Những nhân tố lan tỏa sức sống FDI

30 năm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI hiện diện tại Việt Nam đã đem lại nhiều giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Đến nay có rất nhiều số liệu thống kê được nêu ra về những gì FDI đã làm được và những vấn đề cần phải giải quyết đối với khu vực kinh tế này. Song có một giá trị ít được nhắc đến và khó cân đong đo đếm được những tác động lan tỏa đến nền kinh tế trong nước đó chính là “tài sản” nhân lực chất lượng cao làm việc trong khu vực kinh tế này.

Lắp ráp ô-tô tại Nhà máy của Công ty ô-tô Toyota Việt Nam. Ảnh: ANH ĐỨC
Lắp ráp ô-tô tại Nhà máy của Công ty ô-tô Toyota Việt Nam. Ảnh: ANH ĐỨC

Những người nhận lương bằng đô-la

Chị Bùi Thiên Lan, kế toán trưởng của Công ty TNHH Kondo Tekko Việt Nam của Nhật Bản chuyên sản xuất phụ kiện xe máy cho Honda hằng ngày vượt 28 cây số từ Gia Lâm đến khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh (Hà Nội) để đi làm trong suốt bốn năm cô gắn bó từ khi tốt nghiệp đại học đến giờ. Môi trường làm việc thân thiện, thu nhập ổn định hơn nhiều so với mức lương bạn bè làm việc trong các cơ quan nhà nước khiến cô luôn mong muốn gắn bó với công ty lâu dài, cho dù khoảng cách đến nơi đi làm là một vấn đề buộc cô phải nỗ lực vượt qua. “Lãnh đạo công ty là người Nhật rất tôn trọng nhân viên và tạo điều kiện cho người lao động cho nên tôi có nhiều cơ hội học hỏi, trau dồi kinh nghiệm” - chị Lan chia sẻ.

Trần Thanh Vân, quản lý quan hệ công chúng của Nestle Việt Nam gần 10 năm trước đây cũng hằng ngày vượt hàng chục cây số từ TP Hồ Chí Minh bằng xe buýt của công ty để đến nhà máy làm việc ở Bình Dương. Cô cũng mới trở về khu văn phòng của công ty ở thành phố trong mấy năm gần đây khi mà giai đoạn “con còn nhỏ lại đi làm xa” cũng đã qua. Điều khiến cô vẫn “kiên định” với công việc của mình nhiều năm qua là công việc thú vị, môi trường làm việc chuyên nghiệp, lương và chế độ đãi ngộ ổn định.

Vân và Lan cũng như nhiều người làm trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận mức lương được tính bằng đô-la, so với mức thu nhập trung bình trong xã hội rõ ràng là hấp dẫn hơn. Vào những năm 90, những người có mức lương “nước ngoài” luôn là niềm ngưỡng mộ của nhiều người dân, bởi khi đó chênh lệch về thu nhập là rất lớn. Mức lương của phó giám đốc là người Việt trong một công ty liên doanh với nước ngoài khi đó đạt mức “bốn con số” có nghĩa là từ một nghìn đô-la trở lên. Lương của các nhân viên hành chính văn phòng đạt mức trung bình từ 600 đến 700 USD/1 tháng đã tạo điều kiện cho một bộ phận lao động có mức lương ổn định, tích lũy nghề nghiệp và phát triển kinh tế gia đình.

Tất nhiên để có được thu nhập này, chất lượng nguồn nhân lực đòi hỏi cao, khả năng chịu áp lực lớn. Như Vân đi du học ở Ô-xtrây-li-a về có vốn ngoại ngữ tốt, chuyên môn đào tạo bài bản, về cá nhân cô cũng chịu được áp lực đi làm xa khi con còn nhỏ. Để trụ vững được vị trí của mình cô cũng phải nỗ lực rất nhiều để bảo đảm những tiêu chí đánh giá rất rõ ràng của nơi làm việc, chưa kể khả năng thích nghi việc thay đổi các vị trí trong công việc. Đối với nhiều người làm việc quen sự ổn định thì đây lại là một thách thức. Song chính công việc luôn thay đổi đối với Vân đó là sự thú vị, là cơ hội để chinh phục thử thách và trưởng thành hơn đối với bản thân cô.

Ông Nguyễn Quang Long trước đây là giảng viên Đại học Sư phạm ngoại ngữ TP Hồ Chí Minh. Trong 5 năm còn lại tuổi công tác, ông đã rời bỏ công việc nhà nước đã gắn bó hàng chục năm để làm giám đốc nhân sự cho P&G, một trong những liên doanh đầu tiên tại Việt Nam ngay sau khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 1987. Ông Long bồi hồi nhớ lại kỷ niệm của cả một trường đoạn đáng nhớ trong cuộc đời làm việc của mình. Áp lực, khả năng giải quyết công việc là những thách thức luôn đặt ra. Song làm việc với giới chủ đầu tư nước ngoài “họ sẽ tạo điều kiện và hướng dẫn cách giải quyết vấn đề, được động viên khuyến khích kịp thời để người lao động cảm thấy yên tâm gắn bó và phát huy được thế mạnh của mình” - ông chia sẻ. Đó cũng chính là những giá trị giúp người làm việc gắn bó với nơi mình làm.

Nói đến sự trưởng thành của những người “ăn lương đô-la”- làm việc cho người nước ngoài thì cũng có người đã đạt được những thành tựu trong sự nghiệp của mình, đóng góp nhiều cho xã hội. Những kinh nghiệm tích lũy trong thời gian làm việc với nước ngoài đã giúp bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch VinFast vươn lên trở thành người quản lý giỏi trong tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam.

Có thể nói, đội ngũ những người làm cho FDI một mặt họ có được quyền lợi chính đáng cho bản thân với năng lực và sự cống hiến xứng đáng của mình, ngoài ra họ cũng chính là những nhân tố lan tỏa sức sống của FDI trong đời sống kinh tế của đất nước.

Và các tác động khó “cân đong đo đếm”

Thời gian gần đây, có khá nhiều luồng ý kiến không mấy tích cực về FDI như FDI tác động không nhiều đến tăng trưởng kinh tế, đóng góp vào ngân sách, làm hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, mức độ lan tỏa kém... GS,TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư (SCCI), một trong những người tham gia vào công cuộc mở đường cho FDI vào Việt Nam cho rằng nhân dịp 30 năm ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Thủ tướng đã đồng ý để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổng kết về FDI. Đây là dịp nhìn lại một cách khách quan, công bằng, để dư luận hiểu đúng về FDI, trên cơ sở các số liệu thống kê và tình hình thực tế, chứ không thể dựa vào cảm tính.

Giáo sư Mại khẳng định FDI đã tạo ra công ăn việc làm cho 3,7 triệu lao động trực tiếp và nhiều triệu lao động gián tiếp, qua đó góp phần hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng bao gồm công nhân lành nghề, kỹ sư công nghiệp, chuyên gia dịch vụ, cán bộ quản trị doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam; thúc đẩy quá trình chuyển từ lao động thu nhập thấp sang lao động có trình độ hiện đại và thu nhập cao. Ông cũng cho rằng cách tiếp cận của người quản trị hay lao động cũng khác. Trước đây chúng ta hay có kiểu làm lô đầu rất tốt, còn lô sau thì kém dần, nhưng khi hợp tác với FDI thì không còn chuyện đó. Có nhiều tác động lan tỏa khác mà không thể định lượng được hết. Việc nhìn ra những điểm mạnh là cần thiết để phát huy những tiềm năng, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng thay vì ngồi than vãn, chỉ trích những hạn chế mà chính mình chưa vượt qua được, trước khi kêu gọi người khác lan tỏa đến mình.