Tín dụng chủ yếu vào sản xuất kinh doanh

Theo số liệu mới nhất, đến ngày 30-6-2017, tăng trưởng tín dụng (TTTD) đạt 9,06% - đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng sáu năm qua, đóng góp tích cực trong tăng trưởng kinh tế.

Ngành ngân hàng thực hiện nhiều giải pháp tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: ĐỨC KHÁNH
Ngành ngân hàng thực hiện nhiều giải pháp tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: ĐỨC KHÁNH

Tăng trưởng tốt nhưng cần kiểm soát

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, cơ cấu tín dụng chuyển dịch rất tốt, tập trung vào sản xuất kinh doanh, trong đó tín dụng cho một số ngành trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung như nông nghiệp nông thôn tăng 9,9%, công nghiệp tăng 10,34%. Cùng đó, những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát rất chặt thông qua giám sát, cảnh báo từ xa và kiểm tra tại chỗ.

Cũng theo Thống đốc, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều việc quan trọng và đạt được những kết quả tích cực. Thứ nhất, điều hành các chỉ tiêu tiền tệ tăng hợp lý (đến ngày 30-6, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,82% so với cuối năm 2016), hỗ trợ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu trong điều kiện giá các mặt hàng Nhà nước quản lý tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình. Thứ hai, giữ ổn định mặt bằng lãi suất trong sáu tháng đầu năm mặc dù có sức ép tăng do lạm phát cuối năm 2016, đầu năm 2017 ở mức cao, tín dụng tăng nhanh ngay từ đầu năm, trái phiếu Chính phủ tiếp tục phát hành với khối lượng lớn, kỳ hạn dài, thị trường ngoại tệ chịu sức ép trước việc Fed tăng lãi suất.

Theo chia sẻ của người đứng đầu ngành ngân hàng, để có được kết quả tích cực nói trên, ngay từ những tháng đầu năm, ngành đã thực hiện các giải pháp tín dụng để tạo điều kiện TTTD hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Sự khác biệt đó cũng là yếu tố giúp tín dụng liên tục tăng nhanh và đều qua các tháng từ đầu năm, không để xảy ra tình trạng tín dụng tăng thấp vào đầu năm và dồn vào những tháng cuối năm như những năm trước.

Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, dòng vốn ngân hàng đang chảy vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh như doanh nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn, ứng dụng công nghệ cao... Không chỉ năm nay, mà nhiều năm trước đây là những lĩnh vực mà ngân hàng tập trung nguồn vốn cho vay. Riêng dư nợ những lĩnh vực ưu tiên này đã chiếm ngót nghét 50% tổng dư nợ tín dụng của Vietcombank.

Theo tiết lộ của TS Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc VietinBank, sáu tháng đầu năm 2017, TTTD ở đơn vị này hơn 10% và dự kiến trong cả năm tăng trưởng 18-20% tùy theo chỉ đạo và kế hoạch của NHNN. Tại VietinBank, tỷ trọng tín dụng tập trung tới 95% vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đây cũng là câu trả lời dòng tiền của ngân hàng chảy đi đâu trong những tháng đầu năm.

Thống đốc NHNN nhận định, tín dụng có thể tăng như chỉ đạo của Chính phủ là từ 18 - 20%. Tuy nhiên, TTTD phải đi kèm với kiểm soát được ổn định vĩ mô, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, đưa tín dụng vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên. Do đó, NHNN sẽ linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến vĩ mô.

Đồng tình với quan điểm này, một số chuyên gia cũng cho rằng, TTTD là tốt nhưng cần kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro để dòng vốn không bị lạc hướng. Do vậy, các chuyên gia khuyến nghị ngân hàng cần theo dõi chặt chẽ dòng vốn tín dụng này. Đây cũng là nhiệm vụ mà Thống đốc yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện nghiêm túc trong thời gian tới. “Các TCTD cấp tín dụng phù hợp với định hướng TTTD của NHNN, thực hiện kiểm soát tín dụng phù hợp với chỉ tiêu TTTD năm 2017 và các biện pháp kiểm soát tín dụng theo chỉ đạo của NHNN, ưu tiên tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục hạn chế và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thời gian thu hồi vốn dài”, Thống đốc Lê Minh Hưng chỉ đạo.

Lãi suất giảm - tín hiệu tốt cho nền kinh tế

Việc NHNN chỉ đạo các TCTD giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên là tín hiệu tốt, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có điều kiện vay với lãi suất thấp hơn. Quyết định hạ lãi suất được Ngân hàng Nhà nước ban hành trong lúc hệ thống ngân hàng đang phải chịu khá nhiều sức ép cả bên trong lẫn bên ngoài có thể tác động tới lạm phát, tỷ giá, lãi suất... trong khi nợ xấu còn cao và lợi nhuận bình quân của các ngân hàng cũng ở mức tương đối thấp so với thế giới và khu vực. Mặt bằng lãi suất hiện nay khoảng 6-6,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn và khoảng 8-10,5% đối với trung và dài hạn, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4-5%/năm.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, động thái này của Ngân hàng Nhà nước không ngoài mục tiêu giảm chi phí cho các TCTD, qua đó góp phần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi các TCTD sẽ tiếp cận được vốn rẻ hơn từ nguồn cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là với một số lĩnh vực ưu tiên.

Ông Lực phân tích, nếu lãi suất cho vay thông thường giảm, NHNN sẽ phải thực hiện một số giải pháp khác như phải kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp, không quá nóng, tránh tăng cung tiền, gây áp lực lên lạm phát và tạo áp lực lên tỷ giá.

Còn TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, quyết định giảm đồng loạt lãi suất điều hành của NHNN là động thái chính sách tích cực, phù hợp với diễn biến thị trường đang có điều kiện để giảm lãi suất. Ông Lịch nhấn mạnh, việc giảm lãi suất điều hành nói chung của ngân hàng trung ương chắc chắn làm tăng cầu tín dụng. Để lãi suất có thể giảm được như mong muốn, ngân hàng trung ương với tư cách là người cho vay cuối cùng nên mạnh dạn không chỉ giảm lãi suất điều hành, có thể là tăng quy mô tái cấp vốn rộng hơn để tăng cung tín dụng. Như vậy, từ nay đến cuối năm 2017, lãi suất có thể giảm được 0,25% - 0,5%/năm, đó là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.