Sự tử tế với mẹ đất

Coi nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất thân thiện duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người, các chuyên gia cho rằng cần biến nó thành một trào lưu của nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Sản phẩm sữa hữu cơ organic của Tập đoàn TH sẽ ra mắt trong thời gian tới.
Sản phẩm sữa hữu cơ organic của Tập đoàn TH sẽ ra mắt trong thời gian tới.

Vì sao cần một nền nông nghiệp thân thiện môi trường?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần đây đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị “Bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ” ở Hà Nội.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ thủa sơ khai, cha ông ta đã làm một nền nông nghiệp hữu cơ sơ khai, an toàn thân thiện. Thế nhưng do dân số bùng nổ, việc phải giải quyết căn cốt cái ăn cho hàng chục triệu người đã buộc nông nghiệp phải áp dụng các biện pháp canh tác có sử dụng các chất hóa học, vô cơ. Đến nay, khi lương thực đã bảo đảm, người Việt lại có nhu cầu ăn ngon hơn, sạch hơn đồng thời phải đối mặt với hệ sinh thái đang dần suy kiệt. Thực tế đòi hỏi phải chuyển hướng sản xuất nông nghiệp sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hướng tới một nền nông nghiệp thông minh và thân thiện môi trường.

Tâm đắc với ý kiến của Bộ trưởng, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, doanh nghiệp tiên phong phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi chia sẻ rằng, chúng ta sinh ra từ đất, được nuôi dưỡng bởi đất và cuối cùng sẽ về với đất mẹ, bởi vậy chúng ta cần nâng niu mẹ đất, nâng niu môi trường chúng ta đang sống. Cũng chính bởi tấm lòng tử tế với mẹ đất mà bà và tập đoàn kiên định con đường làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi.

Sự tử tế với mẹ đất ảnh 1

Chữa bệnh cho bò bằng thảo dược tại trang trại bò sữa hữu cơ TH.

Bà cho biết, từ cách đây tám năm, TH đã kiến tạo chữ SẠCH cho thực phẩm bằng các tiêu chuẩn Viet Gap, Global Gap và các tiêu chuẩn ISO hiện đại nhất trong kiểm soát sản xuất và môi trường. Từ sữa tới rau củ quả, dược liệu, gạo..., đều được TH sản xuất theo chuỗi khép kín ngay chính trên đồng đất Việt Nam. “Sau hai năm nữa, TH sẽ có một mô hình sinh thái hữu cơ hoàn chỉnh, không chỉ đem tới các sản phẩm hữu cơ mà người dùng có thể ăn ngay trên cánh đồng mà còn cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái organic. Con đường chúng tôi đi có lộ trình rõ ràng để tạo ra một “cuộc sống chất lượng” cho không những con người mà cả nguồn nước, đất đai, từng gốc cây ngọn cỏ”, bà Thái Hương nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS Ngô Kiều Oanh cho rằng, giá trị cốt lõi của nông nghiệp hữu cơ là phục hồi lại cái nôi sống của muôn loài, giúp người dân được ăn ngon, ăn sạch và đặc biệt là giúp giữ gìn những sản vật nông sản địa phương. Bà đề xuất ý kiến biến nông nghiệp hữu cơ thành một phong trào để tất cả người dân Việt Nam đều được hưởng lợi.

Đóng góp ý kiến về một nền nông nghiệp hữu cơ, TS Lê Hữu Quốc cho rằng, nông nghiệp hữu cơ gắn chặt với sự tái sinh đất mẹ, là một nền sản xuất đạo đức và bền vững.

Những giá trị từ nông nghiệp hữu cơ

TS Lê Hữu Quốc cũng cho rằng, chỉ cần chuyển đổi việc trồng lúa sang hữu cơ, Việt Nam có thể tạo ngay ra mức thặng dư 2 đến 3 tỷ USD so với phương thức trồng lúa thông thường.

Từ góc độ là nhà sản xuất trực tiếp, bà Thái Hương đánh giá, nông nghiệp hữu cơ mang lại sức khỏe, thu nhập cao hơn cho con người, sự bền vững cho môi trường - những giá trị không đong đếm được bằng tiền. Bà cũng cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Tập đoàn TH sẽ là nhà tư vấn, đi cùng nông dân trên con đường sản xuất nông sản hữu cơ hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, kiến nghị Đảng, Nhà nước nhanh chóng xây dựng một lộ trình rõ ràng cho nông nghiệp hữu cơ, xây dựng và ban hành quy chuẩn về nông nghiệp hữu cơ; giám sát và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khi đi theo hướng sản xuất này.

Ông Andre Leu, Chủ tịch Liên đoàn hữu cơ quốc tế IFOAM chỉ rõ: Các nghiên cứu trước nay cho thấy phương thức canh tác hữu cơ giúp cây trồng có sản lượng cao hơn trong hoàn cảnh khí hậu cực đoan; giúp sử dụng nước hiệu quả hơn và tạo ra nông sản hàng hóa cho giá trị cao hơn. Tới thăm mô hình chuyển đổi đồng cỏ, đàn bò sang chăn nuôi hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ của tập đoàn TH ngay sau cuộc họp của Bộ NNPTNT (ngày 5-4), vị chủ tịch này rất ấn tượng và đánh giá TH đang làm rất chuyên nghiệp trong từng khâu của chuỗi sản xuất từ chuồng trại, đồng cỏ đến con giống...

“Trên thế giới hiện có nhiều tiêu chuẩn khác nhau cho sản xuất organic như tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu (Control Union chứng nhận) hay IFOAM. Các yêu cầu của các quy chuẩn đó đều tương đương nhau, khá khắt khe. Và TH đã làm tốt các tiêu chuẩn tương ứng được chứng nhận bởi Control Union hay IFOAM.

Ông Andre cũng đánh giá cao việc tập đoàn TH chuyển đổi đàn bò tơ thông thường sang bò hữu cơ bởi theo ông, nếu nhập khẩu bò organic từ nước ngoài về, doanh nghiệp chăn nuôi phải tốn rất nhiều công sức và chi phí. Với việc chuyển đổi đồng cỏ, đàn bò, TH sẽ thực hiện đánh giá, lấy chứng nhận hữu cơ theo chuỗi sản xuất và sớm ra mắt sản phẩm sữa tươi organic trên thị trường trong thời gian tới.

Ông Andre cho rằng, đó là hướng đi đúng trong hội nhập quốc tế của nông sản, thực phẩm Việt Nam. Ông cho biết, theo khảo sát của tổ chức Organic Monitor, từ 2000 - 2015, diện tích canh tác hữu cơ tăng từ 14,9 triệu ha lên 50,9 triệu ha, tức gấp hơn ba lần. Hiện, thị trường toàn cầu về nông nghiệp hữu cơ đã đạt doanh số 81,6 tỷ USD, gấp gần năm lần so với năm 2000 (17,9 tỷ USD). Đây là thị trường rộng mở cho các doanh nghiệp, trong đó có TH.

Báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của Nielsen cho thấy, 86% người tiêu dùng được phỏng vấn sẽ chọn các sản phẩm về địa phương, tự nhiên và hữu cơ khi có thể. Vì thế, họ thường mua thực phẩm ở các cửa hàng chuyên về thực phẩm lành mạnh (83%) và đương nhiên sẵn sàng trả tiền nhiều hơn để mua thực phẩm tốt cho sức khỏe (89%). Khi thực phẩm hữu cơ trở thành trào lưu tiêu dùng thì nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, việc tiêu thụ cũng gặp khó khăn khi người tiêu dùng có lựa chọn khắt khe đối với sản phẩm. Sẵn sàng trả giá cao hơn cho thực phẩm không chứa các chất không có lợi cho sức khỏe (79%) nhưng người tiêu dùng chỉ tin tưởng vào các công ty công bố minh bạch về nguồn gốc sản phẩm, cách nuôi trồng và bảo quản (83%). Khi chọn mua sản phẩm, người tiêu dùng (79%) chú ý rất kỹ các thành phần dinh dưỡng ghi trên thực phẩm, họ đọc nhãn hàng kỹ càng để hiểu các thành phần dinh dưỡng (88%) rồi mới quyết định mua.