Tiếp tục thúc đẩy “ngoại giao chủ động”

Nền kinh tế Nhật Bản được dự đoán sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm tài khóa 2017. Tiêu dùng cá nhân đóng góp khoảng 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), được dự đoán sẽ tăng 0,8% trong năm nay. Tháng 1-2017, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố Nhật Bản sẽ xúc tiến việc xây dựng một “quốc gia mới”, đặt mục tiêu phát triển kinh tế là ưu tiên cao nhất trong năm 2017; cam kết đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài 20 năm qua.

Bộ trưởng Tài chinh Đinh Tiến Dung làm việc với cố vấn Chinh phủ Nhật Bản về hợp tác tài chinh Việt Nam - Nhật Bản.
Bộ trưởng Tài chinh Đinh Tiến Dung làm việc với cố vấn Chinh phủ Nhật Bản về hợp tác tài chinh Việt Nam - Nhật Bản.

Thủ tướng Abe cam kết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách kinh tế Abenomics, tăng chi tiêu công và nới lỏng tiền tệ để vực dậy kinh tế; tiếp tục thúc đẩy “ngoại giao chủ động”, hướng ra khắp toàn cầu. Ngày 20-1-2017, Nội các Nhật Bản đã thông qua hiệp định TPP, hoàn thành thủ tục cuối cùng cần thiết trong nước đối với Nhật Bản trong quá trình thông qua hiệp định này.

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản chính thức thiết lập từ năm 1973, đến nay đã 44 năm. Hiện nay quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Shinzo Abe trở lại cầm quyền lần thứ hai và ngay sau đó có chuyến thăm đầu tiên ra nước ngoài là tới Việt Nam vào năm 2013, đến nay, năm nào hai nước cũng có cuộc gặp cao cấp của lãnh đạo hai bên. Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã không ngừng phát triển, trở thành đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư. Nhật Bản là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, là đối tác lớn thứ ba về du lịch và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Đến hết năm 2016, Nhật Bản có hơn 3.200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 42 tỷ USD, chiếm 15% tổng FDI vào Việt Nam.

Bộ Tài chính cũng cho biết, từ năm 1999, Việt Nam - Nhật Bản cũng đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc, đã ký hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 12-2004), Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA, tháng 10-2009) tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Về trao đổi thương mại giữa hai bên, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản năm 2016 đạt 15 tỷ USD, tăng 4,7% so với năm 2015. Các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 2,8 tỷ USD, tăng 23,7%); linh kiện, phụ tùng ô tô (788 triệu USD, tăng 6,3%); sản phẩm từ chất dẻo (660 triệu USD, tăng 4%); vải các loại (637 triệu USD, tăng 12,3%). Hiện tại, Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp với sáu ngành được lựa chọn (ô-tô và phụ tùng ô-tô, máy nông nghiệp, công nghiệp chế biến thủy sản, điện tử, công nghiệp môi trường và tiết kiệm điện năng, đóng tàu) trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Bên cạnh đó, hợp tác trên các lĩnh vực khác của hai nước như: nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, lao động, du lịch, giáo dục... cũng phát triển dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú.

Trong lĩnh vực tài chính, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản cũng được phát triển lên tầm cao mới. Tổng Cục trưởng Thuế Bùi Văn Nam cho biết, đối với công tác quản lý thuế, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và cơ quan thuế Nhật Bản cùng với Tổng cục Thuế đã thực hiện dự án Cải cách quản lý hành chính thuế (dự án JICA). Dự án tập trung vào việc hoàn thiện nguồn thu thuế thông qua việc nâng cao năng lực quản lý thuế; nâng cao năng lực quản lý thuế quốc tế của cán bộ thuế và tăng cường vai trò của các đại lý thuế trong tuân thủ luật thuế. Bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ dự án, JICA và cơ quan thuế Nhật Bản còn tạo điều kiện cho cán bộ của Tổng cục Thuế được tiếp cận với các hoạt động đào tạo phối hợp khác như Hội thảo quốc tế do Học viện Ngân hàng phát triển châu Á (ADBI) tổ chức, khóa đào tạo do Chương trình đào tạo chính sách công (ADB) tổ chức, Chương trình học bổng của Chính phủ Nhật Bản và các Hội thảo quốc tế do JICA tổ chức.

Đối với công tác quản lý hải quan, theo Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, JICA cung cấp viện trợ cho Dự án xây dựng hệ thống thông tin điện tử và một cửa quốc gia với tổng kinh phí viện trợ không hoàn lại tương đương với 31,8 triệu USD. Hiện tại, dự án đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục công việc và chính thức đưa vào vận hành từ năm 2014. Việc triển khai hệ thống trên đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả toàn bộ quá trình quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh ở tất cả các khâu.

Trên thị trường tài chính, thị trường vốn, năm 2014, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản đã trao đổi hợp tác thực hiện mục tiêu thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường tài chính, thị trường vốn và các cơ chế quản lý tài chính. Theo đó, hai bên hợp tác quản lý và giám sát thị trường vốn, xây dựng và quản lý hạ tầng thị trường vốn; phối hợp các hiệp hội và ngành chứng khoán cùng nhiều giải pháp liên quan đến tổ chức phát hành và nhà đầu tư... Đặc biệt, trong lĩnh vực bảo hiểm, từ năm 2014, Bộ Tài chính và cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản đã hợp tác trao đổi nhân sự; đào tạo nhân sự, nghiệp vụ và các hoạt động quản lý khác.

Với những nền tảng quan trọng đó, năm 2017, Bộ Tài chính Việt Nam đã tiếp tục nhiều hoạt động triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản trong lĩnh vực tài chính. Bên cạnh các hoạt động thường niên như vay nợ, viện trợ, ngành tài chính đặc biệt quan tâm tới hoạt động thu hút đầu tư từ Nhật Bản. Không chỉ nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực tài chính với các cơ quan quản lý tài chính và cơ quan hợp tác phát triển của Nhật Bản, việc khai thác thế mạnh và tiềm năng hợp tác với các cơ quan quản lý tài chính của Nhật Bản, thúc đẩy triển khai các dự án vay được ký kết cấp Chính phủ được đặc biệt quan tâm.

Chính phủ Việt Nam tiếp tục tăng cường đối thoại doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thúc đẩy hoạt động đầu tư gián tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam. Đó chính là việc thu hút các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư của Nhật Bản mua trái phiếu Chính phủ để phục vụ tái cơ cấu nợ công; thu hút vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định.