Nhân cách thương hiệu Việt

Những ngày sát Tết Mậu Tuất 2018, thương trường ta bỗng lành mạnh nổi sóng, bởi có một thương hiệu lớn ở TP Hồ Chí Minh vừa được một tỷ phú người Thái mua lại với số tiền cả tỷ đô-la Mỹ. Thương hiệu thuần Việt này lừng danh về đồ uống, sở hữu một kiểu chai khá độc đáo. Khách nhậu chỉ cần kêu, cho một chai bia “lùn” nhé, thì lập tức nhà hàng mang ra một sản phẩm đúng ý.

Nhân cách thương hiệu Việt

Hầu hết các tờ báo lớn trong nước, sau khi khách quan phân tích, đa phần đều khen đấy là một thương vụ hoàn hảo có lãi, tất nhiên có kèm đôi chút tủi thân xót xa. Và từ tín hiệu mang vẻ “tốt lành” này, đã nhiều ông chủ người nước ngoài tiếp tục thừa thắng nhòm ngó thôn tính những nhãn hàng có tiếng khác của thị trường nội địa Việt. Kể sơ như vậy để có thể khẳng định rằng, các doanh nhân Việt cả trong và ngoài quốc doanh, đã và đang tạo ra được những thương hiệu đầy khả tín. Có điều ở đây, niềm vui và nỗi buồn lẫn lộn tồn tại.

Thật ra, với những chủ trương sáng suốt của Chính phủ kiến tạo hiện hành, thì việc thoái vốn ở những doanh nghiệp nhà nước không còn làm ai ngạc nhiên nữa. Nền kinh tế Việt cần phải đổi thay. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2017, chúng ta hoàn thành toàn diện và vượt mức 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tăng trưởng GDP đạt 6,81%, mức cao nhất trong gần mười năm qua. Tuy nhiên, dư luận vẫn băn khoăn, vẫn lo lắng. Vì phải thăng trầm vất vả lắm, đã quá lâu rồi người Việt mới có chắc chắn những thương hiệu làm của để dành cho riêng mình. Bởi sâu xa cùng lịch sử, hình như trong thăm thẳm vô thức Việt, đã tồn tại một thói quen “trọng nông ức thương”. Có phải vậy chăng mà nước Việt từ xưa đến nay, chưa bao giờ được gọi là một nước giàu, kể cả theo một nghĩa tương đối hẹp, đấy là được ăn ngon, được mặc đẹp. Cho dù sẵn có một khả năng văn hóa, một tiềm năng tài nguyên, thế nhưng đo đếm thu nhập bình quân trên đầu người quy ra thóc vẫn luôn loay hoay thấp.

Một quốc gia muốn giàu mạnh, đương nhiên phải có một đội ngũ doanh nhân hùng hậu. Và hiển nhiên, trong nền kinh tế thị trường đang được xã hội hóa như bây giờ, thì vai trò của từng cá nhân là vô cùng lớn. Nói chung, một thương hiệu, nhất là của tư nhân muốn bền bỉ chính danh, luôn phải gắn với một tên tuổi của một doanh nhân đàng hoàng nào đó. Nhân cách của thương nhân sẽ khẳng định nhân cách của thương hiệu. Họ hoàn toàn không phải là cái kiểu người chỉ biết hùng hục kiếm tiền rồi nhân một ngày đẹp trời nhân văn đi làm từ thiện. Họ phải là những người có tâm có tầm, có lòng nồng nàn yêu quê hương đất nước. Tuy họ có nhà cao xe đẹp nhưng luôn đau đáu mong những người chung quanh cũng sẽ được giống như họ. Và hơn hết, họ phải có nghĩa vụ tạo ra hình ảnh chính đáng về chính họ, một lớp thương gia sẽ là niềm tự hào của một dân tộc. Nhưng có điều buồn bã là cho tới tận ngày nay, có thể nói, vẫn hiếm hoi các thương gia Việt minh bạch thành danh. Cho dù tạp chí đương đại đầy uy tín Forbes, liên tục điểm những tỷ phú đô-la người Việt, thì trên thực tế thị trường trong nước và thế giới, thương hiệu đích thực của mấy “đại gia” này vẫn luôn chập chờn lúc ẩn lúc hiện.

Hình như vấn đề ở đây là cốt cách văn hóa. Một thương gia lớn bắt buộc phải sở hữu một tầm văn hóa cao. Tuyệt đối không phải là chuyện bằng cấp. Những thương gia lỗi lạc đương đại như Steve Jobs hay như Bill Gates là những tấm gương sáng. Ngày xưa, cũng chưa xưa lắm, khi người Pháp mới vào thực dân thì ở ta cũng đã manh nha xuất hiện những người hao hao như vậy. Họ là những nhà buôn thật danh thật sự giàu, thường được sách báo trân trọng gọi là tư sản dân tộc. Đó là những Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi hay Nguyễn Sơn Hà... chẳng hạn. Họ đại diện cho một thế hệ thương gia tương đối ưu tú, vừa đĩnh đạc sang vừa luôn đồng hành với những bước đi của cả dân tộc. Việc thương gia Trịnh Văn Bô đã hiến hàng nghìn cây vàng ngay trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến kiến quốc chống thực dân Pháp, luôn là một câu chuyện cảm động. Tất nhiên, họ sở hữu một tài sản đáng kể vì biết cách giỏi giang đàng hoàng trung thực làm kinh tế. Và những “thật” thương gia biết sang, biết giàu đẫm đầy văn hóa đấy, chính là một trong vài nguồn tạo nên nền tảng một tầng lớp tinh hoa, bay bướm chữ nghĩa thì gọi là quý nhân. Và chính những quý nhân này sẽ là động lực thúc đẩy cho xã hội thoát nghèo. Rồi thật đáng tiếc, do xô đẩy của những khách quan lịch sử, các thập kỷ tao loạn tiếp theo ở ta đã làm phôi pha mất dần những cái gọi là “quý nhân thương gia”.

Nhiều người có tiền đang loay hoay tạo dựng thương hiệu ở ta bây giờ, vẫn duy trì một lối sống mà báo chí kêu là “trọc phú”. Bọn họ thường đo nhân cách của nhau bằng sổ đỏ hay sổ tiết kiệm. Nhà họ cũng treo tranh, cũng đôi khi có tủ sách, nhưng tranh thì chép còn sách thì toàn quyển xanh đỏ bìa cứng dầy bình bịch dạy các phương pháp làm giàu. Nói chung, giới doanh nhân thường trọng thực ít kẻ ngụy danh giả hình nên hôm nay đang âm thầm phấn đấu trèo lên vị trí đầu. Cũng xứng đáng thôi, vì đa phần bọn họ vừa biết làm tiền lại vừa biết làm thơ. Không kể quá đông những người mẫu hay hoa hậu đã là vợ của họ, thì nhiều nhân vật điển hình trong văn học đã là chính họ, nhiều nông dân và công nhân đã đi làm thuê cho họ, thương gia đang và sẽ bồng bềnh “nổi”. Ở căn chất, thương gia khác xa nghệ sĩ, có lợi mới miễn cưỡng kiếm danh. Phương châm truyền thống vẫn là phú quý rồi mới sinh lễ nghĩa. Khi quyên bạc giúp đỡ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, khác với các ca sĩ, hầu như mặt họ nửa vui nửa buồn. Tuy họ đôi lúc huênh hoang nhưng phần lớn đều thích “ngậm miệng ăn tiền”. Rồi ngay cả những người khao khát mong thành những “thương gia quý ông” thì cũng nhanh chóng làm người khác bàng hoàng vỡ mộng. Ví như cách đây chưa lâu có một thương gia hành nghề buôn lụa. Ông ta hay hiện hình lên ti-vi nói những lời có cánh về văn hóa doanh nhân và về cách trung thực tạo ra thương hiệu. Thế nhưng trong một ngày xấu trời, chợt ông thấp thoáng lộ nhân cách của một gian thương. Gạch đá trên “phây búc” ném vào khăn đội đầu của ông ta cả tạ. Thương gia ở ta quả là đáng thương. Thảo nào thang bậc trong xã hội phong kiến Việt xếp theo thứ tự “Sĩ, Nông, Công, Thương”, bọn họ luôn đứng thứ bét.

Chính vì thế mà liên tục những năm gần đây, mọi cấp mọi ngành ở ta đều ra sức xây dựng một hình ảnh về doanh nhân đích thực. Bởi trước khi gây dựng một thương hiệu “hàng” thật thì phải có một thương gia “người” thật. Không phải ngẫu nhiên mà nhân cách doanh nhân ở ta ngày nay đã được cả xã hội tôn trọng khác xưa rất nhiều. Sẽ vĩnh viễn không còn cái thứ tự cổ hủ kể trên nữa. Hiển nhiên, văn hóa vẫn là đầu tàu, nhưng song song với nó, vai trò của các doanh nhân ái quốc tài cao học rộng là vô cùng lớn.

Thế nhưng, nếu hiểu một cách rộng mở thì khái niệm “thương hiệu Việt” không hẳn là “đặc sản” của những người chuyên làm kinh tế. Nó đàng hoàng có thể xuất hiện ở thể thao, ở nghệ thuật đại chúng, và đặc biệt ở nhiều lĩnh vực giải trí... Để có một thương hiệu Việt đích thực mang tầm nhân loại và ngang tầm thời đại, thì đó sẽ phải là nỗ lực chung của toàn xã hội. Nhân cách của nó phải lồng lộng nhân cách của cả dân tộc. “Người Việt nên dùng nhãn hàng Việt”, đừng bao giờ là sáo ngôn. Và để biến cái khẩu hiệu tuyệt vời này thành hiện thực, những doanh nhân Việt có nhân cách, có nhân văn, có nhân bản, xứng đáng lĩnh ấn tiên phong.

Trước khi gây dựng một thương hiệu “hàng” thật thì phải có một thương gia “người” thật.