Thị trường chứng khoán Việt Nam mở ra nhiều triển vọng mới

Sau khi dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi nhanh và mạnh, thuộc top 10 thị trường tăng tưởng tốt nhất thế giới. Tính cả năm, VN-Index đã tăng khoảng 13%, dòng tiền đổ vào thị trường tăng từ mức năm, sáu tỷ đồng trước đó lên 15 -17 nghìn tỷ đồng mỗi phiên gần đây.
 

Ngày càng nhiều người tham gia vào thị trường chứng khoán.Ảnh | QH
Ngày càng nhiều người tham gia vào thị trường chứng khoán.Ảnh | QH

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng không ngần ngại nhận định, thị trường chứng khoán (TTCK) đã vượt qua năm 2020 một cách ngoạn mục, thị trường đã trải qua một quãng thời gian khắc nghiệt, tụt giảm sâu rồi tăng mạnh hiếm thấy. Ông cho biết, trong những tháng đầu năm, TTCK Việt Nam đã chứng kiến những đợt giảm điểm mạnh do tác động của dịch bệnh Covid-19, khi kết thúc quý I-2020, chỉ số VN-Index giảm 33% so với giá trị cuối năm 2019, tụt từ hơn 1.000 điểm hồi cuối 2019 xuống 645 điểm hồi tháng 3-2020. Tuy nhiên, từ quý II đến nay, mặc dù dịch Covid-9 quay lại đợt hai nhưng TTCK Việt Nam vẫn có sự hồi phục tích cực. Chỉ số VN-Index tăng dần đều trong quý II và quý III rồi tăng mạnh, bứt phá trong quý cuối năm, hướng tới ngưỡng 1.100 điểm. Nếu so với đáy hồi tháng ba, VN-Index đã tăng gần 70%.
 
 Một điểm cũng rất đặc biệt trong năm 2020 trên thị trường chứng khoán, là sự bứt phá của nhiều doanh nghiệp lớn ngay giữa giông tố. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới hầu hết các doanh nghiệp, nhưng vẫn có những gương mặt nổi lên, tăng trưởng mạnh mẽ như Hòa Phát, Vinaconex, Novaland, Viettel Global... Nhóm ngân hàng cũng bứt phá khá mạnh, lợi nhuận chín tháng tăng khoảng 10%, điển hình như Techcombank, VP Bank…
 
 Kinh tế ổn định là nền tảng phát triển
 
 Theo các chuyên gia, sở dĩ chứng khoán Việt Nam ngược dòng tăng giá trước hết là do Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý TTCK, ngân hàng... cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sự ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố nền tảng cho một sự hồi phục và bứt phá nhanh chóng của chứng khoán. Nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng, với xuất khẩu khả quan, thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát được kiểm soát,...
 
 Cùng với đó, thời gian qua, TTCK còn nhận được nhiều sự hỗ trợ khác. Như trong ba quý đầu năm thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát được kiểm soát. Triển vọng kinh tế trong quý IV được các tổ chức quốc tế đánh giá khá tốt. IMF, World Bank, ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng từ 1,6% - 3% trong năm 2020. Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đặc biệt các dự án quy mô lớn, trọng điểm sẽ có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế nói chung và phát triển các doanh nghiệp nói riêng.
 
 Ngoài ra, trong thời gian qua, các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, đầu tư vàng trở nên kém hấp dẫn hơn do các ngân hàng giảm lãi suất và đà tăng của giá vàng chững lại, dẫn đến dòng tiền nhàn rỗi đã được đầu tư vào TTCK, góp phần tăng sức mua trên TTCK. Ông Lê Hải Trà, phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, theo thống kê, top 20 công ty chứng khoán hàng đầu thị trường có số lượng lệnh tăng từ 3 - 12 lần.
 
 Như vậy, với mức phục hồi mạnh mẽ của TTCK và lãi suất duy trì thấp kỷ lục, dòng tiền đã chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán, thị trường ghi nhận quy mô tham gia của nhà đầu tư mới cao chưa từng thấy trong lịch sử. Tính đến hết tháng 11-2020, tổng số tài khoản mở mới trong năm đạt 332.886 tài khoản; trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 329.452 tài khoản. Số người tham gia chứng khoán mới (F0) tăng kỷ lục, một năm bằng cả 10 năm trước cộng lại. Theo đó, mỗi tháng các công ty chứng khoán ghi nhận khoảng 50 nghìn người mới tham gia thị trường. Tổng cả năm 2020 khoảng 600 nghìn tài khoản mới. Trong các phiên giao dịch cuối tháng 12, nhiều nhà đầu tư ghi nhận dấu hiệu của hiện tượng nghẽn lệnh. Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới cũng đẩy thanh khoản thị trường tăng lên ngưỡng kỷ lục với phiên giao dịch đạt gần 23.562 tỷ đồng trên hai sàn vào ngày 15-6-2020. Giá trị khớp lệnh cũng liên tục đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng/phiên trong tháng 12-2020. Về thị trường trái phiếu, có thể thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục có thêm một năm “bùng nổ”, đặc biệt là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Chỉ tính trong 11 tháng, tổng lượng phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp đã tăng tới gần 25% so với cả năm năm 2019.
 
 Những điểm sáng
 
 Trong năm 2021, chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tươi sáng nhờ triển vọng kinh tế tốt. Bên cạnh đó là việc hiệu ứng tiền rẻ tiếp tục kéo dài do đại dịch chưa chấm dứt, ngân hàng trung ương các nước vẫn bơm tiền vào thị trường.
 
 Việt Nam tiếp tục được xem là điểm sáng nhất khu vực châu Á và thế giới về chống dịch. Đây là điều kiện để ổn định sản xuất và hút vốn đầu tư nước ngoài. Xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng góp phần giúp các nhà đầu tư hưng phấn. Theo đánh giá của một quỹ đầu tư nước ngoài, TTCK Việt Nam có thể gây bất ngờ lớn cho giới đầu tư trong khoảng thời gian từ 2020-2024. Lãi suất giảm sâu kéo nhà đầu tư vào chứng khoán và đây là yếu tố có thể khiến VN-Index sớm cán mốc 1.800 điểm.
 
 Còn theo tính toán của một số công ty chứng khoán, chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu (PE) chứng khoán Việt Nam đang ở mức khoảng 17 lần. Nếu năm sau thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các doanh nghiệp tăng 10% thì PE rút xuống còn 15,3. Giả sử nếu lấy PE ở mức 17-18 là hệ số định giá phù hợp cho VN-Index thì năm sau, chỉ số này có thể tăng 15%, tức lên khoảng 1.300 điểm.
 
 Điều này cũng không phải quá khó khăn khi hàng loạt TTCK trên thế giới, trong đó có Mỹ, liên tục lập đỉnh cao mới, trong khi Việt Nam chưa qua được đỉnh cũ cho dù Việt Nam chịu ảnh hưởng ít hơn từ đại dịch Covid-19.
 
 Với việc Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi - Emerging Markets, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia hưởng lợi lớn. Chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn từ các quỹ theo dõi chỉ số thị trường cận biên. Ngoài những yếu tố nội tại trong nước, sự phục hồi kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu trong quý III vừa qua cũng là một trong những động lực khiến TTCK Việt Nam tăng trưởng.