Người làm cầu nối cho các thương hiệu quốc tế

Người ta thường nghĩ các doanh nhân thành đạt mới chính là những người mang về cho đất nước các thương hiệu quốc tế. Tuy nhiên, có những luật sư đã và đang âm thầm đứng phía sau làm cầu nối cho các thương vụ. Trần Mạnh Hùng (sinh năm 1974) là luật sư được nhiều khách hàng biết đến trong vai trò như thế. Hiện nay anh là Luật sư Điều hành Công ty luật Quốc tế BMVN, thành viên của Baker McKenzie.

Nhân Dân hằng tháng có cuộc trò chuyện cởi mở với anh về thương hiệu quốc gia dưới góc nhìn của luật sư.

Luật sư Trần Mạnh Hùng trao đổi với phóng viên Nhân Dân hằng tháng.
Luật sư Trần Mạnh Hùng trao đổi với phóng viên Nhân Dân hằng tháng.

Tạo thương hiệu cá nhân từ sự khác biệt

Anh bắt đầu nghề luật sư như thế nào? Những năm 90, sinh viên ra trường rất khó xin việc, cơ duyên nào anh được một công ty luật danh tiếng như Baker McKenzie tuyển dụng và sau đó còn được tin tưởng giao trọng trách lớn tại Việt Nam?

Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường ở một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Ngay từ những năm tháng còn là học sinh chuyên văn tại Trường PTTH Chuyên Phan Bội Châu, tôi đã có ước mơ trở thành luật sư. Ra trường, như rất nhiều sinh viên thời đó, tôi long đong tìm việc, trải qua những tháng ngày đi nộp hồ sơ tuyển dụng rồi về phòng trọ chờ đợi. Không có một hồi âm nào nhưng tôi không nản. Tôi nghĩ, cơ hội không đến với mình thì mình phải đi tìm nó. Sau đó, qua một luật sư Mỹ, tôi biết Baker McKenzie là một trong những công ty luật lớn nhất thế giới, hoạt động tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, với đội ngũ luật sư đa dạng, từ đầu tư, thuế, tài chính, hàng không, tranh tụng và đặc biệt là cả sở hữu trí tuệ. Tôi ao ước được làm việc tại đây và đã vượt qua những mặc cảm để đến gặp lãnh đạo công ty, trình bày nguyện vọng, những ý tưởng, những năng lực mà tôi tin tôi làm được để thuyết phục họ trao cho tôi cơ hội. Quả thực là khá khó khăn nhưng cuối cùng tôi đã đạt được kế hoạch của mình. Tôi được tập sự tại Baker McKenzie Việt Nam vào năm 1997. Tất nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu đầy cơ duyên và có chút may mắn. Sau đó là cả quá trình gian nan, nỗ lực của bản thân. Điều quan trọng là cho dù khó khăn đến mấy tôi cũng không tuyệt vọng, buông bỏ. Tôi luôn nghĩ, nếu không bắt đầu từ hôm nay, ngày mai khi bình minh đến, mọi việc có thể đã quá muộn.

Và anh đã gây dựng được thương hiệu cá nhân như thế nào?

Khi đó, là một sinh viên mới ra trường tôi gặp rất nhiều trở ngại: thiếu kinh nghiệm, chưa có nhiều mối quan hệ, không có điều kiện kinh tế, thể trạng thấp bé chỉ nặng 38kg. Nhiều đêm sau giờ làm việc về phòng trọ tôi nghĩ: Làm sao tạo cho mình một vị thế? Nhớ lại lời thầy dạy văn hồi cấp ba nói về lý thuyết của Sê-khốp, về tính cách không trộn lẫn, tôi muốn tôi là một người không trộn lẫn, khác biệt. Trong hàng nghìn luật sư, mình phải khác biệt để khi tiếp xúc với khách hàng, mình gây được cảm tình, sự chú ý cho họ. Khách hàng sẽ đến với người có tính cách nhất, mang lại cho họ một giá trị nào đó. Nghề nào cũng vậy, việc xây dựng thương hiệu cá nhân là quan trọng nhất, để mình không bị trộn lẫn trong một cộng đồng rộng lớn. Khi mình có thương hiệu cá nhân, sự thành công sẽ đến. Tất nhiên, sự khác biệt đó được xây dựng trên cơ sở kiến thức chuyên sâu, sự giao thoa các mối quan hệ và trên hết là cá tính đó, sự khác biệt đó phải hướng tới giá trị nhân văn nhất.

Thương hiệu của anh được nhận diện bởi những điều gì?

Có nhiều khách hàng biết đến tôi hơn, thậm chí cộng đồng luật sư ở nước ngoài cũng biết đến tôi khi họ có nhu cầu đầu tư hoặc bảo vệ thương hiệu ở Việt Nam. Ở mức độ nào đó, tôi đã có một chỗ đứng nhất định bởi kiến thức chuyên sâu và khả năng giao tiếp hiệu quả. Có người từng nhận xét tôi là người có kỹ năng rất khác biệt-kỹ năng inter-personal skills (kết nối giữa con người với nhau). Tôi làm bất cứ việc gì cũng rất tận tâm, từ việc nhỏ đến việc lớn. Khi chăm sóc khách hàng, họ sẽ cảm thấy họ là khách hàng duy nhất của tôi. Hơn nữa tôi có sự nhạy cảm. Nhạy cảm trong nghề luật sư để biết khách hàng đang muốn gì, tránh điều gì, kể cả luật sư của bên đối tác muốn gì và không muốn gì. Những mong muốn đó có phù hợp với xu thế không? Có mang lại lợi ích cho khách hàng không? Nhưng quan trọng hơn hết là những lợi ích đó phù hợp với sự phát triển của xã hội và được xã hội văn minh chấp nhận. Thêm nữa, tính tôi luôn học hỏi, học hỏi ngay cả đồng nghiệp trẻ, mới vào nghề. Nhiều người có cái tôi quá lớn nên không nhận ra những giá trị chung quanh mình, không có xu hướng lắng nghe, họ chỉ nghe cấp trên thôi. Biết lắng nghe cấp trên là tất nhiên rồi, nhưng quan trọng là nghe được cấp dưới. Tôi không bao giờ tự ái, có thể không hài lòng, không thích, nhưng không tự ái.

Thương hiệu cá nhân phải gắn liền thương hiệu quốc gia

Là người đã đồng hành, làm cầu nối cho rất nhiều thương hiệu lớn có mặt tại Việt Nam. Kỷ niệm nào gây ấn tượng, xúc cảm mạnh cho anh?

Năm 2005, khách hàng của chúng tôi là một công ty thời trang rất lớn của Pháp muốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng. Tôi và một đồng nghiệp của mình nghiên cứu các quy định liên quan, trong đó quy định Việt Nam dành cho thành viên khối liên minh châu Âu mở một cơ sở bán lẻ tại Việt Nam. Một năm trời mới xong thủ tục pháp lý nhưng tôi cảm thấy hứng thú là mình đã biến được một điều luật khô cứng thành một dự án có lợi cho khách hàng, công ty có thêm doanh thu từ nguồn phí tư vấn. Cho đến giờ khách hàng vẫn biết ơn vì biến một điều tưởng như không tưởng thành sự thật, nếu không thì họ không thể kiểm soát được chất lượng hàng hóa thông qua kênh bán lẻ khác. Thậm chí, hàng của họ có thể bị trà trộn hàng giả. Tôi nhớ không nhầm thì đây là công ty đầu tiên của Pháp và cũng là công ty nước ngoài đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ.

Người làm cầu nối cho các thương hiệu quốc tế ảnh 1


Luật sư Trần Mạnh Hùng cùng các cộng sự trong một buổi làm việc.

Sau khi hoàn tất công việc này tôi được các thương hiệu lớn của thế giới biết đến. Đa số các thương hiệu cao cấp vào Việt Nam tôi đều tham gia tư vấn và kết quả là một loạt cửa hàng bán lẻ cao cấp hiện nay đã có mặt tại Việt Nam, nhưng vì lý do bảo mật thông tin tôi không tiện nêu tên ở đây.

Trong quá trình tư vấn, khách hàng thường lo ngại nhất điều gì và anh giải quyết điều đó như thế nào?

Khách hàng của tôi thường quan ngại nhất là vấn đề quan liêu, tham nhũng. Thứ hai là chồng chéo và không rõ ràng trong các quy định pháp luật. Thứ ba là cách làm việc chưa chuyên nghiệp của những cơ quan công quyền. Thứ tư là việc thực thi pháp luật không minh bạch. Tôi hiểu rằng không chỉ Việt Nam, mà rất nhiều quốc gia vùng Đông - Nam Á đang phải đối mặt với những vấn đề trên, chẳng hạn như Lào, Cambodia, Malyasia, hay Indonesia. Nhưng với vai trò luật sư tư vấn, tôi phải làm sao để họ lựa chọn đầu tư vào Việt Nam chứ không phải là nước khác. Nếu mình không đưa ra lý do về mặt pháp lý thuyết phục thì họ sẽ không chọn Việt Nam, đất nước mất đi một nhà đầu tư tốt, còn mình thì mất đi một khách hàng. Khó khăn nhất là thuyết phục khách hàng bằng những căn cứ pháp lý. Tôi thường tìm ra những căn cứ pháp lý mà ở đó luật sư có thể tìm ra được những “nút thắt”, những “gợi mở” để khách hàng tìm thấy cơ hội đầu tư. Những gì pháp luật không cấm thì mình vận dụng, có ý kiến chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước để từ đó mình tư vấn giúp họ. Tôi nhìn thấy cơ hội trong thách thức và tôi cũng nhìn thấy thách thức trong cơ hội. Chính vì lẽ đó, tôi thường đặt tôi vào vị trí khách hàng, đặt mình vào người trong cuộc như khách hàng để nghĩ về công việc của họ. Và thậm chí, nhiều lúc phải đặt mình vào vị trí của các cán bộ cơ quan cấp phép để suy nghĩ, tìm ra giải pháp vừa không trái luật, vừa thuyết phục được khách hàng.

Dù ở phương diện nào thì chúng tôi cũng luôn đặt tính tuân thủ lên hàng đầu. Chúng tôi chủ động tổ chức các hội thảo để nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước có cơ hội trao đổi, tháo gỡ vướng mắc. Khi có một quy định mới, nếu xét thấy tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh của khách hàng chúng tôi, hoặc trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia thì chúng tôi luôn chủ động thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các khách hàng của mình. Chúng tôi mong muốn đóng góp một phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua những hoạt động cụ thể này.

Là luật sư có 20 năm tiếp xúc với các cơ quan Nhà nước để làm thủ tục cho doanh nghiệp, theo anh cơ quan nhà nước cần làm gì để bảo vệ thương hiệu quốc gia?

Thương hiệu quốc gia là một khái niệm lớn. Nhưng tôi nghĩ nó bắt đầu từ những cá nhân cụ thể, bắt đầu từ những công ty, nghiệp đoàn và các cơ quan quản lý. Ở một góc độ nào đó, tôi hiểu rằng một số nhà đầu tư bất mãn, họ truyền tai nhau về môi trường đầu tư không tốt, họ khoác những thứ trông thật tệ hại lên thương hiệu quốc gia của chúng ta. Tôi nghĩ nếu đánh đồng như vậy thì cũng bất công quá. Đành rằng ở đâu đó vẫn còn thói cửa quyền, cán bộ cho mình “quyền sinh, quyền sát” nhưng cũng có nhiều nơi có những cán bộ biết lắng nghe dân, lắng nghe doanh nghiệp.

Nhưng có một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận là ý thức bảo vệ thương hiệu quốc gia trong các cơ quan công quyền đang có vấn đề lớn. Hãy nghe các trao đổi ở những nơi cấp phép giữa cán bộ và dân, hãy nhìn cách tiếp dân của cán bộ tôi nghĩ chúng ta sẽ nghiệm thấy khá nhiều điều thú vị. Không rõ là chúng ta đã có những nghiên cứu hành vi về những vấn đề này chưa? Tôi cho rằng nếu có những nghiên cứu như vậy thì kết quả sẽ làm chúng ta phải suy nghĩ! Tại công ty tôi, nhân viên phải qua thời gian đào tạo, để họ tự hào về thương hiệu của mình, họ ý thức là một bộ phận kết nối để thương hiệu được thắp sáng. Sống trong một tập thể như vậy, họ sẽ tự hào và ý thức phải làm gì đó tốt hơn cho công ty. Cơ quan nhà nước với cơ chế chưa thu hút được nhân tài, trả lương chưa thỏa đáng thì giữ gìn, bảo vệ thương hiệu quốc gia đối với họ là chuyện quá xa vời. Thương hiệu quốc gia được tạo nên bởi thương hiệu của cá nhân. Luật sư có thể đang làm một phần ba công việc của một thương hiệu quốc gia là tư vấn, giao tiếp hiệu quả đến các nhà đầu tư để họ yên tâm đầu tư vào Việt Nam và tiếp tục giúp đỡ họ để họ không bị “vỡ mộng”, đầu tư tiếp. Còn hai phần ba công việc là việc của Nhà nước. Các cơ quan nhà nước phải thay đổi cơ chế, tuyển dụng người giỏi vào làm, trả lương xứng đáng để họ thấy quyền lợi cá nhân của họ gắn liền với quyền lợi quốc gia, thương hiệu của họ gắn với thương hiệu quốc gia.

Thực tế, tôi cho rằng vẫn có nhiều khách hàng có ý định đầu tư vào Việt Nam vì Việt Nam không chỉ có thị trường nhân công giá rẻ, giá thuê đất thấp hơn các nước trong khu vực, tình hình chính trị ổn định mà hơn thế lực lượng lao động của chúng ta có kỹ năng làm tiểu tiết. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư muốn đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu ra thế giới. Trong bối cảnh chính trị toàn cầu đang bước vào những giai đoạn khó khăn, không thể đoán định thì nhiều nhà đầu tư đang mong muốn phân tán rủi ro bằng việc đầu tư vào những quốc gia có môi trường chính trị ổn định như Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không nên ỷ lại vào những cơ hội đó. Bởi lẽ, những cơ hội đó chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ vẫn phải là các quy định pháp luật rõ ràng, quy trình cấp phép minh bạch. Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta đang có cơ hội để quyết định về sự phát triển của mình và tôi tin rằng, Chính phủ cũng đang trong quá trình biến những điều kiện này thành hiện thực.

Trân trọng cảm ơn anh với những chia sẻ cởi mở!

Với những nỗ lực “khác biệt”, Trần Mạnh Hùng từng giành nhiều giải thưởng danh giá, như: Giải thưởng Cá nhân dẫn đầu năm 2015 của World Trademark Review 1000; xếp hạng Vàng năm 2016 của World Trademark Review (Tạp chí Đánh giá Thương hiệu Thế giới): Giải thưởng Managing IP “IP Star” năm 2016 của Tạp chí Managing Intellectual Property...
Baker McKenzie là một trong những công ty luật lớn nhất thế giới, ra đời tại Chicago năm 1949. Baker McKenzie có 77 văn phòng tại 47 quốc gia. Baker McKenzie có mặt tại Việt Nam từ năm 1993. Công ty có 6.076 luật sư trên toàn cầu. Doanh thu năm tài chính 2017: 2,67 tỷ USD.