Người “cược” cuộc đời cùng cây nấm

Câu chuyện khởi nghiệp cùng nấm của Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty cổ phần Nấm Việt (Tây Sơn, Hà Nội) trở thành giai thoại trong làng nấm với điệp khúc cười ra nước mắt: Dồn tiền xây xưởng - chết lâm sàng, làm lụng cật lực dồn tiền xây xưởng, lại chết... Vật vã “lên bờ xuống ruộng”, nhưng bằng nguồn năng lượng dồi dào tiềm ẩn, Quỳnh sống chết cùng cây nấm với tinh thần một chiến binh quả cảm. Đối với anh, cây nấm hiện diện như một phần tất yếu cuộc sống...

Anh Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty cổ phần Nấm Việt.
Anh Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty cổ phần Nấm Việt.

Ngã rồi đứng lên

Chàng trai trẻ mở đầu câu chuyện khởi nghiệp bằng một kỷ niệm buồn. Nguyễn Ngọc Quỳnh có một người anh trai vốn là kỹ sư nông nghiệp. Sau biến cố lớn vì tai nạn giao thông, khả năng lao động của anh bị ảnh hưởng nặng nề. Đó là thời gian anh suy nghĩ nhiều về nghề trồng nấm. Vừa làm thuê vừa học hỏi, rồi anh quyết định về quê hương, vốn là vùng có quỹ đất rộng rãi, mở xưởng sản xuất nấm, chủ yếu là nấm sò và nấm rơm. Đó là năm 2009. Chỉ mới hoạt động được hơn một năm thì anh mất. Thời điểm đó, để trồng được cây nấm rơm thành công đến kỳ thu hoạch còn rất khó. Nhìn cơ ngơi nhà xưởng còn dang dở của anh trai, Quỳnh lúc đó mới tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, quyết định tiếp quản.

Nấm Việt thời đó còn sơ khai, không có những nhà sản xuất lớn, người tiêu dùng cũng không biết nhiều về sản phẩm. Xưởng sản xuất được một thời gian vì ít mối quan hệ, nguồn cung lại thất thường theo thời tiết, nguồn cầu càng khó đoán định hơn, nên hoạt động của công ty ảm đạm. Chật vật duy trì được hơn hai năm thì ông chủ quyết định cho nhà xưởng tạm thời “đắp chiếu”, và đi làm thuê cho công ty nhập khẩu nấm để tìm hiểu kỹ hơn về thị trường, đường đi nước bước trong kinh doanh. Vỡ vạc ra nhiều thứ, vẫn còn đau đáu với nấm, đặc biệt là khi nghĩ về người anh trai xấu số,... Quỳnh lại quay về với cây nấm. Lần này, tiến hành công việc một cách bài bản hơn, Quỳnh rà soát lại toàn bộ nhà sản xuất trong nước, thiết lập lại mối quan hệ trong kinh doanh, khảo sát kỹ càng cả cung và cầu. Quỳnh giành dụm đầu tư 800 triệu đồng xây xưởng sản xuất nấm mỡ trong nhà lạnh, trở thành một trong những nhà sản xuất tiên phong đầu tư nhà lạnh để sản xuất nấm tại Việt Nam. Xu hướng thực phẩm sạch nở rộ, cây nấm có chỗ đứng trên các sạp hàng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng của anh vẫn chưa mang lại hiệu quả như ý. Năm 2015 anh lại đầu tư mở xưởng nhà lạnh với chi phí hơn một tỷ đồng vừa kinh doanh vừa sản xuất.

Nguyễn Ngọc Quỳnh sau nhiều bầm dập, càng thấm thía triết lý của người xưa, rằng muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau; Quỳnh đã tập hợp các nhà sản xuất nấm lại, nhìn nhận thế mạnh của từng nhà máy về sản phẩm có thể cung cấp ra thị trường. Công ty Nấm Việt đứng ra tổ chức thành chuỗi các nhà máy sản xuất theo đơn đặt hàng, luôn kiểm soát kỹ càng bởi tiêu chí đặt chất lượng lên hàng đầu. Các sản phẩm nấm mỡ, nấm kim châm, nấm hương đều phải sản xuất trong nhà lạnh, điều kiện sinh trưởng của chúng từ 15 - 24 độ.

Công bằng trong cạnh tranh, trung thực với khách hàng

Đó là câu nói thường trực của Quỳnh trong các cuộc gặp gỡ bạn bè làm ăn, trà dư tửu hậu. Có một thực trạng đáng buồn là tình trạng trà trộn nấm nhập khẩu, nấm không có nguồn gốc xuất xứ được gắn mác nấm Việt đánh lừa người tiêu dùng khá phổ biến trên thị trường. Nhiều công ty, cơ sở sản xuất nuôi trồng nấm được dựng lên nhưng không nhằm mục đích chính là sản xuất nấm. Nguyễn Ngọc Quỳnh là người quyết liệt bài trừ lối làm ăn thiếu trung thực này. Quỳnh khẳng định, bản thân cây nấm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng như người sản xuất ra những cây nấm đó không có lỗi nhưng anh “cực lực phản đối lối làm ăn thiếu trung thực của nhiều cơ sở kinh doanh, đặc biệt là hành vi trà trộn nấm Trung Quốc, đánh lừa người tiêu dùng”. Anh khẳng định, Nấm Việt để có chỗ đứng cần sự minh bạch về xuất xứ, người mua có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng.

Từng là nhân viên kinh doanh của công ty nhập khẩu nấm Trung Quốc chính ngạch, Nguyễn Ngọc Quỳnh luôn khẳng định giá nấm nhập khẩu không hề rẻ. Hiện nay Công ty cổ phần Nấm Việt cung cấp tới thị trường 12 loại nấm khác nhau như nấm đùi gà, nấm hương, nấm kim châm, nấm rơm, nấm sò... Sự chênh lệch lớn giữa giá nấm nhập khẩu không rõ nguồn gốc và giá nấm Việt sản xuất trong nước được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các đơn vị sản xuất, phân phối bất chấp tất cả để trà trộn hàng nhằm mục tiêu lợi nhuận.

Anh đã mời các bên liên quan ngồi lại đối thoại, đối chứng, lập vi bằng, mời cơ quan đại diện pháp luật vào cuộc... kết quả thu về gần như ném đá ao bèo! Đánh nhau với cối xay gió không xong, Quỳnh quay về bảo vệ khách hàng theo cách của mình, phát triển thị trường, mở rộng khách hàng bằng trao đổi trực tiếp và mở rộng mạng lưới đại lý chân rết. Đặc biệt, anh luôn sát sao khâu bảo quản nấm trong điều kiện nhiệt độ thích hợp để cây nấm luôn trong tình trạng tươi ngon, bảo đảm chất lượng nhất.

Sự việc này hiện vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ các bên trong cuộc, các bằng chứng vẫn chưa được xác thực, nên vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều. Mong muốn của người tiêu dùng cũng như các nhà phân phối, nhà sản xuất khác là kiểm chứng công khai, minh bạch thông tin để tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành sản xuất nấm. Bởi bên cạnh một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý ham rẻ, khuất mắt trông coi, thì phần đông người tiêu dùng vẫn mong chờ sử dụng sản phẩm có chất lượng, bảo đảm nguồn gốc rõ ràng.

Nguyễn Ngọc Quỳnh nhiều lần nhấn mạnh quan điểm của anh trên trang cá nhân: Cần nhất là “sự công bằng trong cạnh tranh sản xuất, bảo đảm tính trung thực với người tiêu dùng... bảo đảm quyền tự do chọn lựa cho người tiêu dùng”.

Trong bối cảnh chất lượng và nguồn gốc của thực phẩm luôn là vấn đề nóng bỏng, câu chuyện về nấm Việt gây bức bối trong cộng đồng người tiêu dùng hiện nay, rất cần tiếng nói từ phía cơ quan chức năng để khẳng định chỗ đứng của cây nấm Việt.

Người “cược” cuộc đời cùng cây nấm ảnh 1

Phòng sấy nấm của công ty ít khi hoạt động hết công suất.