Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất - đòi hỏi tất yếu

Triển khai dự án nâng cấp mở rộng (NCMR) Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn nhằm duy trì, phát triển công trình trọng điểm cấp Quốc gia. Qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), tăng độ linh động lựa chọn dầu thô, đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm (Euro V) phù hợp lộ trình áp dụng đối với tiêu chuẩn khí thải của động cơ, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường mới nhất, nâng cao khả năng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời phát huy tối đa cơ sở hạ tầng hiện hữu của nhà máy, đội ngũ nhân lực dồi dào, chất lượng cao và các chuỗi cung ứng dịch vụ vệ tinh.

Một góc công trường bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất.
Một góc công trường bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất.

Tầm nhìn xa

NMLD hiện hữu được thiết kế với công suất 148 nghìn thùng/ngày (tương đương khoảng 6,5 triệu tấn/năm), dầu thô thiết kế là dầu Bạch Hổ (dầu thô ngọt, nhẹ trong nước) và sản xuất các sản phẩm xăng dầu đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm tương đương với tiêu chuẩn Euro 2 hoặc 2M (cao hơn Euro 2 nhưng thấp hơn Euro 3) và tiêu chuẩn môi trường năm 1995. NMLD Dung Quất luôn vận hành liên tục, an toàn, ổn định ở công suất tối ưu, bảo đảm chất lượng sản phẩm. BSR đã nghiên cứu và vận hành tăng công suất của nhà máy có thể vận hành lên 118%, đến nay nhà máy đạt 17,5 triệu giờ công an toàn. Chỉ tính riêng năm 2018, sản lượng sản xuất 8 tháng ước đạt 4,717 triệu tấn; doanh thu ước đạt hơn 73,908 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước ước tính 7,470 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2008 (trước thời điểm NMLD hiện hữu được đưa vào vận hành thương mại), Chính phủ đã có chủ trương giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Lọc-Hóa dầu Bình Sơn (BSR) triển khai các bước nghiên cứu NCMR NMLD Dung Quất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà máy, tăng độ linh động trong việc lựa chọn nguồn dầu thô chế biến (giảm sự lệ thuộc vào nguồn dầu thô Bạch Hổ - ngọt và nhẹ trong nước có sản lượng khai thác giảm mạnh và có xu hướng cạn kiệt từ khoảng sau những năm 2021), đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tương đương với tiêu chuẩn Euro IV và V (phù hợp với lộ trình áp dụng đối với khí thải cho động cơ) và tiêu chuẩn môi trường mới nhất hiện hành.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của PVN, BSR đã thuê Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi chi tiết dựa trên nhiều kịch bản dầu thô khác nhau phù hợp với các phương án triển khai dự án: tự triển khai hoặc liên doanh với các đối tác như PDVSA - Venezuala, JX Nippon - Nhật Bản, GPN - Nga... Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 2579/TTg-KTN về việc thông qua Dự án đầu tư NCMR NMLD Dung Quất theo hình thức tự đầu tư, ngày 22-12-2014, PVN đã có Quyết định số 9016/QĐ-DKVN phê duyệt Dự án này. Ngày 28-8-2015, BSR đã ký hợp đồng thuê Tư vấn Amec Foster Wheeler (AFW) - Vương quốc Anh lập thiết kế tổng thể và ngày 24-3-2017, AFW đã trình BSR Bộ hồ sơ thiết kế tổng thể hoàn chỉnh cho Dự án NCMR NMLD Dung Quất.

Theo thiết kế tổng thể, NMLD Dung Quất được nâng công suất từ 148 nghìn thùng/ngày (tương đương với khoảng 6,5 triệu tấn/năm) lên 192 nghìn thùng/ngày (tương đương với khoảng 8,5 triệu tấn/năm) để chế biến các hỗn hợp dầu thô cơ sở [70% ESPO 346 + 30% Murban (Total 2013)], dầu thô kiểm tra cận trên [70% ESPO 346 + 30% Ả-rập nhẹ], dầu thô kiểm tra cận dưới [50% ESPO 360 + 50% Ả-rập nhẹ] và các hỗn hợp dầu nằm trong dải thiết kế nêu trên, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tương đương với tiêu chuẩn Euro V và đáp ứng tiêu chuẩn môi trường mới nhất hiện hành.

Tất cả các phân xưởng công nghệ bổ sung mới được lựa chọn là các công nghệ tiên tiến nhất đã qua kiểm chứng bằng vận hành thương mại của các Nhà cung cấp bản quyền nổi tiếng đứng đầu trên thế giới như UOP - Mỹ (cho các phân xưởng SDA, NHT2, ALK), Axens - Pháp (cho các phân xưởng GHDT, DHDT), KT - Ý (cho phân xưởng HGU) và JACOBS - Hà Lan (cho phân xưởng SRU).

Ngoài ra, các phân xưởng phụ trợ và ngoại vi cũng được nâng cấp, cải hoán để đáp ứng nhu cầu NCMR của nhà máy, đồng thời bổ sung thêm SPM (phao nhập dầu thô từ ngoài khơi, trên phao có hệ thống ống nổi để bơm dầu) mới cho phép nhập dầu từ các tàu VLCC có tải trọng 300 nghìn DWT nhằm tối ưu hóa chi phí vận chuyển dầu thô và giảm thiểu sự phụ thuộc của nhà máy vào SPM hiện hữu (tăng thêm độ tin cậy vận hành của nhà máy).

Dự án NCMR NMLD Dung Quất có tổng mức đầu tư ước khoảng 1,8 tỷ USD và hiệu quả kinh tế tính toán khi không có ưu đãi thuế dao động từ 8 đến 12% tùy thuộc vào bộ giá dầu thô và sản phẩm được dự báo tại các thời điểm khác nhau. Mặc dù hiệu quả kinh tế không cao (tương tự như hiệu quả kinh tế của các dự án lọc dầu khác trên thế giới nếu không có các chính sách ưu đãi của Nhà nước) nhưng việc triển khai dự án NCMR NMLD Dung Quất rất cần và cấp thiết để bảo đảm sự sống còn của công trình trọng điểm cấp Quốc gia này.

Việc triển khai dự án NCMR NMLD Dung Quất cũng cho phép phát huy tối đa cơ sở hạ tầng hiện hữu của nhà máy; đội ngũ nhân lực dồi dào và chất lượng cao đã và đang được đào tạo trong nhiều năm qua tại BSR; các chuỗi cung ứng dịch vụ vệ tinh như dịch vụ bảo dưỡng, cung cấp vật tư phụ tùng, xúc tác hóa phẩm, các dịch vụ tín dụng ngân hàng, bảo hiểm, bao tiêu sản phẩm, cung cấp vận chuyển dầu thô... Theo đó hiệu quả kinh tế tổng hợp mang lại có tiềm năng cao và tạo động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, miền trung và cả nước nói chung.

Mở rộng hóa dầu

NMLD Dung Quất có phân xưởng sản xuất Polypropylene với công suất 150.000 tấn/năm đã đi vào vận hành thương mại năm 2010 và đáp ứng gần 30% nhu cầu Polypropylene trong nước.

Bên cạnh việc sử dụng nguồn nguyên liệu là Propylene từ phân xưởng RFCC của NMLD Dung Quất, thì việc phát hiện mỏ khí Cá Voi Xanh là cơ hội lớn cung cấp thêm nguồn nguyên liệu dạng khí cho sản xuất hạt nhựa và các sản phẩm hóa dầu cao cấp khác. Mỏ khí Cá Voi Xanh với trữ lượng khoảng 15,7 TCF (445 tỷ m3) là mỏ khí có trữ lượng vào loại lớn nhất Việt Nam hiện nay, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2023 với sản lượng trung bình giai đoạn đầu khoảng 7,2 tỷ m3/năm và tăng lên 8,8 tỷ m3/năm sau khi mở rộng mỏ, trong đó phần dành cho hóa dầu là 1,6 - 1,7 tỷ m3/năm.

Công nghệ lọc dầu hiện đại hiện nay có thể sử dụng khí Cá Voi Xanh thay thế nguyên liệu LPG/Naphtha tại NMLD Dung Quất cho sản xuất Hydro phục vụ cho NMLD sau NCMR và làm khí nhiên liệu cho NMLD để giảm chi phí giá thành. Hơn nữa, tận dụng thành phần Carbon trong CO2 (vốn có nhiệt trị cháy bằng 0) trong khí Cá Voi Xanh sẽ rất thích hợp cho phản ứng tổng hợp Methanol. Tiếp theo, Methanol sẽ được chuyển hóa thành Olefins (Ethylene/Propylene) qua công nghệ MTO/MTP và từ đó sản xuất các sản phẩm hóa dầu tiềm năng (như PP, PE).

Lợi nhuận hóa dầu ổn định ở mức cao hơn lợi nhuận lọc dầu, do đó để kéo dài chuỗi giá trị gia tăng, giảm rủi ro và tăng lợi nhuận, xu hướng tích hợp tối đa với hóa dầu từ các sản phẩm lọc dầu cũng như tận dụng tối đa các nguồn nguyên liệu sẵn có là cần thiết. Việc kết hợp và tích hợp khí Cá Voi Xanh vào NMLD Dung Quất sẽ tạo thành Trung tâm Lọc Hóa dầu lớn ở khu vực miền trung.