Nâng cao nhận thức về đánh giá tác động chính sách

Phương pháp đánh giá tác động pháp luật hay còn gọi là đánh giá tác động chính sách (Regulatory Impact Accessment - RIA) đã được nói đến nhiều hơn trong thời gian qua, song thói quen sử dụng RIA trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế được nhận định là lý do nhiều văn bản pháp luật có chất lượng thấp khi được ban hành.

Chính sách đúng đắn mới tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh: TRẦN HẢI
Chính sách đúng đắn mới tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh: TRẦN HẢI

Vai trò của RIA

RIA lần đầu tiên được vận dụng ở Mỹ vào năm 1978 sau đó là đến giữa thập niên 1990 của thế kỷ trước, đã có khoảng 12 nước của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vận dụng RIA dưới những hình thức nhất định, dù có sự khác biệt khá lớn trong quy mô phân tích mà mỗi quốc gia yêu cầu. Đến năm 2000, 20 trong số 28 nước OECD đã áp dụng RIA, và hiện nay, RIA đã rất phổ biến tại tất cả các nước thành viên OECD. Với Ngân hàng Thế giới, RIA cũng là một thước đo đáng tin cậy và được khuyến khích tại những quốc gia thụ hưởng các hoạt động của Ngân hàng. Nhờ đó, hiện ngày càng có nhiều nước đang phát triển ứng dụng cách tiếp cận đánh giá tác động này.

Vào những giai đoạn ban đầu của chu trình chính sách, khi các mục tiêu chính sách được thiết kế nhưng có nhiều phương án hành động trong tầm tay, RIA là một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ để đưa ra quyết sách. Mặc dù RIA không thay thế cho việc hoạch định chính sách nhưng góp phần hỗ trợ thiết kế chính sách hiệu quả hơn nhờ mang lại những thông tin vững chắc, và sự biện minh nhất quán, vững vàng cho hành động của chính phủ.

Như vậy, mục đích chung của RIA là giúp chính phủ các nước hoạch định chính sách hiệu quả hơn. Do đó, lợi ích của việc sử dụng RIA là nâng cao chất lượng văn bản pháp luật, qua đó góp phần nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế và nâng cao tính công bằng xã hội; giảm thiểu rủi ro pháp lý; nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với hành động và kết quả của chính sách (trong quan hệ giữa các cơ quan chính phủ với công chúng); đồng thời, giảm bớt các lỗi chính sách qua việc: hỗ trợ xác định rõ ràng hơn mục tiêu của thay đổi về chính sách, đánh giá đầy đủ các thay đổi dự kiến, bao gồm cả tác động không dự kiến với các nhóm không nằm trong đối tượng mục tiêu của chính sách, bảo đảm tính thống nhất đối với các công cụ chính sách, các văn bản pháp luật khác, đánh giá lợi ích mang lại có xứng đáng với chi phí không, bảo đảm quá trình tham vấn được thực hiện minh bạch và có hiệu quả, và bảo đảm tuân thủ các thỏa thuận quốc tế.

Trường hợp áp dụng tại Việt Nam

Trong khuôn khổ Sáng kiến hợp tác về Cải cách thể chế APEC-OECD, Việt Nam lần đầu tiên tham dự hội thảo giới thiệu về RIA tháng 9 năm 2001. RIA sau đó được Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ), Bộ Tư pháp, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ (PMRC), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương giới thiệu chi tiết và áp dụng vào quá trình hoạch định và ban hành chính sách của Việt Nam. Với việc xuất hiện của chế định RIA trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên trong ASEAN chính thức áp dụng RIA trong công tác xây dựng pháp luật... RIA đã trở thành một yêu cầu bắt buộc sau khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Nghị định 24/2009/NĐ-CP có hiệu lực.

Theo các chuyên gia sở dĩ cần áp dụng RIA tại Việt Nam vì trong những năm gần đây, số lượng văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam tăng nhanh (trong giai đoạn 2005-2008, trung bình mỗi năm có khoảng 860 văn bản quy phạm pháp luật và gần 2.560 văn bản không mang tính quy phạm (công văn, thông báo, chỉ thị) được ban hành). Dù đã trở thành quy định bắt buộc nhưng theo các chuyên gia, RIA vẫn chưa thật sự được coi trọng. Thực tế cho thấy khá nhiều trường hợp dự thảo báo cáo RIA đã không được công khai để lấy ý kiến đóng góp theo quy định.

Kết quả khảo sát về RIA tại Việt Nam giai đoạn 2009-2010 cho biết, hầu hết những người tham gia khảo sát đều cho rằng họ đã từng nghe nói đến RIA, nhưng hiểu biết về RIA chưa đầy đủ. Chỉ có 65,2% số cán bộ soạn thảo và 76,3% cán bộ thẩm tra, thẩm định trả lời đúng câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn “RIA như một văn bản” và 51,1% cán bộ soạn thảo và 59,5% cán bộ thẩm tra, thẩm định trả lời đúng.

“RIA cũng là một quá trình nghiên cứu, phân tích chính sách”. Điều này cho thấy, các cơ quan soạn thảo không có thói quen sử dụng RIA trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo các chuyên gia, đó chính là lý do nhiều văn bản pháp luật có chất lượng thấp đã được ban hành. Nhìn chung, chất lượng phần lớn các báo cáo RIA còn kém, thường có bố cục không rõ ràng, các mục tiêu chính sách và đánh giá tác động phương án quá chung chung, mang tính khẩu hiệu, không có tính thuyết phục.

Các chuyên gia cho rằng, khi không nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của RIA trong xây dựng luật, không chỉ dẫn tới việc ban hành chính sách kém hiệu quả, tạo những gánh nặng chi phí cho Nhà nước và người dân (chi phí xây dựng, chi phí thực thi) mà còn sẽ gây tác động tiêu cực, hậu họa khó lường đối với những nhóm đối tượng chịu tác động, bị điều chỉnh bởi quy định đó. Do vậy, cần nâng cao nhận thức về RIA cũng như áp dụng RIA trong tất cả cấp ngành trong xây dựng luật.

Thực tế thời gian qua chúng ta mới chỉ áp dụng RIA ở cấp trung ương, trong khi các loại văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Thủ tướng trở xuống lại không bị bắt buộc phải thực hiện RIA trong quy trình soạn thảo. Đây là một lỗ hổng trong chính sách. Bởi có rất nhiều văn bản pháp luật của các bộ, ngành, địa phương được ban hành xuất phát từ nhu cầu điều hành, quản lý. Những văn bản này tác động rất nhanh, rất mạnh đến đời sống của doanh nghiệp và người dân. Do vậy, nếu không có “bộ lọc” RIA thì sẽ khó ngăn chặn được những chính sách pháp luật có chất lượng kém, gây tác động tiêu cực cho xã hội.

Một số giải pháp, kiến nghị

Theo các chuyên gia cần nhận thức rõ, những chính sách quan trọng, liên quan đến những vấn đề cấp thiết nhất của đời sống, đến lợi ích của nhiều người thì việc đánh giá chính sách là rất cần thiết để hoàn thiện chính sách, tránh các rủi ro lãng phí xảy ra, đặc biệt là tránh những phản ánh ngược lại những mong muốn của Chính phủ. Thứ hai, xây dựng các tiêu chí đánh giá một cách đầy đủ và đúng đắn. Tùy theo từng lĩnh vực, sẽ có các tiêu chí đánh giá chính sách khác nhau.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo quan tâm đến dư luận xã hội, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để thấy được các bất cập trong hoạch định và quá trình thực thi chính sách. Các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội và ý kiến đóng góp của các tổ chức quần chúng là các kênh phản hồi quan trọng về chính sách. Việc quan tâm theo dõi và tiếp nhận những thông tin này sẽ giúp các cơ quan chức năng của Nhà nước định hướng việc xây dựng chính sách. Những ý kiến nói trên cũng sẽ tạo cơ sở để hình thành các đề xuất nhằm tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung chính sách.

Cuối cùng, dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho việc đánh giá chính sách. Việc bỏ ra một khoản kinh phí cần thiết và sử dụng hiệu quả kinh phí đó cho đánh giá chính sách sẽ đem lại lợi ích đáng kể cho quá trình tiếp tục vận hành chính sách trong giai đoạn tiếp theo, khắc phục những hạn chế bất cập của chính sách và bảo đảm cho chính sách đáp ứng các yêu cầu của cuộc sống.