Nhiều giải pháp phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025

Mục tiêu của hệ thống ngân hàng là nâng cao năng lực cạnh tranh, tính minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Tất cả ngân hàng thương mại trong giai đoạn hai sẽ phải áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. Đó là nội dung của trọng tâm của Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Nhiều giải pháp phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025

Mục tiêu tổng quát ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được thực hiện theo hai cấp độ là hiện đại hóa Ngân hàng Nhà nước và phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng. Chương trình hành động chia làm ba giai đoạn 2018-2020, 2021-2025 và 2026-2030, gồm bảy mục tiêu và 11 nhóm nhiệm vụ.

Mục tiêu của ngành ngân hàng ở giai đoạn đầu tiên đến năm 2020 là cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý triệt để nợ xấu theo cơ chế phù hợp thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định hệ thống. Đến năm 2020 có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, có ít nhất một, hai ngân hàng trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất châu Á (về tổng tài sản).

Nhiều giải pháp phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 ảnh 1

Ảnh trong bài | Thanh Giang

Ngành cũng kỳ vọng hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).

Ở giai đoạn hai, mục tiêu của hệ thống là nâng cao năng lực cạnh tranh, tính minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Đến cuối năm 2025, hệ thống ngân hàng đặt mục tiêu ít nhất hai, ba ngân hàng trong tốp lớn nhất châu Á.

Tất cả ngân hàng thương mại trong giai đoạn hai sẽ phải áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. Nhà điều hành cũng kỳ vọng sẽ thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối và các ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (CSTT) cũng cho biết, trong giai đoạn tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tín dụng theo hướng nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế.

Cũng theo ông Hà, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý, điều hành tỷ giá với mức độ linh hoạt cao hơn, bám sát diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế, đồng thời bảo đảm phù hợp với các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT trong từng thời kỳ; tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng tính lành mạnh, hiệu quả trong hoạt động của thị trường ngoại tệ, tăng cường các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá; Phối hợp đồng bộ các giải pháp CSTT nhằm ổn định thị trường ngoại hối, phấn đấu từng bước tăng quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế; phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% đến năm 2020 và đạt mức 5% vào năm 2030.

Cũng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng, ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong giai đoạn tới tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chính sách quản lý, hoạt động thanh tra, giám sát, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về quản trị, điều hành, quy định về quản lý rủi ro của tổ chức tín dụng (TCTD)... theo hướng chặt chẽ, an toàn hơn và phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của các TCTD và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, hỗ trợ công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc ban hành các văn bản hướng dẫn việc áp dụng các chuẩn mực Basel II vào công tác thanh tra, giám sát và quy định về an toàn hoạt động đối với hệ thống TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm tạo khuôn khổ, nền tảng và chuẩn mực an toàn cao hơn, tiệm cận các thông lệ quốc tế cho hoạt động của hệ thống TCTD.

Là một trong những ngân hàng đi đầu về lợi nhuận cũng như tổng tài sản, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, tiếp tục bám sát tầm nhìn và định hướng đã đề ra tại phương án cơ cấu lại Vietcombank phấn đấu là trở thành ngân hàng số một tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.

Ông Nghiêm Xuân Thành cho rằng, để hoàn thành những mục tiêu này cơ quan quản lý cần xây dựng các giải pháp hỗ trợ, trong đó bài toán tăng vốn là vấn đề nan giải nhất.

Việc tăng vốn điều lệ, theo đánh giá của người đứng đầu Vietcombank, là “vô cùng cấp thiết”. Để bảo đảm hoạt động theo thông lệ quốc tế, duy trì đà tăng trưởng trong giai đoạn sắp tới, việc gia tăng nền tảng vốn với các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng có vốn Nhà nước, là điều rất quan trọng.

Ông Thành kiến nghị thêm, Chính phủ cho phép tăng tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại đồng thời với việc yêu cầu các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước bảo đảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tối thiểu như định hướng của Chính phủ. Cho phép sử dụng một phần Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, đáp ứng đủ vốn an toàn tối thiểu theo Basel II.

Còn ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) cũng cho biết, MB tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng doanh thu, năng suất, đồng thời quản lý tốt chi phí hoạt động... MB dự kiến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khoảng 27%, có biên độ tùy theo tình hình thị trường. Thu phí dịch vụ của MB vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong năm tới nhờ củng cố các mô hình kinh doanh truyền thống như dịch vụ thanh toán, tài khoản và thẻ... đồng thời tăng cường đầu tư phát triển các mô hình kinh doanh mới như kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), ngân hàng số và ngân hàng giao dịch, nghiệp vụ ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản...