Nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ

Lĩnh vực khai thác hải sản ở nước ta những năm gần đây có bước phát triển vượt bậc, đội tàu cá xa bờ tăng lên hơn 31.500 chiếc, song việc khai thác vẫn mang nặng tính thủ công, tổn thất sau thu hoạch ở mức cao, từ 20-30%. Do vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải có giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.

Ngư dân cần thay đổi nhận thức từ nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại.
Ngư dân cần thay đổi nhận thức từ nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại.

Theo Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), Việt Nam là một quốc gia biển lớn trong vùng Biển Đông, được đánh giá là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và là một trong 20 vùng biển có nguồn lợi thủy sản giàu nhất toàn cầu. Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2 với hơn 4.000 đảo lớn nhỏ trải dọc từ bắc vào nam cùng với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chiếm vị trí tiền tiêu cực kỳ trọng yếu ở Biển Đông. Điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú là cơ sở cho phát triển các lĩnh vực thủy sản. Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển của đất nước, luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền trong mọi hoạt động phát triển kinh tế thủy sản. Với đặc thù nghề cá nhân dân, phát triển thủy sản được triển khai rộng khắp từ những vùng ven biển đến các hải đảo xa xôi và bao quát cả vùng biển đặc quyền kinh tế trên biển, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh trật tự và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Dù có nhiều cơ hội trong việc phát triển kinh tế biển nhưng thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ. Đó là cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; tình trạng sản xuất manh mún, tự phát đang còn phổ biến; hầu hết tàu cá đều được đóng bằng gỗ nên tuổi thọ và độ an toàn của tàu thường thấp, khả năng cơ giới hóa các khâu sản xuất trên tàu bị hạn chế, sản phẩm khai thác đưa vào bờ mang hàm lượng khoa học công nghệ không cao.

“Kết quả điều tra cho thấy, các tàu khai thác hải sản xa bờ lắp máy cũ chiếm tới 88,6% tổng số tàu khai thác xa bờ. Do máy cũ lại sai công năng sử dụng nên các loại máy này độ bền thường thấp, hay bị hỏng hóc bất thường, ảnh hưởng đến độ an toàn và hiệu quả chuyến biển. Trang bị khai thác chưa đầy đủ nên hạn chế hiệu quả khai thác và an toàn sản xuất”, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cho biết: “Để nâng cao hiệu quả trong khai thác hải sản, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động trên biển, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động trên tàu thì công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác thủy sản cần đi trước một bước. Trước tiên, tàu thuyền phải được thiết kế hợp lý, vật liệu đóng tàu phải đáp ứng được môi trường làm việc khắc nghiệt, cơ giới hóa các khâu sản xuất, thiết bị bảo quản phải đáp ứng được yêu cầu bảo quản sản phẩm dài ngày trên biển”.

Nhận thức đầy đủ vấn đề này, những năm qua, Tổng cục Thủy sản luôn quan tâm chỉ đạo mảng khoa học công nghệ tập trung nghiên cứu, chuyển giao hỗ trợ các tiến bộ về khoa học công nghệ cho bà con ngư dân. Nhờ đó đã đạt được những kết quả bước đầu với nhiều tàu được trang bị máy móc hiện đại phục vụ cho khai thác, bảo quản sản phẩm.

Ông Phan Hữu Nhất, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi cho biết, những năm gần đây, ngư dân trong xã được tiếp cận, nắm bắt và ứng dụng thành thạo có hiệu quả khoa học kỹ thuật trong khai thác vào bảo quản sản phẩm trên tàu xa bờ như sử dụng máy ra-đa, máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc, máy tự động nhận dạng, các loại máy dò quét... đã mang lại hiệu quả với sản lượng khai thác tăng cao, tăng thu nhập sau mỗi chuyến biển. Hiện, toàn xã Tịnh Kỳ có 100 tàu cá hành nghề lưới vây và các nghề khác được trang bị máy dò ngang, với kết quả đánh bắt luôn đạt năng suất cao, phiên biển được rút ngắn. “Theo các chủ tàu cá trong xã, khi chưa có máy dò ngang, mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 25 ngày, sản lượng đánh bắt chỉ đạt 9-11 tấn hải sản các loại. Sau khi lắp máy dò ngang, sản lượng đánh bắt đạt 17-20 tấn, tăng hơn 50%, chi phí nhiên liệu giảm xuống hơn 25%”, ông Phan Hữu Nhất chia sẻ và thông tin thêm: trang bị ra-đa cho tàu cá được ngư dân đánh giá là một bước tiến mới trong quá trình hiện đại hóa đội tàu cá. Bởi lẽ, đối với bà con ngư dân thì ra-đa chính là “vệ sĩ” trên các tàu đánh bắt xa bờ để bảo vệ tàu và bà con khi hành nghề trên biển. Ngoài ra, việc sử dụng hầm cá theo công nghệ PU FOAM giúp ngư dân kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm trên biển từ sáu đến bảy ngày đêm lên đến 20 ngày, chất lượng bảo quản sản phẩm tốt, giảm mức tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 15%.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên, thời gian qua, nghề câu cá ngừ đại dượng của ngư dân trong tỉnh không ngừng được cải tiến và ngày càng được trang bị hiện đại cả về máy móc, trang thiết bị. Đặc biệt, từ năm 2012, nghề câu tay kết hợp ánh sáng phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, do chất lượng cá thấp nên giá cũng thấp. Vì thế, ngư dân tỉnh này chuyển sang sử dụng thiết bị gây tê cá ngừ, giúp nâng cao chất lượng cá ngừ, tăng năng suất đánh bắt, giảm chi phí chuyến biển.

Để đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng, Tổng cục Thủy sản cho rằng lĩnh vực khai thác thủy sản phải có định hướng phát triển khoa học công nghệ theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, Tổng cục Thủy sản đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác. Cụ thể, quản lý số lượng và chất lượng đội tàu đóng mới phải đáp ứng các quy định về hầm bảo quản, trang thiết bị trên tàu; hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản, trong đó tập trung thay đổi công nghệ khai thác, công nghệ dự báo, trang thiết bị trên tàu, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm hải sản trên tàu; phát triển nghề cá viễn dương... Trước mắt, cần nhanh chóng đưa ngành khai thác hải sản xa bờ từ một ngành còn mang nặng tính chất thủ công, lạc hậu trở thành một ngành khai thác công nghiệp, có trình độ chuyên môn hóa, hợp tác hóa, liên hợp hóa ở trình độ cao. Công nghiệp khai thác gắn với công nghiệp bảo quản, chế biến các sản phẩm khai thác được ngay trên tàu nhằm bảo đảm các sản phẩm hải sản khai thác được có tính cạnh tranh cao, có chất lượng và được thị trường chấp nhận.

Đối với giải pháp thực hiện, ngoài giải pháp về quy hoạch, về chính sách đầu tư đóng mới thay thế đội tàu khai thác hải sản cũ bằng đội tàu tiên tiến, hiện đại, nâng cao năng lực đánh bắt, chất lượng sản phẩm thì giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới trong khai thác hải sản nhằm thay đổi nhận thức của ngư dân về nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại đóng vai trò hết sức quan trọng. “Từ nghề cá tiếp cận mở với nguồn lợi sang nghề cá có kiểm soát. Hiệu quả nghề cá có được phải vận hành theo chuỗi giá trị từ khai thác đến bàn ăn của người tiêu dùng, trong đó có hiệu quả của người khai thác hải sản”, ông Phạm Ngọc Tuấn nói.

Nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ ảnh 1

Nhiều chủ tàu cá Quảng Ngãi nhờ sử dụng máy dò ngang hiện đại đã nâng cao hiệu quả đánh bắt.