Phát triển bền vững, tự tin hội nhập

Tuy gặt hái thành công sau một năm sản xuất kinh doanh khởi sắc nhưng ngay từ những ngày đầu năm 2018, Tết đã gần kề, không khí làm việc vẫn hối hả tại Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Trong bối cảnh giá dầu thế giới đang phục hồi và có xu hướng ổn định, kỳ vọng bước khởi đầu cổ phần hóa thành công sẽ tạo đà để Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) phát triển nhanh, bền vững hơn, bảo đảm an ninh năng lượng, đóng góp quan trọng vào công cuộc CNH, HĐH đất nước.

Kỹ sư BSR trong ca vận hành sản xuất.
Kỹ sư BSR trong ca vận hành sản xuất.

Đột phá, sáng tạo

Với một số kỹ sư, cán bộ, nhân viên BSR, không về quê ăn Tết chẳng còn là chuyện hiếm. Khi mọi người đang nghỉ ngơi vui xuân thì họ vẫn miệt mài trong từng ca trực bảo đảm vận hành NMLD Dung Quất hoạt động an toàn, ổn định. Công tác xuất bán sản phẩm cũng vẫn được duy trì trong các ngày Tết, cung ứng liên tục cho các đối tác khách hàng khi có yêu cầu. Tuy nhiên, niềm vui vẫn ngập tràn khi quây quần đón năm mới ấm tình đồng nghiệp ở chính mái nhà thứ hai của họ. Tết năm ngoái, đích thân Tổng Giám đốc làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác vận hành sản xuất tại nhà máy và động viên, chúc Tết anh em. Tết năm nay, công ty lo Tết cho người lao động chu đáo, nhất là sau một năm không ngừng gắng sức vượt khó. Tổng Giám đốc Trần Ngọc Nguyên hồ hởi cho biết kết quả sản xuất, kinh doanh ấn tượng trong năm 2017, hoàn thành vượt mức so với kế hoạch đề ra: sản lượng sản xuất 6,1 triệu tấn; tiêu thụ gần 6,1 triệu tấn, doanh thu ước đạt 80.517 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) 10.392 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 8.035 tỷ đồng. Nhà máy vận hành liên tục, ổn định ở công suất trung bình 105% công suất thiết kế với 15 triệu giờ công an toàn, không có sự cố mất an ninh, cháy nổ và sự cố môi trường.

Điểm nhấn không thể không nhắc tới là đợt bảo dưỡng tổng thể lần ba hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Trong suốt cao điểm 50 ngày đêm, bốn nghìn nhân sự với hàng chục nghìn máy móc, thiết bị chuyên dụng đã thực hiện bảo dưỡng thành công bảy gói thầu chính, hơn 7.500 hạng mục công việc. Tiến độ được rút ngắn, NMLD Dung Quất hoạt động trở lại ngày 25-7-2017. Thành quả đáng tự hào ấy cũng đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ trong việc làm chủ công nghệ, nâng cao độ an toàn và tin cậy của các thiết bị trong bảo dưỡng, vận hành.

Sở dĩ BSR luôn vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách bởi kiên trì với chiến lược: sản xuất an toàn, kinh doanh hiệu quả, công nghệ hiện đại, nhân sự chuyên nghiệp, sản phẩm chất lượng, phát triển bền vững, môi trường thân thiện, hợp tác uy tín, cơ hội rộng mở, ứng xử văn hóa. Với sức trẻ và tiềm năng sẵn có, tập thể người lao động luôn áp dụng phương châm hành động: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết định kịp thời, triển khai quyết liệt. Từ công nhân kỹ thuật của nhà máy đến kỹ sư vận hành, hay người quản lý luôn ý thức không ngừng trau dồi chuyên môn, hỗ trợ, phối hợp công việc ăn ý, nhịp nhàng. Chứng kiến các trưởng ca luân phiên chia sẻ kinh nghiệm từ các sự cố đã xảy ra tại cụm phân xưởng của mình mới cảm nhận hết khát khao sáng tạo, cống hiến của họ. Căn nguyên được mổ xẻ, thảo luận chuyên sâu, bài học được rút ra và cách xử lý các tình huống, giải pháp ngăn ngừa không cho tái diễn sự cố, nhiều cải tiến thiết thực, hữu hiệu được đề xuất, hiến kế. Tại cụm phân xưởng NHT - CCR - ISOM, Trưởng ca Trần Văn Tuân bộc bạch, bản thân làm tốt hơn vai trò chỉ đạo vận hành nhờ kiến thức và kỹ năng thiết yếu ngày càng hoàn thiện sau mỗi buổi trao đổi. Chỉ vào hai thiết bị True Boiling Point (TBP) và Potstill (chưng cất điểm sôi thực dầu thô) đặt trong phòng thí nghiệm, kỹ sư Nguyễn Thanh tiết lộ, các loại dầu thô sau khi phân tích trên hai thiết bị đặc biệt này sẽ biết được thuộc tính giúp lựa chọn loại phù hợp cấu hình công nghệ nhưng giá rẻ hơn, nguồn cung dồi dào hơn cho NMLD Dung Quất.

Cũng từ mạnh dạn đột phá và chú trọng ươm mầm sáng tạo, tiếp cận bắt nhịp với khoa học công nghệ hiện đại mà nhiều nút thắt khó khăn dần được tháo gỡ, thêm nhiều sáng kiến được áp dụng góp phần tiết giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Minh chứng nổi bật là sau khi đoạt Giải thưởng VIFOTEC, công trình Điều khiển tự động và tối ưu năng lượng cho lò gia nhiệt phân xưởng chưng cất dầu thô NMLD Dung Quất của nhóm kỹ sư BSR đoạt giải vàng do ban tổ chức trao tặng và giải đặc biệt của Hiệp hội các nhà nghiên cứu khoa học Malaysia tại hội chợ triển lãm quốc tế tại Seoul năm 2017 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của LHQ và Hiệp hội các nhà sáng tạo quốc tế tổ chức. Theo tính toán, một người lao động BSR một năm làm ra hơn 50 tỷ đồng doanh thu, hơn năm tỷ đồng lợi nhuận và nộp NSNN gần bảy tỷ đồng.

Phát triển bền vững, tự tin hội nhập ảnh 1

Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Giữ vững thương hiệu

Mặc dù là một công ty con của PVN, BSR lại có quy mô của một tổng công ty lớn, với vốn điều lệ tới hơn 31 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD); sau gần chín năm đi vào hoạt động, NMLD Dung Quất sản xuất và xuất bán gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại, đạt doanh thu 862,5 nghìn tỷ đồng (~38 tỷ USD), nộp NSNN hơn 143,1 nghìn tỷ đồng (gần bảy tỷ USD). Bộ Tài chính đánh giá, BSR là một trong số ít doanh nghiệp (DN) nhà nước có quy mô lớn ngang tầm các DN trong khu vực và hoạt động hiệu quả, có nhiều đóng góp tích cực cho NSNN. Thương hiệu của BSR ngày càng được khẳng định còn bởi công tác quản trị tiên tiến, hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín, bảo đảm đầu vào và đầu ra của hoạt động sản xuất, kinh doanh, chú trọng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, có chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Xăng dầu Dung Quất có sức hút lớn trên thị trường nội địa, chiếm lĩnh được 1/3 thị phần và dự báo mở rộng thị trường từ đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng. Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, cổ phần hóa BSR là bước chuẩn bị cho việc huy động vốn đầu tư cho dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất (dự kiến có tổng mức đầu tư 1,8 tỷ USD với tỷ lệ vốn chủ tài trợ 30%, bắt đầu được giải ngân tập trung trong giai đoạn 2019 - 2021, khi đi vào vận hành công suất chế biến của BSR sẽ nâng lên 8,5 triệu tấn/năm, các nguồn dầu thô có thể xử lý được sẽ được nâng lên hơn 300 loại và chất lượng sản phẩm nhà máy sẽ đáp ứng tiêu chuẩn EURO V).

Đánh giá toàn diện, khách quan của các tổ chức quốc tế và chuyên gia về hiệu quả và tiềm năng của BSR, một lần nữa khẳng định thế mạnh nền tảng và dự báo cổ phần hóa công ty sẽ gặp nhiều thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cổ phần hóa là dịp BSR bước vào giai đoạn chiến lược kinh doanh mới và BSR đã khỏe sẽ khỏe hơn nếu có sự đóng góp về quản trị, tài chính của các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư chiến lược. Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh nhận định, với tầm vóc của BSR và quy mô chào bán lớn lên đến hơn 3.500 tỷ đồng (tính theo giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phần) vào ngày 17-1-2018 thì đây sẽ là một trong những đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng lớn nhất từ trước đến nay, vượt xa các đợt IPO của các DN nhà nước trước đó. “Hữu xạ tự nhiên hương”, đáng mừng là nhiều tập đoàn, nhà đầu tư các nước đã đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư với BSR và mong muốn trở thành đối tác chiến lược trong tương lai. Khi cổ phần hóa thành công, với cơ cấu và cách vận hành mới, BSR không chỉ có cơ hội phát huy được tiềm năng phát triển nội địa mà còn hội nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế. Trước mắt, để đạt được kế hoạch đặt ra trong năm 2018: chỉ tiêu tổng doanh thu 78.392 tỷ đồng, nộp NSNN 8.326 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 3.473 tỷ đồng đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên BSR phát huy hơn nữa sức mạnh trí tuệ và đoàn kết tập thể nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh và tối ưu hóa lợi nhuận, tự tin vững tay chèo khi vươn ra biển lớn, dẫu phải đối mặt với muôn trùng sóng cả.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, đáng mừng là nhiều tập đoàn, nhà đầu tư các nước đã đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư với BSR và mong muốn trở thành đối tác chiến lược trong tương lai.