Tiêu dùng là động lực thúc đẩy tăng trưởng

Trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19 và đối mặt với tình trạng suy giảm trong năm 2020, các nền kinh tế lớn trên thế giới đứng trước nhiều thách thức lớn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào người tiêu dùng.

Công nhân Công ty TNHH TOTO Việt Nam (Hưng Yên) kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng. Ảnh: QUANG ANH
Công nhân Công ty TNHH TOTO Việt Nam (Hưng Yên) kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng. Ảnh: QUANG ANH

Khi cầu suy giảm

Phòng vé của Vietnam Airlines ở 25 Tràng Thi (Hà Nội) trước đây lúc nào cũng đông khách ra vào giao dịch, đến nay sau hơn một tháng dỡ bỏ giãn cách vẫn vắng hoe, loanh quanh một vài nhân viên trong quầy. Cách đấy không xa, các cửa hàng bán đồ lưu niệm, các khách sạn ở khu vực phố cổ cũng trong tình trạng tương tự. Khách của những cửa hàng này là những người đi du lịch mà giờ này thì lấy đâu ra du khách nước ngoài?

Không giao dịch, không mua bán, các doanh nghiệp lớn gồng mình cầm cự, các doanh nghiệp nhỏ, tiểu thương thì thoi thóp. “Mỗi một đồng tiền khách hàng bỏ ra cho chúng tôi lúc này là cứu một người lao động đi làm thuê. Có doanh thu chúng tôi mới trả lương được cho nhân viên” - anh Phụng, chủ doanh nghiệp du lịch Đức Thịnh than thở. 

Chị Trang, chủ một cửa hàng thời trang cao cấp trên phố Hàng Gà (Hà Nội) cho biết khách hàng của chị là những người có tiền, sành điệu nay cũng đã giảm hẳn chi tiêu. Trước đây, mỗi đợt có bộ sưu tập mới ra các khách hàng mua ít cũng phải vài bộ, nay thì khách ghé thưa hơn và mỗi lần chỉ mua một vài món đồ thiết yếu.

Tình cảnh của chị Trang và anh Phụng cũng là tình cảnh chung trong hoạt động mua bán tiêu dùng trên thị trường hiện nay. Trong những tháng đầu năm, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn khi các chỉ số đều ghi nhận mức giảm. Trong đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã giảm tới 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ngay cả trên thế giới, trong ba tháng trở lại đây, sinh hoạt của người dân ở hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách, phong tỏa và hạn chế di chuyển. Tâm lý lo sợ trong dân chúng sẽ là rào cản lớn cho việc trở lại cuộc sống bình thường như trước. Tập quán tiêu dùng thay đổi cũng ảnh hưởng lớn đến sức mua của nền kinh tế. Tâm lý hạn chế hoặc thay đổi thói quen tiêu dùng đang ảnh hưởng lớn đến cung cầu trên thị trường. Tại Trung Quốc, để bù đắp cho những tổn thất do đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến tiêu dùng, chính phủ nước này đã đưa ra các chính sách quy mô lớn, trong đó 70% các quỹ được sử dụng để giúp tăng thu nhập cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng và tiếp sức cho thị trường.

Tăng cường hỗ trợ tài chính

Theo các chuyên gia, ở thị trường trong nước, Chính phủ đã có thể gỡ khó cho các mảng đã bị đóng băng như du lịch, nhà hàng, khách sạn, nhưng phải gỡ đồng bộ. Thí dụ trong ngành du lịch, để kích cầu du lịch hè khi học sinh vẫn tới trường xuyên hè, hoặc cha mẹ đi làm bù là không khả thi. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể bỏ luôn phương án giãn giảm thuế, chuyển sang miễn thuế trong vòng ba tháng cho doanh nghiệp sản xuất hoặc bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, bởi lẽ khi họ bị đóng băng hoạt động kinh doanh trong vòng vài tháng thì việc giãn - giảm thuế cũng không thay đổi được bao nhiêu các khoản chi phí họ phải cáng đáng.

Dịch Covid-19 đồng thời cũng làm thay đổi một lượng lớn nhu cầu đi du lịch nước ngoài của những đối tượng trung lưu trong xã hội, đồng thời giữ chân một số lượng những người từ nước ngoài trở về Việt Nam tránh dịch. Để kích cầu tiêu dùng nội địa, có thể cân nhắc tới những đối tượng có khả năng kinh tế ổn định và nhiều nhu cầu tiêu dùng. Việt Nam đang sở hữu dân số trẻ với ba triệu người đã tham gia tầng lớp trung lưu toàn cầu. Đây là những đối tượng cần kích thích chi tiêu cá nhân. Theo đánh giá của chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực đánh giá, tiêu dùng cá nhân của Việt Nam hiện nay tương đương khoảng 81% GDP về mặt quy mô. Nếu như quy mô của thị trường này tăng thêm 1% thì lập tức GDP sẽ tăng thêm 0,12 điểm %. Đây chính là động lực để khơi thông dòng chảy cung cầu trên thị trường, kích hoạt việc làm cho cả nền kinh tế.

Để sớm phục hồi nền kinh tế, theo các chuyên gia, ngân hàng bán lẻ cũng như hoạt động cho vay cá nhân cần được khai thác tối đa tiềm năng hơn nữa. Bởi tăng cho vay tiêu dùng không chỉ kích thích dòng tiền lưu chuyển nhanh hơn mà còn kích nhu cầu mua sắm, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước, giảm thiểu tồn kho, đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm cho lao động hiện nay.

Để giải quyết được những khó khăn trước mắt, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị rằng sau dịch bệnh tâm lý co cụm, e dè trong chi tiêu của người tiêu dùng cần được khơi thông nhờ vào các chính sách để tăng cho vay tiêu dùng, kích thích tiêu thụ, giảm tồn kho là điều cần được hướng đến. Với vai trò đi đầu trong việc hỗ trợ người dân nguồn vốn, thời gian qua, nhiều gói vay tiêu dùng với lãi suất hấp dẫn, thủ tục xét duyệt nhanh chóng đã được các ngân hàng, các công ty tài chính tích cực triển khai.

Mới đây, FE Credit đã triển khai dịch vụ “đã nhanh còn dễ” khi khách hàng muốn mua trả góp ti-vi, tủ lạnh, máy điều hòa, máy lạnh, điện thoại... Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng 0% - 1% lãi suất trả góp, trả trước 0 đồng, xét duyệt và nhận hàng trong 30 phút, thời hạn thanh toán linh hoạt từ ba tháng đến 12 tháng. Thí dụ muốn mua một điện thoại di động giá sáu triệu đồng tại hệ thống cửa hàng của Điện máy xanh với kỳ hạn sáu tháng, mỗi tháng khách hàng chỉ cần thanh toán một triệu đồng.

Về phía các ngân hàng, các gói vay ưu đãi cho khách hàng cá nhân đã được các ngân hàng sớm triển khai. Theo ông Tomas Wiliam Tobin - Giám đốc Khối bán lẻ, Ngân hàng Vietcombank đã áp dụng giảm 5% tiền lãi cho 85 nghìn khách hàng cá nhân đang có dư nợ tại Vietcombank với quy mô lên tới 64 nghìn tỷ đồng. Vietcombank hy vọng sẽ giúp được khách hàng doanh nghiệp và cá nhân sớm trở lại sản xuất, kích thích tiêu dùng nội địa trong thời gian sớm nhất có thể. Với hàng loạt các sản phẩm - dịch vụ tín dụng tiêu dùng đa dạng, phong phú đã được triển khai vừa qua, nhiều chuyên gia kỳ vọng thị trường bán lẻ nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ sớm quay trở lại đà tăng trưởng tốt.