Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc:

“Tỉnh Vĩnh Phúc đạt được những kết quả toàn diện trong năm 2018”

Năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc là điểm sáng của cả nước với nhiều thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, thu hút đầu tư nước ngoài... Trước thềm xuân mới Kỷ Hợi 2019, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã dành cho Nhân Dân hằng tháng cuộc trò chuyện về những dấu ấn của Vĩnh Phúc trong năm 2018, trong đó có nhiều bài học kinh nghiệm về công tác sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, công tác đánh giá cán bộ...

“Tỉnh Vĩnh Phúc đạt được những kết quả toàn diện trong năm 2018”

Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật trong năm 2018 của tỉnh Vĩnh Phúc?

Năm qua, Đảng bộ chính quyền nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều cố gắng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội cả nước còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Ngoài những khó khăn chung, Vĩnh Phúc là một tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, cho nên những tác động của tình hình kinh tế trong nước và thế giới đến các doanh nghiệp cũng chính là tác động đến kinh tế của Vĩnh Phúc. Nhưng nhờ có sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và truyền thống cần cù, năng động của nhân dân trong tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với 14/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Vĩnh Phúc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 8%, vượt mục tiêu đề ra từ 7 đến 8%, cao hơn tốc độ trung bình của cả nước. Giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 85,62 triệu đồng/người/năm, tăng 6,57 triệu đồng/người/năm so với năm 2017. Quy mô nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng, gần đạt ngưỡng 100 nghìn tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, trong đó tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng - dịch vụ chiếm 91,83%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm xuống còn 8,17%.

Môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được cải thiện; các thủ tục hành chính tiếp tục được thực hiện theo hướng tiết giảm về thời gian và đơn giản về thủ tục, coi đây là giải pháp trọng tâm của tỉnh. Thu hút đầu tư tăng: trong năm 2018, tỉnh thu hút được 450 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và hơn 4,57 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (DDI), tăng 97,3% so với năm 2017.

Năm nay Vĩnh Phúc gặp rất nhiều khó khăn về thu ngân sách, đặc biệt do chính sách vĩ mô của Nhà nước cho phép nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Toyota và Honda - hai hãng xe có nhà máy trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hai tập đoàn này và tập đoàn xe máy Piagio có thể mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng.

Tổng thu ngân sách toàn tỉnh cả năm ước đạt 30 nghìn tỷ đồng, tăng so với năm 2017. Trong đó thu nội địa ước đạt 26 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so năm 2017. Tỉnh đặc biệt quan tâm tới thu nội địa vì nó phản ánh tình hình sản xuất trong tỉnh, khác với thu qua hải quan hoặc thu qua xuất nhập khẩu. Thu nội địa Vĩnh Phúc luôn đứng thứ hai ở khu vực phía bắc sau Hà Nội.

Cả ba khu vực kinh tế của tỉnh đều có mức tăng trưởng khá. Trong đó, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực đều tăng mạnh. Sản xuất nông nghiệp đạt tốc độ tăng cao nhất trong ba năm gần đây với mức tăng 3,89% so năm 2017. Toàn tỉnh ước đến hết năm 2018 có 103/112 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, là một trong số ít các tỉnh trong cả nước có tỷ lệ số xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới cao (chiếm 92% tổng số xã).

Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là phát triển hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Cho nên, ngay cả những chủ trương về xây dựng quy hoạch, phê duyệt kế hoạch và đặc biệt là xây dựng các khu đô thị, du lịch, dịch vụ cũng hướng tới có những không gian vui chơi, giải trí, những công trình phúc lợi cho người dân.

Công tác giải quyết việc làm, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng thực hiện tốt. Đặc biệt, tỉnh đầu tư lớn cho giáo dục. Toàn bộ trường lớp đều kiên cố, xây mới các phòng học. Trong khi cả nước chưa phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi nhưng tỉnh Vĩnh Phúc đã phổ cập 100% ngay từ năm 2012.

Vĩnh Phúc là một trong nhưng tỉnh đi tiên phong và sáng tạo trong công tác sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Xin đồng chí chia sẻ những biện pháp, cách làm và kết quả thực hiện công tác này của tỉnh trong thời gian qua?

Khi thực hiện tinh gọn bộ máy hành chính, Vĩnh Phúc đi trước nghị quyết của Trung ương. Từ tình hình thực tiễn, tỉnh nhận thấy bộ máy hành chính ngày càng phình ra, hiệu quả không cao. Vì thế, tỉnh chủ động và quyết tâm sắp xếp lại, làm thế nào để bộ máy gọn hơn, nâng cao chất lượng. Tỉnh báo cáo việc thực hiện tinh gọn bộ máy lên Ban Tổ chức Trung ương, các đồng chí lãnh đạo của Ban Tổ chức Trung ương động viên tỉnh làm, nhưng cũng cho biết làm sẽ gặp khó khăn. Khó khăn đầu tiên về mặt nhận thức, ngay trong cấp ủy cũng sẽ nghĩ: Tại sao trước đây vẫn mở rộng bộ máy, vì tỉnh có điều kiện, hỗ trợ tới tận đội phòng cháy thôn, giờ lại cắt bỏ? Chắc chắn sẽ có phản ứng. Nhưng phải nhìn thẳng vào thực trạng của các cơ quan nhà nước, mà theo dư luận đánh giá, có 30% sáng cắp ô đi tối cắp về, bình chân như vại. Thực trạng như vậy, nhưng tinh giảm được số đó không hề dễ.

Một trong những giải pháp đột phá của tỉnh là Đề án 01-ĐA/TU ngày 30-11-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đặt ra nhiều mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bao quát phạm vi rất rộng, từ các cơ quan Đảng, đoàn thể, các cơ quan Nhà nước, đến các hội đặc thù, từ cấp tỉnh đến thôn, xóm, tổ dân phố.

Cách làm của Vĩnh Phúc rất linh hoạt, nhưng không áp đặt, trước hết phải làm sao giải quyết vấn đề tư tưởng ổn thỏa để có sự đồng thuận, không tạo cái gì đó quá nóng, vì vấn đề này động chạm đến con người. Người nào gần đến tuổi về hưu thì vận động họ về, trên cơ sở tự nguyện. Còn nếu không tự nguyện thì sử dụng nguyên tắc cuối cùng là đánh giá qua phiếu, bảo đảm tính khách quan về từng đồng chí một, loại trừ việc “vận động”, chạy chọt.

Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ công chức, viên chức và người lao động thôi việc theo nguyện vọng.

Về cơ bản, sau hai năm thực hiện đã có những chuyển động tốt, đạt được những kết quả nổi bật. Ví dụ: về tổ chức bộ máy so với năm 2015, toàn tỉnh đã giảm 202 đầu mối cấp phòng, trong đó khối Đảng, đoàn thể là 43, chính quyền là 159. Sau khi sắp xếp, sáp nhập giảm 110 lãnh đạo. Tính từ ngày 30-4-2015 đến ngày 31-10-2018, toàn tỉnh đã thực hiện tinh giản 1.640 trường hợp. So với năm 2017, tiết kiệm hơn 131 tỷ đồng chi thường xuyên... Từ năm 2018 trở đi, tỉnh chỉ thực hiện chế độ hội đặc thù đối với ba hội là Hội Chữ thập đỏ, Hội Văn học nghệ thuật và Liên minh Hợp tác xã tỉnh. Từ năm 2017, đối với các hội còn lại sẽ không giao biên chế hoặc chỉ tiêu lao động hợp đồng, không hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước; các hội hoạt động theo đúng nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động.

Kiểm điểm, đánh giá cán bộ sau một năm làm việc là một khâu có ý nghĩa rất quan trọng. Với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí đã chỉ đạo công tác kiểm điểm, đánh giá cán bộ như thế nào để đi vào thực chất, đạt hiệu quả như mong muốn?

Tỉnh quán triệt tinh thần việc kiểm điểm cuối năm và kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) phải thực chất, thẳng thắn chỉ rõ từng khuyết điểm, hạn chế cũng như truy đến cùng những tồn tại, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, từ đó đề ra các giải pháp, phương hướng khắc phục, tạo ra những chuyển biến tích cực. Cấp huyện dành ra 2,5 ngày để họp kiểm điểm, sau kiểm điểm tập thể sẽ đến kiểm điểm cá nhân. Sau khi chỉ ra tất cả những tồn tại của tập thể thì phải quy được trách nhiệm của những tồn tại đó thuộc về đồng chí nào.

Tỉnh thành lập 10 tổ, mỗi tổ có một đồng chí tổ trưởng là Thường vụ Tỉnh ủy, cùng với hai đồng chí Phó Ban Đảng, một đồng chí Phó Chủ tịch và một đồng chí thư ký, dự họp kiểm điểm hai ngày rưỡi ngày ở các địa phương, “quần” nhau xem “ra ngô, ra khoai” như thế nào. Phải làm thực chất để biết chuyển động ở địa phương. Sau khi nghe kiểm điểm từ các địa phương, Bí thư Tỉnh ủy cũng sẽ đối chiếu với bản kiểm điểm của các sở ngành, xem nhận thức ở cấp trên và cấp dưới, ở cấp tỉnh và địa phương có phù hợp với nhau không, có hay không hiện tượng cấp dưới đổ cho cấp trên, cấp trên lại bảo do cấp dưới?

Trong Thường vụ Tỉnh ủy cũng vậy, kiểm điểm từng lĩnh vực phụ trách và chỉ ra những tồn tại hạn chế đó gắn với ai. Phương pháp kiểm điểm là phải làm thật nghiêm và không có vùng cấm, không được “dĩ hòa vi quý”. Nếu đồng chí nào tự nhận lãnh đạo tốt nhưng chẳng ra một sản phẩm tốt thì có thật sự tốt không? Đồng chí nào nói là lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội tốt, nhưng phải xem các chỉ tiêu có tăng không, đặc biệt là những chỉ tiêu pháp lệnh mà Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra . Đó là tiêu chí để đánh giá cán bộ.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!