Nhân lực có trình độ - chìa khóa phát triển nông nghiệp chất lượng cao

Ðầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp đang là xu hướng chung và là chủ trương của Chính phủ. Hiện nhiều doanh nghiệp đã tiến hành đầu tư nông nghiệp bài bản với quy mô lớn. Song, nhân lực có trình độ cho ngành nông nghiệp công nghệ cao đang là bài toán cần được giải đáp.

 Sinh viên Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thực tập tại phòng thí nghiệm công nghệ sinh học dược học. Ảnh | Hải Thanh
Sinh viên Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thực tập tại phòng thí nghiệm công nghệ sinh học dược học. Ảnh | Hải Thanh

Đỏ mắt tìm người tài

Một tin vui cho các bạn sinh viên theo học ngành nông nghiệp khi ra trường là cơ hội việc làm hiện nay rất tốt. Nguyễn Huy Nguyên, sinh viên năm cuối khoa tự động hóa của Trường đại học Nông nghiệp I và nhiều bạn trong khoa của mình vừa bảo vệ xong Đồ án chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp đã được tuyển dụng vào một viện nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp với công việc khá bận rộn. Huy Nguyên và các bạn đang là những đối tượng được các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhắm đến trong xu hướng khởi nghiệp trong nông nghiệp ngày càng lan rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước. Cùng với sự quan tâm của Chính phủ khi tuyên bố gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao cho thấy triển vọng đang mở ra đối với sự phát triển của nông nghiệp cùng với nguồn nhân lực trong khu vực này.

Song Huy Nguyên và các bạn của mình cũng phải đối mặt một thực tế công việc của các kỹ sư nông nghiệp mới ra trường hiện nay cũng khá giản đơn như việc sắp xếp hàng hóa vào thùng hàng mà các bạn đang làm và việc ứng tuyển vào các công ty lớn cũng như những tổ chức sử dụng ngoại ngữ đối với các em hiện nay hầu như là “bất khả thi” do những hạn chế về nghiệp vụ được đào tạo cũng như trình độ tiếng Anh.

Theo các chuyên gia, thành công của nông nghiệp công nghệ cao không chỉ dựa vào vốn, đất, cơ chế, mà quan trọng hơn là yếu tố nhân lực. Và đây được coi là hạn chế lớn nhất khiến các nhà đầu tư gặp nhiều trở ngại khi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đơn cử như Công ty cổ phần Ecofarm - doanh nghiệp trồng rau quả theo công nghệ nhà lưới lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long đã rơi vào tình trạng hết sức khó khăn vì không tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao. Hầu hết những người nộp đơn xin tuyển dụng đều không đáp ứng được yêu cầu công việc. Vì thế đơn vị này đã phải đưa gần 100 cán bộ đi Nhật Bản, Israel để học tập kinh nghiệm. Hay Lâm Đồng là tỉnh sớm định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đã chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực vậy mà dự kiến phải đến năm 2020 mới có đủ cán bộ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu phát triển công nghệ, giảng dạy, quản lý và sản xuất kinh doanh về công nghệ sinh học. Tại Bạc Liêu, nơi có quy hoạch và nhiều dự án nuôi tôm sinh học, tôm công nghệ cao, cũng “đỏ mắt” tìm nguồn nhân lực kỹ thuật cao.

Được biết có hơn 10 trường trung cấp liên quan đến đào tạo nông nghiệp ở nước ta song phần lớn các trường mới dừng lại ở mức đào tạo kỹ sư truyền thống, thiếu sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp do đó các ngành học và kỹ năng của sinh viên phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.

Cần sự vào cuộc của chính sách

Sự xuất hiện của các nhà doanh nghiệp bước ra khỏi ngành nghề chính lâu nay của mình để đầu tư nông nghiệp quy mô lớn như Tập đoàn TH hay Vingroup và mới đây là PAN đã giúp thay đổi tư duy của những người làm nông nghiệp. Những bộ óc và kinh nghiệm đầu tư kinh doanh của những doanh nghiệp này đáng trân trọng vì họ là những người tiên phong làm cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Và nếu Việt Nam biết phát huy những nhân tố điển hình này sẽ thúc đẩy và tạo cảm hứng được cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thu hút thêm những nhân lực có trình độ để phát triển nông nghiệp. Song ai sẽ là người chuyển giao công nghệ, ai sẽ là người trực tiếp làm việc trên những cánh đồng công nghệ cao, trong những khu vườn nhà kính? Lĩnh vực này phải được vận hành bởi “nông dân trí thức”. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao và đào tạo kỹ năng cho nông dân là việc cấp thiết.

Doanh nhân Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH tư duy đầu tư nông nghiệp dựa trên tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam và sử dụng công nghệ đầu cuối của thế giới ở cả mảng khoa học kỹ thuật và khoa học quản trị. Bà nói: “Công nghệ cao và khoa học quản trị đan xen vào nhau. Chứ đưa công nghệ vào mà khoa học quản trị kém thì không được”. Và như vậy yếu tố con người ở đây rất quan trọng. TH ban đầu thuê những kỹ sư nước ngoài ở lại làm việc trực tiếp trên nông trại của mình bên cạnh đó chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận tiếp thu và chuyển giao công nghệ. Đến nay phần lớn các công đoạn chính của trang trại bò sữa tươi sạch của TH đã được chuyển giao cho các kỹ sư và nông dân Việt. Song không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực và sự kiên quyết của người lãnh đạo như TH.

Sự phát triển nông nghiệp trong đường dài chỉ có thể bền vững khi dựa vào nền tảng chính là nông dân với sự san sẻ lợi ích. Trong đó, bên cạnh việc nâng cao vị thế của họ trong chuỗi tiêu thụ bằng việc thay đổi tập quán thói quen canh tác, giúp họ có thị trường tiêu thụ ổn định nhờ liên kết chuỗi thì việc nâng cao nhận thức, giáo dục người nông dân trên nền tư duy hiện đại cần có sự hỗ trợ của Nhà nước bằng việc vào cuộc của các cơ quan chính sách.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chính sách phát triển kinh tế đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và gấp đôi thu nhập của nông dân Nhật Bản trong vòng 10 năm và có chương trình đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao trong đó ưu tiên hỗ trợ nhân lực làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Trung Quốc hiện có khoảng 300 trường đào tạo nghề nông nghiệp, trong đó có 134 trường cao đẳng, người học trong các cơ sở này được miễn học phí và có thể được trợ cấp từ nhà nước.

Quyết tâm của Chính phủ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang nhen lên một cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế, câu hỏi tìm đâu ra nhân lực công nghệ cao cần câu trả lời thỏa đáng. Đó mới là chìa khóa để ước mơ nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta trở thành hiện thực.