Những thương hiệu Việt “vang bóng môt thời”

Tôi nhớ ngày ấy bố đi làm bằng xe đạp Thống Nhất, nhóm bếp bằng diêm Thống Nhất, đau đầu sổ mũi thì xoa cao Sao Vàng, và giấc mơ nhuốm màu xa xỉ của trẻ em tỉnh lẻ là được ăn kem Tràng Tiền, kem Thủy Tạ ở Bờ hồ. Thế hệ 7x, 8x lớn lên cùng những cái tên quen thuộc ấy, nhưng rồi đất nước đổi mới, hội nhập, cho đến hôm nay nhiều thương hiệu Việt đã chỉ còn lại ký ức thời quá vãng. Xe đạp, diêm Thống Nhất, cao Sao Vàng... - những thương hiệu hơn 60 năm tuổi vang bóng một thời, nay đâu?

Những thương hiệu Việt “vang bóng môt thời”

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Tôi đến Công ty TNHH MTV Thống Nhất ở số 10 Tràng Thi - một vị trí đất vàng ở Thủ đô, nhưng phần lớn diện tích cho thuê, không gian dành để bày bán xe đạp cũng khá nhỏ. Xe đạp nhập ngoại được bày bán ở vị trí trang trọng, những chiếc xe thể thao của Pháp, Đức bóng loáng, khung sườn nhẹ tênh vì làm bằng chất liệu mới có giá bán tới cả hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng... Còn đây, chiếc xe đạp Thống Nhất thiết kế quê kệch, khung sắt nặng chình chịch nằm yên trong góc. Thời bao cấp, chiếc xe Thống Nhất được coi như biểu tượng của sự giàu có, thành đạt, niềm mơ ước của hàng triệu người. Hình mẫu của “hotboy” ngày đó nhất định phải cưỡi trên xe đạp Thống Nhất.

Nhà máy xe đạp Thống Nhất được thành lập năm 1960 thì năm 1965, Nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp, trong đời một cán bộ, công nhân viên được mua một chiếc. Ai được phân phối sẽ kèm theo một sổ mua phụ tùng. Quyết định là vậy nhưng một năm, xí nghiệp hàng trăm người cũng chỉ được phân phối chưa đến mười chiếc. Có người được phân phối chiếc xe Thống Nhất, quý đến mức không dám đi về treo xe lên trong nhà, hai bánh không để chạm đất, thỉnh thoảng ngồi ngắm và quay bàn đạp nghe tiếng xích líp kêu, thứ âm thanh “tao nhã” chẳng khác nào tiếng nổ của xe máy Dream sau này.

Thời thế đổi thay quá nhanh, xe đạp Thống Nhất cũng “lên voi xuống chó”. Ngay tại Công ty TNHH MTV Thống Nhất tấm biển to nhất là dành cho dòng chữ quảng cáo xe ngoại: “Merida Thương hiệu xe đạp hàng đầu thế giới”.

Ông Nguyễn Hữu Sơn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thống Nhất tâm sự: “Thống Nhất mặc dù là một trong những đơn vị có thương hiệu lâu đời, song tới nay, thương hiệu này so với hàng ngoại vẫn có khoảng cách lớn. Khi xe đạp Trung Quốc tràn ngập, làm mưa làm gió trên thị trường sau đó lại đến thời kỳ xe máy “lên ngôi” thì việc duy trì sức sống cho thương hiệu xe đạp Thống Nhất ngày càng trở nên hết sức khó khăn”. Hiện tại, trên thị trường Việt Nam, xe đạp, xe đạp điện xuất xứ từ Trung Quốc, Thái-lan, Nhật Bản, Đài Loan chiếm tới 50% thị phần với kiểu dáng, mầu sắc đa dạng. Các thương hiệu xe đạp như Giant, Merida, Wiel, Peugeot, Missile, HK Bike, Newway, Momemtum... cũng bắt đầu có mặt tại thị trường Việt Nam.

Nếu như xe đạp Thống Nhất gặp khó vì xe máy, xe đạp điện, xe nhập ngoại và xe nhái thì Diêm Thống Nhất - thương hiệu nổi tiếng một thời lại lao đao vì chiếc bật lửa. Ra đời từ năm 1956, trải qua thời gian dài phát triển, sáp nhập và tách rời với nhiều đơn vị khác nhau, mãi đến năm 1993, nhà máy Diêm Thống Nhất mới hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và đến năm 2002 hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với tên gọi Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất. Bao diêm với logo hình hai chú chim bồ câu trắng gắn bó với người dân suốt hành trình 60 năm qua, diêm Thống Nhất là một sản phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình. Thời kỳ sau chiến tranh, khi mà bếp gas, bếp điện hay những chiếc bật lửa còn chưa xuất hiện và chưa phổ biến, những que diêm Thống Nhất gần như có mặt trên tất cả các quầy tạp hóa, chiếm thị phần gần như tuyệt đối lúc bấy giờ. Thậm chí cái mùi diêm sinh bay lên mỗi lần quẹt lửa trở thành một thứ mùi có sức ám ảnh các thế hệ người Việt chẳng khác nào mùi pháo đêm giao thừa.

Nhưng thời thế đã thay đổi, diêm Thống Nhất giờ cũng chỉ “leo lét” sáng khi mà các loại bật lửa ngày càng thịnh hành. Diêm ngày càng đánh mất lợi thế so với bật lửa, thị phần của diêm Thống Nhất bị thu hẹp dần. Theo số liệu công bố, năm 2015, diêm Thống Nhất bán được hơn 112 triệu bao diêm, giảm tới 25 triệu bao so với năm 2013. Số lượng bao diêm mà đơn vị này tiêu thụ trong năm 2016 chỉ đạt 109 triệu bao, giảm ba triệu bao so với năm 2015. So thời điểm cách đây tám năm với mức tiêu thụ hơn 180 triệu bao diêm, sản lượng của diêm Thống Nhất đã giảm tới gần 40%.

Những thương hiệu Việt “vang bóng môt thời” ảnh 1

Sản phẩm cao Sao Vàng bán chạy ở nước ngoài nhưng trong nước đang bị thờ ơ.

Cao Sao Vàng - thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả Liên Xô và các nước Đông Âu từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Hộp cao Sao Vàng “thần thánh” với người Việt Nam dường như trị được bách bệnh. Tôi nhớ những năm 80 của thế kỷ trước, gia đình nào cũng có hộp cao nhỏ hình sao vàng bên ngoài. Hễ cứ nhức đầu, sổ mũi, chóng mặt, say tàu xe, đau bụng, bong gân... lại dùng đến cao Sao Vàng. Thậm chí có người “tín nhiệm” cao Sao Vàng đến nỗi hễ cứ đổ bệnh là nuốt thứ cao cay nồng này vào bụng...

Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, đất nước mở cửa, cao Sao Vàng gặp khó với các loại dầu gió, dầu cao và các loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe nhập ngoại, sản xuất cứ teo tóp dần.

Vật lộn tìm lại mình

Đứng trước thách thức quá lớn các thương hiệu 60 năm tuổi của Việt Nam làm gì để sống sót và phát triển? Dù xe đạp Thống Nhất có vị trí khiêm tốn trên sân nhà, nhưng ban lãnh đạo công ty qua các thời kỳ vẫn quyết không bỏ xe đạp mà tập trung đầu tư đổi mới công nghệ mẫu mã để lấy lại vị thế. Xe Thống Nhất ra nhiều mẫu mới, đẹp, hiện đại trẻ trung chứ không thô kệch như cái xe nam khung ngang thời bao cấp.

Đến nay xe đạp Thống Nhất vẫn dẫn đầu sản xuất và kinh doanh xe đạp trong nước nhưng sức sống của thương hiệu không còn được như xưa. Với slogan: “Nghĩ đến xe đạp - nghĩ đến Thống Nhất”, công ty này muốn “đánh” vào giá trị thương hiệu ngày nào, nhưng giờ nếu có “nghĩ về Thống Nhất” thì thường chỉ là những người của thời bao cấp, đã qua cái tuổi đi xe đạp.

Ông Nguyễn Hữu Sơn nói: “Tôi vẫn luôn ước mơ một ngày, những chiếc xe đạp Thống Nhất sẽ lại ngược xuôi trên các đường phố Hà Nội và những con đường ở Việt Nam, để Hà Nội và nhiều nơi sẽ xanh hơn, sạch hơn và bình yên hơn”. Nhưng vấn đề là xe đạp trên các đường phố Hà Nội bây giờ chủ yếu là xe đạp điện và xe đạp ngoại nhập.

Diêm Thống Nhất gặp khó vì bật lửa lại xoay sang sản xuất bật lửa. Bật lửa Thống Nhất không còn có hình đôi chim bồ câu ở trên và không gây ấn tượng như diêm trước đây. Với giá 2.000 đồng một sản phẩm, năm 2016, công ty tiêu thụ được 10 triệu bật lửa, kết quả này chỉ tương đương khoảng 12% kỳ vọng của công ty (85 triệu chiếc). Nhiều người tiêu dùng bây giờ vẫn ám ảnh mùi khói diêm sinh của diêm Thống Nhất, việc để họ chọn bật lửa Thống Nhất không phải là điều ngày một ngày hai. Vậy nên diêm Thống Nhất vẫn gắng gượng “cháy” hòng thắp sáng lại thương hiệu 60 năm.

Sau một thời gian im ắng, Công ty cổ phần Dược phẩm OPC và Công ty cổ phần dược Trung ương 3, hai đơn vị sản xuất cao Sao Vàng đã đưa sản phẩm này trở lại tái xuất mạnh mẽ trên thị trường. Điều đáng nói là sản phẩm này vẫn ảm đạm ở trong nước nhưng bỗng dưng được người nước ngoài ưa chuộng. Số lượng bán ra của cao Sao Vàng luôn trong tình trạng “cháy hàng” tại các website bán hàng trực tuyến nổi tiếng như eBay hay Amazon, các gian hàng dược phẩm online ở nhiều nước như Anh, Mỹ, Australia... Ngay cả phải mua với giá lẻ khoảng 40 nghìn đồng mỗi hộp, đắt gấp 10 lần giá nội địa, chưa kể phí vận chuyển mà khách vẫn chấp nhận. Cao Sao Vàng giờ đã có mặt ở 15 nước, nhưng trên quê hương của mình lại đang chật vật tìm chỗ đứng...

Ngoài xe đạp, diêm Thống Nhất, cao Sao Vàng, còn có những thương hiệu 60 năm tuổi như giày Thượng Đình, kem Thủy Tạ đang vật lộn tìm lại hào quang đã mất ở tuổi trên 60. Câu chuyện của các thương hiệu này nằm trong bức tranh chung của các thương hiệu truyền thống thời hội nhập, những nguyên nhân như thiếu tầm nhìn chiến lược, kém linh hoạt, chậm đổi mới, thiếu vốn và nhiều vướng mắc cơ chế, “ngủ quên” quá lâu đã khiến cho những doanh nghiệp từ vị thế dẫn đầu đã bị tụt lại phía sau, thậm chí có nguy cơ bị xóa sổ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt thời hội nhập.

“Ngủ quên” quá lâu đã khiến cho những doanh nghiệp từ vị thế dẫn đầu đã bị tụt lại phía sau, thậm chí có nguy cơ bị xóa sổ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt thời hội nhập.