Nhiều thách thức khi thực hiện mục tiêu kép

Dịch Covid-19 quay trở lại cũng đã được tiên liệu trước, song nó vẫn gây bất ngờ và dự đoán khó lường cho toàn bộ nền kinh tế. Mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế của Chính phủ đối mặt với nhiều thách thức.

Bộ GTVT yêu cầu dừng mọi chuyến bay đến Đà Nẵng do dịch Covid-19. Ảnh | Trang Anh
Bộ GTVT yêu cầu dừng mọi chuyến bay đến Đà Nẵng do dịch Covid-19. Ảnh | Trang Anh

Khó khăn chồng chất

Trong lúc các doanh nghiệp du lịch và hàng không đang hồ hởi quay trở lại tháng cao điểm với các chương trình kích cầu bung ra để tìm kiếm lợi nhuận bù đắp cho đợt dịch đầu năm, thì ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng trở lại ở Đà Nẵng và tiếp theo là một số tỉnh, thành phố khác đã làm "phá sản" tất cả các giải pháp phục hồi kinh tế của giai đoạn trước. Tổng giám đốc một công ty lữ hành ngao ngán: "Đúng là họa vô đơn chí. Trong đợt kích cầu này, các doanh nghiệp còn tồn tại đã dồn toàn bộ nguồn lực nhằm cứu vãn lại tình thế của nửa đầu năm trong một canh bạc để lôi kéo khách hàng quay trở lại, vậy mà tất cả cũng "tan tành" khi dịch bệnh bùng phát trở lại. Việc cách ly và các khả năng giãn cách đang tiếp tục đe dọa tất cả các ngành dịch vụ. Đã chịu đòn đau giờ lại đối mặt tiếp với dịch bệnh, tâm lý hoảng loạn không còn nhưng là một nỗi buồn mênh mang đối với toàn bộ các doanh nghiệp khối dịch vụ này".

Anh Nguyễn Văn Bá, giám đốc một doanh nghiệp chuyên về ẩm thực chia sẻ: "Nghĩ một cách tích cực nhất thì chúng ta cũng đã có kinh nghiệm chống dịch rồi, chỉ mong đợt này, Chính phủ sẽ có những giải pháp hữu hiệu và không hy sinh toàn bộ nền kinh tế để chống dịch". Anh mong nếu giãn cách thì cũng có những biện pháp khu trú làm sao để lưu thông hàng hóa và dịch vụ vẫn còn đất sống, doanh nghiệp vốn đã kiệt quệ gắng được đến đâu sẽ gắng đến đó.

Trong đợt dịch bùng phát hồi đầu năm, Chính phủ đã áp dụng giãn cách xã hội, từ đó rất nhiều các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh đều bị tác động. Hệ quả là tăng trưởng GDP quý II đạt thấp với mức 0,3%.

Tuy nhiên, tại đợt bùng phát dịch này, Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo quyết tâm dùng mọi nguồn lực để dập dịch bằng được, đạt được mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Cách làm là khi phát hiện ổ dịch sẽ khoanh vùng cục bộ, tìm mọi cách để dập dịch khu vực đó. Quan điểm này của Chính phủ đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tháng 8 vừa qua.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mục tiêu kép của Chính phủ sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Trước hết, công tác dự báo kinh tế chưa bao giờ khó như hiện tại, bởi có nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến dịch Covid-19. Không chỉ riêng Việt Nam, kết quả dự báo của các tổ chức quốc tế cũng phải điều chỉnh bởi các biến số, giả định liên tục thay đổi do diễn biến khó lường của dịch Covid-19. Các tổ chức quốc tế như IMF, WB đều điều chỉnh hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới liên tục. Một số quốc gia đã điều chỉnh lịch trình dự kiến mở cửa, có nơi mở ra được một thời gian ngắn đã phải đóng lại do dịch tái bùng phát quá mạnh.

Phục hồi kinh tế cần nhiều thời gian

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm, Bộ KH&ĐT đã từng cảnh báo nếu bị một đợt sóng lần thứ hai, giống như đợt một thì tác động đến nền kinh tế là rất nặng nề. Theo Bộ trưởng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng hơn đối với kinh tế thế giới, đây là cú sốc lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay.

Nhiều nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đa chiều, phức tạp. Trong quý II, GDP của Mỹ giảm 32,9%, mức suy giảm lớn nhất kể từ năm 1947. Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu suy giảm 12,1%. Một số nền kinh tế lớn giảm sâu như: Tây Ban Nha giảm 18,5%, Pháp giảm 13,8%, Italy giảm 12,4% và Đức giảm 10,1%. Ông cũng nhận định xu hướng kinh tế toàn cầu các tháng cuối năm 2020 và năm 2021 không rõ ràng, ẩn chứa nhiều rủi ro. Phục hồi kinh tế sẽ cần nhiều thời gian và phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh.

Trong bối cảnh hiện tại, Bộ KH&ĐT cũng đã đưa ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm 2020. Theo đó, nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung mọi nguồn lực, về tài chính, máy móc, trang thiết bị, vật tư... để kiểm soát dịch. Cần khống chế dịch không để lây lan rộng, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý nhân dân.

Về biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Tin mừng là khối lượng giải ngân vốn đầu tư công tăng kỷ lục trong tháng 7. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN bảy tháng đạt gần 194,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,26% kế hoạch giao đầu năm (cùng kỳ đạt 32,27%). Tốc độ giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước. Đầu tư FDI và đầu tư tư nhân khá tích cực, trong đó đăng ký vốn FDI mới bảy tháng tăng 14,4%, giải ngân hơn
10,1 tỷ USD.

Theo nhận định của các chuyên gia tư vấn cho Chính phủ, đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét việc gia hạn thời gian thực hiện một số chính sách, giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, bảo đảm sản xuất và an sinh xã hội.

Trong đó, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu các giải pháp về tài khóa như miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí và cân đối thu chi ngân sách nhà nước. Nghiên cứu các chính sách nhằm giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn tín dụng, tập trung các giải pháp về an sinh xã hội, lao động, việc làm... Trường hợp cần thiết, nghiên cứu bổ sung thêm một số chính sách cần thực hiện trong những tháng cuối năm và cả năm 2021 để hỗ trợ trực tiếp các đối tượng, các vùng mới bị ảnh hưởng của dịch để duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.