Thị trường chứng khoán

Sự quan tâm của nhà đầu tư đã trở lại

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2-2018, VN-Index giữ vững mốc 1.120 điểm, tiệm cận mức đỉnh 1.170 điểm của thị trường chứng khoán cách đây 11 năm. Chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư được nhắc đến nhiều nhất cả về mức độ hấp dẫn và khả năng sinh lời.

Cần xây dựng một thị trường thật sự minh bạch để hấp dẫn người chơi. Ảnh: Thanh Hà
Cần xây dựng một thị trường thật sự minh bạch để hấp dẫn người chơi. Ảnh: Thanh Hà

Niềm tin đã quay trở lại

Anh Ân, một công chức nhà nước đã có khoản tiền lời khá lớn với mức lãi suất trung bình 30% từ thị trường chứng khoán khi đầu tư vào các mã HAG và một số mã ngành ngân hàng SHB, STB từ đầu năm 2017. Điều đáng nói thay vì việc đầu tư theo kiểu “chộp giật” lướt sóng, tính chờ ăn chênh lệch giá của các mã chứng khoán trong ngắn hạn như phần lớn các nhà đầu tư cá nhân nhảy vào thị trường trước đây, thì các nhà đầu tư như anh Ân giờ đây đã thay đổi tư duy theo chiều hướng đầu tư dài hạn. Nghĩa là thay vì gửi tiền ngân hàng với lãi suất không còn mấy hấp dẫn, họ tìm hiểu các công ty niêm yết làm ăn bài bản, có thương hiệu, uy tín và đầu tư với chiến lược dài hơi, không “ăn xổi”, nhảy ra nhảy vào. Có thể chính sự “điềm đạm” này của các nhà đầu tư đã góp phần khiến thị trường đã dần có những bước phát triển vững chắc. Kênh đầu tư này đã ghi nhận mức tăng không chỉ về điểm số, mà cả khả năng “hút tiền” từ nhà đầu tư. Thanh khoản bình quân toàn thị trường năm 2016 chỉ hơn 3.000 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch, đã tăng lên 5.000 tỷ vào năm 2017 và tăng gần gấp đôi lên 9.600 tỷ đồng trong những ngày đầu năm 2018.

Còn nhớ cuộc khủng hoảng bán tháo cổ phiếu năm 2007 sau khi thị trường phát triển nhanh và quá nóng khiến đám đông đổ xô vào thị trường vào lúc đó vấp phải nhiều mất mát đau thương làm cho không ít người “một đi không trở lại” hoặc vẫn còn những nỗi ám ảnh. Thời điểm đó, tất cả mọi người lao vào cuộc như những con thiêu thân bởi những tin tức từ những người bỗng trở thành tỷ phú sau một đêm. Song người được thì ít mà người mất tiền thì nhiều vô kể. Kỷ niệm buồn về chứng khoán đã khiến không ít người không dám quay lại hoặc còn ý nghĩ quan tâm trở lại. Từ đó, phần lớn người dân “tránh xa” chứng khoán và chứng khoán vẫn còn xa lạ với phần lớn nhà đầu tư cá nhân. Chính vì vậy, sự phát triển mạnh mẽ trở lại của thị trường từ giữa năm 2017 là một tín hiệu tốt đẹp, khơi dậy lại niềm tin đối với thị trường. Không ít người quay lại tìm hiểu và trở lại bởi tính hấp dẫn và khả năng sinh lời từ thị trường này.

Một cuộc khảo sát được Bloomberg thực hiện cũng nhận định chỉ số VN-Index sẽ còn tăng và vượt mức đỉnh kỷ lục cách đây 11 năm. Kết quả khảo sát dự báo chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đạt mức 1.210 điểm vào cuối năm 2018. Động lực cho sự tăng trưởng này đến từ những yếu tố vĩ mô như sự ổn định của kinh tế, tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây, ổn định lạm phát, tỷ giá, cho tới các yếu tố vi mô như hoạt động tích cực của các doanh nghiệp.

Cũng chính hãng tin này nhận định “Việt Nam giành lại vương miện chứng khoán châu Á” để nhấn mạnh về sự trở lại của kênh đầu tư này. Thậm chí trước phép thử chỉ vài tuần đầu năm 2018 ảnh hưởng của đợt bán tháo trên thị trường thế giới, thị trường trong nước vẫn trụ vững tâm lý. “Đây có thể mới chỉ là sự khởi đầu” đã có nhận định như vậy.

Giữ đà ổn định và bền vững

Theo các chuyên gia cơ sở lý giải cho sự thăng hoa của thị trường chứng khoán trong giai đoạn này là nhờ sự tăng trưởng ngoạn mục 6,7% của GDP của năm 2017. Quan trọng hơn, GDP được dự báo sẽ duy trì trung bình trên 6,3% trong giai đoạn 5 năm, tức là Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng tốt nhất thế giới. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử đã có một nghị quyết công nhận kinh tế tư nhân làm trụ cột kinh tế đất nước. Đây là bệ đỡ quan trọng cho thị trường chứng khoán vốn gắn liền với khu vực tư nhân. Công tác cổ phần hóa thu về hơn 125 nghìn tỷ đồng thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường, kích hoạt sự bùng nổ của thị trường chứng khoán là dòng vốn ngoại với giá trị và tốc độ bất ngờ. Theo thống kê chưa đầy đủ giá trị danh mục chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đến đầu tháng 12-2017 đã là 31 tỷ đô-la, tăng 81% so với thời điểm cuối năm 2016. Rất nhiều quỹ đầu tư có mức tăng trưởng NAV trên 30%, trong khi một quỹ đầu tư ở Nhật Bản tăng trưởng 3% đến 5% đã là thành công. Điều này tạo hiệu ứng hút các quỹ đầu tư lớn khác.

Vậy cần phải nắm bắt cơ hội này như thế nào để phát triển thị trường chứng khoán ổn định và bền vững cũng như tối ưu hóa hiệu quả cho nền kinh tế. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng chia sẻ với báo giới kiến nghị của đơn vị trực tiếp quản lý thị trường là tập trung giải pháp chính cung nhiều hàng ra thị trường, cổ phần hóa và thoái vốn thật nhanh để tạo nguồn hàng bán trên thị trường chứng khoán. Giải pháp này giúp không những hiện thực hóa được chỉ tiêu cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước mà còn giúp tăng được quy mô và chất lượng thị trường.

Có ý kiến cho rằng chúng ta đang có 1,8 triệu tài khoản chứng khoán nhưng chưa đến 10% có giao dịch. Đây là một con số vô cùng khiêm tốn so với khu vực.

Ở đất nước gần 100 triệu dân với tốc độ đô thị hóa và tốc độ công nghiệp hóa hàng đầu thế giới, thì việc thúc đẩy sự quan tâm của công chúng đầu tư đối với thị trường chứng khoán rõ ràng là cần thiết. Ông Trần Văn Dũng cũng cho rằng việc phát triển cơ sở nhà đầu tư tư nhân quan trọng ngang với các nhà đầu tư tổ chức và tới đây sẽ tập trung vào nhóm các nhà đầu tư cá nhân. Nhưng trước hết là phải xây dựng một thị trường thật hấp dẫn, minh bạch hơn để rõ ràng và dễ hiểu hơn với người chơi. Tự thân sự hấp dẫn đó sẽ kéo nhà đầu tư đến. Nhà quản lý cũng đưa ra lời khuyên người dân tham gia đầu tư chứng khoán nhưng không nên coi thị trường chứng khoán là một “sòng bạc” mà cần thông thái, hiệu quả, hiểu biết nhằm bảo vệ lợi ích cho chính mình cũng như tránh những bất ổn cho thị trường như đã từng xảy ra trước đây.