Quy mô thương mại điện tử tăng trưởng mạnh

Đó là nhận định của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công thương mới đây. Đơn vị này cũng dự báo quy mô thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2020 đạt mức 15 tỷ USD, thay vì dự báo 10 tỷ USD trước đó.

Bán hàng trực tuyến ngày càng hiệu quả.
Bán hàng trực tuyến ngày càng hiệu quả.

Thương mại điện tử đến với mọi nhà

Chị Thúy Nga đã nghỉ công việc ở một cơ quan Nhà nước, chị ở nhà và làm công việc bán hàng online. Trang facebook của chị là một trang bán hàng có tiếng, giới thiệu các mẫu quần áo, giày dép mà phần lớn được chị khai thác trên các trang web bán hàng của nước ngoài, “canh” các đợt hàng giảm giá, mua số lượng lớn hay mua góp cùng nhiều bạn hàng rồi lấy về bán lại cho các khách hàng trong danh sách bạn bè của mình. Cứ đều đặn hằng tháng chị kiếm được hơn chục triệu thậm chí có những đợt cao điểm vài chục triệu sau khi đã trừ các chi phí cho dịch vụ vận chuyển và quảng cáo điện tử, hơn hẳn thu nhập khi còn đi làm công chức nhà nước và được thoải mái thời gian làm việc tại nhà và chăm sóc con nhỏ.

Quy mô thương mại điện tử tăng trưởng mạnh ảnh 1

Chị em phụ nữ tham gia mua bán online ngày càng đông đảo.

Đội ngũ chị em tham gia bán hàng online như chị Nga ngày một đông đảo, không khó để bắt gặp trong danh sách bạn bè facebook của mình một người nào đó bán hàng. Các mặt hàng đa dạng từ đồ gia dụng thiết yếu, quần áo, giày dép, lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho đến cả các dịch vụ hết sức đa dạng. Ưu điểm của phương thức bán hàng online là không cần phải có cửa hàng riêng, mọi thông tin về hàng hóa được đăng tải trên mạng nên nhiều người chọn làm công việc ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập.

Đó cũng chính là một trong những lý do góp phần phần thay đổi xu hướng tiêu dùng, người tiêu dùng ngày càng ra quyết định mua hàng dễ dàng hơn nhờ thông tin phong phú đa dạng và nhiều lựa chọn. Sức mua trong xã hội cùng vì thế gia tăng hơn. Theo nghiên cứu của Google Việt Nam thì 67% người dùng Internet đã từng mua hàng trực tuyến ít nhất một lần.

Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công thương, doanh thu bán lẻ thương mại điện tử năm 2018 đạt khoảng tám tỷ USD, tăng vượt mức so với mức dự báo bảy tỷ USD trước đây. Doanh thu bán lẻ thương mại điện tử năm 2016 và 2017 lần lượt ở mức năm tỷ USD và 6,2 tỷ USD với mức tăng trưởng lần lượt là 20% và 24%. Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương Đặng Hoàng Hải cho biết, quy mô thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 30%, hơn hẳn mức tăng trưởng của hai năm 2016 và 2017 và dự báo doanh thu bán lẻ 2020 sẽ đạt khoảng 13 - 15 tỷ USD.

Trong báo cáo e-Conomy SEA 2018 do Google và Temasek công bố, nền kinh tế Internet của Việt Nam đã ở mức chín tỷ USD vào năm 2018, và đánh giá về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số, Việt Nam xếp thứ ba trong khu vực, sau Indonesia và Thái Lan.

Còn nhiều lỗ hổng về pháp lý

Thương mại điện tử là hình thức kinh doanh không giới hạn về không gian và thời gian, hàng hóa giao dịch có thể đặt ở kho tại Việt Nam hoặc các nước khác. Trong khi đó, các quy định về quản lý khu vực này vẫn còn nhiều kẽ hở, chưa phù hợp với thực tế phát triển của loại hình kinh doanh này.

Hằng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong cộng đồng mạng không hiếm gặp tình trạng phản ánh những chuyện có “vấn đề” của khu vực mua bán này. Khi thì là một người đặt hàng mua qua mạng hình ảnh quảng cáo khác với chất lượng hàng nhận được ngoài thực tế, lúc thì là những thông tin lừa đảo và cạm bẫy mua hàng dởm trên mạng. Như mới đây, một số ngân hàng cảnh báo những trang web giả mạo trang của ngân hàng thật để lấy số tài khoản của khách hàng... Đến những sàn giao dịch điện tử có tiếng như Lazada cũng vướng vào việc bán hàng lắp ráp thành vũ khí, khi các chủ shop cố tình ghi tên sản phẩm với tên gọi khác để lách luật.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lại Việt Anh cho rằng, phải xem lại quy trình đăng ký tài khoản bán hàng. Ngoài ra, cũng rất cần có quy trình chặt chẽ để chủ sàn thương mại điện tử cũng như đơn vị kinh doanh bán hàng tuân thủ thực hiện. Thương mại điện tử là loại hình kinh doanh phức tạp, đòi hỏi sự quản lý tổng hợp từ nhiều ngành mới có thể lấp được những kẽ hở. Thí dụ, hiện quy định quản lý sim số chưa chặt, mỗi cá nhân có thể sở hữu nhiều sim rác, đồng nghĩa với việc có thể sử dụng các sim để đăng ký tài khoản bán hàng nhiều lần. Vậy, quản lý sàn thương mại điện tử còn liên quan đến xử lý được tình trạng sim rác tràn lan.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh Phan Thị Việt Thu cho rằng, thương mại điện tử cũng cần chịu chi phối bởi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các luật khác. Tuy nhiên, vì nhiều giao dịch trên mạng không có thông tin rõ ràng, cụ thể về người bán nên khó quy trách nhiệm. Thực tế này đòi hỏi sự điều chỉnh của luật pháp và muốn điều chỉnh phải kiểm soát được. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và sự hợp tác của người tiêu dùng.

Cần công cụ kiểm soát hiệu quả

Theo các chuyên gia, nguyên nhân các sàn điện tử ngày càng hoạt động bát nháo là do sự gia nhập ồ ạt thiếu sự kiểm soát và kiểm định chất lượng của các chủ hàng giao bán. Hơn nữa, các đơn vị kinh doanh chạy theo doanh số, chạy đua số lượng truy cập để tăng cường quảng bá, tìm mọi cách gia tăng doanh số bán hàng mà đã không chú trọng thậm chí là phớt lờ đến quy cách, chất lượng, nguồn gốc và uy tín của nguồn hàng. Chính vì vậy, không ít hàng hóa, nhất là các mặt hàng hóa mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng trá hình dưới hình thức quảng cáo không trung thực…

Để giải quyết, trước hết cần có chế tài xử phạt nặng tay với cả đơn vị bán hàng thương mại điện tử. Và quan trọng hơn nữa là phải có công cụ kiểm soát hiệu quả. Việc đầu tư công nghệ để các cơ quan quản lý kiểm soát là cần thiết, vì chỉ khi kiểm soát được sự lành mạnh của hàng hóa thì mới chứng minh được thương mại điện tử là xu thế đáng để nhà bán lẻ đầu tư và người tiêu dùng quan tâm.

82% người mua hàng thương mại điện tử thanh toán COD (thanh toán tiền mặt khi nhận hàng). 48% thanh toán qua ATM, Internet Banking, 19% thanh toán qua thẻ tín dụng.