vì sao nhà tu hành lại kinh doanh.

Vào Đà Lạt, tôi thấy hai điều ngạc nhiên, thứ nhất trong chùa không có hòm công đức và thứ hai chùa như một nhà máy nhỏ các công nhân làm việc tấp nập. Tôi hỏi thầy sao chùa không có hòm công đức thầy cười nói: “Muốn tự do phải tự lo”. Lúc ấy, tôi mới hiểu tại sao nhà sư lại kinh doanh. Thầy có sức làm việc khủng khiếp, thầy trồng sâm, trồng hoa lan, bán lấy tiền in kinh sách tặng cho người nghèo và đi giảng pháp. Sau đó, thầy ra Bắc giảng. Lúc đó tôi mới hiểu thế nào là Phật tại tâm, thế nào là “Phật”. Có những thứ trong kinh sách đã nói, tôi đọc cũng không hiểu lắm, nhưng nghe thầy nói tôi ngộ ra nhiều điều. Thầy chỉ cho tôi con đường đến với Phật trong mình và lộ trình, phương pháp tu tập và mình phải tự đi.

Phương pháp tu của thầy cũng rất hợp với người làm doanh nghiệp, song hành giữa đạo và đời. Khi tu tập tôi thấy mình tốt lên nhiều, sức khỏe tốt hơn, tĩnh tại hơn. Đạo Phật rất đời thường, chẳng hạn như từ quán chiếu, thật ra trong đời sống nó có nghĩa là luôn xem lại mình, mình làm vậy, sống vậy đã ổn chưa, có cần điều chỉnh gì không. “Quán chiếu” như vậy rất tốt với mỗi người, nhất là người làm doanh nghiệp như tôi.

Thượng tọa Thích Huệ Đăng tâm niệm con người phải sống bằng cái tâm chân thật và trong sáng, từ cái tâm chân thật, trong sáng đó mới hành động với tâm hy sinh, tâm nhẫn nhục và tâm siêng năng. Anh đã thấm nhuần tư tưởng đó?

Làm doanh nghiệp phải biết thế nào là hy sinh, thế nào là nhẫn nhục, còn siêng năng thì đương nhiên phải có. Có siêng năng thì trí tuệ mới mở được. Còn biết hy sinh, nghĩa là phải biết cho, biết nhận thì nhiều người sẽ đến với mình, lúc đó cộng đồng chung quanh mình sẽ rộng. Chả có gì hạnh phúc bằng chung quanh mình có nhiều bạn bè đồng nghiệp, đó là niết bàn của kiếp này. Thầy dạy tôi phải có tâm rộng lớn, tâm rộng lớn mới nghĩ lớn, nghĩ thoáng. Và khi có cái tâm rộng lớn thì sẽ có cái trí rộng lớn. “Tư lợi, lợi tha”; tốt mình, tốt người. Nghĩ cho mọi người thì đương nhiên trong đó có mình, gia đình mình. Những người làm doanh nghiệp như tôi có thể ứng dụng những điều này trong mọi trường hợp.

Phòng làm việc của anh, ở vị trí trang trọng nhất có tạc câu: “Người tu sĩ cần: Lấy tâm làm cha, lấy trí tuệ làm mẹ, lấy cộng đồng làm quyến thuộc”? Anh có thể lý giải điều này?

Ở xã hội Á đông người cha như cột trụ, người mẹ tần tảo nuôi dậy con. Tâm chính là cột trụ của mỗi con người, phải giữ được cái tâm - phải giữ được sự trong sáng, sự chân thật, tình thương. Trí tuệ chính là những điều mình ứng dụng được, như người mẹ tần tảo lo toan cho gia đình mình. Cộng đồng làm quyến thuộc nghĩa là xem cộng đồng như những người thân trong gia đình mình, trước hết đó là cộng đồng chung quanh mình như gia đình, người thân, bạn bè. Mình làm cùng năm người sẽ cảm thấy vui hơn làm cho một người, đó là cảm xúc bình thường.

Tôi nhìn và ngẫm câu này hằng ngày. Với tôi, tu nghĩa là sửa mình, từng giờ từng phút, từng việc làm sao cho tốt. Mà muốn tốt phải quán chiếu mình trong hiện tại, chứ không thể nói từ từ đã, mình sẽ tu sau. Càng tu nhiều sẽ càng tinh tấn. Không phải ngày nào tôi cũng làm được như thế nhưng tôi luôn có ý thức sửa mình, nó thành một thói quen.

Một doanh nhân thấm nhuần tư tưởng đó thì những sản phẩm mình đưa ra xã hội sẽ luôn đầy trách nhiệm? Tôi được biết anh lặng lẽ làm điều thiện, như ủng hộ hàng tỷ đồng cứu trợ đồng bào lũ lụt, mua máy xét nghiệm ung thư tặng cho các bệnh viện, có phải cũng đang thực hiện “lấy cộng đồng làm quyến thuộc”.

Đó chỉ là một chút nhỏ nhoi, rất nhiều người làm thế mà. Ngày xưa tôi cũng cố gắng đưa ra những sản phẩm tốt, nhưng từ khi biết được chân lý Phật giáo tôi phải làm đúng hơn. Khi làm đúng thì cộng đồng của mình rộng lớn hơn, họ sử dụng sản phẩm của mình nhiều hơn. Từ đạo Phật ứng dụng cho mình, tốt cho mình, tốt cho người, rất thực tế chứ không có gì cao siêu. Tôi thấy tôi trước đây, so với tôi khi đã biết chân lý Phật giáo khác nhau nhiều.

Xin cảm ơn anh!