Chương trình Sữa học đường quốc gia

Tháo gỡ vướng mắc, triển khai rộng khắp

Hiện cả nước có hơn 4,6 triệu trẻ mầm non và hơn 7,7 triệu học sinh tiểu học - lứa tuổi rất cần bảo đảm sự phát triển hoàn hảo về thể lực và trí tuệ. Tháng 7 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1340/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Tuy nhiên chương trình mới được triển khai trong diện hẹp tại một số tỉnh, thành phố và không ít vướng mắc, bất cập đã nảy sinh.

Trẻ em uống sữa TH True milk của Chương trình Sữa học đường quốc gia.
Trẻ em uống sữa TH True milk của Chương trình Sữa học đường quốc gia.

Cần bổ sung sữa tươi cho bữa ăn học đường

Tại Hội thảo Hướng dẫn triển khai Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Bộ Y tế tổ chức vừa qua, lấy dẫn chứng đội bóng đá Hoàng Anh Gia Lai chơi hay nhưng mới chạy được một nửa trận đấu thì đã hụt hơi, Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) Nguyễn Đức Vinh đều nhấn mạnh tầm quan trọng của dinh dưỡng học đường với ly sữa giúp nâng cao tầm vóc, tăng cường thể lực người Việt. Ngoài bữa ăn học đường và các hoạt động rèn luyện thể chất, ly sữa học đường giúp cải thiện dinh dưỡng, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, hỗ trợ phát triển toàn diện thể chất của trẻ và chuyện trẻ sẽ có sức bền, sức bật tốt hơn cho sự phát triển và đủ sức “chạy hết một trận đấu” trong tương lai sẽ không còn xa vời.

Là chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng học đường, TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và Ngành nghề (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) phân tích, một nắm xôi mang đến 500 kcal, nhưng cung cấp chỉ hơn 10 mg canxi sẽ làm các em thừa năng lượng, dễ béo phì trong khi vẫn thiếu canxi và vi chất thì 100 ml sữa chỉ cung cấp khoảng 90 kcal nhưng lại có tới 100-120 mg canxi, chưa kể còn chứa rất nhiều vitamin và các chất khoáng khác cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Theo kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng có đối chứng trên trẻ em của Viện Dinh dưỡng, bổ sung sữa giúp cải thiện chiều cao ở trẻ khoảng 0,4 cm/năm. Một minh chứng điển hình là Nghệ An bắt đầu triển khai Chương trình Sữa học đường từ năm học 2013 - 2014 với quy mô nhỏ và triển khai bài bản, đồng bộ trên quy mô toàn tỉnh trong năm học 2016 - 2017 với hơn 310 nghìn học sinh uống sữa tươi đúng chuẩn Bộ Y tế công bố, đủ năm ngày đi học, do đó kết quả giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng hết sức khả quan.

Sớm ban hành quy chuẩn nhận diện sữa học đường

Ngoài khó khăn về nguồn kinh phí riêng dành cho công tác dinh dưỡng học đường (các tỉnh miền núi khó huy động được nhà tài trợ, không có kinh phí để triển khai nên rất khó đạt mục tiêu tới năm 2020 triển khai Chương trình Sữa học đường 100% ở các huyện nghèo và 70% ở các địa phương khác), nhân lực thực hiện công tác dinh dưỡng học đường hạn chế, công tác quản lý và giao nhận sữa còn nhiều bất cập (nhiều trường học cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhất là ở các trường mầm non chưa bố trí được kho, kệ để sữa đạt chuẩn, phải sử dụng phòng chức năng để lưu trữ sữa, ảnh hưởng đến việc bảo quản), chất lượng sữa đưa vào nhà trường chưa được kiểm soát chặt chẽ (một số trường dùng sữa bột pha lại hoặc các loại sữa không rõ nguồn gốc, kém chất lượng và không ít trường lúng túng trong nhận diện sữa học đường đạt chuẩn hay không).

Nếu không làm chặt về quy chuẩn, tiêu chuẩn sữa tươi học đường theo quy định, mục tiêu Sữa học đường nâng cao tầm vóc Việt sẽ khó có thể đạt được. Theo PGS,TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh, nên đưa sữa tươi tiệt trùng vào Chương trình Sữa học đường là tốt nhất, vì đây là sữa tươi nguyên chất được làm tiệt trùng ở 140 độ và rất nhanh trong 4 - 5 giây, thời hạn sử dụng sáu tháng vừa tiện lợi, vừa an toàn mà vẫn giữ được các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Nhấn mạnh các em cần uống những loại sữa tươi đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có vi chất phù hợp nhu cầu từng lứa tuổi, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True milk - đơn vị đầu tiên đồng hành cùng Chương trình Sữa học đường quốc gia kiến nghị Bộ GD-ĐT tham mưu sữa học đường vào trường học cần có nhãn mác riêng. Thương hiệu nào cũng có thể đưa sữa vào chương trình nhưng phải đúng tiêu chuẩn quốc gia về sữa học đường và Bộ Y tế sẽ kiểm soát tiêu chuẩn đó một cách nghiêm ngặt, chặt chẽ để sữa kém chất lượng không thể có cơ hội trà trộn dễ dàng vào trường học ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Nhằm tháo gỡ nút thắt này, ngày 28-9-2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, nhấn mạnh sữa tươi sử dụng trong Chương trình phải đạt tiêu chuẩn QCVN 5:1-2010, trong đó có sữa tươi tiệt trùng. Đây cũng là căn cứ chuẩn mực về mặt chất lượng, hành lang pháp lý để các doanh nghiệp tuân thủ, dành những sản phẩm tốt nhất, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em và phụ huynh có điều kiện cùng tham gia giám sát chất lượng sữa của con tại trường.

Hiện nay đã có sáu tỉnh, thành phố đang triển khai Chương trình Sữa học đường quốc gia và 11 tỉnh, thành phố đang xây dựng kế hoạch để triển khai trong năm học 2017 - 2018; từ đó sẽ nhân rộng, hướng tới năm 2020 cả 63 tỉnh, thành phố đều thực hiện Chương trình Sữa học đường vì tương lai của trẻ em Việt. Để chương trình triển khai thành công, rộng khắp, trước mắt đòi hỏi thực hiện ngay ba giải pháp về cơ chế chính sách (ban hành quy chuẩn sữa học đường, có những cơ chế cho doanh nghiệp sữa đồng hành cùng Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế triển khai sữa học đường trên diện rộng); về truyền thông (nâng cao nhận thức cho bố mẹ về tầm quan trọng của việc cho trẻ uống sữa, cách thức, mức độ liều lượng); về kỹ thuật sử dụng bảo quản tại trường học. Bản thân học sinh là đối tượng thụ hưởng của Chương trình Sữa học đường rất cần được tuyên truyền để hiểu biết về tầm quan trọng của nguồn dinh dưỡng từ sữa, về quyền dinh dưỡng của mình. Do đó Tập đoàn TH đã hỗ trợ tài chính, phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển bền vững và Quỹ Vì tầm vóc Việt tổ chức Chiến dịch Yêu thương từ nguồn dinh dưỡng từ ngày 26 - 9 tới ngày 29-10 với những kiến thức, thông tin hữu ích được chia sẻ trên mạng xã hội, cùng với chuỗi hoạt động như talkshow với chuyên gia dinh dưỡng, livestream thực tế về bữa ăn trong gia đình, Ngày hội “Yêu thương từ nguồn dinh dưỡng” và cuộc thi Sáng tạo sản phẩm truyền thông cho trẻ em có tên “Câu chuyện của mầm non”, qua đó các em bày tỏ lựa chọn của mình để có bữa ăn đủ chất, đúng cách và những ước muốn tương lai khi lớn lên khỏe mạnh về cả mặt thể chất và tinh thần.

Vụ trưởng Giáo dục Thể chất (Bộ GD-ĐT) Ngũ Duy Anh cho biết, Vụ sẽ xây dựng tài liệu cẩm nang hướng dẫn triển khai Sữa học đường trong trường học, trong đó các nội dung về tiêu chuẩn sữa tươi học đường- nhận diện sản phẩm sữa học đường, uống sữa học đường đúng cách sẽ được hướng dẫn kỹ để các trường triển khai theo đúng tinh thần Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Trần Thị Như Trang, Giám đốc Quỹ Vì tầm vóc Việt: Mong muốn của chúng tôi là được cùng đồng hành với các gia đình có trẻ nhỏ, trường học và cộng đồng nâng cao nhận thức về việc cung cấp cho trẻ em nguồn dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng, cũng như các phương pháp ăn uống khoa học. Chiến dịch Yêu thương từ nguồn dinh dưỡng hướng tới sự thay đổi trong tư duy và hành động của cả xã hội, để cùng tuyên truyền và vận động nâng cao nhận thức về những “Bữa ăn thông thái - Ươm mầm tương lai”.