Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Sài Gòn:

Tôi luôn mơ giấc mơ thương hiệu Việt

Ngay trên bàn của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Sài Gòn SSI, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn PAN có hai cái điện thoại đặt song song. Một iPhone sang chảnh và một là Bphone, điện thoại thế hệ thứ hai vừa mới ra mắt của Tập đoàn BKAV. Giữ đúng lời hứa trên trang Facebook cá nhân của mình, ông đã mua và sử dụng Bphone, thay một lời động viên, ủng hộ thương hiệu Việt.

Tôi luôn mơ giấc mơ thương hiệu Việt

Xây dựng, giữ gìn và phát triển thương hiệu Việt ngay trong lĩnh vực khó nhằn nhất, đòi hỏi một chiến lược dài hơi nhất là nông nghiệp thực phẩm cũng chính là giấc mơ bền bỉ và không kém phần lãng mạn của doanh nhân Nguyễn Duy Hưng.

Mới tham gia mạng xã hội Facebook nhưng ông đã góp tên vào danh sách những hot facebooker khi trang cá nhân có hàng chục nghìn người theo dõi và mỗi stastus, mỗi bài viết ra đều thu hút được nhiều lượt like, bình luận, share. Chứng tỏ những chia sẻ nghiêm túc, có trách nhiệm về chuyện làm ăn, kinh doanh, về các góc nhìn xã hội đều được cộng đồng mạng đón nhận?

Tôi tham gia Facebook mới được một năm mấy tháng, thật ra cũng là để cho vui. Khi thấy có nhiều trang mạo danh mình quá thì tôi phải xuất hiện chính danh thôi. Tới giờ tôi nhận thấy mạng xã hội cũng có nhiều mặt tích cực, thậm chí mặt tích cực lớn hơn tiêu cực.

Như nhiều doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông đã đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm. Với ông đây là hướng đầu tư chiến lược hay chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính?

Ai cũng biết, ở Việt Nam có tới 70% dân số liên quan đến nông nghiệp nhưng tiếc thay nông nghiệp lại không được quan tâm đầy đủ, chưa nhận được sự đầu tư nghiêm túc. Chúng tôi xác định rằng đầu tư cho nông nghiệp mục tiêu chính là tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp nhưng mục tiêu quan trọng hơn hết, quan trọng hơn lợi nhuận là tạo ra công ăn việc làm... Vậy nên chúng tôi chủ trương không lấy đất của nông dân, không tách người nông dân ra khỏi ruộng đất của họ. Điều thứ hai muốn phát triển được nông nghiệp là phải mở rộng được thị trường. Nếu không có thị trường thì doanh nghiệp sẽ quay sang cạnh tranh với chính người nông dân, điều đó đương nhiên gây bất ổn. Mọi doanh nghiệp làm ăn trong lĩnh vực gây bất ổn đều không hoạt động được chứ đừng nói tới chuyện phát triển bền vững. Vậy mọi hoạt động của doanh nghiệp phải gắn với quyền lợi của người nông dân, hợp tác với người nông dân ngay trên mảnh đất của họ để tạo ra giá trị gia tăng, cùng nhau chia sẻ lợi ích.

Có những nhà đầu tư chiến lược vào nông nghiệp liệu sẽ tránh được cho người nông dân nỗi lo được mùa mất giá, thưa ông?

Thị trường quyết định tất cả, nhìn ra vấn đề thị trường sẽ hướng đến mục tiêu cạnh tranh bằng sản lượng hay chất lượng sản phẩm. Trước tới nay chúng ta mang hàng nông sản ra nước ngoài bán, toàn cạnh tranh bằng giá, bán cái chúng ta có, dẫn đến kết cục doanh nghiệp cứ thi nhau hạ giá sản phẩm, cuối cùng toàn người Việt mình tự gây khó dễ cho nhau. Các doanh nghiệp lớn có cái nhìn xuyên suốt, coi thị trường là nền tảng, hướng tới cái gì thị trường cần, khách hàng muốn và đầu tư cho chất lượng sản phẩm, giúp giá trị của sản phẩm Việt Nam được nâng cao. Khi cạnh tranh bằng chất lượng và bước qua giai đoạn cạnh tranh bằng sản lượng hẳn nhiên không còn nỗi trớ trêu được mùa mất giá... Làm ra quá nhiều so với nhu cầu thực tế, tư duy sản xuất hàng hóa như vậy còn dở hơn cả thời kế hoạch hóa ngày xưa. Sản xuất trên cơ sở của người mua, theo đòi hỏi của thị trường, lấy thị trường làm nền tảng thì mới yên tâm được... Ngoài thị trường là yếu tố đầu tiên, đầu tư vào nông nghiệp cần yếu tố thứ hai là công nghệ và khả năng sản xuất bao gồm nguồn nhân lực kể cả nông dân. Hiện nhiều nông trường đang thiếu nông dân, chưa cần phải nông dân chất lượng cao mà nông dân có kỹ năng và có tính tuân thủ. Để nông dân mình làm đúng giờ đúng hẹn khó lắm. Cuối cùng mới là vốn. Nguồn vốn thì không khó, Chính phủ cũng rất ủng hộ vào tạo điều kiện nhưng phải hội tụ đủ điều kiện một và hai đã.

Tức là làm nông nghiệp, các doanh nhân còn phải như những nhà xã hội học, góp phần thay đổi những tập quán ngàn đời của người nông dân?

Đừng mong và cũng đừng mơ có một ai đấy cải tạo được thế giới, cải tạo được thói quen. Chỉ khi gắn quyền lợi của doanh nghiệp vào quyền lợi của người nông dân thì người ta sẽ theo mình, sẽ tự thay đổi. Không mang quyền lợi cho người ta, người ta không tin đâu. Mình cũng đừng mơ áp suy nghĩ của mình vào người nông dân mà phải làm theo suy nghĩ của người nông dân và gắn quyền lợi của người nông dân với mình, hướng tới giá trị chung giữa doanh nghiệp và người nông dân, để người nông dân được hưởng nhiều hơn... Thay đổi tập quán của một nền nông nghiệp không phải câu chuyện ngày một ngày hai, một năm hai năm mà là nhiều năm, sự kiên trì của tất cả các hệ thống và người nông dân phải là đối tượng để hợp tác.

Theo ông cần có chính sách gì để hỗ trợ, khích lệ xu hướng đầu tư vào nông nghiệp thực phẩm hiện nay?

Chúng tôi cần nhất là sự minh bạch. Phải minh bạch mới phát triển được. Có thí dụ đang rất thời sự, hiện nay các dự án BOT trong giao thông gây nhiều tranh cãi. BOT có tốt không, mô hình đấy là tốt, quá cần thiết cho đời sống. Nhưng có những thời điểm, có những nơi nó bị phản ứng là vì sao, vì nó không minh bạch, không cho người dân cơ hội lựa chọn. Thí dụ muốn làm con đường BOT mới thì phải giữ lại đường cũ song song cho người dân tự chọn, chứ làm đường mới rồi chặn đường cũ thì quá bằng đánh thuế? Không có minh bạch sẽ hình thành nên những nhóm lợi ích, trông nó giống như doanh nghiệp nhưng thật ra họ đang đi kinh doanh cơ chế. Chỉ có sự minh bạch mới hóa giải và tạo đà cho phát triển. Một điều may mắn là Chính phủ hiện nay không còn tập trung vào huy động nguồn lực và từ đó đi phân bổ nguồn lực mà Chính phủ chỉ định hướng nguồn lực để các thành phần kinh tế tự huy động. Chính trị gia có thể đào tạo được nhưng doanh nhân thì phải bẩm sinh. Không thể trở thành chủ tịch hội đồng quản trị chỉ bằng một tờ A4. Doanh nghiệp là thị trường, là lợi nhuận, anh không thể tự tạo ra thị trường, tạo ra lợi nhuận bằng duy ý chí. Doanh nghiệp muốn huy động nguồn lực thì phải có tính thuyết phục, thuyết phục ngân hàng, đối tác đầu tư. Bản thân sự thẩm định chéo lẫn nhau giữa chủ thể cung cấp tín dụng, tài chính, doanh nghiệp và thị trường sẽ tạo ra nền tảng phát triển bền vững.

Vậy khi huy động nguồn lực giành quyền kiểm soát công ty cổ phần bánh kẹo Bibica với nhà đầu tư nước ngoài ông coi đó là một thương vụ làm ăn thuần túy hay mong muốn phải giữ bằng được thương hiệu Việt cho người Việt?

Từ SSI đến PAN đều gắn kết, kết nối mọi người, sát cánh giữa các nhà đầu tư với nhau chính là giấc mơ thương hiệu Việt. Chúng tôi đã đầu tư vào lĩnh vực khó nhằn nhất là nông nghiệp thực phẩm, chính bằng giấc mơ thương hiệu Việt. Ai lại mang tiền túi đi làm nông nghiệp bao giờ chứ? Tôi mà nói câu này cách đây năm năm người ta sẽ bảo ông Hưng làm trò, ông ấy mua rồi được giá thì bán. Nhưng giờ thì người ta biết là tôi nói thật, làm thật. Để giữ lại được thương hiệu Việt cho người Việt và thắng được các tập đoàn nước ngoài mà GDP của họ bằng nửa GDP của nước mình là điều không dễ. Giữ được nhưng phát triển được là câu chuyện bội phần khó. Có tín hiệu vui là đợt Tết vừa rồi thống kê cho thấy các sản phẩm của Bibica đã xuất hiện rất nhiều trên các sạp hàng, lượng tiêu thụ chiếm ưu thế. Đâu đó có lúc chúng tôi cũng thấy mình như những Đông ki sốt, phải chiến đấu cả với căn bệnh sính ngoại của người tiêu dùng Việt. Tôi mua và dùng Bphone cũng là để ủng hộ giấc mơ đẹp của anh Nguyễn Tử Quảng, dù tôi không biết anh ấy là ai. Là người Việt, bạn có thể thích hay không thích một sản phẩm Việt tử tế, nhưng bạn không được vùi dập và chửi bới sản phẩm đó...

Trân trọng cảm ơn ông!