Người đàn bà “cầu cạnh bút nghiên”


“Ngay cả đi bộ/ Câu thơ lẽo đẽo theo sau/ Ngay cả lên tàu/ Câu thơ chập chờn mưa tuyết/ Ngay cả khi bay nghiêng/ Ẩn ức, chập chờn như ánh sao, chập chờn như ánh đèn/ Tôi cầu cạnh bút nghiên/ Run rẩy viết...”. Tôi thường cảm giác nhói lòng khi đọc lại những câu thơ này của nhà thơ Hoàng Việt Hằng, người mà tôi thường gọi là U Hằng. U Hằng đứng tuổi, tóc trắng như mây trời, cả một đời chỉ “cầu cạnh” con chữ, có vẻ như “âm lịch” và chẳng ăn nhập gì với thời buổi rầm rập tốc độ ngoài kia. U Hằng một buổi trưa đi bộ tới quán cà-phê, mang cho tôi tập thơ vừa xuất bản, khuôn mặt hồn nhiên như người nông dân vừa về từ cánh đồng.

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng.
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng.

“Cầu cạnh bút nghiên”- có mấy người trong vội vã hôm nay còn có thể chia sẻ được tâm trạng đó của một người làm thơ, viết văn, viết báo như U Hằng.

Kiếm sống bằng nghề cầm bút từ trong quá khứ tới hôm nay chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, “cơm áo không đùa với khách thơ”, chứ đừng nói chuyện làm giàu. Bởi thế, đa số người cầm bút kiêm luôn đời công chức, để còn có một khoản lương lĩnh hằng tháng, còn có lương hưu lúc về già. Nhưng U Hằng thì không có lương hưu, đã bỏ đời công chức từ lâu vì muôn vàn lý do, và từ đó mưu sinh bằng con chữ. Người đàn bà ấy đã “cầu cạnh bút nghiên” để sống, để gửi gắm, nương tựa và ký thác. Nhưng trước khi gửi gắm, nương tựa và ký thác, là phải sống đã, phải tồn tại, phải trang trải những hóa đơn cuộc đời, bằng tiền. Và tiền là nhuận bút, từ chữ. Chữ làm nên thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, những tạp bút ngắn dài. Kiếm sống bằng chữ, tôi nghĩ nó còn nhọc nhằn hơn nghề kiếm củi, nghề đào hầm lò hay công nhân dọn rác. Người cầm bút phải đánh đổi những đêm quầng thâm mất ngủ, những đêm múc cạn ưu phiền đổ lên trang giấy, sáng ra người như chiếc bã mía, cho chữ hiện hình, đổi về những đồng nhuận bút còm. Với một số người viết có điều kiện cuộc sống tốt hơn một chút, nhuận bút là để những buổi cà-phê nhìn lá rơi trên mặt hồ, trò chuyện tào lao với bạn bè. Nhưng với U Hằng thì khác: “Chính em cũng ngạc nhiên/ phải viết thôi, anh ốm/ nhuận bút lo tiền điện/ nhuận bút lo ống truyền/ không ngờ những ưu phiền/ viết từng ngày để sống...”. Đấy là khi người bạn đời của U Hằng, nhà văn Triệu Bôn còn trên cõi đời này và bị ốm. Còn khi người bạn đời mất đi, viết với U Hằng là: “Những ngày làm lữ thứ tha hương/ Đi viết nuôi con/ Như người mẹ đi nương/ Rắc ngô và rắc lúa/ Tôi cày trên đồng chữ”.

Nuôi con, nuôi mình, nuôi buồn vui, bằng chữ và vượt lên trên chữ là để yêu lấy cuộc đời, yêu lấy con người, không than vãn, oán thán. Để cuối cùng người đàn bà lặn lội trên cánh đồng chữ chợt nhận ra “Hẹn gì với những đam mê/ Mà em bùa ngải viết thuê lần hồi”. Phải, có lúc thật sự là viết thuê đấy, chỉ để kiếm nhuận bút thôi, nhưng rồi càng viết càng nhận ra sự mê hoặc của chữ. Giây phút nhìn thấy tính “bùa ngải” của chữ, ngay trong việc viết thuê lần hồi kiếm sống chính là giây phút U Hằng ngộ ra đời mình đã buộc vào chữ, như một cơ duyên, một sự mắc nợ, một cái nghiệp. Đó là chốn duy nhất để U Hằng có thể “cầu cạnh”, không còn lựa chọn nào khác, không còn bến bờ nào khác: “một mình xây nhà/ một mình sinh nở/ một mình một thuyền trên cạn/ một mình đối mặt vận hạn/ may ra còn câu thơ nằm lòng...”.

Tôi vẫn thường hình dung, nếu cuộc đời cho phép, cuộc sống dễ thở ít lo lắng cơm áo đời thường, U Hằng có thể triền miên trên đường. Đi, với U Hằng là bước tới, để chạm trái tim gần hơn hương lúa chín, chạm tay tới thân tre vàng, chạm được vào khói củi. U thấy mình còn, vẫn còn run rẩy trước thiên nhiên, còn đắm đuối với những ngón chân màu đồng ngàn ngày lội dưới đồng chiêm trũng. Thiên nhiên đã cứu rỗi U mỗi lúc đuối lòng. Và đi, với U Hằng vô cùng cần thiết cho việc viết. Viết báo, viết tiểu thuyết, viết truyện ngắn cần đi đã đành, nhưng ngay cả với thơ, cũng cần đi mới viết được. Thơ U Hằng không có cái nổi nênh buồn tâm trạng của một người ngồi trong căn phòng của mình. Thơ U Hằng là đời sống ngoài kia, với bao phận người U Hằng gặp trên đường. Đó là nỗi lòng tái tê của một người vợ, đã quyết bán tất cả nhà cửa cứu chồng bệnh hiểm nghèo trong bệnh viện, và khi từ bệnh viện trở về đối mặt với câu hỏi thắt lòng: “các con sống bằng gì/ sẽ ở đâu/ sẽ làm gì để lấy tiền mua thuốc/ trong bước đi người vợ trẻ/ nước mắt như vò nhàu”. Đó là em bé hái chè ở Đại Từ, Thái Nguyên sống cùng bà ngoại vì “Bố bỏ đi rồi, mẹ con chết trẻ”. Đó là hình ảnh người lính Việt ở Alang Chary hay sự hồn nhiên của em bé chăn cừu ở Nepal làm tan đi mọi chết chóc... Nhiều lắm, không thể kể ra hết những tên người hay những địa danh mà U Hằng ký gửi vào thơ. Đó là những nơi U Hằng đã đến, những con người U Hằng đã gặp. Kể chuyện về họ bằng thơ là cách để U Hằng viết tình yêu con người của mình lên đó. Trái tim thi sĩ của U Hằng nhạy cảm, luôn xúc động trước những phận người bé nhỏ, những con người thua thiệt trong cuộc đời. U Hằng ham đi còn để thấm muôn nỗi nhân tình thế thái, có lúc tuyệt vọng: “nhân vật thì đã chết/ mà cứ ngồi nhớ nhung/ người tốt thì đã mất/ buồn tan dọc sống lưng”. Và có lúc hân hoan niềm vui sống khi nhận ra: “đời chắc vậy có những người lặng lẽ/ vẫn quên mình khi khốn khó chìa tay...”. Tâm thế làm thơ của U Hằng là vượt khung ra khỏi cửa sổ đời mình, nhìn vào đời người để bộc lộ những chiêm nghiệm cá nhân. U Hằng chỉ dành một góc nhỏ cho tình riêng, không muốn làm quá lên bởi tự nhận thấy: “những nỗi đau riêng rất nhỏ/ trên ngàn cây số sau lưng”. Mặc dù vậy, những câu thơ tình riêng của U Hằng vẫn ám ảnh người đọc nhất. “Mười năm không khóc tủi hờn/ Chỉ mong không ngã đường trơn mấy lần”, hay: “em cũng như rêu/ không cho mình phận bạc/ đã trăng vàng/ vằng vặc ướp mưa thu...”.

Thơ hay bởi buồn đau thật - tôi không mảy may nghi ngờ điều này. Buồn đau thì sung sướng gì và buồn đau ai cần phải lựa chọn? Ai cần chi đánh đổi những câu thơ cho người đời cảm cái hay còn mình nhận lấy buồn đau? Vì không giải thích được nên người ta nói những kẻ làm thơ là “giời hành”, “giời bắt”. Và tôi nghĩ, những ai may mắn không phải chịu những u buồn, tại sao phải cố làm thơ, trừ khi họ muốn tí son phấn lớp lang không nói. U Hằng có đôi vai rộng hơn 40cm, rất khó để may đo áo dài. Nhưng đôi vai ấy rộng là để gánh những gánh nặng số phận, gánh nỗi buồn trời định và không chỉ vậy, còn phải giữ cho nỗi buồn luôn Xanh: “Em đã gói kỷ niệm/ gói giọt sương trên lá sen khô/ Gói cả anh và tình yêu hai ta xưa/ nhưng gói mãi đến mùa xuân phải mở/ cho nỗi buồn không héo khô...”. Những câu thơ như vậy của U Hằng khiến tôi nhìn ra giá trị của nỗi buồn, kính trọng nỗi buồn vì những gì nó có thể tưới tắm lên hồn người.

U Hằng vừa xuất bản tập thơ thứ 8 mang tên “Em đã đốt thơ tình anh tặng”, và là cuốn sách thứ 20 gồm nhiều thể loại khác nhau. Gần một đời cầm bút, viết từng đấy cuốn sách đủ biết cuộc “cầu cạnh chữ” của U Hằng định mệnh thế nào. U Hằng bảo, ở tuổi này, không còn quá quan trọng việc in sách, nhất là in thơ. Xuất bản một cuốn thơ phần lớn tác giả phải tự bỏ tiền, mà u thì đâu có dư dả tài chính. Nhưng rồi U Hằng vẫn in, vẫn “xiêu lòng” vì bạn đọc. “Có những bạn đọc tri kỷ cứ hối thúc u in sách. Họ gửi mail, viết thư động viên, thế là u dại dột mang tất tiền chữa bệnh làm sách. May mà sách in xong được bạn đọc thương, bán hết, lại thu được tiền về chữa bệnh. Chữa bệnh xong lại đi, lại viết. Con ạ, với u giờ niềm vui đơn giản lắm. U không thấy có gì quan trọng nữa cả, u chỉ cảm thấy mắc nợ nhất là lòng tốt, người tốt, người tử tế thôi. Ở đâu đó họ còn đọc mình, còn dõi theo mình, còn nhớ đến mình là mình đã thấy đủ, thấy chạm tới hạnh phúc đời người. Mình muốn viết vì những người đọc như vậy” - U Hằng cười, tóc bạc trắng trên đầu nhưng đôi mắt vẫn lấp lánh trẻ thơ.

Với U Hằng, còn viết là còn “mắc nợ” và còn “mắc nợ” là còn viết. Bởi vì cuộc đời có dẫu có dâu bể ra sao, những điều đẹp đẽ vẫn luôn vẫy gọi, cho con người lý do để tiếp tục. Như những câu thơ lay động tình người: “Giấy bút nào xóa đi cho được/ một tên người một địa chỉ email/ chỉ cần delete thì xóa mãi/ nhưng trái tim trong ngực đang cãi/ xóa đi người tử tế dễ đâu...”.