Kinh tế năm 2020:

Nỗ lực bền bỉ để có được tăng trưởng dương

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, do hội nhập kinh tế sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng cũng thể hiện sức chống chịu đáng kể.

Xuất khẩu là điểm sáng kinh tế năm 2020. Ảnh | Thaco Group
Xuất khẩu là điểm sáng kinh tế năm 2020. Ảnh | Thaco Group

Tác động y tế ban đầu của dịch bệnh không nghiêm trọng như nhiều quốc gia khác, nhờ có các biện pháp đối phó chủ động ở cả cấp trung ương và địa phương. Kinh tế vĩ mô và tài khóa ổn định với mức tăng trưởng GDP ước đạt 1,8% trong nửa đầu năm 2020, dự kiến đạt 2,8% trong cả năm. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới không dự báo suy thoái kinh tế, nhưng tốc độ tăng trưởng dự kiến năm nay thấp hơn nhiều so với dự báo trước khủng hoảng là 6-7%.

Những con số lạc quan

Ngay trong những ngày tháng cuối cùng của năm 2020, những thông tin về phát hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh cũng không làm “bấn loạn” thị trường như trước. Tinh thần được rèn luyện qua nhiều “kịch bản” trước đó đã giúp cho thị trường có một cách nhìn lạc quan và sẵn sàng đón nhận hơn. Các chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đi các nơi vẫn được duy trì và kiểm soát chặt chẽ hơn. Chị Vũ Thu Giang, một chủ doanh nghiệp gặp ở sân bay cho biết chị vẫn “yên tâm” bay vào TP Hồ Chí Minh để giải quyết công việc vì chị tin rằng chính quyền sẽ có những phương án để xử lý các tình huống dịch bệnh xảy ra. Bản thân chị cũng sẵn sàng chấp nhận phương án bị cách ly 14 ngày nếu việc đó xảy ra. Đây có thể thấy là một tinh thần hoàn toàn khác so với sáu tháng trước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các dòng vốn đầu tư, các dịch vụ vận tải, lưu trú vẫn được tiếp tục dòng chảy của mình. Công ăn việc làm của rất nhiều người được duy trì. Đó chính là nền tảng để nền kinh tế tiếp tục trụ vững.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, các bộ, ngành và địa phương đang tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình với mục tiêu thực hiện tối đa kế hoạch vốn được giao trong năm 2020. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 ước tính đạt 10,6% so với kế hoạch năm 2020. So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 và 11 tháng năm nay tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 năm 2020 ước tính đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính đạt 464,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.590,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 10-2020 đạt 27.259 triệu USD, cao hơn 559 triệu USD so với số ước tính. Tính chung 11 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng năm nay ước tính xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD.

Bên cạnh những con số lạc quan nhưng khá khô khan trong các bảng báo cáo, một cảm nhận thực tế là sự xuất hiện trở lại của những người nước ngoài trên các đường phố ở các thành phố lớn đã mang lại những cảm xúc tích cực hơn cho tất cả mọi người. Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 11 năm 2020 ước tính đạt 17,7 nghìn lượt người, tăng 19,6% so với tháng trước (mặc dù giảm 99% so với cùng kỳ năm trước). Tính chung 11 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.821 nghìn lượt người.

Những vấn đề đáng lưu ý

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, dù tăng trưởng GDP năm 2020 không đạt như kế hoạch từ trước, tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 cũng không đạt mục tiêu nhưng nhìn bức tranh toàn cầu, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng cao và nỗ lực chống chọi bền bỉ để có được con số tăng trưởng dương năm 2020 là điểm sáng rõ nét nhất.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định có niềm tin vững chắc mức tăng trưởng GDP có thể đạt được từ 2,5% đến 3%, các chỉ số khác như xuất nhập khẩu, thu ngân sách... đều có thể đạt được kết quả lạc quan như báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội ngày 20-10. Kết quả này có được một phần là do nỗ lực, cách xử lý vấn đề rất tốt của Việt Nam trước bối cảnh dịch bệnh, thống nhất hành động từ Trung ương đến địa phương và trong toàn dân. Trước khi diễn ra dịch bệnh, Việt Nam đã chuẩn bị nền tảng để tăng trưởng khá tốt. Giai đoạn 2016-2019 đã giữ ổn định tăng trưởng, tạo niềm tin với doanh nghiệp. Ngoài đầu tư công, Việt Nam đã tập trung phát triển khối doanh nghiệp nên tạo ra một nền tảng khá bền vững và giúp giữ được ổn định nền kinh tế.

Đặc biệt giữa lúc khó khăn, Việt Nam vẫn ký được Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA), mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn. Điều này có ý nghĩa, tạo cho Việt Nam có một vị thế mới, khẳng định Việt Nam là một miền đất tốt cho các nhà đầu tư. Kết quả này khẳng định nỗ lực của cả một quá trình và tạo ra sức hấp dẫn quốc tế, sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài; củng cố thêm thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó cho thấy những thay đổi mang tính nền tảng sẽ tạo ra những yếu tố căn bản bảo đảm sự tăng trưởng.

Cũng theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, Việt Nam có hệ thống ngân hàng lành mạnh, dự trữ ngoại hối tăng kể từ năm 2011 tạo ra nền tảng tốt khi gặp những “cú sốc” từ bên ngoài. Thêm vào đó, ở Việt Nam, ngoài doanh nghiệp còn có hàng chục triệu lao động phi chính thức và khi những hỗ trợ đến từ Chính phủ còn hạn chế thì lực lượng này chính là bệ đỡ tốt, người dân vẫn bảo đảm được cuộc sống ở mức tối thiểu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới thay đổi rất nhanh, nhiều biến động khó lường thì quan trọng nhất là giai đoạn tới, Việt Nam cần nỗ lực cải cách từng bước đi, tăng cường khả năng chống chịu với rất nhiều “cú sốc” có thể xảy ra mà ta chưa lường được.

Cũng theo đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, nhờ có nền tảng cơ bản tốt và nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát ở Việt Nam cũng như trên thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục vào năm 2021. Covid-19 cũng cho thấy cần phải cải cách mạnh mẽ hơn để giúp kinh tế phục hồi trong trung hạn, như cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế số, nâng cao hiệu quả đầu tư công, đây là các nội dung chính mà Việt Nam cần cân nhắc để cải cách nhanh và mạnh hơn.