Ổn định mặt bằng lãi suất

Đầu tháng 3-2021, thị trường lãi suất biến động nhẹ khi có một số ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên bên cạnh đó, thì phần lớn các NHTM lại vẫn giữ lãi suất ở mức ổn định so với tháng trước, thậm chí điều chỉnh giảm. Mặt bằng lãi suất được ghi nhận đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh VietinBank. Ảnh: CTV
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh VietinBank. Ảnh: CTV

Biến động trái chiều

Sau Tết Nguyên đán, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào trở lại, thể hiện ở những đợt giảm mạnh lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Theo đó, đến phiên giao dịch ngày 3-3, lãi suất qua đêm VND trên liên ngân hàng chỉ còn 0,39%/năm, giảm 2,13 điểm phần trăm so với tháng trước. Thanh khoản dồi dào, cầu tín dụng chưa bật tăng, mặt bằng lãi suất tiền gửi tháng 3-2021 tại nhiều NHTM không có nhiều thay đổi và tiếp tục duy trì ở mức thấp. Cụ thể, ở nhóm NHTM Nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, biểu lãi suất huy động được giữ nguyên so với tháng trước. Trong nhóm NHTM cổ phần, các ngân hàng như LienVietPostBank, SeABank, TPBank,... lãi suất tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp và không thay đổi so với cùng kỳ tháng 2-2021. Trong khi đó, một số ngân hàng khác lại điều chỉnh giảm như tại BacABank, lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn từ một tháng đến năm tháng của ngân hàng này đồng loạt giảm 0,2 điểm phần trăm và niêm yết ở mức 3,6%/năm. Trong khi kỳ hạn sáu tháng đến 12 tháng cùng lúc điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm cho mỗi kỳ hạn. Ngân hàng SCB cũng điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, đưa mức lãi suất này xuống còn 6,8%/năm.

Trái ngược với diễn biến trên, thị trường lãi suất cũng ghi nhận biến động trái chiều khi có một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Đáng chú ý là việc tăng mạnh lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn trên bảng niêm yết của Techcombank áp dụng từ ngày 1-3. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn một tháng đối với khách hàng thường tăng từ 2,75%/năm lên 3,1%/năm (tăng 0,35 điểm phần trăm); đối với khách hàng thường hơn 50 tuổi tăng từ 2,95%/năm lên 3,2%/năm (tăng 0,25 điểm phần trăm). Tương tự, lãi suất áp dụng cho khách hàng ưu tiên cũng tăng từ 2,9-3,1%/năm lên 3,2-3,4%/năm. Tại kỳ hạn sáu tháng, lãi suất tiết kiệm đối với khách hàng thường tăng mạnh 0,5 – 0,6 điểm phần trăm lên 4,4 - 4,7%/năm. Lãi suất áp dụng cho khách hàng ưu tiên cũng tăng từ 4,1 - 4,3%/năm lên 4,5 - 4,8%/năm. Tương tự, các kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng cũng tăng thêm khoảng 0,5 - 0,6%/năm. Hiện lãi suất cao nhất tại Techcombank áp dụng cho khách hàng thường là 5,8%/năm và khách hàng ưu tiên là 5,9%/năm. VPBank cũng áp dụng biểu lãi suất huy động mới cho khách hàng cá nhân từ ngày 2-3 và điều chỉnh tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn, mức tăng phổ biến là 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dưới sáu tháng. Tại ACB, lãi suất huy động dành cho kỳ hạn hai tháng, ba tháng cũng được ngân hàng này điều chỉnh tăng đồng loạt 0,1 điểm phần trăm.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 chuẩn bị được triển khai, trong khi lạm phát tăng trở lại (chỉ số tiêu dùng CPI tháng hai tăng 1,52% so với tháng trước - mức tăng tháng hai cao nhất trong vòng tám năm gần đây), lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ có diễn biến tăng trở lại trong thời gian tới.

Kỳ vọng duy trì mặt bằng lãi suất thấp

Lãi suất huy động nhiều khả năng tăng, trong khi cầu tín dụng dự báo cũng sẽ tăng nhanh trở lại trong năm nay khi kinh tế phục hồi. Điều này sẽ phần nào tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc duy trì ổn định lãi suất cho vay ở mức thấp trong năm 2021 đã là một thành công.

Ngay tuần đầu sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố giảm đồng loạt lãi suất cho vay đối với toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới đối với khách hàng của ngân hàng này trong thời gian ba tháng kể từ ngày 22-2 đến 22-5-2021. Theo đó, đối với khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch Covid-19; giảm tới 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank cũng giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đại diện lãnh đạo ngân hàng này, tổng số khách hàng được giảm lãi suất đợt này là 105 nghìn khách hàng với quy mô tín dụng là 350 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 40% dư nợ của Vietcombank. Tuy nhiên những khoản nợ được giảm lãi suất trong chương trình này không bao gồm các khoản dư nợ đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của Vietcombank.

Sau Vietcombank, HDBank cũng triển khai các gói hỗ trợ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất giảm sâu, trong đó lãi suất thấp nhất là 3%/năm đối với các cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ đang thuê mặt bằng, địa điểm kinh doanh. Gói vay này dành cho khách hàng vay vốn để sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng lên đến ba tỷ đồng, ân hạn vốn gốc sáu tháng. Ngoài ra, ngân hàng này có mức lãi suất cho vay 4,5%/năm đối với các cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ không cần chứng minh bất kỳ khó khăn nào do dịch bệnh làm sụt giảm doanh thu, thu hẹp thị trường... Chương trình được HDBank cam kết kéo dài hết năm 2021.

Như vậy, với các đợt giảm mạnh lãi suất cho vay từ năm 2020 đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của các NHTM Nhà nước hiện nay phổ biến ở mức 5-6%/năm, 7-8%/năm trung dài hạn (trong sáu tháng hoặc một năm đầu); lãi suất cho vay của khối NHTM cổ phần chỉ cao hơn một chút, song nhiều ngân hàng lại có những chính sách ưu đãi dành riêng cho các nhóm khách hàng tiềm năng của mình. Riêng một số ngân hàng vừa giảm lãi suất ngay từ đầu năm 2021, nhiều chuyên gia phân tích hành động tiên phong giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng này đã gia tăng kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm trong thời gian tới.

Có thể nói, để giảm thêm lãi suất cho vay là mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp, thì một trong những yếu tố quan trọng là mặt bằng lãi suất huy động phải giảm sâu hơn. Song lãi suất huy động phải bảo đảm thực dương so với lạm phát mới có thể hấp dẫn được người gửi tiền. Trong khi, lạm phát lại đang có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm. Chưa kể, dự báo cầu tín dụng sẽ tăng nhanh trở lại trong năm nay khi kinh tế phục hồi. Do đó, lãi suất cũng sẽ phải đối mặt với không ít áp lực. Một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, dù vẫn còn dư địa song để giảm tiếp lãi suất là không nhiều. Công ty cổ phần chứng khoán KB Việt Nam cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu Chính phủ đã chạm mức đáy từ trước đến nay trong khi lãi suất huy động cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. KB dự báo, mặt bằng lãi suất có thể sẽ chạm đáy vào nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2021.

HỒNG ANH